Phật Học Online

Khéo tu học trong đời sống tín ngưỡng và tâm linh

 * * *

Có người vì quá kính ngưỡng Phật, Bồ-tát nên thỉnh tất cả hình, tượng của các vị Phật, Bồ-tát mà mình được biết về nhà thờ. Ở chùa thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Địa Tạng v.v… thì ở nhà các Phật tử ấy cũng có thờ. Nếu như các vị Phật và Bồ-tát trong kinh Hồng Danh, Vạn Phật có tranh, tượng thì có lẽ những Phật tử này cũng thỉnh về thờ. Bàn thờ trang nghiêm, cũng lư hương, nhang đèn, hoa quả, có cả phan phướng, chuông mõ… khi mới bước vào trông giống như chánh điện một ngôi chùa.

Nếu ngôi nhà lớn, có không gian thờ phụng riêng và được sự đồng tình nhất trí của mọi thành viên trong gia đình thì quá tốt. Đằng này lại là một bàn thờ, bệ thờ rộng ở nhà trước thì không hay lắm, vừa khiến nhà chật hẹp, vừa kém thanh tịnh, trang nghiêm, bởi vì ở đó còn có các sinh hoạt khác của gia đình như làm việc, tiếp khách, ăn uống, vui chơi giải trí, có nhiều người ra vào, trẻ con nô đùa phá phách, không gian thờ phụng như thế không phù hợp cho việc thực hành các khóa lễ (tụng kinh, lễ bái) và hành trì giáo pháp (tham thiền, niệm Phật, tham cứu kinh điển). Có khi việc tín ngưỡng, thờ phụng của người Phật tử gây khó chịu cho những người khác trong gia đình nếu như họ chưa là Phật tử.

Một số nhà Phật tử thiết kế thờ phụng như chùa, Phật đường, đến khi cúng giỗ hoặc mở tiệc tùng thì bày ra ăn uống nhậu nhẹt, ca hát, la lối trước bàn thờ Phật thật khó coi. Nếu người thờ phụng có niềm tin thanh tịnh, khi chứng kiến cảnh tượng ấy sẽ cảm thấy bất an, phiền não khởi lên. Nhưng nếu không đồng ý, phản đối các việc đó thì những người khác phật lòng, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, các mối quan hệ với người nhà, bè bạn.

2012

Người Phật tử tu tại gia nên thờ tranh hoặc tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay Đức Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí (Tây phương Tam Thánh). Nếu thấy thích, có duyên với Đức Bồ-tát Di Lặc thì thờ Bồ-tát Di Lặc; thích thờ Phật Dược Sư thì thờ Phật Dược Sư, chỉ một vị thôi. Không nên thờ quá nhiều như trong các chùa. Các chùa thờ nhiều hình tượng Phật và Bồ-tát là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nhu cầu tâm linh của nhiều đối tượng (người kính ngưỡng vị này, người kính ngưỡng vị khác; người có duyên với vị này, người có duyên với vị khác, tâm ý và nhân duyên của mọi người không giống nhau), hơn nữa chùa là cơ sở thờ tự nên khác với tư gia, không nên bắt chước một cách máy móc hoặc làm theo cảm tính.

Trên bàn thờ Phật chỉ cần một lư hương nhỏ, một bình cắm hoa, ba ly nước nhỏ là đủ, có thể thêm một cặp chân đèn để cắm đèn dâng cúng Phật, không cần treo tràng phan, bảo cái như ở điện thờ Phật trong chùa. Quan trọng là nơi thờ phụng tương đối cao và sạch sẽ, gọn gàng không bề bộn, trang nghiêm thanh tịnh. Nếu có một không gian riêng để thờ phụng và tu tập thì càng tốt, tránh bị thế giới bên ngoài ảnh hưởng.

 Việc tổ chức, sắp xếp một không gian thờ phụng và thời gian sinh hoạt tâm linh cho phù hợp là điều rất quan trọng, giúp người Phật tử phát triển về tâm linh, tiến bộ trong tu tập.

Việc thờ phụng tuy có ý nghĩa, giá trị nhất định, nhưng nếu không đủ điều kiện để thiết lập bàn thờ một cách trang trọng cũng không sao. Điều quan trọng hơn hết mà người Phật tử cần là học Phật, thực hành giáo pháp và hướng những người thân của mình theo con đường lành, có chánh kiến, chánh tín, phát tâm tu học.

ban tho hoa sen

Nếu không thay đổi được nhận thức người thân, không khiến cho người thân phát tâm hướng về Tam bảo thì người Phật tử gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình tu học Phật pháp tại gia đình mình. Ngược lại, nếu những thành viên trong gia đình có chánh tín, quy ngưỡng Phật, Pháp, Tăng thì người Phật tử có thêm trợ duyên, đồng thời cũng có được công đức hóa độ thân nhân của mình, đáp đền ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ và tình cảm của anh chị em trong gia đình.

Ví dụ như người Phật tử muốn ăn chay nhưng chồng hoặc vợ không tán thành; muốn phát tâm cúng dường, bố thí nhưng không được người nhà đồng tình ủng hộ; đang ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh thì bị quấy rầy v.v… Như thế sẽ gây trở ngại, khó khăn cho người Phật tử trên bước đường tu học, hành thiện, tạo phước. Người Phật tử thuần thành hiểu đạo sẽ xem đó là thử thách, là cơ hội rèn luyện, trau giồi, phát triển đạo tâm, nhưng nếu là người Phật tử sơ cơ mới phát tâm sẽ dễ thối chí nản lòng.

Người Phật tử dù nhiệt tâm đối với đạo cũng không nên bỏ quên trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, xã hội. Bởi người tại gia còn có nhiều mối quan hệ với gia đình, với xã hội, bạn bè, đồng nghiệp, còn có công việc mưu sinh, còn gánh trên vai nhiều trách nhiệm. Tinh tấn tu học, công quả cho chùa, tích cực làm từ thiện, nhưng nếu thiếu sự quan tâm những người thân của mình (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái), không chăm lo gia đình, bỏ mặc đời sống gia đình thì thật sai lầm tai hại. Có người không hiểu bảo rằng: “Tôi đi chùa làm công quả để tạo phước cho gia đình, sao ông nhà tôi/ bà nhà tôi không vui, không đồng ý?”, từ đó người Phật tử và thân nhân của mình đều sinh tâm bất mãn lẫn nhau, có thái độ, hành động hục hặc lẫn nhau khiến cho gia đình mất niềm vui, mất hạnh phúc. Có trường hợp người nhà của Phật tử đâm ra ghét chùa, ghét Tăng Ni, hễ nghe nói tới Tăng Ni, nói tới chùa chiền là nổi phiền não ngay. Tuy đây là thái độ, hành vi không đúng, nhưng một phần trách nhiệm ở người Phật tử, do người Phật tử không khéo léo trong tu học, hành trì, không làm tốt vai trò của mình trong đời sống, khiến người khác nghĩ sai, hiểu sai ý nghĩa của việc theo đạo, giá trị của người Phật tử.

Để trở thành một Phật tử đúng nghĩa và có một đời sống an vui hạnh phúc nhờ thực hành giáo pháp của Đức Phật, người Phật tử phải quan tâm đến việc học Phật, thường đi chùa nghe pháp, gần gũi các bậc đạo sư và thiện hữu tri thức, biết áp dụng Phật pháp vào đời sống thường nhật.

Không ít người sau khi quy y, đem tờ giấy chứng nhận quy y về treo trong nhà, cho như thế là mình đã trở thành một Phật tử, đây là nhận thức sai lầm. Lễ quy y là một pháp sự được xem như nguyên tắc cần phải có trước khi trở thành một Phật tử, nhưng để trở thành một Phật tử thực sự  thì phải thọ Tam quy, trì Ngũ giới, giữ gìn đạo đức của người Phật tử tại gia, học tập giáo lý và sống theo tinh thần Phật dạy. Có người không còn nhớ Tam bảo là gì, Năm điều đạo đức của người Phật tử tại gia (Ngũ giới) là gì, không có lời nói, việc làm nào là biểu hiện tư cách của người Phật tử. Họ vẫn bài bạc, số đề, rượu bia, chửi thề, nói tục, vẫn vợ bé vợ mọn, hành xử kém văn hóa… khiến người khác mỗi khi nhìn thấy họ đi chùa, mặc áo tràng thì đánh giá không tốt về người Phật tử, quy kết Phật tử chỉ là những kẻ “cũng như ai”, thậm chí là “như thể cây sơn”, “khẩu thị tâm phi”, chẳng có gì đáng nể trọng.

CT147

Người Phật tử cũng cần xác định rõ đâu là giá trị tâm linh của đạo Phật, không nên nhầm lẫn niềm tin mê tín, niềm tin thần quyền, những hoạt động tín ngưỡng dân gian là giá trị tâm linh của đạo Phật. Muốn xác định rõ điều này, người Phật tử cần phải đọc kinh luận, học giáo lý, nghe giảng Phật pháp, thường giao lưu học hỏi với thầy lành bạn tốt. Nhất định người Phật tử phải hiểu lý vô thường, lý duyên sinh, nhân quả, luân hồi, tái sinh. Không thể xem là một Phật tử nếu như không biết lịch sử của Đức Phật, người khai sáng đạo Phật, cũng không thể xem là một Phật tử nếu như không biết giáo lý cơ bản của đạo Phật.

 Người Phật tử phải nên lưu ý những điều trên. Mọi biểu hiện, lối sống của người Phật tử đúng theo Chánh pháp đều có giá trị lợi lạc cho bản thân và người khác, đồng thời cũng có ý nghĩa trong việc làm tấm gương nhân cách cho mọi người, là phần tử đại diện của Phật giáo. Do đó khi đã quy y trở thành người Phật tử, quy kính Tam bảo, giữ gìn đạo đức của người Phật tử tại gia thì người Phật tử phải luôn xem lại mình để xứng đáng là người con Phật, và để có được những giá trị đích thực trong đời sống đạo đức và tâm linh.

Diệu Thể

sưu tầm : Kiều Lương


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage