1. Duyên
khởi
Trên các tượng Phật và
tòa tháp PG thường khắc “Pháp thân kệ”, với nội dung: “Nhược pháp nhân
duyên sinh, pháp dịch nhân duyên diệt; thị sinh diệt nhân duyên, Phật
đại sa môn thuyết.” Ở đây “Phật đại sa môn” là tôn xưng của Phật Đà. Câu
nói trên tuyên truyền ý: vạn pháp vũ trụ đều dựa theo nhân duyên mà
sinh diệt, kể cả ngoại cảnh mặt vật chất và tâm thức mặt tinh thần, đều
do “duyên” mà sinh ra, tức sự hòa hợp nguyên nhân hoặc điều kiện, duyên
đến (“tập”) thì pháp sinh, duyên đi (“khứ”) thì pháp diệt. Đây là tư
tưởng cơ bản của thuyết Duyên Khởi.
Duyên Khởi là tư tưởng,
giáo lý cơ bản nhất của PG, thể hiện quan điểm của PG đối với đời người,
với tồn tại và sinh mệnh, là cơ sở triết học của giáo thuyết cụ thể và
tư tưởng quan trọng của PG, như nhân quả, không hữu, trung đạo, bình
đẳng, từ bi, giải thoát v.v…
Nói cách khác, các giáo
thuyết cụ thể và tư tưởng quan trọng của PG đều là sự triển khai của tư
tưởng Duyên Khởi. Thuyết Duyên Khởi khác với thuyết Vô Nhân (không có
nguyên nhân), thuyết Ngẫu nhiên, thuyết Thần tạo và thuyết Định mệnh; nó
là một luận thuyết tương đối hợp lý về sự sinh thành diễn biến và về bộ
mặt vốn có của thế giới. Duyên Khởi luận là thế giới quan độc đáo của
PG, là đặc sắc lớn nhất và đặc trưng căn bản để phân biệt PG với các tôn
giáo khác.
Tư tưởng Duyên Khởi chứa
đựng hai tư tưởng quan trọng là “quan hệ” và “quá trình”, là thế giới
quan của thuyết quan hệ, thuyết quá trình.
PG Trung Quốc đã phát
triển thuyết Duyên Khởi, như thuyết “Tính cụ”, thuyết “Thập giới hỗ cụ”
của Thiên Đài tông, thuyết “Tính khởi”, thuyết “Sự vật vô ngại” và
thuyết “Một tức là tất cả, tất cả tức là một” của Hoa Nghiêm tông, đều
nhấn mạnh một sự vật thì có mối quan hệ hàm nhiếp (thay mặt) mà vô ngại
với các sự vật khác, giữa các sự vật thì có mối quan hệ Duyên Khởi cùng
là Duyên của nhau. Xét về tầng nấc tư duy lý luận thì đây là sự suy đoán
mộc mạc mà thiên tài về nguyên lý thể cộng đồng vũ trụ.
Duyên Khởi là một mối
quan hệ, cũng là một quá trình. PG cho rằng do vạn vật trong vũ trụ đều
là Duyên Khởi nên đều có tứ tướng sinh, trú, dị, diệt, là một quá trình
không ngừng biến dị. Cũng vậy, con người sống trong quá trình sinh, lão,
bệnh, tử và sinh tử lưu chuyển. Cần thừa nhận tư tưởng quá trình đó hàm
chứa tư tưởng vận động, biến hóa, phát triển, nên coi đó là biểu hiện
của tư duy biện chứng.
2. Nhân Quả
Duyên Khởi nói nhân duyên
hòa hợp mà sinh ra “Quả”. Cái có thể sinh kết quả là Nhân, cái do
nguyên nhân mà sinh là kết quả. Về thời gian thì Nhân trước, Quả sau.
Nhân Quả tồn tại trong diễn biến trước sau nối nhau, trong sự hòa hợp
liên quan đến nhau. Có nguyên nhân thì tất có kết quả; có kết quả tất có
nguyên nhân. Mọi sự vật đều biến đổi sinh diệt theo phép Nhân Quả. Luật
Nhân Quả là lý luận cơ bản PG dùng để giải thích mối quan hệ tương hỗ
của mọi sự vật.
Dựa vào phép Duyên Khởi,
PG tiến thêm một bước đưa ra tư tưởng Nhân Quả Báo Ứng nhằm giải thích
mối quan hệ giữa hoạt động thân tâm (thể xác và tinh thần) của các chúng
sinh với kết quả. Về luân lý, nó trình bày thuyết thiện có thiện báo,
ác có ác báo, tức thiện Nhân lạc Quả, ác Nhân khổ Quả, cho ta cơ sở tư
tưởng vững chắc và hữu hiệu để quảng đại tín đồ tu trì đạo đức bỏ ác
theo thiện.
PG cho rằng hoạt động
thân tâm của chúng sinh không những đem lại quả báo cho chính mình mà
còn mang lại quả báo cho không gian, môi trường sinh tồn của sinh mệnh;
từ đó lại chia quả báo ra làm hai loại “Chính Báo” và “Y Báo” (“y” : dựa
vào, theo).
Chính Báo là nói thân tâm
chúng sinh chiêu cảm được dựa theo nghiệp nhân trong quá khứ, tức sự
tồn tại sinh mạng cụ thể là chủ thể, là chính thể của quả báo trực tiếp.
Y Báo là nói sự tồn tại
sinh mệnh chúng sinh chiêu cảm được dựa theo túc nghiệp trong quá khứ;
sự tồn tại đó dựa vào ngoại vật, hoàn cảnh, gồm quần áo, nhà ở, đất đai
sông núi và toàn bộ thế giới xung quanh.
Tóm lại, Chính Báo chỉ
chúng sinh, chúng sinh thế gian; Y Báo chỉ nơi chốn chúng sinh dựa vào,
tức quốc thổ thế gian. PG còn cho rằng bối cảnh thời đại, môi trường
sống, quốc thổ, núi sông đều là quả báo do đa số chúng sinh cùng chiêu
cảm được, gọi là “Cộng Báo”.
Các tư tưởng quả báo này
của PG thể hiện sự hiểu rõ mối quan hệ Duyên Khởi đối với mối quan hệ
tương hỗ giữa thế giới chủ thể và thế giới khách thể, thế giới chủ quan
và thế giới khách quan, thể hiện sự quan tâm đối với kết quả hoạt động
của các loại chúng sinh, sự quan tâm đối với môi trường tự nhiên, môi
trường sống.
Thiên Đài Tông còn từ góc
độ tu trì thực tiễn đề ra thuyết “Nhân Quả bất nhị” , tuyên truyền: con
người ở Nhân vị và Phật ở Quả vị, về bản chất không có gì khác biệt,
khuyến khích người thường tu thành Phật. Lại đề xuất thuyết “Y chính bất
nhị”: Phật thân là Chính Báo, Phật thổ là Y Báo, Phật thân và Phật thổ
bất nhị, Chính Báo và Y Báo bất nhị, hai cái đó cùng thay mặt cho “Nhất
niệm tam thiên”, mà quy về nhất tâm.
3. Trung Đạo
Là con đường chính giữa
không lệch về bên nào, vượt trên sự cực đoan, lệch về hai bên hữu vô
(“không”), nhất dị, khổ lạc, yêu ghét. Trung Đạo là lập trường căn bản
và đặc sắc cơ bản của PG. Thích Ca Mâu Ni phản đối thuyết Thần Ngã của
đạo Bà La Môn; về lý luận đề xuất phép Duyên Khởi “Thử hữu bỉ hữu, thử
sinh bỉ sinh”, “Thử vô bỉ vô, thử diệt bỉ diệt”, từ đó nhấn mạnh “Ly vu
nhị biên, thuyết vu Trung Đạo”. Cũng là nói dựa theo thuyết Duyên Khởi
bất hữu bất vô, bất nhất bất dị, bất thường bất đoạn, bất lai bất khứ.
Trong thực tiễn, Thích Ca
Mâu Ni đề xuất “Bát Chính Đạo”, vừa phản đối chủ nghĩa khoái lạc lại
phản đối chủ nghĩa khổ hạnh, đề xướng Trung Đạo Hạnh bất khổ bất lạc,
tức tư duy, lời nói, hành vi, ý chí, đời sống … của con người đều nên
vừa phải, giữ ở mức ở giữa không lệch bên nào.
Không và Hữu (có) là hai
cách nhìn cơ bản của PG đối với vũ trụ nhân sinh. PG dạy Pháp có thể
không nói ra Không (“thuyết bất xuất không”), là có hai nghĩa; sau khi
có đức Thích Ca, nội bộ PG dần dần diễn hóa thành hai tông Không Hữu.
Trong PG Tiểu thừa, hệ Câu Xá là Hữu Tông, hệ Thành Thực là Không Tông.
PG Đại thừa cũng chia làm hai hệ thống lớn. Trung Quan học phái là Không
Tông, Du Già (Yoga) hành phái là Hữu Tông.
Hai tông Không Hữu đều
thừa nhận lập trường lý luận cơ bản Duyên Khởi tính Không; chỉ là triển
khai theo lý luận cơ bản này; nói một cách tương đối thì Không Tông
tương đối nhấn mạnh mặt tính Không của chư pháp, Hữu Tông thì tương đối
nhấn mạnh mặt Hữu của chư pháp với tư cách là hiện tượng Duyên Khởi.
Vì vạn pháp là Duyên
Khởi, được xác định trong mối quan hệ, cho nên có tính “Vô Ngã”, tức vừa
không có Tự tính, không có tính thực thể, cũng tức là bản tính, bản
chất là Không. Đây là bản nghĩa của Không. Vạn pháp nếu đã xác lập trong
mối quan hệ cũng tất nhiên là một quá trình biến đổi hỗ động, có tính
“Vô thường”, sinh diệt vô thường, cũng là Không. Từ đó có thể nói do
Duyên Khởi mà tính Không, Duyên Khởi tức tính Không, Duyên Khởi và tính
Không là đồng nghĩa ngữ.
Không lại chia làm hai
loại Nhân Không và Pháp Không. Nhân (người) Không còn gọi là Ngã Không,
là sự nhân vô tự tính của chủ thể; Pháp Không là sự pháp vô tự tính của
khách thể. Về vấn đề chư pháp có hay không có thực thể, tức cách nhìn
mối liên hệ và phân biệt Duyên Khởi với Thực hữu, sự vật với tự tính,
hiện tượng với bản chất. Đây là vấn đề vô cùng phức tạp. Tuy rằng nói về
tổng thể thì các phái PG đều thừa nhận thuyết Duyên Khởi tính Không.
Từ các điều nói trên có
thể hiểu: xét về mặt hiện tượng, Duyên Khởi pháp là tồn tại, là có
(“hữu”); xét về mặt bản chất của Duyên Khởi pháp, là không tồn tại, là
Không. Có (“hữu”) và Không là cách nhìn hai mặt với một sự vật.
4. Bình đẳng
a) Bình đẳng
giữa người với người
“Tăng nhất A hàm kinh”
cho rằng 4 hạng người (“Tứ chủng tính”) trong xã hội Ấn Độ cổ là Bà La
Môn, Sát Đế Lợi, Khuyển Xá và Thủ Đà La nên bình đẳng với nhau, phản đối
dựa vào chủng tính và đẳng cấp để bàn luận sự cao quý, hạ tiện, cao
thấp của con người; nhấn mạnh phải dựa vào sự cao thấp về đạo đức, sự
nông sâu về trí tuệ để đánh giá thành tích của con người; chủ trương tu
trì tố chất, nâng cao đạo đức, trí tuệ để tiến lên cõi lý tưởng của đời
người. Bình đẳng tứ chủng tính của PG thể hiện tư tưởng bình đẳng nhân
quyền, là phong trào nhân quyền đặc biệt phản đối sự phân biệt chủng
tính và áp bức giai cấp, nó nhất trí với yêu cầu bình đẳng nhân quyền
của xã hội hiện đại.
b) Bình đẳng
chúng sinh
Thông thường PG coi 9
giới từ Bồ Tát tới địa ngục (trong 10 giới không kể Phật) nhất là lục
đạo từ Trời đến địa ngục, là chúng sinh. PG cho rằng chúng sinh khác
nhau tuy có tính khác biệt nhưng bản chất sinh tồn và sinh mệnh của
chúng sinh thì bình đẳng; PG đặc biệt nhấn mạnh mọi chúng sinh đều có
Phật tính. Kinh Niết Bàn khẳng định mọi chúng sinh đều có Phật tính, tức
là bình đẳng với nhau về nguyên nhân, căn cứ và khả năng thành Phật.
c) Bình đẳng
giữa chúng sinh với Phật
PG tuyên truyền tư tưởng
“sinh Phật bất nhị, sinh Phật nhất như”, cho rằng chúng sinh và Phật, về
bản chất đều có đủ Chân như Phật tính; chúng sinh mê vọng hoàn toàn
không diệt Chân như Phật tính; Phật giác ngộ cũng hoàn toàn không tăng
thêm Chân như Phật tính, mà đều như nhau, có khả năng thành Phật. Nói
theo ý nghĩa đó thì chúng sinh và Phật là bình đẳng bất nhị. Điều này
khác hẳn với cách nói của tôn giáo khác, coi “nhân thần vi nhị” (người
và thần là hai thể khác nhau), nói người là do thần tạo ra hoặc từ thần
mà ra.
d) Bình đẳng
giữa chúng sinh với vô tình
“Vô tình” tức là không có
ý thức tình cảm, là thứ không có tính tinh thần. Như Thiên Đài tông của
PG Trung Quốc tuyên truyền thuyết “Vô tình hữu tính”, cho rằng cây cỏ,
núi sông đất cũng có Chân như Phật tính, mọi thứ trong thiên nhiên đều
là thể hiện của Phật tính. Xét về điểm cùng có Phật tính như nhau, thì
vật vô tình và chúng sinh không có khác biệt bản chất, bình đẳng vô nhị
với nhau. Cần nói đây là sự xác nhận tôn nghiêm đối với các sinh vật và
vô sinh vật trong giới tự nhiên, là sự kính trọng đối với muôn vật.
Quan niệm bình đẳng của
PG dựa trên học thuyết Duyên Khởi, xây dựng trên sự bình đẳng Nhân Quả.
Chúng sinh và Phật đều như nhau cùng có Chân như Phật tính, bình đẳng về
mặt nguyên nhân thành Phật, chúng sinh và Phật đều có khả năng thành
tựu Phật quả, tiến lên cõi Niết Bàn lý tưởng cao nhất, là sự bình đẳng
về mặt kết quả. Chúng sinh và Phật bình đẳng Nhân Quả, không có gì khác
biệt. Tư tưởng bình đẳng Nhân Quả này của PG là nói về khả năng, có tính
phi hiện thực, nó cung cấp cơ sở lý luận cho thuyết giải thoát.
Quan niệm bình đẳng của
PG thể hiện sự thống nhất sinh mệnh quan, tự nhiên quan và lý tưởng giá
trị quan. Quan niệm bình đẳng cận đại coi trọng bình đẳng nhân quyền, nó
có mối quan hệ bổ sung với quan niệm bình đẳng về mặt giải thoát con
người do PG đề xướng.
5. Từ Bi
Trên cơ sở tư tưởng Duyên
Khởi, Bình Đẳng, PG cho rằng trong đại hoàn lưu sinh thái vũ trụ, mọi
chúng sinh đều có thể từng là người thân của ta. Ta nên có tâm thái bình
đẳng, tình nghĩa báo ơn, tâm nguyện từ bi để đem lại cho chúng sinh sự
an lạc, trừ bỏ sự đau khổ của chúng sinh. PG tuyên truyền tư tưởng “Tam
Duyên Từ Bi”, chia đối tượng từ bi làm 3 loại, từ đó quy kết thành 3
lọai từ bi: - chúng sinh duyên bi; - pháp duyên bi; - vô duyên bi. Trong
3 loại đó, “Vô duyên từ bi” là loại cao nhất. Từ bi là tư tưởng đặc thù
của PG, nó không hoàn toàn giống với nhân ái, bác ái do các giáo phái
khác đề xướng. Từ bi không bị hạn chế bởi đẳng cấp, giai cấp, nó cũng
loại trừ tính thiên tư hẹp hòi.
6. Giải thoát
PG lấy giải thoát làm lý
tưởng cuối cùng cho chúng sinh. Giải thoát là không có ô nhiễm, không có
chấp trước, là được “Đại tự tại”, tức cõi tự do tự tại, cũng gọi là cõi
Niết Bàn. PG cho rằng chúng sinh có nhiều phiền muộn, như ba cái độc
“tham” (tham dục), “sân” (sân huệ), “si” (ngu si), chúng trở ngại cho sự
thành trưởng thiện căn, làm cho chúng sinh lưu chuyển trong nỗi khổ
sinh tử không bao giờ hết. Giải thoát là thoát ra khỏi nỗi khổ phiền
muộn và sự trói buộc của lưu chuyển sinh tử, được giải phóng, được siêu
việt, được tự do, tiến lên cõi lý tưởng.
PG cao độ coi trọng đạo
giải thoát. PG thời kỳ đầu lấy Bát Chính Đạo, thời kỳ sau lấy sự lĩnh
hội chân lý làm con đường giải thoát. PG còn đề xướng “Mọi thứ đều do
lòng người tạo ra” cho rằng sự lưu chuyển luân hồi hoặc giải thoát Niết
Bàn của chúng sinh đều quyết định ở lòng người. Giải thoát không phải là
việc của cá nhân, chỉ có tự giác ngộ và người khác cùng giác ngộ thì
mới được giải thoát thật sự.
Hồ Anh Hải
(dịch)