Mất điện như Việt Nam
Đến Yangon chưa đầy một ngày, có thành viên trong đoàn
thốt “sao giống Việt Nam hồi 75-80 quá”. Mọi thứ cứ chầm chậm trôi
trong thanh bình. Gần 9 giờ sáng mà nhà cửa phố xá như trong cơn ngái
ngủ.
Ở sân bay Yangon, chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh trong
ánh sáng lờ mờ, bởi điện không có. Trong bản khai, phần nghề nghiệp
không dám khai thật. Nghe nói nhà báo nước ngoài không được chào đón ở
Myanmar. Thế là cả bọn biến thành kế toán, hướng dẫn viên du lịch, kỹ sư
công nghệ thông tin…
Làm thủ tục ở sân bay Bagan - cách Yangon một giờ bay,
còn ngộ hơn nữa. Không kiểm tra bằng máy móc và cập nhật thông tin qua
máy tính mà tất cả đều thủ công. Nhân viên hải quan nhìn hành khách
bằng cặp mắt như ước lượng độ tin cậy, dán mẩu giấy tròn tròn lên người
khách - một động tác đánh dấu, qua cửa ải xong thì bóc đi. Vé không có
số ghế, tự mò mẫm lấy thôi.
Bagan - một trong những cố đô cổ xưa nhất đất nước,
không khi nào có điện 24/24. Cứ 6 tiếng mới lại sáng đèn, luân phiên nơi
này có thì nơi kia mất. Nên có muốn bắt chước tập tục ăn bốc của dân
địa phương cũng không dám, nhỡ bốc nhầm thì sao. Chưa kể món ăn nào theo
trường phái Ấn Độ thường có mùi cà-ri và nấu sền sệt, không dễ hợp
khẩu vị.
Hẳn người dân phải đi ngủ sớm lắm. Khí hậu nóng bức và
mức sống thấp khiến đa số nom khắc khổ, hiền lành. Dân số Myanmar
khoảng 57 triệu người. Người dân được chính phủ cấp gạo và khí đốt. Xe
hơi, xe ca cực đắt. Điện thoại di động khá xa xỉ. Nghịch lý ở chỗ, đây
lại là đất nước của ngọc quí, của những ngôi chùa dát vàng, tráng lệ
nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Yangon trở thành cố đô vào năm 2006 khi chính phủ quân
sự nước này quyết định dời thủ đô về Naypyidaw. Tính đến nay, Myanmar
đã dịch chuyển thủ đô 12 lần. Khu trung tâm Yangon vẫn có tòa thị
chính, tòa án tối cao và các cơ quan quan trọng khác nhưng là những tòa
nhà bỏ không, bởi bộ máy công quyền đã chuyển đến thủ đô mới. Hôm
chúng tôi đến là ngày quân đội duyệt binh, thứ Bảy, nên người dân được
nghỉ.
Khai thác du lịch lạ kiểu
9 giờ mà phố xá vẫn im lìm, là bởi cơ quan hành chính
chỉ làm việc từ 9 rưỡi sáng đến 3 rưỡi chiều. Ngân hàng và bưu điện nghỉ
muộn hơn, khoảng 16g30. Cửa hàng tư nhân đóng cửa muộn nữa. Yangon có
chợ trung tâm mua bán khá tấp nập, nhất là chợ ngọc quý.
Từ máy bay bước xuống, đập vào mắt, gây ấn tượng đầu
tiên không gì khác chính là những chiếc Longyi (gọi là long-y)- trang
phục truyền thống của dân sở tại. Nam phụ lão ấu thảy đều vận thứ “váy
quây”- xà rông này.
Gọi nôm na là váy quây bởi phía trên có áo sơ mi hoặc
pul, dưới là mảnh vải hình chữ nhật quấn quanh người, dài đến mắt cá
chân, thắt nút phía trước. Chin Chin, cô hướng dẫn viên du lịch có những
bộ Longyi pha màu rất có gu, trong khi thao tác thắt - buộc cho cả
đoàn xem, kể rằng trung bình một người đàn ông Myanmar cởi ra buộc vào
Longyi 30 lần trong ngày, vì nó rất dễ tuột. Như thế có muốn sống
nhanh, cũng khó!
Trung bình một người đàn ông Myanmar cởi ra
buộc vào Longyi 30 lần trong ngày, vì nó rất dễ tuột. Như thế có muốn
sống nhanh, cũng khó!
|
Những người đàn ông quấn túm Longyi một cách sơ sài, ngồi bệt trên xe
tải, trông rất “nguy cơ”. Có vẻ vải thô kẻ, màu nhờ nhờ, được cánh đàn
ông chuộng. Cả nước diện Longyi và dép tông! Dép tông - kiểu như tông
Thái, tông “gan gà” từng thịnh ở Việt Nam dạo nào, được chọn vì nó tiện
dụng, nhất là khi họ phải đi chùa hằng ngày.
Cảm nhận về sống chậm rõ rệt nhất, chính là ở Bagan.
Bagan - một trong những kinh đô xưa nhất, với hơn 3000 ngôi đền đài bằng
đất nung, với những công trình kiến trúc cổ nhất châu Á. Sự cổ thể
hiện ở cả những bức tường in dấu bụi đường, tiếng xe ngựa lọc cọc, vẻ
hoang sơ thanh vắng- dấu tích của mảnh đất từng có thời phát tích rực
rỡ.
Chúng tôi chọn cái chợ lớn nhất địa phương để thăm thú.
Dân cư ở đây nom cứ như người cổ. Thiếu nữ và trung niên, bà lão vẽ
lên gò má những vòng phấn làm bằng vỏ và thân cây - gọi là Thanaka, lối
trang sức cực thịnh ở Myanmar.
|
Thiếu nữ dưỡng da bằng Thanaka. |
Họ nhìn nhau thấy đẹp nhưng mình vẽ thử lên mặt thì
không khác anh hề chị hề. Âu cũng là bản sắc! Rau củ quả, thịt cá tôm
được mua bán trao đổi bằng những cái cân thủ công, cán bằng tre hoặc gỗ,
có mấy viên pin làm quả cân định lượng. Hàng họ sơ sài và khô héo dưới
tiết trời nắng nón
Phụ nữ vẽ lên má vòng phấn làm bằng thân
cây này - gọi là Thanaka
|
Thu Tâm, một dạng “người lữ hành kỳ dị” máu mê khám phá vùng đất hiểm,
kể: “Đã tâm niệm đến Yangon phải đi bằng được bảo tàng ngọc, tới nơi
nghe thông báo “hôm nay là ngày trăng tròn, bảo tàng nghỉ”. Chỉ vì “full
moon” mà nghỉ, oải quá”.
Trái hẳn phong thái hối hả nhanh nhẹn của nhà ta, nhất
là các anh chị phượt có nghề, Chitto- một tay máy láu lỉnh, chụp được
Hòn đá Vàng ở góc hiếm khiến đồng bọn phượt ghen tỵ, kể trên diễn đàn:
“Câu chuyện là khi tớ đang loay hoay chọn tư thế đẹp thì có một bạn quấn
Longyi ra nói phải nộp phí chụp ảnh. Bạn ý còn hỏi tớ có phải từ Việt
Nam, và “bạn mày người Việt Nam cũng nộp rồi”.
Tớ ngạc nhiên quá, nhưng phải nộp thôi, dững 2
USD. Tớ lấy tờ 20 USD bị rách ở góc ra trả. Bạn nào đi Myanmar rồi thì
biết, tiền chỉ cần bị vết mực bằng đầu tăm là họ không nhận, cái tờ bị
rách đó đã trả 5 nơi không được. Lần này tớ nhất quyết chỉ còn tờ đó.
Cuối cùng các bạn ý phải chịu.
Đô la giả lại thì tớ soi rất kĩ, 2 tờ hơi nhàu là tớ
đòi đổi ngay. “Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”, tớ xông vào chụp tá
lả. Lại còn trèo lên hẳn bệ tượng (chỗ mấy bạn dán vàng) chụp đàng
hoàng. Bạn bảo vệ cũng không ngăn cản gì. Tớ đứng lên cao ngang bức
tượng chụp cận cảnh, thế nên mới có bộ ảnh ngon choét! Chả bù cho bạn
khác, bị đóng 2 USD thì bực quá bỏ ra ngoài, phí tiền!”.
Sống chậm nhưng được cái thu tiền cũng nhanh. Đặt chân
đến xứ sở du lịch Bagan, bạn phải nộp ngay 10 USD rồi mới được thăm thú
các nơi.
Chùa Vàng và những lá vàng
Có ba nơi nhất thiết phải đến trong đời người - quan
niệm của người dân nơi đây. Đó là chùa Vàng Shwedagon ở Yangon; tượng
Phật Mahamuni ở Mandalay, và Hòn đá Vàng (Golden Rock).
Shwedagon đúng là một kiệt tác kiến trúc, biểu tượng
của thế giới tinh thần - vật chất ở Myanmar. Một quần thể chùa gồm 4
chùa lớn và 64 chùa nhỏ. Chùa lớn nhất cao 99m đã 2000 năm tuổi, dát 80
tấn vàng, sau do thời gian và mưa gió bào mòn, còn khoảng hơn 60 tấn.
Tương truyền nơi đây lưu giữ 8 sợi tóc của đức Phật.
Những vị khách Việt Nam lần đầu đến Myanmar đều tỏ ra
“Choáng. Đã đến đây khỏi cần biết xứ chùa chiền nào nữa”. Về đêm, ngôi
chùa tỏa ánh vàng sáng rực cả không gian, còn ban ngày thì chói chang,
đúng là vàng đến lóa mắt.
Dân Myanmar nghèo, thu nhập trung bình 50 USD/tháng.
Vậy mà cứ ki cóp được chút tiền là họ lại mua một lá vàng để cúng tiến
lên chùa, góp phần nhỏ bé vào cái khối khổng lồ kia, với niềm sùng kính
cao độ.
Phụ nữ được khuyến cáo không bắt chuyện với nhà sư và
dẫm chân vào bóng nhà sư. Nghe nói cũng chỉ đàn ông được sờ Hòn đá Vàng.
Đến chùa chiền phải phục trang kín đáo, và không tự tiện chụp ảnh sư
sãi.
Chùa lớn chùa nhỏ đều phải bỏ dép ở ngoài. Dép xịn mấy
cũng chẳng mất đi đâu mà sợ dù cũng chả ai canh. Từ một chú bé con cũng
có thể tiến đến khẽ nhắc bạn “No shoes” (không được mang giày), mà chú
làm việc này một cách tự nguyện, không ai bắt cả.
Không khí ở chùa Vàng thật kỳ lạ. Cảm giác tín đồ đạo
Phật từ khắp nơi trên thế giới đổ về, một dòng người bất tận. Vào đến
đây, không ai nghĩ đất nước này đang bị cấm vận, và hạn chế nhập cảnh.
Trong khuôn viên mênh mông, người thì thơ thẩn ngắm các kỳ tích kiến
trúc, vàng ngọc lộng lẫy; người thì chọn chiếc chiếu ngồi thiền. Người
hòa mình trong đám liên tục múc những gáo nước tắm cho Phật.
Dân Myanmar không có họ mà chỉ có tên, ghép với ngày mà
họ sinh ra, gặp nhau chắp tay chào “Minggalabar”. Người sinh thứ Hai,
Ba, Tư… sẽ đến tắm cho Phật ở khu vực dành cho những người sinh cùng
thứ, để mong điềm lành.
Không khí đang bình bình lặng lặng, bỗng đâu một đám
rước trang trọng tiến đến. Lát sau lại đám nữa. Ra là lễ xuất gia của
một tiểu đồng. Đoàn người rồng rắn, hân hoan, cắp chăn chiếu, vật dụng
cá nhân, đưa rước một chú bé ăn vận rực rỡ có lọng che. Chú nở nụ cười
ngây thơ và kiêu hãnh.
|
Niềm kiêu hãnh xuất gia. |
Ở đất nước Phật giáo này, xuất gia đúng là niềm kiêu
hãnh của mỗi gia đình. Nhà có người xuất gia thì kể như danh giá. 5
tuổi, chú bé được gửi vào chùa, sáng dậy từ 4 giờ đi khất thực. 11giờ
mới được ăn bữa chính, nhịn cho đến tận sáng hôm sau.
Qua thử thách đó một tuần mới được ở lại, không thì trả
về nhà, uổng công cha mẹ lo áo xống lễ lạt tốn kém. Một lễ xuất gia
tốn ít nhất 3000 USD, quá lớn so với mức sống của người dân.
Dòng người khắp nơi cuồn cuộn đổ về mà nền đá vẫn sạch,
không khí thoáng đãng là bởi ngày mấy lượt đều có các cô gái dàn hàng
ngang mỗi người một chiếc chổi, đồng loạt quét. Có vẻ vì là đội tình
nguyện nên không có nhát chổi dối, cứ đều tăm tắp, sạch như lau như ly.
Hãy thử mua một dây hoa nhài tết rất khéo giá 1000 kyat
(gọi là chạt, đơn vị tiền tệ Myanmar) - tương đương 1 USD, rồi thả
dép, bước vào chùa Vàng ngồi lại ít giờ mà xem. Không theo đạo Phật
cũng thấy chùng xuống, thư thái hỉ xả.
Mảnh đất của du lịch khám phá
Trên diễn đàn mạng, có thành viên chia sẻ cảm giác sau
11 ngày ở đất nước Miến Điện: “Có lúc bực bội, có lúc thất vọng, có lúc
hân hoan và có lúc sững sờ”; và tất nhiên “sao cái nước này lắm chùa
chiền đến thế”.
Không khí đang bình bình lặng lặng, bỗng
đâu một đám rước trang trọng tiến đến. Lát sau lại đám nữa. Ra là lễ
xuất gia của một tiểu đồng. Đoàn người rồng rắn, hân hoan, cắp chăn
chiếu, vật dụng cá nhân, đưa rước một chú bé ăn vận rực rỡ có lọng che.
Chú nở nụ cười ngây thơ và kiêu hãnh. Ở đất nước Phật giáo này, xuất
gia đúng là niềm kiêu hãnh của mỗi gia đình. Nhà có người xuất gia thì
kể như danh giá. 5 tuổi, chú bé được gửi vào chùa, sáng dậy từ 4 giờ đi
khất thực. 11giờ mới được ăn bữa chính, nhịn cho đến tận sáng hôm sau.
|
Có topic ngộ nghĩnh của dân phượt “Hành trình xông đất Myanmar của phi
đội củ đậu”, rôm rả. Vietnam Airlines vừa mở đường bay thẳng Hà Nội –
Yangon bằng máy bay Fokker 70 với tần suất 4 chuyến/tuần, đến mùa đông
sẽ tăng thành 5 chuyến/tuần. Dân phượt thường hẹn nhau đi vào dịp có
khuyến mại.
Du lịch để thụ hưởng tiện nghi thì có lẽ Myanmar không
phải là lựa chọn. Dù khách sạn 4- 5 sao ở đây có thể còn xịn hơn 4-5
sao ở các nước khác. Bagan Hotel chẳng hạn - đẹp, độc đáo đến sững sờ.
Myanmar đúng ra là mảnh đất của du lịch khám phá, rất đáng khám phá, có
lúc còn là mạo hiểm. Đoàn chúng tôi về được ít hôm thì nghe tin có
đánh bom ở Yangon.
Không hưởng thụ được nền văn minh vật chất nhưng mua
sắm hàng cao cấp thì có đấy: Ngọc trang sức. Tranh đá, tranh bằng ngọc
vụn rẻ và dễ mua. Vừa dạo một vòng chợ, một nhà báo hẹn giật tít cho bài
của mình là “Myanmar- Phật và Ngọc”. Quả đó là hai mảng giá trị nổi
bật của miền du lịch khám phá này.
Đi chợ ngọc ở Myanmar thú vị ở chỗ, hàng họ phong phú
mà lại có thể xem, chọn thoải mái, mua hay không không là vấn đề. Cũng
có nói thách nhưng không có cảm giác bị bóp, bị hớ như ở Trung Quốc.
Nghe nói dân Trung Quốc toàn qua đây mua ngọc về bán lại, giá đội gấp
mấy.
Lạ là một đất nước nghèo như vậy nhưng những viên ngọc,
chiếc vòng giá hàng trăm nghìn USD được bày bán như thể mớ rau con cá.
Cầm mớ vòng nhẫn của họ lên soi cả buổi, vác sang hàng khác để so bì,
cũng không ỏ ê gì.
Và dù cuộc sống khó khăn nhưng ai nấy đều có vẻ không
bon chen, không sốt ruột, lời nói cử chỉ khoan hòa nhẹ nhõm. Người
Myanmar quan niệm thành công của mỗi người đều do có Đức Phật phù hộ.
Phật có mặt ở khắp nơi và nếu ai làm điều ác đều bị quả báo, vì Phật
biết cả. Thế nên cứ sáng sớm họ lại vào chùa cầu một ngày an lành và
chiều tan làm, trên đường về nhà lại đến với Phật để cảm ơn Người cho
mình một ngày bình an.
Theo: Tiền Phong Online