Vị sa di tìm ra được một cách thích nghi để làm giảm bớt sự căng
thẳng này. Đó là mỗi buổi sáng sa di vào thiền đường thật sớm, lựa một
chỗ ngồi gần với cột nhà, và khi mọi người đều nhắm mắt hành thiền thì
sa di có thể nhẹ nhàng tựa lưng vào cột đá hành thiền một cách thoải mái
theo kiểu Tây phương.
Sau một tuần lễ thực tập, vào một buổi tối, Ajahn Chah rung chuông báo hiệu giờ ngồi thiền chấm dứt và bắt đầu giảng pháp. Nhìn thẳng vào nhà sư mới, Ajahn Chah nói:
- Hôm nay tôi sẽ nói về đề tài: "Khi thực hành giáo pháp ta nên
tự hỗ trợ cho mình, tự nương tựa nơi chính mình, đừng nương tựa vào nơi
nào khác bên ngoài mình."
Mọi người trong thiền đường đều cười. Riêng chú sa di Tây phương,
hơi bối rối một chút, ngồi thẳng thắn khác thường ngày, từ lúc bắt đầu
buổi giảng cho đến khi bài pháp chấm dứt. Từ đấy trở đi, với quyết tâm
mạnh mẽ, chú sa di đã học được cách ngồi thẳng lưng trên mọi sàn nhà,
dưới bất kỳ hoàn cảnh hay điều kiện nào.
Học hỏi cách dạy học
Hôm nay là lễ Makkha Puja, ngày rằm tháng giêng. Đây là một
ngày quan trọng trong Phật giáo, kỷ niệm ngày 1250 vị A la hán, những vị
học trò giác ngộ của Đức Phật, hội họp. Trong cuộc họp mặt đó, Đức Phật
đã dạy chư tăng đi khắp nơi để truyền bá giáo pháp, đem lại sự tốt đẹp,
sự hạnh phúc và giác ngộ cho chúng sanh.
Trong dịp lễ này, Ajahn Chah và hàng trăm đệ tử của Ngài đã
thức trọn đêm để hành thiền với thiện nam tín nữ. Cả ngàn người tham dự
ngồi kín chánh điện rộng lớn. Họ ngồi một giờ đồng hồ, sau đó Ajahn Chah hay một trong những học trò lớn của Ngài sẽ thuyết pháp. Liên tục suốt đêm, cứ một giờ ngồi thiền lại một giờ thuyết pháp.
Một trong những vị học trò lớn người Tây phương của Ngài Ajahn Chah
ngồi chung với những vị sư mới. Họ cảm thấy phấn khởi, thích thú lẫn
khó khăn khi trải qua một đêm thực tập như vầy. Vào khoảng giữa đêm, sau
khi dứt một giờ ngồi thiền, Ajahn Chah tuyên bố cho mọi người
biết để đón nghe một nhà sư Tây phương thuyết pháp bằng tiếng Lào. Cả
nhà sư đó và thiện tín hiện diện đều lấy làm ngạc nhiên trước sự đột
ngột đó. Nhưng không còn dịp chuẩn bị hay băn khoăn, nhà sư phải cố gắng
ngồi trước mặt mọi người, kể lại lý do tại sao thầy xuất gia và những
hiểu biết mới mẻ về Phật pháp mà thầy đã gặt hái được qua thực hành. Sau
lần nói chuyện này, thầy không còn bối rối khi phải thuyết pháp trước
đám đông bằng ngôn ngữ mà mình mới lõm bõm.
Sau này Ajahn Chah giải thích rằng lúc thuyết pháp, hãy để cho pháp
trôi chảy một cách tự nhiên từ con tim và từ kinh nghiệm nội tại của
mình mà không cần sửa soạn trước, "Cứ ngồi, nhắm mắt lại và để Phật pháp tự thuyết lấy."
Một dịp khác, Ajahn Chah bảo Ajahn Sumedho, vị học trò Tây phương kỳ cựu của Ngài thuyết pháp. Sumedho thuyết trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Ajahn Chah bảo, "Thuyết thêm nửa tiếng nữa." Sau nửa tiếng, Ajahn Chah lại bảo, "Thuyết thêm nữa." Sumedho tiếp tục và bắt đầu chán. Nhiều thiện tín bắt đầu ngủ gục. Ajahn Chah khuyến khích, bắt thêm nữa. Sau khi chiến đấu suốt mấy tiếng đồng hồ, Sumedho đã hoàn toàn làm mọi người chán nản. Cũng từ đó về sau, Sumedho
chẳng bao giờ lo sợ khi phải thuyết pháp trước đám đông, không còn sợ
người ta phê bình, đánh giá mình trong khi thuyết pháp nữa.
Ajahn Chah hỏi một nhà sư sắp từ giã tu viện để về xứ rằng
thầy có dự định dạy dỗ gì khi về Âu Châu không. Nhà sư trả lời rằng thầy
không có dự tính dạy Phật pháp, tuy nhiên nếu có ai hỏi, thầy sẽ cố
gắng giải thích cho họ biết cách hành thiền.
Ajahn Chah nghe nói thế bèn nói, "Tốt lắm. Dạy Phật Pháp cho người muốn học thì còn gì tốt bằng?" Ajahn Chah lại nói thêm, "Và
khi thầy giảng dạy Phật giáo, tại sao không gọi đó là Thiên Chúa giáo. Ở
Tây phương mà thầy nói đến Phật giáo thì họ không hiểu gì cả. Tôi nói
về Thượng Đế với người Thiên Chúa, mặc dù tôi chưa đọc sách của họ. Tôi
tìm thấy Thượng Đế trong tâm. Thầy có nghĩ rằng Thượng Đế là ông già
Nô-en hàng năm thường đem quà đến cho trẻ em không?"
Thượng Đế là giáo pháp, là chân lý. Ai ý thức được điều này thì sẽ
hiểu biết tất cả mọi sự. Và Thượng Đế chẳng có gì đặc biệt cả. Chỉ có
vậy thôi.
Những điều chúng ta thực sự cần dạy là làm thế nào để thoát khỏi
đau khổ, làm thế nào để có được tình thương, có trí tuệ và tràn đầy từ
ái. Những lời dạy về tình thương và trí tuệ là Phật pháp. Bất kỳ ở nơi
đâu và dùng bất kỳ ngôn ngữ gì cũng có thể dạy về tình thương và trí
tuệ. Hãy gọi đó là Thiên Chúa giáo. Dạy như thế giúp nhiều người hiểu
hơn.
Ajahn Chah đã dạy những điều sau đây cho một vị có ý muốn dạy Giáo pháp:
"Đừng làm cho họ ngại ngùng, lo sợ khi gặp thầy. Hãy vững vàng
và trực tiếp. Hãy thành thật trước những khuyết điểm của mình. Hãy thừa
nhận khả năng giới hạn của thầy. Hãy làm việc với tình thương và lòng
quảng đại. Khi gặp người mà thầy không đủ khả năng hay nhân duyên để
giúp, hãy phát triển tâm xả. Đôi khi việc dạy dỗ rất khó khăn, phải kiên
nhẫn. Thầy dạy Đạo là cái thùng rác để mọi người vất vào đó mọi nỗi bực
dọc và mọi vấn đề rắc rối. Thầy càng dạy nhiều người, thùng rác của
thầy càng đầy. Nhưng đừng lo lắng. Dạy dỗ người khác là phương cách
tuyệt diệu để thực hành Phật pháp. Phật pháp sẽ hỗ trợ cho kẻ nào thành
thật áp dụng Phật pháp vào trong đời sống của họ. Người nào dạy dỗ kẻ
khác thì Đức Kiên Nhẫn và Tri Hiểu Biết sẽ phát triển."
Ajahn Chah khuyến khích học trò của Ngài hãy chia xẻ với người khác những gì mình đã học hỏi được.
"Khi thầy học được chân lý, thầy có thể giúp người khác, đôi khi bằng
lời dạy của thầy, nhưng phần lớn thì bằng lối sống của thầy. Ai muốn
hiểu tôi thì phải sống với tôi. Nếu thầy sống ở đây lâu thầy sẽ biết.
Tôi đã làm một vị du tăng sống trong rừng nhiều năm. Tôi không dạy. Tôi
thực hành và lắng nghe lời thầy tôi dạy. Và đây là lời nhắn nhủ quan
trọng: Khi nghe hãy thực sự nghe. Tôi không biết phải nói gì nữa."
Giữ Giáo pháp đơn giản
Một khu rừng lớn gần làng mạc được dâng cho Ngài Ajahn Chah
để làm tu viện. Một vị thiện nam giàu có nghe thế bèn hoan hỉ dâng cúng
tài chánh để xây dựng một giảng đường và chùa lớn trên đỉnh đồi cao của
khu rừng. Một số thiện tín khác hội họp cùng nhau vẽ nên một pháp đường
và những kiến trúc phụ thuộc. Cốc của chư tăng được cất trong những hang
động quanh nuí. Một con đường xuyên qua khu rừng rậm được khai phá.
Phần kiến trúc phải làm trước tiên là pháp đường: đổ móng, đúc những cây
cột lớn, làm nền để thiết trí một tượng Phật khổng lồ. Khi công trình
đang tiến hành, nhiều kiến trúc phụ được bổ sung. Thí chủ ủng hộ và nhóm
kiến trúc sư bàn cãi mãi vì ý kiến bất đồng. Mái phải làm thế nào cho
hợp? Có nên sửa đổi đồ án lại theo cách nào cho sáng suả hơn? Mọi người
đều có ý kiến hay, nhưng ý kiến nào cũng tốn tiền cả.
Cuối cùng mọi người đem ra bàn thảo trong một buổi họp nhiều giờ với ngài Ajahn Chah. Tất cả mọi ý kiến đều được đem ra bàn cãi sôi nổi. Cuối cùng vị thiện nam thí chủ xin ngài Ajahn Chah cho biết ý kiến. Ajahn Chah cười và trả lời đơn giản:
-- Khi quí vị làm tốt thì có kết quả tốt.
Chẳng bao lâu pháp đường lộng lẫy hoàn thành.
Thiền cách nào hay nhất?
Hầu như suốt ngày Ajahn Chah phải bận rộn tiếp khách -- sinh
viên, nông dân, chính trị gia, tướng tá, khách hành hương, thiện nam
tín nữ. Họ đến xin ngài chúc phúc, để thỉnh ý, hỏi đạo, vấn an, bắt bí,
thử thách, phân trần, chỉ trích, khiếu nại...; họ đem đến hàng ngàn vấn
đề để giải quyết. Ajahn Chah không ngừng dạy dỗ họ. Có người hỏi ngài về chuyện này, Ajahn Chah trả lời:
-- Tôi đã học hỏi được nhiều giáo pháp khi tiếp xúc với họ, nhiều hơn tất cả các cách hành thiền khác.
Bữa ăn tuyệt vời
Một số sinh viên hỏi tại sao Ajahn Chah rất ít khi nói về
Niết Bàn mà chỉ dạy về Trí Tuệ trong đời sống thường nhật. Nhiều thiền
sư khác thường giảng dạy về sự chứng ngộ và nguồn an lạc vô biên của
Niết Bàn. Ajahn Chah trả lời:
-- Một số người thưởng thức một bữa cơm ngon và sau đó kể lại sự
tuyệt vời của bữa cơm cho bất kỳ ai mà họ gặp. Một số khác cũng ăn và
thưởng thức một bữa cơm tương tự, nhưng họ cảm thấy không cần phải đi kể
cho mọi người nghe về bữa cơm mà mình đã ăn rồi.
Theo: Mặt hồ tĩnh lặng
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana