Phật Học Online

Nói với người bạn trẻ
Khánh Bình

“Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ.
Tai lớn năng nhẫn, nhẫn những điều khó nhẫn của thế gian.”
Đó chính là hình ảnh của ngài Di Lặc mà tôi đang muốn nói với bạn đấy, người bạn trẻ thân mến!
Bạn và tôi đều đang bước đi trên con đường đạo. Chúng ta đã suy nghĩ kĩ trước khi chọn nó - giữa ngàn vạn con đường đi ở trên thế gian này! Hơn ai hết, chúng ta hiểu nó là con đường tu tập để đem đến sự giải thoát an lạc, trước hết là cho chính nội tâm mình. Và cũng hơn ai hết, chúng ta hiểu, đỉnh núi càng cao thì đường leo lên nó càng khó khăn và chông gai hơn!
Bạn đã từ bỏ gia đình quyền quý và giàu sang để ra đi sống tự lập. Và chắc hẳn bạn không thể nào quên, tháng năm một mình bươn chải kiếm sống giữa dòng đời xuôi ngược. Bàn tay bạn đã chai sạn với đủ mọi công việc kiếm mướn làm thuê. Đã nếm đủ mọi sự đau khổ đắng cay cả về vật chất lẫn tinh thần. Không nhiều, nhưng đủ để bạn nhận ra chân lí của cuộc đời là khổ, đủ để bạn nhìn thấy ánh sáng của con đường giải thoát và quyết tâm đi về hướng mặt trời. Không phải là chàng Đam San đi tìm nữ thần mặt trời về làm vợ, mà đó là con đường đưa bạn đến trí tuệ và tình thương vô cùng, diệt tận mọi tham ái và khổ đau…
Tôi có nói quá không? Không! Bậc Đạo sư của chúng ta đã đi con đường ấy, các Thầy Tổ của chúng ta đã đi con đường ấy và chỉ lại cho chúng ta tiếp bước đi ngày hôm nay. Bạn đã tin và hãy cứ tiếp sức cho niềm tin ấy đi, đừng bao giờ nghĩ suy và ngại ngùng.
Nếu không gian khổ, sao gọi là tu!
Vào chùa, cơm chay xót ruột, cạo đầu rát da, mặc đồ hoại sắc, hủy hình tướng đẹp, tu tập theo khuôn khổ phạm hạnh của chốn thiền môn. Tôi biết, tôi hiểu, không phải ai cũng vượt qua những thử thách đầu tiên ấy. Nó là môi trường sống hoàn toàn khác với đời sống phàm tục. Nó buộc ta phải biết điều chế được thân tâm mình, để không phóng đãi buông lung, vượt qua quan niệm thành kiến về đẹp-xấu, ngon-dở, sung sướng và khổ cực… Nhưng bạn biết rõ rằng, khi đã điều chế được thân, là bạn đã giải thoát được lòng tham ái dục lạc, nó không chi phối được bạn nữa. Và hơn hết là sự điều phục tâm.
Tôi phải công nhận rằng, bạn có một nghị lực thật tuyệt vời, khi mà bạn vượt qua được những đau khổ về tinh thần trong một gia đình luôn đối xử tệ bạc đến tàn nhẫn với bạn. Những năm tháng bơ vơ tha hương, bạn vẫn vươn lên để sống và bước đi. Vậy thì người bạn thân mến ơi! Ngôi chùa và môi trường tu cũng như cuộc đời. Nhưng nó xô lấn bon chen, lừa lọc và phản phúc, tồi tàn và thối nát, cao thượng và vĩ đại theo một cách khác. Nó không thiếu cái gì… Chẳng lẽ nào bạn lại chịu gục ngã? Bạn đang đau khổ. Tôi biết, tôi hiểu, vì tôi đã từng trải qua. Bạn đã lí tưởng người tu sĩ, rằng họ lẽ tất nhiên hoàn toàn là những con người tốt đẹp và cao thượng, bởi họ học theo giáo lí cao thượng. Đừng quá lầm, tất cả đều là phàm phu tập tu thôi. Nếu là thánh nhân rồi thì còn tu làm chi nữa. Bởi vậy, trong họ có đủ tất cả bản tính tốt đẹp và xấu xa, ít hay là nhiều mà thôi! Bạn đừng đau khổ khi gặp phải trắc trở, đừng đau khổ khi tệ nạn tồn tại, đừng nản lòng mà muốn trở về khi bế tắc không thể giải quyết phiền muộn. Cái gì cũng vô thường, đến rồi sẽ đi, theo lý duyên sinh rồi sẽ diệt. Bạn hãy nhìn thẳng vào thực tại vào mọi rắc rối đang bao quanh bạn, xem chúng đến từ đâu, nhìn thẳng vào chính bản thân ta, ta là cái gì đây mà lại cứ phải ôm trong lòng những cái không ích lợi, chỉ gây ra phiền não khổ đau? Hãy nhìn thật kĩ, thật kĩ…
Chúng ta đã kết tập từ vô thỉ kiếp nghiệp chướng, đi tu là để cởi bỏ. Bạn hãy cố gắng bình thản, trước mọi lời xúc xiểm độc địa, nhẫn tâm. Hãy nhẫn nại lắng nghe tất cả. Đừng quan tâm đến những lời nịnh nọt tâng bốc, và cũng đừng bận lòng trước những lời cơ hiềm dèm pha… Vì sao? Vì chúng đều là giả dối. Họ đã nói không đúng về ta, cớ gì ta ôm cái không có ấy vào mình cho khổ. Coi như tai ta bị điếc vậy. Nhẫn nhục, chính là bình thản bỏ qua. Ta cũng có những sai lầm và người khác cũng có những sai lầm. Hãy cố gắng ngồi thiền trong tĩnh lặng hay niệm Phật. Và bạn biết không? Hãy nhìn mọi oán thù bằng lòng bao dung! Khi tâm bạn tràn ngập lòng hoan hỷ và bao dung, bạn sẽ không còn nhìn thấy ai và thấy cái gì oán thù. Khi họ càng đối xử tệ bạc với bạn, hung dữ với bạn, ác khẩu hay công kích dữ dội bạn, vì không hợp ý nhau, vì bất đồng một cái gì… Đơn giản, nghĩ rằng đó là bởi mình đã từng làm như vậy với họ. Im lặng là hơn. Lấy oán mà đối oán thì oán sẽ không bao giờ dứt. Sau nữa, họ chính là người đáng thương chứ không phải ta. Vì họ đang tạo nghiệp, đang tự tàn phá chính nhan sắc và thể chất của nội tâm họ, tâm họ còn đâu trong sáng nữa, chỉ còn tức tối và ghét thù… Đáng thương thay!
Bạn thấy không, chỉ cần một chút đi sâu vào nội tâm bằng lòng thương yêu và sự nhẫn nại, bạn sẽ thấy cuộc sống thật đa dạng. Chưa nói tới bạn đi sâu, sâu nữa… Hãy học hỏi và đi sâu vào kinh điển và giáo lí, áp dụng vào đời sống tu tập hàng ngày, sửa đổi tự chính bản thân mình. Đừng hi vọng ngoại cảnh thay đổi, điều đó không cần và không thể. Ta hãy tự đi trên con đường của chính ta, bằng đôi chân của chính ta và nương tựa vào chánh pháp, giữ vững niềm tin vào chánh pháp, người bạn trẻ! Tôi biết, cuộc sống của bạn đang rất khó khăn. Từ lâu bạn đã sống không dựa vào gia đình. Và ngay cả bây giờ, thiếu thốn và tật bệnh, chật vật để sống, bạn không hề có được sự quan tâm của gia đình về cả vật chất và tinh thần. Bố mẹ bạn vẫn phản đối bạn đi tu, cộng thêm mâu thuẫn từ trước nữa. Ở trong chùa, bạn sống âm thầm và lặng lẽ… Bạn nếm trải gần như là đủ các kiểu khổ mà kinh dạy, nếm trải một mình, không ai hiểu bạn để có thể giúp bạn…
Hãy bình tâm! Cố gắng lên đi! Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Bạn hãy đi lên từ trên chính những gì gian khổ nhất, cay đắng nhất, chua chát nhất. Vượt lên được, bạn thực sự xứng đáng với danh từ tu. Không ai tu nên từ trên nệm gấm lầu hồng. Không ai hiểu ta bằng chính ta! Người bạn trẻ!
Dẫu biết đời là vô thường, đừng chạy đua theo dục vọng, nhưng hãy cố gắng sống, tinh tấn tu hành. Bao kiếp nay mới được thân người, đừng uổng phí. Bạn hiểu không? Ấy chính là nhẫn những điều khó nhẫn của thế gian, dung vào lòng những điều khó dung của thiên hạ vậy! Cái gì cũng có giá của nó. Bạn cố gắng đi, quả ngọt thành công sẽ đến với bạn. Bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt mà không loài quả nào của thế gian có thể sánh được.
Con đường mà đức Phật đã đi và chỉ dạy lại cho chúng sanh, là con đường thực tế và giản dị: chuyển hóa nội tâm, vượt lên khổ đau để sống an vui, tự tại. Thế nhé! Cứ lặng lẽ mà đi! Tôi luôn tin tưởng bạn, bạn đã đủ nghị lực vượt qua những sóng gió đầu đời, thì không có lí gì bạn lại không thể vượt qua sóng gió đầu đường tu. Đời rất ngắn, nhưng đời cũng rất dài. Hãy trả lời bằng tương lai và chính những gì mình làm được.
Chào thân ái!
Mỗi ngọn Everest của nội tâm, không ai có thể chinh phục được ngoài lí trí và nghị lực của chính mình!


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage