Phật Học Online

Đại nguyện của Phật A Di Đà (Phần 3)
Thích Thái Hòa

Nguyện được hạnh Bồ tát, còn một đời sinh ra, đó là hạnh của vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ. Tên tiếng Phạn là Eka - jāti - pratibadha. Nhất sinh bổ xứ là chỉ cho địa vị cao nhất của bồ tát, thường cũng gọi là Bồ tát Đẳng giác.

Đại nguyện hai mươi mốt: Đủ ba mươi hai tướng tốt
                            
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện chư thiên, nhân loại
Đều có tướng đại nhân.

 
Tướng đại nhân, còn gọi là đại sĩ tướng hay đại trượng phu tướng là tướng tốt của những bậc có phước đức và trí tuệ. Tướng ấy là tướng của một vị Chuyển luân thánh vương hay là tướng ứng thân của một bậc Đại giác ngộ. Thân tướng ấy, biểu hiện ít nhất là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Các tướng ấy là do thực tập đại nguyện bồ đề mà thành tựu. Và vì vậy, tướng ấy là thường tướng hay căn bản tướng của chư Phật ứng hóa thân. Các Ngài thường sử dụng thân tướng ấy làm ứng thân để hóa độ chúng sinh. Và thân tướng ấy có thể tăng lên đến ba ngàn hai trăm tướng hoặc có thể nhiều hơn nữa, tùy theo phước báo của chúng sinh từng quốc độ, mà các Ngài ứng thân theo đại nguyện để hóa độ và nhiếp phục.
 
Thân tướng ấy của Chuyển luân Thánh vương là kết quả do thực hành các thiện pháp đem lại. Cứ thực tập thành tựu một trăm điều thiện, thì thành tựu được một tướng đẹp trong ba mươi hai tướng đẹp ấy. Thân tướng của Phật ứng hóa thân thành tựu ba mươi hai tướng tốt ấy, là do các Ngài tu tập thành tựu hết thảy thiện pháp do Nhiếp luật nghi giới; Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới đem lại.
 
Thành tựu Nhiếp luật nghi giới, thì thân, ngữ và ý, vĩnh viễn không còn hoạt động liên hệ đến các phiền não, để tạo ra các ác nghiệp. Do đó, không cảm nên những thân tướng xấu ác, khuyết tật, thô lậu.
 
Thành tựu Nhiếp thiện pháp giới, thì thân, ngữ và ý, vĩnh viễn hoạt động theo các căn bản của thiện pháp, như vô tham, vô sân, vô si, tín, tàm, quý,... để thành tựu các thiện nghiệp vô lậu và giải thoát. Do đó, cảm nên được thân tướng tốt đẹp trang nghiêm, trong đó có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.
 
Thành tựu Nhiêu ích hữu tình giới, thì thân, ngữ và ý, vĩnh viễn hoạt động theo bản nguyện và đại nguyện, nên một thân cùng một lúc có thể biến thể ra nhiều thân, có thể thể hiện ra trăm ngàn ức thân, và trong mỗi thân được ứng hóa ấy, đều có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hoặc có khi còn nhiều hơn nữa, để thành thục thiện pháp cho chúng sinh và chuyển hóa uế độ thành Tịnh độ và dùng các tướng tốt ấy để trang nghiêm Tịnh độ.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, ai cũng có đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân”.
 
Vì vậy, Tịnh độ của chư Phật là cõi nước được trang nghiêm bằng phước báo, do thực hành các thiện pháp đem lại. Nên, đại nguyện này còn gọi là Tam thập nhị tướng nguyện, Linh cụ chư tướng nguyện, Cụ túc chư tướng nguyện, Chúng sinh mãn đức nguyện, Sở sinh báo nguyện,...
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để nhiếp phục các ác thuộc về thân, ngữ và ý; thực hành các thiện thuộc về thân, ngữ và ý, để nắm giữ hết thảy thiện pháp, không để cho chúng bị rơi mất; và phát khởi đại nguyện bồ đề để làm lợi ích cho hết thảy muôn loài bằng những ứng hóa thân với đầy đủ các phước tướng trang nghiêm ấy, để trang nghiêm cho cả thế giới của chư thiên và nhân loại.
 
Đại nguyện hai mươi hai: Một đời làm Phật
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện học hạnh Bồ tát
Còn một đời sinh ra.

 
Nguyện được hạnh Bồ tát, còn một đời sinh ra, đó là hạnh của vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ. Tên tiếng Phạn là Eka - jāti - pratibadha. Nhất sinh bổ xứ là chỉ cho địa vị cao nhất của bồ tát, thường cũng gọi là Bồ tát Đẳng giác. Ấy là vị Bồ tát còn sinh ra giữa đời một lần nữa, và ngay trong đời cuối cùng này, tu tập đoạn sạch các lậu hoặc tinh tế và thành Phật.
 
Khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Chúng bồ tát từ các cõi nước khác sinh vào nước tôi đều là những vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ”. Với đại nguyện này, Tịnh độ không chỉ thâu nhiếp hàng  tu học ngang mức phước báo thuộc về Nhân loại, Chư thiên hay Thanh văn, Duyên giác mà còn có khả năng dung nhiếp những vị Bồ tát có phước báo của hàng Nhất sinh bổ xứ, tức là hàng Bồ tát có căn cơ Tối thượng thừa nữa.
 
Nên, đại nguyện này còn gọi là Tất chí bổ xứ nguyện, Bồ tát cứu cánh nhất sinh bổ xứ nguyện, Hoàn tướng hồi hướng nguyện,...
 
Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để phát triển sự tu học của ta đến chỗ tột cùng của tâm và hạnh bồ tát, chỉ còn sinh ra một đời nữa, và sau đời ấy, thì viên mãn các hạnh và các nguyện.
 
Đại nguyện hai mươi ba: Cúng dàng chư Phật
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện học hạnh Bồ tát
Cúng dàng Phật hằng sa.

Cúng dàng chư Phật là một trong những hạnh căn bản của các vị Bồ tát. Bồ tát thực hành hạnh này là để tiêu đi những hạt giống khinh mạn và bỏn sẻn trong tâm, làm cho tâm bồ đề được lớn lên như tâm của Phật; làm cho hạnh bồ đề được lớn lên như hạnh của Phật và làm cho nguyện bồ đề rộng lớn vô biên như nguyện của Phật.
 
Vì vậy, Bồ tát cúng dàng chư Phật có nhiều cách: Có những vị cúng dàng bằng cách đốt một phần hay toàn bộ thân thể để cúng dàng; có những vị đem thân phụng sự chúng sinh để cúng dàng; có những vị đem tài sản phụng sự chúng sinh để cúng dàng; có những vị đem khả năng thương yêu và che chở chúng sinh để cúng dàng; có những vị tuyên dương chính pháp để cúng dàng; có những vị nhiếp tâm ở trong thiền định để cúng dàng và có những vị chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Phật hay lễ bái để cúng duờng,... Nghĩa là Bồ tát có vô số cách để thực hành cúng dàng chư Phật. Bồ tát có vô số cách để cúng dàng chư Phật, nhưng không ra ngoài nhất tâm, bình đẳng tâm. Nhất tâm hay bình đẳng tâm chính là tâm bồ đề. Từ nơi tâm ấy, mà Bồ tát thực hành hạnh cúng dàng và cũng từ tâm ấy, mà Bồ tát tựu thành hết thảy hoa trái giác ngộ.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, thì hàng Bồ tát trong cõi nước của tôi thực hành hạnh cúng dàng chư Phật, khắp vô lượng ức triệu cõi nước, mà trải qua một thời gian rất ngắn là chỉ trong chừng một bữa ăn”.
 
Vì vậy, đại nguyện này còn gọi là Cúng dàng chư Phật nguyện, Thừa lực cúng dàng nguyện, Thực khoảnh biến thị hằng sa chư Phật nguyện,...
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là để thể nhập vào hạnh cúng dàng của Ngài, khi Ngài còn hành Bồ tát đạo và học theo hạnh của các vị Bồ tát đang tu học ở nơi thế giới Tịnh độ của Ngài, hiện đang do Ngài trực tiếp giáo hóa. Và khi ta có cơ hội vãng sinh về Tịnh độ của Ngài, thì hạnh cúng dàng của ta và hạnh cúng dàng của những vị Bồ tát nơi Tịnh độ của Ngài tương dung, tương nhiếp với nhau và hỗ trợ nhau thăng tiến.
 
Đại nguyện hai mươi bốn:  Vật cúng tùy ý
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện phẩm vật dâng cúng
Như  ý đều hiện ra.

 
Các vị Bồ tát ở nơi thế giới Tịnh độ Phật A Di Đà thực hành hạnh cúng dàng chư Phật mười phương, bằng ý muốn nào, bằng tâm nguyện nào, thì những phẩm vật ấy, đều hiện ra đầy đủ trước mặt, để cho họ thực hiện hạnh cúng dàng.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, thấy rõ Bồ tát thực hiện hạnh cúng dàng, không dễ gì thành tựu viên mãn, khiến Ngài đã phát khởi đại nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát ở trong cõi nước tôi, nếu  muốn cúng dàng chư Phật phẩm vật gì, thì phẩm vật ấy hiện ra trước chư Phật một cách đầy đủ”.
 
Vì vậy, đại nguyện này còn gọi là Cúng cụ như ý nguyện, Sở cầu cúng cụ giai thuận ý nhạo nguyện, Cúng dàng như ý nguyện,...
 
Như vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để cho ta huân tập công đức vô lượng, mà do Ngài đã trải qua vô lượng kiếp thực tập vào nơi thân tâm và đời sống của ta, để cho viên minh châu như ý ở trong tâm ta hiện ra. Mỗi khi viên minh châu như ý hiện ra trong tâm ta, thì ta khởi tâm cúng dàng bất cứ cái gì đến chư Phật hay Bồ tát cũng như các bậc Thánh giả Thanh văn, thì những vật phẩm cúng dàng ấy, liền hiện ra cho ta một cách đầy đủ để cho ta cúng dàng theo ý muốn.
 
Đại nguyện hai mươi lăm: Thuyết bằng tuệ giác
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện mỗi khi thuyết pháp
Nương trí Phật nói ra.

 
Ở Tịnh độ Bồ tát thuyết pháp không thuyết pháp theo tri kiến của mình, mà nương theo tri kiến của Phật. Tại sao? Vì tri kiến của Bồ tát đối với hết thảy pháp có những điều biết, nhưng chưa cùng tột, chỉ có trí tuệ Phật mới biết cùng khắp và chính xác đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, vì vậy Bồ tát thuyết pháp cần phải nương vào trí tuệ Phật để khỏi lầm lẫn và đem lại nhiều lợi ích và lợi ích một cách thực tiễn và chính xác cho cả muôn loài.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “ Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi, mỗi khi thuyết pháp đều thuận theo trí tuệ của Phật”.
 
Đại nguyện này còn gọi là Thuyết nhất thiết trí nguyện, Thuyết pháp như Phật nguyện, Bồ tát thuyết pháp thuận nhất thiết trí nguyện,...
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà để thâm nhập trí Phật và để thuyết pháp theo trí ấy của Phật.
 
Đại nguyện hai mươi sáu: Được thân kim cang
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Xin nguyện các Bồ tát
Đều được Kim cang thân.

 
Kim cang thân, còn gọi là Na la diên thân, kiên cố thân, cụ đức kim cương na la diên thân. Na la diên, tiếng Phạn là Nārāyaṇa, Hán dịch là kiên cố lực sĩ hay kim cang lực sĩ.
 
Kim cang thân là thân không bị hủy hoại. Thân không bị hủy hoại cũng thường gọi là pháp thân của Phật. Thân đã dứt hẳn các pháp bất thiện và tập hợp, tinh kết một cách rắn chắc các pháp thuần thiện, sáng chói mà không có bất cứ sự sáng chói nào có thể so sánh, rắn chắc mà không có bất cứ sự rắn chắc nào có thể so sánh hay hủy hoại được.
 
Và, Kim cang lực sĩ là thân thể có sức mạnh phi thường. Thân thể ấy do Vương tử Pháp Ý con của vua Dõng Quận ở thời quá khứ đã phát nguyện rằng: “Khi nào 1000 vị Thái tử thành Phật, thì mình sẽ là Kim cang lực sĩ, ở gần bên Phật, nghe những pháp bí yếu của Phật”.
 
Vua Dõng Quận xuất gia tu tập và thành Phật, hiệu là Định Quang Như Lai. 1000 thái tử của vua cũng xuất gia tu học và đều thành Phật ở trong thời đại hiền kiếp, thì bấy giờ Pháp Ý trở thành Kim cang lực sĩ, tên là Mật Tích. Cho nên, gọi là lực sĩ Kim cang Mật Tích, hoặc là Na la diên, vì Ngài có sức mạnh phi thường. (Kinh Bảo Tích 9 – Hội Kim cang lực sĩ).
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi đều được thân Kim cang lực sĩ”.
 
Đại nguyện này cũng còn gọi là Na la diên thân nguyện, Linh đắc kiên cố thân nguyện, đắc kim cương thân nguyện,...
 
Như vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là để thân ta càng ngày càng tinh kết các thiện pháp rắn chắc bất khả hoại và có sức mạnh như thân Na la diên, để khi đủ điều kiện vãng sinh Tịnh độ, thì thân ta và thân của các vị Bồ tát ở Tịnh độ của Phật A Di Đà đều có hình sắc tương đồng vậy và có sức mạnh để hộ trì chính pháp.
 
Đại nguyện hai mươi bảy: Muôn vật nghiêm tịnh
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Trời người cùng muôn vật
Từ nghiêm tịnh sinh ra.

 
Tịnh độ của Phật A Di Đà trang nghiêm thanh tịnh, từ nội tâm đến ngoại cảnh. Đối với nội tâm, thì chư thiên và nhân loại ở Tịnh độ Phật A Di Đà không có ái dục, không sinh ra từ nghiệp lực và từ bào thai, mà từ nguyện lực và từ hoa sen hóa sinh. Nên, tự thân của sự sinh ra ấy đã là thanh tịnh. Và không những vậy, mà sự thanh tịnh ấy, còn được trang nghiêm bằng các công đức của tâm bồ đề và các đại nguyện nữa. Vì vậy, ánh sáng và hình sắc của chư thiên và nhân loại ở thế giới ấy là không thể nghĩ bàn, đúng như đại nguyện.
 
Đối với cảnh của Tịnh độ là cảnh của tự tâm thanh tịnh, cảnh của tâm chứa đầy công đức và là cảnh từ nơi đại nguyện mà biểu hiện, nên chim cũng hót theo lời pháp, suối cũng reo theo lời pháp, mưa cũng rơi theo tiếng pháp, hoa nở cũng nở theo lời pháp và tất cả đều là thuyết pháp, để nhắc nhở và yểm trợ cho chư thiên, nhân loại ở Tịnh độ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng để được thường trú ở trong nhất tâm, cho đến khi hội chứng Niết bàn.
 
Tình và cảnh ở Tịnh độ phương Tây đều được hình thành từ đại nguyện và công đức của Phật A Di Đà, nên tất cả đều là vi diệu thanh khiết.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, hàng trời, người và muôn vật ở trong nước tôi, trang nghiêm thanh tịnh, hình sắc kỳ diệu tột cùng, không một ai có thể suy lường được, cho dù những người đó có cả thiên nhãn”.
 
Đại nguyện này còn gọi là Sở tu nghiêm tịnh nguyện, Linh vật nghiêm tịnh nguyện, Vạn vật thù diệu nguyện, Quang sắc đặc diệu nguyện, Vạn vật nghiêm tịnh nguyện, Quốc độ nan lượng nguyện,...
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để tiếp xúc với tình và cảnh đều thanh tịnh và trang nghiêm của Tịnh độ, nhằm tạo thành những hạt nhân tình và cảnh trang nghiêm, thanh tịnh ở nơi tự thân. Và khi nhân duyên hội đủ, thì tình và cảnh nơi tự tâm của ta cũng là tình và cảnh của Tịnh độ Phật A Di Đà.
 
Đại nguyện hai mươi tám: Thấy đạo thọ cao sáng
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Cho con thấy Đạo thọ
Căn lành rộng lớn ra.

 
Đạo thọ, cũng còn gọi là Giác thọ, Tư duy Thọ, Bồ đề thọ. Tiếng Phạn là bodhidruma, bodhitaru. Đức Phật Thích Ca do ngồi nơi cây này, tu tập thiền định mà thành đạo.
 
Tịnh độ của Phật A Di Đà có Đạo tràng thọ, tức là cây bồ đề ở thế giới cực lạc. Theo Kinh Vô lượng thọ, thì Đạo tràng thọ cao 400 muôn dặm, cành lá tỏa ra bốn phía với chu vi 20 vạn dặm. Cây ấy là do các loại châu báu tự nhiên hợp thành. Chung quanh cây có các chuổi ngọc anh lạc rủ xuống và những tấm lưới châu báu che phủ phía trên, cứ mỗi khi có những làn gió nhẹ thổi qua, thì từ những cành lá phát ra vô lượng tiếng pháp nhiệm mầu. Đạo tràng thọ của Tịnh độ phương Tây là do đại nguyện của Phật A Di Đà tạo thành.
 
Khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi, cho đến cả những người ít công đức, đều nhìn thấy được cây đạo thọ, màu sáng vô lượng, cao bốn trăm muôn dặm”.
 
Như vậy, ta nguyện tiếp xúc hay thấy cây Đạo thọ của Tịnh độ là để thấy được đạo tràng giác ngộ của Phật A Di Đà ở phương Tây. Và qua Đạo tràng thọ Tịnh độ, mà ta có thể tiếp xúc và thấy được vô lượng Đạo tràng thọ và vô lượng cõi nước thanh tịnh của chư Phật trong mười phương, khiến cho Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn nơi tâm ta càng ngày càng phát triển rộng lớn, hạnh nguyện Tịnh độ nơi đời sống của ta càng ngày càng trở nên vững chãi, kiên cố và bất hoại.
 
Nên, đại nguyện này còn gọi là Kiến đạo tràng thọ nguyện, Đạo tràng cao thắng nguyện, Tri kiến đạo thọ nguyện, Bồ tát giai cộng kiến đạo thọ nguyện, Thiểu công đức giả tăng thượng nguyện,...
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày ta có thể tiếp xúc với đạo tràng giác ngộ không phải chỉ ở Tịnh độ của Phật A Di Đà, mà còn hết thảy chư Phật khắp cả mười phương nữa.
 
Đại nguyện hai mươi chín: Được trí tuệ biện tài
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Bồ tát trì pháp Phật
Từ đó tuệ mở ra.

 
Bồ tát ở Tịnh độ của Phật A Di Đà thường trì tụng, tuyên lưu, diễn xướng kinh pháp của Phật, nên thông hiểu, từ đó mà trí tuệ mở ra, đạt được biện tài vô ngại. 
 
Biện tài vô ngại lấy trí tuệ làm bản chất để thông giải và biện luận, nhằm nhiếp phục và giáo hóa chúng sinh. Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, hàng Bồ tát nơi cõi nước của tôi, đều là những bậc tụng kinh đắc trí tuệ biện tài”.
 
Theo Câu Xá Luận 27, có bốn thứ vô ngại biện như sau:

- Pháp vô ngại biện hay pháp vô ngại giải: Nghĩa là có khả năng thông giải và biện luận giáo pháp một cách vô ngại.
- Nghĩa vô ngại biện hay nghĩa vô ngại giải: Nghĩa là có khả năng thông giải và biện luận lý nghĩa của pháp một cách dứt khoát và vô ngại.
- Từ vô ngại biện hay từ vô ngại giải: Nghĩa là có khả năng thông giải và biện luận mọi lý nghĩa ẩn chứa nơi mọi ngôn từ, phương ngữ một cách vô ngại.
- Biện vô ngại biện, nhạo thuyết vô ngại biện hay biện vô ngại giải: Nghĩa là có khả năng thông hiểu và biện luận thuận theo lý nghĩa một cách vô ngại và thuận theo sự ưa thích nghe pháp của người khác, mà biện luận một cách vô ngại.
 
Theo Thành Duy Thức Luận 9, đối với bốn vô ngại biện này, Bồ tát từ sơ địa trở lên cho đến bát địa đạt được từ một đến ba tuệ biện, hàng bồ tát địa vị thứ chín mới đạt được cả bốn vô ngại biện, nhưng đạt được Phật vị, thì bốn vô ngại biện mới thật sự hoàn toàn viên mãn.
 
Đại nguyện này còn gọi là Đắc biện tài trí nguyện, Tứ biện vô ngại nguyện,  Trì kinh tất đắc biện tài trí nguyện, Biện tài trí tuệ nguyện, Tụng Phật kinh pháp nguyện,...
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà và xưng tụng danh hiệu của Ngài mỗi ngày, là để ta có cơ hội tiếp xúc chất liệu tuệ biện nơi Ngài, cũng như các bậc Bồ tát ở Tịnh độ, và từ đó khơi thông chất liệu tuệ biện vốn có nơi ta, để ta có khả năng thông giải và biện luận giáo pháp, nhằm thực hành đại nguyện bồ đề nhiếp phục và hóa độ chúng sinh, đưa họ an trú vào trong Tịnh độ.
 
Đại nguyện ba mươi: Biện tài vô hạn
 
 Con đem tâm kính lễ
 Đức Phật A Di Đà
 Bồ tát tuệ vô lượng
 Biện tài như hằng sa.

 
Bồ tát có khả năng biện tài vô hạn lượng, nghĩa là ở nơi một pháp, bồ tát có khả năng biện tài, diễn đạt thành vô lượng pháp và ở nơi vô lượng pháp, Bồ tát biện giải để đưa về nhất pháp, nhất vị, nhất đạo, đó là Phật đạo nhất thừa.
 
Bồ tát có khả năng biện tài vô hạn lượng, nghĩa là từ nơi một nghĩa, bồ tát có khả năng biện tài diễn thuyết thành vô lượng nghĩa, và từ nơi vô lượng nghĩa bồ tát biện luận để đưa tới đệ nhất nghĩa là Niết bàn tịch tịnh, một cách vô ngại tự tại.
 
Bồ tát có khả năng biện tài vô hạn lượng, nghĩa là từ nơi một từ ngữ, một ngôn ngữ, bồ tát có khả năng biện tài, diễn thuyết thành vô lượng từ ngữ, vô lượng ngôn ngữ, và từ nơi vô lượng từ ngữ, vô lượng ngôn ngữ, bồ tát biện luận để đưa về với như ngữ, chân thật ngữ, nhất ngữ đến chỗ “tâm hành xí diệt, ngôn ngữ đạo đoạn”, một cách vô ngại tự tại.
 
Bồ tát có khả năng biện tài vô hạn lượng, nghĩa là đối với nghịch, bồ tát có khả năng biện luận, khiến chúng trở thành thuận hợp với chính pháp và ở trong thuận hợp, bồ tát có khả năng biện luận, khiến từ nơi thuận hợp hữu lượng lại tăng lên vô lượng, một cách tự tại vô ngại, làm cho cả người nghe và người nói đều thuận với chính pháp, mà không hề thấy mỏi mệt trong lúc nói cũng như trong lúc nghe.
 
Với khả năng tuệ biện vô lượng như vậy, nên bồ tát không phải nhiếp phục chúng sinh trong một phương mà mười phương, không phải chỉ nhiếp phục chúng sinh trong một loài mà hết thảy muôn loài và không phải chỉ nhiếp phục chúng sinh trong một cõi mà vô lượng cõi.
 
Bồ tát ở cõi Tịnh độ thành tựu được năng lực của tuệ biện như vậy là do Phật A Di Đà, khi còn tu nhân nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi, có trí tuệ biện tài không hạn lượng”.
 
Đại nguyện này còn gọi là Trí biện vô cùng nguyện, Tuệ biện vô lượng nguyện, Biện tài vô cùng nguyện,...

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà và các vị Bồ tát ở Tịnh độ mỗi ngày là để khơi dậy khả năng tuệ biện vô hạn vốn có nơi ta, và để phát triển khả năng ấy, đến chỗ vô lượng như chư Phật và Bồ tát vậy.

Còn nữa

Theo: hoangphap.info


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage