Phật Học Online

Nếu chỉ còn một ngày để sống
Tâm MInh St

Nhạc sĩ Hoài An liên tục đề cập câu điều kiện này trong tác phẩm của mình và chẳng cần trả lời, mình sẽ sống trọn vẹn ngày hôm đó. Có thể mình không hiểu sống trọn vẹn là như thế nào, chỉ biết tận hưởng từng khoảnh khắc bình yên của sự sống.


Ai đã lỡ nói lời chia rẽ căm thù thì tận dụng ngày còn lại để hàn gắn và tha thứ. Ai đã lỡ gây đau khổ cho nhau thì xí xóa tất cả, kêu gọi tình yêu quay về. Ai đã lỡ tạo dựng địa ngục thì đóng cửa và ngưng cung cấp dịch vụ địa ngục. Nói sống trọn vẹn từng ngày chưa đủ mà phải sống trọn vẹn từng giây phút, thậm chí từng sát na. Để mỗi giây phút trôi đi trong các trò chơi ảo, của hờn giận, ghen tuông, tranh giành, mình biến sự sống thành địa ngục. Nói thương mẹ, thương bạn, thương người, thương muôn loài chỉ trong một phút, thậm chí ít hơn nhưng lại đem niềm tin rất lớn cho người nghe và họ sống hạnh phúc rất lâu sau đó. Người không dám nói lời thương, lời tha thứ trong phút chót thì uổng lắm. Nhưng tại sao phải đợi đến giây phút chót mà không nói ngay bây giờ, tha thứ và thương yêu ngay bây giờ. Sự chờ đợi không ngợi ca được tính kiên nhẫn mà lại tạo nên rào cản trên con đường sáng lập hạnh phúc. Hạnh phúc không nằm cuối con đường, hạnh phúc chính là con đường. Nếu chỉ còn một ngày để sống thì dĩ nhiên hãy sống trọn vẹn ngày đó. Thật vô lý nếu phải chờ đến ngày cuối cùng mới sống trọn vẹn. Hãy sống trọn vẹn vào lúc này, có phải mình có rất nhiều ngày trọn vẹn hay không? Ngày nào cũng trọn vẹn, ngày cuối cùng để sống kia quan trọng như mọi ngày.

Thôi không gây đau khổ, không giành ăn với nhau nữa. Trong lớp, người ta giành từng con điểm. Trong công sở, người ta giành từng đồng lương. Trên chính trường, người ta giành từng quyền lực. Trong xã hội, người ta giành từng lời ăn tiếng nói. Người đã quá đau khổ, địa ngục đầy dẫy, nhưng người cứ mãi tạo ra thêm nhiều đau khổ, nhiều địa ngục. Ngày nay có duyên nên gặp nhau, ngày mai hết duyên không gặp nhau nữa, vậy hôm nay hãy biết yêu thương nhau. Ngày nay còn sống, còn sức khỏe nên hãy giúp đỡ, thông cảm nhau, ngày mai đi xa rồi ngay cả một lời chào cũng không kịp nói. Sống là phải biết chờ đợi, nhưng đừng chờ đợi tình thương, đừng chờ người khác mang tình thương đến mình. Mình luôn tự hào là người bận rộn nhưng hãy bận rộn trong công việc của tình thương, đừng bận rộn trong công việc của địa ngục. Thay vì sử dụng thời gian xây địa ngục, mình nên xây tịnh độ hay thiên quốc cho mình và cho người. Chất liệu từ bi trong mình có đầy, nhưng sao mình ban phát nó nhỏ giọt vậy? Khi mình đã tạo tịnh độ, mình mời người này người kia đi vào an vui với mình, còn địa ngục thì thôi, đập bỏ nó đi. Người giỏi xây được tịnh độ ngay trong địa ngục và chuyển hóa các yếu tố địa ngục thành tịnh độ. Duy tâm tịnh độ tức tịnh độ đến từ tâm nên dù hoàn cảnh có tính địa ngục cách mấy mà tâm bình an, mọi thứ bên trong lẫn bên ngoài đều bình an. Người khổ đau vì tình yêu, chiến tranh, dịch bệnh, muốn mà không được… nhưng nếu xem đó là những thử thách thì sống chung với thử thách thì sẽ vui hơn. Người luôn mong vượt qua thử thách, vượt lên đỉnh cao. Thử thách chỉ là thử thách, đừng xem nó là gì cao siêu bởi hy vọng nhiều, thất vọng sẽ càng nhiều nên vượt qua thử thách chỉ để vượt qua thử thách, còn đặt ra mục tiêu cho nó, người cũng thuộc nhóm người chạy theo danh sách mục tiêu thôi. Nhà quản trị hay nói vượt qua mục tiêu, mình sẽ phát triển và khi vừa hoàn thành mục tiêu này, mục tiêu khác đã xuất hiện. Vậy phát triển là phát triển cái gì, có chăng là phát triển tính ngã mạn và tiềm năng hưởng thụ của mình.

Buông bỏ mọi ảo tưởng và ước muốn để cuộc đời bớt khổ. Sở dĩ mình khổ vì dính mắc và ôm đồm nhiều thứ quá, cái gì cũng thích thu gom vào. Mình hay dựa dẫm vào tôn giáo, người thầy, gia đình hay người bạn để xây dựng và củng cố lại niềm tin nhưng mọi thứ đều vô thường, đều thay đổi, điều nương tựa cũng thay đổi, mình đánh mất niềm tin rồi đổ thừa cho điều đó, mình thấy khổ vì sự nương tựa. Người trẻ quay sang tôn thờ những người diễn viên, vận động viên hay lãnh tụ như thần thánh, đồng thời nhìn vào tài năng của họ nhiều hơn nhìn vào tình thương của họ. Tài năng có thể đóng góp cho nền văn minh nhân loại nhưng chưa chắc đem lại hòa bình đích thực, người có tài vẫn khổ như thường, như bị ganh tỵ, bị dèm pha, bị hãm hại, bị tàn phai nhan sắc hay bị mai một. Tài năng đâu có ở với mình hoài và không hẳn đi tiếp ở thế giới bên kia. Tình thương ngược lại, nó có sự tiếp nối và thừa hưởng. Mình thương người thì sự sống dài lâu và mang đến kiếp sống tiếp theo. Nếu chỉ còn một ngày để sống, hãy thương như chưa bao giờ được thương vì tài năng, tài sản, vật chất phải bỏ lại lúc ra đi nhưng tình thương vẫn mang theo, vẫn vun bồi và làm thuận duyên cho sự tu tập ở những kiếp sống khác. Nói cuộc đời là khổ hay bể khổ là đúng nhưng không đầy đủ. Cuộc đời cũng là hạnh phúc nữa, như vậy mới đủ. Khổ chỉ là một chiều của sự sống. Khổ là một phần của sự sống, hạnh phúc cũng thế. Đời được cấu tạo bởi khổ và vui, bên cạnh đó còn có không khổ không vui. Khổ là yếu tố hay bàn đạp thúc đẩy cái vui phát khởi, nhờ khổ mình mới trân quý cái vui, thực tập hạnh phúc và hết lòng chuyển hóa khổ đau. Nếu đời chỉ có hạnh phúc thôi, thế gian này sẽ không có ngục tù và nếu đời chỉ có khổ thôi, đức Phật sẽ không khám phá ra con đường diệt khổ. Vì vậy, khổ là một tiến trình của hạnh phúc, người biết khổ mới hiểu rõ hạnh phúc là gì.

Hạnh phúc là sự vắng mặt của khổ đau cho dù người đang trong hoàn cảnh khổ đau. Sự vắng mặt không phải là hoàn toàn không có mặt của khổ đau mà mình khổ đau biết mình khổ đau, nhận diện khổ đau một cách đơn thuần, không trốn chạy, không lấp liếm, không áp đặt. Giống như hoàn toàn có mặt cho người thương, biết người thương đang có mặt và bản thân nhận diện người thương đang biểu hiện. Người thương đang ngồi đó, mình không ý thức được, cũng vậy, mình đang có khổ đau nhưng mình không biết. Người thương đang sống còn không biết nên ở gần người thương, mình thấy vẫn xa cách. Mình đang khổ đau mà không biết, mình càng dấn thân vào khổ đau. Con người hay tự làm khổ bản thân và đổ thừa cho hoàn cảnh, tại người này, bị cái kia, ít khi nhìn nhận lại bản thân. 99% nỗi khổ là do mình tự tạo, không ai mang tới cả và nếu nhìn được 100% hay hơn nữa nguyên nhân của khổ là do mình, mình đã giác ngộ, còn cho nguyên nhân nằm bên ngoài mình, mình vẫn mê muội như ngày nào. Nguyên nhân to lớn nhất của khổ là sự thèm khát, ham muốn và sự gia tăng nhu cầu. Một công ty thèm khát thị phần nên tìm cách gia tăng thị phần và lũng đoạn giá cả, đến khi không đạt được nên khổ rồi đổ thừa đối thủ cạnh tranh, khách hàng, chính sách chính phủ… Người trẻ biết điều này rất rõ, không phải là không biết nhưng không dám từ bỏ cái khổ, thích chất chứa nó và hài lòng với tính hiếu thắng của mình. Biết ham muốn nhiều, đau khổ nhiều nhưng vẫn dính vào, đi vào và tranh đấu vì nó, đơn giản sức khỏe của họ có thừa nhưng tâm quá yếu đuối, dễ ngã gục, dễ đầu hàng trước các cạm bẫy của nhu cầu. Các chiến lược marketing nhằm vào sự thèm khát của con người mà thôi, chuyên viên marketing giỏi chẳng qua là người am tường về tâm lý thèm khát này. Bên cạnh đó, cảm xúc chế ngự con người như cảm xúc thắng thế, cảm xúc được khen, cảm xúc được quan tâm… lấn át mọi nhu cầu hy sinh. Người biết hy sinh ngày càng ít đi, hy sinh này chính là hy sinh trong mình, như hy sinh tính đòi tiêu thụ, tính đòi vươn lên đỉnh cao, tính đòi đúng sai, tính đòi giàu sang, tính đòi được tôn trọng…

Để vơi bớt nỗi khổ và do đời sống đang ngắn lại, người thực tập tha thứ và yêu thương. Hy sinh các tính đòi hỏi bên trong chính là tha thứ cho mình, cho phép mình cơ hội không đau khổ; và yêu thương mình, cho phép mình cơ hội không bị ganh ghét. Người đòi hỏi quá nhiều bởi danh sách mục đích và tiêu chuẩn là người không biết buông tha bản thân, tự đẩy vào con đường hiểm nguy. Cũng vậy, người đi vào thế giới ảo như sử dụng các sản phẩm độc hại là người không biết yêu thương bản thân mình, tự đi vào con đường của đối đầu và đàn áp bản thân. Người biết yêu bản thân là người năng bảo vệ trí nhân ngày đêm, luôn tỉnh thức soi rọi mình. Người biết yêu bản thân năng làm lợi lạc cho chúng sinh, luôn nương tựa chính mình. Bảo vệ trí nhân là bảo vệ tâm, luôn tỉnh thức biết rõ chuyện đang xảy ra, điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Nương tựa chính mình là nương tựa điều trong sáng nơi mình, không nương tựa ai hay không nương tựa điều gì. Bản thân biết rõ mình hơn ai hết, điều khác không biết rõ mình thì đừng nương tựa vào điều bên ngoài. Con người thường hay bị đánh lừa bởi các cảm xúc bên ngoài, như sắc dục, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự va chạm, suy nghĩ. Người có sắc đẹp, hát hay thì cho là có đức coi chừng lầm, coi đẹp đấy, giọng hát quyến rũ đấy, nhưng bên trong đã mục nát từ lâu, đi theo họ như đi theo khúc gỗ đầy mối mọt được trơn phết bằng sơn Nippon. Người được dạy nương tựa Tam bảo vì thuở ban đầu chưa biết nương tựa ai, đến khi thực tập thành công, người sẽ nương tựa chính người, ngay cả Tam bảo cũng phải buông bỏ, đơn giản chỉ vì Tam bảo có sẵn trong mình. Mình có Phật thân, Pháp thân và Tăng thân hay nói cách khác là nương tựa mình là nương tựa Phật tính, Pháp tính và Tăng tính trong mình. Nương tựa Tam bảo là giai đoạn đầu tiên của sự nương tựa, sau đó buông bỏ vì nó mang tính bên ngoài. Giai đoạn tiếp theo, mình quay sang nương tựa chính mình, tức là nương tựa Tam bảo, là ba thân của mình.

Tha thứ và yêu thương được, mình đã cho người hạnh phúc. Đặt câu hỏi còn một ngày để sống thì nên làm gì, câu trả lời là như vậy. Mục tiêu của đời sống không gì khác hơn là làm cho người hạnh phúc, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình, vui với hạnh phúc của người, đây là tâm từ và tâm hỷ. Tìm hiểu nỗi khổ của mọi loài là lúc giúp họ có hạnh phúc. Nếu định nghĩa về hạnh phúc, có thể nói như vầy, hạnh phúc là được làm cho người khác hạnh phúc, tạo điều kiện cho người khác hạnh phúc và hướng dẫn cho người khác thực tập hạnh phúc. Hạnh phúc là cái cho đi chứ không phải cái thu vào nên càng cho, hạnh phúc càng lớn. Hạnh phúc này không thể mua được từ siêu thị hay cửa hàng miễn thuế, mà nó đến từ tâm, tâm vô tư khi chia sẻ hạnh phúc đến người. Ngồi suy nghĩ hạnh phúc là gì rất mất thì giờ mà hãy lo đi thực hiện nó. Bất cứ khái niệm nào về hạnh phúc đều không phải là hạnh phúc vì khi vừa mở miệng, bản thân người nói đã đánh mất hạnh phúc. Tha thứ được, mình có hạnh phúc, yêu thương được, mình có hạnh phúc, thế thôi. Mọi khái niệm về hạnh phúc chỉ là sự trình diễn, không thể nào nói lên phẩm chất của hạnh phúc. Thương một người là biết cách làm cho người đó hạnh phúc, cho người đó nhiều thời gian, cung cấp người đó nhiều không gian thênh thang, mình là người biết thương. Còn thương người mà ganh tỵ với hạnh phúc của người, yêu cầu người báo cáo đi đâu gặp ai, bắt người khư khư ở bên mình suốt ngày, người hãy xem lại chữ thương, mình đang làm hại người thương bởi tính ích kỷ, độc tài và tham lam. Những gì muốn người khác làm cho mình, hãy làm như vậy với họ và mình phải làm trước. Muốn người khác tôn trọng, mình phải tôn trọng họ. Muốn có hạnh phúc, hãy là hạnh phúc của người khác.

Quay về với yêu thương là quay về với nguồn cội. Bản chất của con người là yêu thương, muôn loài cũng vậy. Loài vật còn biết bày tỏ tình thương với nhau, con người phải hay hơn. Nguồn cội không nằm bên ngoài mà bên trong mình. Mình chứa đựng các yếu tố của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, núi non, biển cả, sông ngòi, chim chóc, cỏ cây… Người tha hương rời xa quê cha đất tổ vẫn mang tổ tiên đi theo, con cháu ở đâu, ông bà ở đó. Hơn nữa, không cần đi Nha Trang mới nhìn thấy biển, ở Sài Gòn vẫn thấy được biển, biển dạt dào đang chảy cuồn cuộn trong mình. Thiên nhiên và muôn thú xuất hiện từ lâu trên Địa Cầu, loài người sinh ra chậm nhất nên mang tất cả các yếu tố của thiên nhiên và muôn thú. Bảo vệ thiên nhiên và muôn thú là bảo vệ tổ tiên, bảo vệ mình và khi chăm sóc mình là chăm sóc thiên nhiên, chăm sóc muôn loài. Hành trình trở về nguồn cội là hành trình của tình thương, bảo vệ cái gốc của mình. Trở về không chỉ đơn thuần là người đi xa trở về nhà, mà trong lúc đi xa vẫn có thể trở về được. Chăm sóc cho thân và tâm, đem thân hợp nhất với thân, đây là cách trở về hay nhất. Có câu, lá rụng về cội, nhưng lá phải chờ đến khi rụng mới về với đất được. Mình ngược lại, chưa rụng nhưng trong giây phút này vẫn có thể trở về. Nhìn lá vàng rụng, có thể buồn nhưng đó là quy luật. Nếu nhìn kỹ, chiếc lá đã đi vào đất, đi vào thân cây. Mình đừng đợi lúc rụng mới về cội mà mình có khả năng về cội khi đang còn sống, vào lúc này, tại chỗ nay. Theo dõi hơi thở vào ra, mình tiếp xúc với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thiên nhiên và muôn loài. Tất cả đều là mình và mình là tất cả. Nên nói một sinh vật hay bất cứ loài nào đều đại diện cho cả vũ trụ, chăm sóc mình là chăm sóc cả vũ trụ, dễ sợ chưa. Trường hợp tâm đi lang thang, mình bỏ quên nguồn cội, tâm quay về với thân, nguồn cội hiện tiền ngay lập tức.

Tâm đi xa thân quá lâu, thân bị bỏ hoang và mấy con ma thâm nhập làm cho hư hỏng, dật dờ. Một học trò trường Kent hỏi tôi, thầy tin trên đời này có ma không. Tôi không trả lời thẳng nhưng trả lời theo kiểu muốn hiểu sao thì hiểu. Mỗi người đều có tính Phật và tính ma. Bản thân tu tập, tính Phật sẽ phát triển, tính ma ngủ yên, không tu tập, tính ma sẽ phát triển, tính Phật bị quên lãng. Đến giờ đi ngồi thiền, ý thức giờ giấc và thực tập công phu cùng với đại chúng, mình dậy sớm, sửa soạn cho buổi thiền tọa chu đáo, tính Phật đang phát huy. Nhưng trời đã đứng bóng, mình còn ngủ nướng, tự nhủ để chiều thực tập cũng được, tính ma đang phát huy rồi. Tính Phật biểu hiện khó nhưng tính ma biểu hiện dễ lắm, chỉ cần sơ ý một chút là sa vào ác ma ngay. Vậy ma hay Phật là do tâm tạo, tâm Phật sẽ sinh ra Phật, tâm ma sẽ sinh ra ma. Tâm tạo ra nghiệp và nghiệp dẫn mình sinh về cõi tương ứng. Không có cõi nào gọi là cõi ma cả vì tất cả đều là chúng sinh. Nhìn người phải nhìn tâm, tâm tà làm nô lệ cho ma, tâm thiện làm đệ tử Phật. Bản thân muốn trở thành ai sẽ trở thành người đó, dĩ nhiên chỉ có người vô minh mới chọn trở thành ma thôi. Nếu chỉ còn một ngày để sống, người khôn ngoan sẽ thực tập tâm Phật ngay, không suy nghĩ lôi thôi.


Nguồn: Minh Thạnh


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage