Phật Học Online

Niềm vui tịnh lạc

GN - Có lần một vị Trời đến hầu Đức Phật, khi thấy các thầy Tỳ-kheo trong Tăng đoàn luôn hoan hỷ mặc dù đời sống tu hành đơn sơ đạm bạc, vị Trời hỏi Phật:

- Các vị tu hành đời sống đạo hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một bữa ăn, tối ngủ dưới gốc cây hoặc ở nơi trú ngụ nhỏ hẹp được làm bằng tre lá, vật liệu thô sơ, sao trông các vị ấy có vẻ an vui tự tại như thế? Xin Thế Tôn cho con được biết!

Đức Phật đáp:

- Các vị ấy không than van sầu muộn những chuyện đã qua, không nóng nảy khao khát những gì chưa đến. Các vị ấy chỉ tập trung tâm trí vào hiện tại, do đó các vị ấy tự tại.

PHAT HOC.jpg

Niềm an vui tự tại xuất phát từ tâm an tịnh, nó không liên hệ, không tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài.

Câu trả lời của Đức Phật cũng cho biết những gì khiến cho con người rơi vào nỗi bất an, phiền não, khổ đau, không tự tại. Chính sự nhớ nghĩ quá khứ, tiếc nuối quá khứ, chìm đắm trong hồi tưởng, than van sầu muộn những chuyện đã qua; mơ tưởng viển vông, băn khoăn, lo lắng hoặc nóng nảy, khao khát những gì chưa đến.

Tóm lại, chính tâm dao động, hướng tâm duyên với các pháp quá khứ, tương lai, không an trú tâm trong hiện tại là nguyên nhân gây ra những bất an, khổ não cho con người.

Tương tự, trong kinh Nhất dạ hiền (số 131, Kinh Trung bộ), Đức Phật dạy:

“Không truy tìm quá khứ

Không ước vọng tương lai

Quá khứ đã qua đi

Tương lai thì chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây…”.

Không truy tìm quá khứ là không nhớ về, nghĩ về những gì mà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đã từng tiếp xúc trong quá khứ, những gì đã trải qua trong quá khứ mà ta thích hay không thích, mong muốn hay không mong muốn. Có nghĩa là không chìm đắm trong hồi tưởng, không ngụp lặn trong suy tư, nghĩ ngợi về những gì đã thấy, đã nghe, đã ngửi, đã nếm, đã tiếp xúc, va chạm, đã từng ý thức, tư duy, tưởng tượng.

Quá khứ không còn nữa, có còn chăng là trong ký ức, đó là những hình ảnh, những cảm giác, cảm nhận không thực, chỉ là bóng dáng của những gì đã xảy ra. Tuy thế, bóng dáng của quá khứ có thể khiến cho tâm dao động, bất an nếu như hướng về nó, khiến cho các phiền não khởi lên, đó là tham luyến, nuối tiếc, hân hoan, vui vẻ, hoặc buồn bã, hối tiếc, oán ghét, giận hờn v.v… Tất cả những phiền não này đều là biểu hiện của tham ái và chấp thủ. Do đó, bóng dáng của quá khứ tuy không thực nhưng là nguyên nhân làm tăng trưởng tham ái và chấp thủ, cũng có thể nói cách khác là làm tăng trưởng tham, sân và si.

Không ước vọng tương lai là không mơ tưởng viển vông mà quên đi tương lai phải được dựng xây trên nền tảng hiện tại. Không băn khoăn lo lắng, khao khát mong chờ những gì chưa tới hoặc có thể không bao giờ xảy ra (chỉ do ta quá âu lo hoặc khao khát mong chờ mà tưởng tượng ra). Không mong chờ tương lai mình sẽ như thế này, thế khác, hay không như thế này, thế khác. Không mong chờ tương lai mình thấy, nghe, hay biết v.v… như thế này hay như thế khác, nói chung là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mình, tiếp xúc với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp như thế này hay như thế khác. Không mong chờ trong tương lai được tiếp xúc với sắc gì, thinh gì, hương gì, vị gì, xúc gì, pháp gì. Không ước vọng tương lai là không mong muốn những điều đó, cũng không có ý niệm chán ghét, nhàm chán, lo sợ phải tiếp xúc với những gì mình không thích, không muốn tiếp xúc.

Tâm hướng về quá khứ hay tương lai đều bị xem là vọng tâm, là tâm đi hoang (do không an định), là tâm bị trói buộc, không tự tại (do bị các phiền não kiết sử chi phối).

Mặt khác khi tâm hướng về quá khứ hoặc tương lai sẽ không có mặt trong hiện tại, do đó không nhận biết được những gì đang diễn ra. Quan tâm đến hiện tại không có nghĩa là chìm đắm trong hiện tại, để tâm vướng mắc vào các pháp hiện tại, để cho các pháp hiện tại lôi cuốn, tác động, chi phối mà là trực nhận hiện tại như nó đang là với tâm hoàn toàn vắng mặt vọng tưởng, tham ái, chấp thủ, vắng mặt các phiền não tham, sân, si (trong đó có ngã chấp và pháp chấp).

Điều này cũng giống như lời Phật dạy trong kinh Kim cang: “Đừng trụ vào đâu cả mà sinh tâm, hay: Hãy an trụ tâm vào chỗ vô trụ” (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, có nghĩa là không trụ tâm vào bất cứ điều gì, bất cứ pháp nào trong quá khứ, tương lai và cả hiện tại). Hoặc trong kinh Pháp cú: “Bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai mà vượt qua bờ kia, tâm giải thoát hết thảy”(PC.348), có nghĩa là bỏ sự dính mắc, tham đắm, chấp thủ sắc, thọ, tưởng, hành, thức (năm yếu tố cấu hợp thành con người và thế giới) quá khứ, hiện tại và tương lai.

Kinh Tương ưng bộ có ghi về lần đầu Trưởng giả Cấp Cô Độc đến yết kiến Đức Phật, ông hỏi thăm Ngài có khỏe và an lạc không, Đức Phật đã trả lời ông rằng: Lúc nào Như Lai cũng an lạc. Vì bên trong một vị A-la-hán, mọi thứ lửa (tham, sân, si) đều được giập tắt, hoàn toàn mát mẻ, dứt bỏ mọi mầm mống tạo đời sống mới (không còn tái sinh, chấm dứt luân hồi sinh tử), cắt đứt mọi trói buộc, phiền phức (đã giải thoát), chế ngự mọi đau khổ và phiền não. Một vị A-la-hán luôn an nhiên, tự tại, vì tâm đã thành tựu trạng thái thanh tịnh, an lạc tối thượng.

Như vậy, sự thanh tịnh, an lạc do đoạn tận phiền não khổ đau là hạnh phúc tối thượng. Đức Phật có nói đến mười loại hạnh phúc, đó là:

- Hạnh phúc có được do tiếp xúc với ngũ trần: Có năm sợi dây trói buộc gọi là ngũ trần. Là những hình thể, màu sắc quyến rũ, hấp dẫn do mắt tiếp nhận, dễ yêu thích, dễ say mê, khuấy động sự ham muốn, khát vọng. Là những âm thanh do tai, những mùi hương do mũi, những vị do lưỡi, những sự xúc chạm do thân tiếp nhận, quyến rũ, hấp dẫn, dễ yêu thích, dễ say mê, khuấy động sự ham muốn, khát vọng. Bất luận hạnh phúc hay lạc thú nào phát sinh do năm trói buộc đó là hạnh phúc vật chất, không phải là hạnh phúc cao thượng nhất mà chúng sinh có thể thọ hưởng.

- Hạnh phúc do tu tập: Có những loại hạnh phúc cao thượng hơn hạnh phúc do ngũ trần mang lại, đó là khi hoàn toàn dứt bỏ lòng ham muốn thỏa mãn những dục vọng, xa lìa những ý niệm bất thiện (ly dục, ly bất thiện pháp), chứng nhập Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục mà có được, có tầm (hướng tâm đến đối tượng tu tập, tâm không loạn động), có tứ (dán chặt, cột chặt trên đối tượng tu tập, tâm không hướng đến đối tượng khác, không chạy theo đối tượng khác, có sự tập trung cao). Lúc này lạc thọ có mặt nhưng không chi phối tâm hành giả tu tập.

Khi tầm, tứ vững chắc, không dao động, tâm yên tĩnh, kiên cố. Hành giả chấm dứt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sinh (định sinh hỷ lạc), không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Xả bỏ hỷ lạc của Nhị thiền, an trú trạng thái xả và hoàn toàn giác tỉnh, thọ hưởng trạng thái lạc vi diệu (diệu lạc) mà bậc Thánh nhân mô tả là “xả niệm lạc trú”, tâm bình thản, quân bình, buông bỏ mọi ý niệm, an trú trong hạnh phúc vi diệu (diệu lạc), chứng nhập Tam thiền.

Hạnh phúc cao thượng hơn nữa là trạng thái tâm thanh tịnh, dứt bỏ lạc thú và phiền não khổ đau, không vui thú cũng không đau khổ, tâm xả hoàn toàn, xả bỏ cả những lạc thọ ở trạng thái Tam thiền, hành giả chứng nhập Tứ thiền. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là hạnh phúc cao thượng nhất.

Còn có những loại hạnh phúc cao thượng hơn. Đó là khi vượt lên mọi sắc tưởng, không còn mọi chướng ngại tưởng, hành giả suy niệm “không gian vô tận” và sống trong cảnh giới Không vô biên xứ. Kế đó là khi vượt lên khỏi cảnh giới Không vô biên xứ, hành giả suy niệm “thức vô cùng tận” và an trú trong cảnh “Thức vô biên xứ”. Hành giả tiếp tục suy niệm “Không có gì cả” và sống an trụ trong cảnh giới “Vô sở hữu xứ”. Khi vượt lên khỏi cảnh giới “Vô sở hữu xứ”, hành giả an trụ trong cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ (chẳng phải tri giác, chẳng phải chẳng có tri giác). Tuy nhiên, đây chưa phải là hạnh phúc cao thượng nhất.

Hạnh phúc cao thượng nhất là khi hành giả vượt lên khỏi cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đạt đến sự chấm dứt mọi cảm giác và tri giác, hành giả hoàn toàn không còn cảm giác và tri giác. Đây là trạng thái Diệt thọ tưởng định, an trú trong cảnh giới này sẽ sinh khởi trí tuệ giải thoát, đoạn trừ tất cả phiền não lậu hoặc.

Trong mười loại hạnh phúc, hạnh phúc do tham ái, dục vọng, do sự thỏa mãn các giác quan mang lại là thứ hạnh phúc thô thiển, thấp kém nhất, tồn tại ngắn ngủi và mang nhiều mầm mống khổ đau. Chứng Diệt thọ tưởng định, an trú Niết-bàn là hạnh phúc cao thượng nhất, thù thắng nhất. Đức Phật dạy: “Như Lai tuyên bố rằng tất cả những gì mà giác quan cảm nhận đều là đau khổ. Tại sao? Bởi vì người trong cảnh khổ khao khát được hạnh phúc, mà người được xem là đã có hạnh phúc cũng vẫn khao khát được thêm nữa. Lòng tham của thế gian không cũng tận”, “Chỉ Niết-bàn (trạng thái an lạc tuyệt đối, không còn phiền não tham, sân, si) là hạnh phúc tối thượng”(Trung bộ kinh).  

Phan Minh Đức (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage