|
Hơn một lần, tôi được nghe, đọc, xem ở
đâu đó về chùa Bồ Đề, ngôi chùa chỉ cách trung tâm Thủ đô một con sông,
trong vô vàn ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng Bồ Đề rất đặc biệt
và nổi tiếng, bởi lẽ, ở đó không chỉ có tiếng tụng kinh gõ mõ, mà ở đó
còn có tiếng khóc hàng trăm trẻ thơ, và ở đó có những giáo lý nhà Phật
rất hiển hiện mà ta có thể sờ, nắm, nhìn và ôm được vào lòng.
Những sinh linh trôi dạt
Chùa Bồ Đề hơn 20 năm trước nằm trên bờ
sông vắng, bốn bề hoang sơ, tệ nạn rình rập bốn phía, một cô gái trẻ xin
đến quy y. Sinh ra trong một gia đình mộ đạo với sáu trên bảy anh chị
em đều xuất gia tu hành, cô gái ấy giờ đây là sư thầy Thích Đàm Lan, trụ
trì chùa Bồ Đề. Không chỉ thế, bà còn nổi tiếng với cương vị là... mẹ
của hàng trăm đứa con.
Một ngày cách đây gần 20 năm, người phụ
nữ tu hành bỗng dưng được những người xa lạ mang đến và "ấn" vào tay bà
một đứa trẻ sơ sinh, rốn chưa rụng, mặt mũi sưng vù kiến đốt, tím tái vì
bị bỏ rơi giữa đêm ngoài đường. Bà cùng nhà chùa đưa đứa trẻ đi cấp
cứu, chắt chiu từng thìa sữa (khi đó chỉ là sữa đặc Ông Thọ) khe khẽ rót
vào miệng đứa trẻ. 'Sự nghiệp' cưu mang nuôi nấng trẻ bị bỏ rơi của bà
bắt đầu như thế. Giờ đây, đứa trẻ ấy đã là người phụ nữ trưởng thành,
"bé" đã xây dựng gia đình riêng và thi thoảng vẫn góp sức cùng người mẹ
tu hành chăm sóc hàng trăm đứa em cùng cảnh ngộ.
Ngày lại ngày, những mảnh đời bơ vơ,
những sinh linh bé bỏng lần lượt - bằng cách này hay cách khác - tìm đến
núp dưới sự chở che của sư thầy. Hiện nay, "biên chế" chính thức của
chùa có 98 em nhỏ, hơn 10 người già neo đơn cùng chia sẻ, neo đậu vào
cuộc đời dưới mái nhà Đức Phật.
"Suốt gần 20 năm, 150 đứa trẻ đã lần
lượt đến nương tựa nơi này. Cách chúng đến với tôi dường như rất giống
nhau, có những trường hợp khắc sâu vào lòng tôi những nỗi xót xa".
"Nhiều trường hợp, có em tàn tật bị
cha mẹ bỏ, hoặc những em sinh viên chẳng may nhỡ nhàng cũng mang con đến
bỏ, cha mẹ bị nhiễm HIV cũng bỏ, hoặc những phụ nữ lang thang ngoài
đường bị cưỡng hiếp có thai rồi cũng đến đây bỏ con. Có đủ loại đối
tượng".
|
Sư thầy Thích Đàm Lan và bé Quỳnh Anh, Ảnh Đoàn Bảo Châu |
Có em bé vừa mới sinh bị vứt ở chợ Liễu Giai - Đội Cấn,
mặt mũi tái vì lạnh và đói, mặt mũi sưng phù vì kiến đốt nằm lịm được
một người bán nước phát hiện mang đến chùa Bồ Đề. Nhiều em ở hoàn cảnh
tương tự "bé như con chuột con, nhũn nhèo tím tái, cuống rốn chưa rụng".
Có bé được đưa đến đặt ở vườn tháp chùa giữa đêm đông, được quấn lớp
chăn mỏng. Người đặt em buộc thêm một con gà ở cạnh, con gà giãy dụa đập
cánh, các sư thầy ra xem phát hiện em bé sơ sinh rét cóng. Em bé đến
chùa gần đây nhất chừng 4 ngày tuổi, được ai đó đặt ở cổng chùa.
Một bé trai khác được ba tháng tuổi, bố
nghiện định bán con lấy 8 triệu đồng. Một người hàng xóm tốt bụng nhân
lúc gã nghiện không để ý đã lén bế đứa trẻ đến giao cho các thầy chùa.
Khi đứa trẻ lên 8 tuổi, mẹ cháu bé đột ngột xuất hiện. Suốt thời gian
trước đó, chị phải thụ án tù vì buôn bán ma túy. Những ngày đầu, người
phụ nữ chỉ dám đứng lặng lẽ một góc, chứa chan nước mắt dõi theo con.
Được vài ngày, người mẹ tiếp cận được con và xin chùa ở lại hai tháng
rồi xin phép nhà chùa bế con đi.
Sáu tháng sau, cô đưa con trở lại, năn
nỉ nhà chùa nhận lại cháu Thắng (con chị ta) vì công việc làm ăn đổ vỡ.
Những lần qua lại chùa đã giúp chị chắp mối lương duyên cùng cha của hai
em bé cũng đang sống trong chùa.
Trường hợp khác, cô bé Quỳnh Anh 4 tuổi.
Nhìn em bé xinh xắn dễ thương, ít ai tưởng tượng cô bé gặp cảnh ngộ
không giống ai: Mẹ bé còn sống, chỉ cách bé con sông Hồng. Người đàn bà
lỡ làng với người đàn ông của chị ta, kết quả là Quỳnh Anh ra đời trong
sự bạc bẽo của cha. Mẹ bé bế con đến để ở cổng chùa, được nhà chùa mang
về nuôi nấng.
Một thời gian sau, người mẹ tội lội gọi
điện cho sư thầy Thích Đàm Lan kể tả chi tiết về đứa trẻ, về những đồ
vật chị ta để cùng và tha thiết xin nhà chùa cho phép đón con về nuôi
dưỡng.
Khi ở với người đàn ông thứ hai, sợ con
gái làm ảnh hưởng hạnh phúc riêng, người đàn bà nhẫn tâm lại đem núm
ruột của mình đến giao cho nhà chùa. Tệ hơn, chị ta dặn dò nhà chùa nếu
chồng mới của chị hỏi, hãy nói đứa trẻ đã chết, đang được để bát hương ở
chùa Bồ Đề. Quỳnh Anh nay đã 4 tuổi, được mẹ đến thăm một lần duy nhất.
Một kẻ "máu lạnh" khác cũng lỡ mang
thai, được nhà chùa nuôi nấng chăm sóc khi sinh nở. Khi mẹ con cứng cáp,
chị ta bế con về, nhưng sau đó bán đứa trẻ lấy 2 triệu đồng rồi dùng số
tiền đó... ăn lẩu cùng mấy người bạn.
Những câu chuyện qua giọng kể trầm buồn
của nhà tu hành khiến người nghe không khỏi xót xa. Ngay dưới mái chùa,
dưới bàn tay Phật là những kẻ đánh rơi hết phần NGƯỜI. Trên đời có người
sinh ra đã là vua, người khác sinh ra đã là tỷ phú, và cũng có những
sinh linh vừa ra đời đã bị chính người sinh thành vứt bỏ. Thật đau xót!
|
Nụ cười hồn nhiên, Ảnh Đoàn Bảo Châu |
Việc có thể làm, sao phải đợi kiếp
sau?
"Vừa cho các em đi học, chi phí hàng
ngày, viện phí ốm đau rất lớn, có 47 em bé sơ sinh, em bé nhất là 4
ngày, cách 10 ngày có 4 em vào, có em nhìn thấy bệnh down, có em cơ hội
nhiễm HIV, có em rất xinh, có em từ lúc mẹ sinh ra mắt đã bị nhiễm
trùng phải đưa bệnh viện, không cấp cứu nhanh thì mù..." Bằng giọng
nhẹ nhàng, từ tốn, vẻ mặt hồn hậu, sư thầy chia sẻ những lo toan hàng
ngày cho hàng trăm đứa trẻ, gánh nặng mà chỉ những trái tim Phật mới
gồng gánh nổi.
"Trong ngàn lý do, thì có lý do tôi
nhìn thấy được hình tượng của đức Phật, mà hơn nữa tôi thấy ở bản thân
tôi, thì tôi cũng nguyện rằng là Đức Phật như vậy, Ngài đã hạnh nguyện
rồi, Ngài thành Phật rồi Ngài vẫn phải trở về mà làm cái hạnh nguyện.
Tôi nghĩ, cớ sao mà phải để kiếp sau mới làm. Ngay trên cõi đời này
đã có hạnh nguyện thì mình làm luôn. Con nguyện kiếp sau đâu còn có
thể làm".
May thay, trên đời vẫn có những tấm
lòng, và sư thầy không đơn độc. Cuộc sống của 98 em bé, mười mấy cụ già
neo đơn và các thầy chùa phụ thuộc hoàn toàn vào sự hảo tâm của con
người. Những doanh nhân làm ăn tốt hàng năm tài trợ cho chùa. Các phật
tử đóng góp khi đồng tiền, lúc bát gạo. Hàng tuần, các anh chị sinh viên
tranh thủ ngày nghỉ vào chăm sóc bế ẵm, bù đắp cho các em những vòng
tay ấm áp, và cả những người nước ngoài tình nguyện đến dạy học cho lũ
trẻ.
"Ai đến nhìn những cảnh này cũng thấy
ái ngại, nhờ bà con nhân dân mỗi người có lòng hảo tâm thì đến gom góp
để các bé có cuộc sống tương đối tươm tất. Tất cả trẻ con trong chùa đến
tuổi đều được đi học. Tuy không có chính sách đãi ngộ đặc biệt nào từ
ngành giáo dục, nhưng nhà chùa vẫn cố gắng để các cháu theo kịp chúng
bạn, không để các con cảm thấy tủi thân, thiệt thòi", sư thầy nói,
không giấu vẻ tự hào.
Người phụ nữ xuất gia trở thành người mẹ
đông con nhất Việt Nam vẫn bền bỉ trên con đường hạnh nguyện của bà.
Vẫn có những người như vậy, cuộc đời này thật may mắn thay.
***
Phật ở đâu xa
Những hình ảnh, những câu chuyện, những
em bé khóc cười hồn nhiên trong những căn phòng chật chội nóng bức cứ ám
ảnh tôi mãi không thôi. Vài ngày sau cuộc trò chuyện, tôi trở lại thăm
chùa, lại có thêm hai em bé được đưa đến. Sư thầy vẫn vậy, nụ cười tươi
hồn hậu, chỉ có nỗi lo sự quá tải đang là làm khổ lũ trẻ. Những ngày hè
nóng nhất đang đến.
Suốt đường về tôi cứ nghĩ câu nói của sư
thầy: "Việc có thể làm sao đợi kiếp sau?".
Trước đây tôi vẫn nghĩ những giáo lý nhà
Phật thật cao siêu và trừu tượng, nhưng giờ đây tôi cảm nhận một điều
rất rõ: hóa ra mọi giáo lý cuối cùng là để con người hướng tới cái
thiện, nghĩ điều thiện và làm việc thiện.
Một nghìn lời nói hay không bằng một
hành động dù nhỏ. Tâm Phật ở đâu xa, đôi khi nó hiển hiện ở chính một
vật cụ thể: một chiếc máy điều hòa giữa ngày hè oi nồng chẳng hạn. Ngày
mai, nhất định tôi sẽ làm điều gì đó...
|
|
98 đứa trẻ và 25 cô bảo mẫu sống... |
...trong 7 căn phòng chật hẹp
|
|
|
Giấc ngủ hồn nhiên |
Đứa trẻ bị tật bẩm sinh được nhà chùa đưa đi phẫu thuật |
|
|
Bé sơ sinh hơn 10 ngày tuổi bị vứt bỏ trước cổng chùa |
Bàn tay nhỏ xíu bằng một ngón tay của cô bảo mẫu |
Hoàng Hường; Ảnh: Đoàn
Bảo Châu (Tuần Việt Nam)