Tiếng chê chân chính là khi được
ý thức và duy trì sự có mặt của năng lượng chánh niệm trước khi muốn
góp ý về một vấn đề gì. Không chỉ trích lên án. Không buộc tội. Không
nói xấu để hạ nhục người khác. Không với mục đích trừng phạt, hơn thua,
có khi vì lợi ích tư hữu. Tiếng chê chân chính không còn gọi là “chê”
khi nó được thể hiện bằng lời góp ý chân tình và ái ngữ. Góp ý tùy thời,
tùy nơi. Đúng đối tượng. Hợp hoàn cảnh. Nhất là biết nhìn sâu trong
niềm cảm thông, và kiên nhẫn chờ đợi một sự chuyển hóa. Có khi còn dành
cho người khác nhiều không gian để thay đổi tập quán, và tôn trọng sự
khác biệt của họ. Khi quở trách ai, trước hết cần hiểu rằng mình cũng
còn nhiều yếu điểm chưa hay hơn người. Mình cần học hỏi những yếu kém
của người khác để không lập lại tình trạng ấy. Đây cũng là một nếp sống
có chánh niệm, vì biết ý thức và nhận diện những khổ đau đang có mặt
xung quanh mình.
Chúng ta sống một đời sống có chánh
niệm, là sống có tình thương. Vì vậy, khi khen, chỉ với mục đích duy
nhất là nuôi dưỡng sự sống. Khi quở trách, chỉ với mục đích duy nhất là
xây dựng, bảo vệ, che chở, mà không làm tổn thương đến sự sống hay đến
bất cứ ai. Ngoài những nội dung này, dù khen hay chê, sẽ đem lại những
hệ quả không tốt đẹp. Nhất là mang lại nhiều tổn thương cho chính mình,
cho nhiều người, cho tất cả.
Chúng ta sống ở đời, cần sống với lòng
lân mẫn. Sống biết cần đến nhau vì sự thật sự sống là tương quan. Cái
này có mặt vì cái kia có mặt. Nên những yếu kém của bất cứ ai, hay bất
cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều có phần trách nhiệm và
trực tiếp hoặc gián tiếp để nhận lãnh một phần trách nhiệm ấy. Những gì
chúng ta thường quan niệm để hình thành định kiến, cũng chỉ là pháp
tương đối trong thế gian. Vô vàn pháp tương đối ấy, nhiều sự thật được
hiển bày nếu biết nhìn sâu. Vì thế, lời khen tiếng chê cũng là pháp
tương đối: “Không ai hoàn toàn được khen. Mà cũng không ai hoàn toàn bị
chê”. Chỉ cần thấy và chấp nhận sự thật này, tâm trạng buồn khổ, tủi sầu
khi bị chê được giảm thiểu. Tâm lý tự đắc khi được khen không chi phối
mình. Tâm lý mặc cảm yếu kém hoặc ngang bằng cũng khuynh động được mình.
Một câu chuyện thời Bụt được ghi lại trong tạng kinh Nikaya, như sau:
Có một chàng trai tên Tu Lại, sống tại
thành Xá Vệ. Vào một buổi sáng chàng mời một nhóm bạn rất trẻ đi đến tu
viện Kỳ Viên để dạo chơi, ngắm cảnh.
Sau vài giờ rong chơi, họ gặp thầy Ly Bà
Đa và thỉnh thầy thuyết pháp. Thầy Ly Bà Đa là người chuyên tu, ưa
thích hạnh sống một mình. Thầy thường tĩnh lặng để thực tập thiền định,
nên không quen chuyện trò khi tiếp xúc với nhiều người. Tuy vậy, thầy
rất vui lòng để mời tất cả những bạn trẻ ngồi xuống và đề nghị giữ sự
yên lặng trong tu viện mà đừng cười giỡn huyên náo. Đợi họ ngồi yên, rồi
thầy nhìn họ và mỉm cười. Thầy giữ sự yên lặng nên không chia sẻ gì với
các bạn trẻ.
Anh Tu Lại thấy vậy liền khởi tâm tự ái,
nên nghĩ thầm: “Ông thầy này không thèm nói chuyện với mình và các bạn
của mình. Hay là ổng khinh mình!”. Lòng tự ái dâng lên, anh chàng bèn
gọi cả nhóm bạn đứng dậy, bỏ đi. Trên đường đi, họ gặp thầy Xá Lợi Phất.
Thầy Xá Lợi Phất hỏi:
Các bạn đi đâu vậy?
Anh Tu Lại đại diện cho cả nhóm, thưa với thầy Xá Lợi Phất:
-Thưa thầy! Con đưa các bạn đi chơi và
nghe pháp. Chúng con đã gặp thầy Ly Bà Đa và thỉnh cầu thầy chỉ dạy vài
lời. Nhưng thầy ấy cứ im lặng, rồi mỉm cười mà không nói năng gì với
chúng con cả! Chúng con thấy buồn chán nên đi tới đây. Xin thầy hãy trò
chuyện với chúng con!
Thầy Xá Lợi Phất thấy các chàng trai tội
nghiệp. Thầy thương lắm. Liền bảo họ ngồi xuống để thầy nói chuyện. Vì
biết nhóm bạn trẻ này hiếu động lăng xăng, nên thầy đem hết lòng nhiệt
tình của mình mà hướng dẫn rất chi tiết về những điều cần thực tập để
đem lại hạnh phúc trong cuộc sống.
Có lẽ vì quá ham chơi, nên cả nhóm đều
không để tâm lắng nghe lời thầy hướng dẫn. Rồi nhiều người sinh ra buồn
ngủ và chán nản. Anh Tu Lại nghĩ: “Thầy này thuyết giảng khó hiểu, dài
dòng. Những lời ổng nói không những không đem lại lợi lạc gì cho mình,
mà còn làm mất thời giờ của mình nữa!”. Rồi gọi nhóm bạn đứng dậy, bỏ
đi.
Trên đường đi ra cổng tu viện, nhóm thanh niên này gặp thầy A Nan. Anh Tu Lại thưa với thầy A Nan:
-Thưa thầy! Chúng con tìm đến thầy Ly Bà
Đa, mong được nghe pháp, mà thầy đó cứ im lặng như một vách tường,
chẳng nói với chúng con lời nào. Chúng con gặp thầy Xá Lợi Phất thì thầy
lại nói dài dòng, lẩn quẩn, khó hiểu. Làm chúng con rất bực mình. Mong
thầy hãy trò chuyện với chúng con.
Thầy A Nan cười rất tươi. Thầy bảo:
-Được thôi! Bây giờ tôi mời các anh hãy
ngồi xuống bóng mát dưới một gốc cây bên kia. Tôi sẽ vì các anh mà chia
sẻ những gì tôi tu được. Hy vọng sẽ giúp các anh được chút ít!
Biết ý nhóm trẻ, thầy A Nan nói rất
ngắn gọn. Những phương pháp hành trì được thầy chỉ bày tận tình, nhưng
rất đơn giản và ngắn gọn. Nhưng nhóm bạn này cũng không bằng lòng với sự
trình bày của thầy. Cả nhóm giận dỗi, bỏ đi.
Lần này họ gặp được Bụt. Bụt đang ngồi
dưới một gốc cây cổ thụ trong tu viện. Họ bèn đến gần Bụt. Đảnh lễ, rồi
ngồi xuống một bên. Bụt hỏi: “Các anh có điều gì không vui phải không?
Sao tôi thấy nét mặt người nào cũng căng thẳng!”.
- Bạch Thế Tôn! Chúng con đến đây để đi
dạo và tìm các thầy để chuyện trò. Nhưng chúng con quá đỗi thất vọng.
Thầy Ly Bà Đa thì im lặng không nói nửa lời. Thầy Xá Lợi Phất thì hướng
dẫn dài dòng. Chúng con ngồi lâu thật ê ẩm, làm phí thời gian của chúng
con. Còn thầy A Nan thì làm biếng, cho pháp thoại mà kiệm lời. Nói vài
câu rồi kết thúc. Chúng con đường xa tới đây, bỏ phí nhiều dự án đáng lẽ
phải làm. Thật sự chúng con không hài lòng về các thầy chút nào!”.
Nghe xong, Bụt dạy:
- Này anh Tu Lại và các bạn trẻ! Thế
gian từ xưa đến nay, khen chê là chuyện thường tình. Nói ít, nói nhiều,
hay im lặng cũng đều bị chê. Không có một người nào được khen hoàn toàn
mà cũng không có một người nào bị chê hoàn toàn. Ngay cả các vị lãnh tụ,
thủ tướng, các vị đế vương, dù tài giỏi đến bực nào cũng bị người đời
chê, rồi khen. Trái đất, mặt trăng, mặt trời, vũ trụ, chim chóc, núi non
v.v... cũng bị người đời khen chê, bình phẩm. Chính tôi đây, nhiều lần
ngồi giữa bốn chúng để giảng dạy mà bên dưới cũng có người cất lời tán
thán, cũng có người lên tiếng chửi mắng, chê bai, vu khống. Lời khen và
sự chê bai ấy, nếu đến từ người kém hiểu biết, đến từ người liệt tuệ,
đến từ người thiếu đạo đức, thì lời khen chê đó không đáng để cho mình
phải bận lòng. Nhưng nếu lời khen và sự quở trách ấy đến từ các bậc thức
giả, các vị có sự hành trì chuẩn mực trong tu học, các vị có tuệ giác
lớn, hoặc các vị có tình thương muốn đóng góp xây dựng, thì chính những
lời nói ấy mới thật sự để tâm ghi nhớ mà học hỏi, quán chiếu, hành trì.
Vì đó là lời khen hoặc sự quở trách chân chính.
Chúng ta cần quán chiếu về câu chuyện
trên và thực tập chánh tư duy để giữ được tâm bình thản trước mọi vấn
đề, dù vấn đề ấy đến từ bên trong hoặc bên ngoài. Tất cả những cảm giác
trong nội tâm cần được lắng dịu, cần được nhận diện (không phân tích,
xua đuổi, bám víu) vì đó là việc thực tập cần thiết và trước nhất. Tâm
có được sự định tĩnh, thì chúng ta dễ dàng thoát khỏi mọi sự khống chế
bởi các cảm thọ, tri giác, tâm hành đang hiện hữu. Chuyên chú và ý thức
sự ra vào của hơi thở một cách tự nhiên, buông thư, sẽ có công dụng làm
lắng dịu và chuyển hóa những vùng cảm xúc đang rối loạn, đang chi phối.
Tất cả mọi tri giác và tâm hành nếu thiếu sự soi sáng của chánh niệm, sẽ
có tác dụng khống chế và đánh mất tự do. Chánh niệm cũng là một tâm
hành. Tâm hành này cần được nuôi dưỡng từng phút từng giây.
Tuy nhiên, một khía cạnh khác rất có giá
trị qua lời khen hoặc sự quở trách. Nếu những lời nói ấy đến từ các bạn
đồng tu, đến từ các bậc thiện tri thức, thì chúng ta cần lắng nghe, cần
tiếp nhận với lòng biết ơn chân thành để suy gẫm, quán chiếu. Đây là
cách tiếp nhận chuẩn mực và có ý thức. Chắc chắn cách tiếp nhận này sẽ
đem tới nhiều cơ hội “tự nhìn sâu” để nuôi dưỡng cái đẹp vốn có và
chuyển hóa những tập khí chưa tốt đẹp. Hạnh phúc lớn nhất là biết rõ
tình trạng, vượt ngoài tham đắm và chán ghét đối với cuộc đời.
Xóm Trời Quang, mùa an cư 2011.
Tạp chí DPNN