Phật Học Online

Ăn chay niệm mặn
TS Nguyễn Mạnh Hùng

Anh bạn tôi ra Hà Nội thăm. Sau mấy ngày bên nhau, anh hỏi tôi “Thầy Hùng ăn chay trường chứ”. Tôi bảo không. Anh ngạc nhiên. Anh nhìn thôi như nhìn người ngoài hành tinh.


image

Nhớ lại, ngày xưa, có lần được một quý thầy mời vào chùa ăn chay. Bày lên bàn là cỗ long trọng, nhiều món. Nào là đùi quà quay, gà xé phay, tôm hấp, rồi thịt bò bít tết…. Dĩ nhiên tất cả là đồ chay được làm từ đậu phụ và rau củ quả. Tôi giật mình.

Ở một số quán ăn chay ngoài đời người ta cũng chế ra một số món ăn chay nhưng tên mặn. Có lẽ đó là phương tiện để lôi kéo mọi người cùng ăn chay. Có cả nước mắm chay. Thực ra khách hàng đến ăn tại những nhà hàng chay này là những người không phải là Phật tử, chưa có hiểu biết về ngũ giới nên mới vậy.

Quay lại câu chuyện chay mặn, ngày xưa Đức Phật không có bắt ăn chay. Khất thực thì ai cho gì ăn đó. Tam tịnh nhục được phổ biến rộng rãi mà ai cũng biết (trong đó có tôi và bạn) rằng nếu không nghe, không thấy con vật bị giết chết, không nghi con vật đó vì mình mà chết thì có thể được ăn. Với những ai ẩn tu trong rừng thì còn 2 loại thực phẩm nữa là nếu như con vật bị các con thú khác giết chết, ăn thừa và bỏ lại thì có thể ăn. Cũng vậy nếu con thú bị chết do tai nạn thì cũng có thể ăn được. Chúng ta không sát sinh là để tỏ lòng từ bi, yêu thương mọi chúng sinh. Chúng ta không trực tiếp sát sinh và không khuyến khích kẻ khác sát sinh và giết hại. Tất cả là vì lòng từ bi.

Chúng ta ăn chay tức ăn thực vật. Đây là cách rất tốt để bảo vệ mạng sống của kẻ khác. Nếu chúng ta yêu thương được con gà, con bò, con cá, con trâu thì dĩ nhiên ta yêu thương những con vật gần ta như chó và mèo. Và dĩ nhiên chúng ta yêu thương con người. Người với người sống để yêu nhau mà.

Đức Phật dạy “tâm làm chủ các pháp”. Càng ngẫm tôi càng thấy hay và quá đúng. Có lần một bà mẹ hỏi tôi rằng chị dẫn con đi câu cá nhựa ở công viên có sao không. Tôi giật mình. Hóa ra chị ta vẫn chưa hiểu kỹ về giới thứ nhất – sát sinh. Việc câu cá nhựa làm cho cháu bé vui thú. Vui thú với cảnh bắt được cá, câu được cá. Cái này có khi còn nguy hiểm hơn câu cá thật.

Thế này nhé, nều như anh A nhà không có gì ăn, anh phải đi bắt cá về ăn hay bán đi mua gạo. Anh làm việc này vì miếng cơm, để tồn tại. Anh bắt cá mà thương con cá. Rõ ràng tâm của anh hơn hẳn tâm của mẹ con chị phụ nữ dẫn nhau đi câu cá nhựa.

Con hổ khi no không bao giờ tấn công con mồi. Con sư tử hung dữ vậy nhưng khi no bụng, thấy ta đi qua cũng dửng dưng. Con rắn, con trăn ít khi tự nhiên tấn công ta, trừ khi chúng thấy bị de dọa. Rõ ràng tâm của họ có khi còn thiện hơn ta, còn sáng hơn ta – con người. Họ ăn thịt là vì bản năng sinh tồn. Còn ta?

Có nhiều người ăn thịt gà và tấm tắc khen ngon. Có người ăn thịt bò mà mê mẩn. Thử hỏi, nếu như có loại động vật khác, rất to, rất mạnh, bắt ta và ăn thịt. Đã vậy còn khen ngon. Bạn nghĩ sao?

Chúng ta thà ăn mặn mà tâm thanh tịnh, ăn để sống để nuôi tấm thân này còn hơn ăn chay mà tưởng tượng ra đang ăn cá, ăn bò, ăn dê, ăn lợn. Tôi luôn chia sẻ với những ai đang ăn mặn rằng, trước khi ăn nên sám hối, nên xin lỗi con vật mà mình ăn. Rằng đây là vì phải ăn để nuôi tấm thân. Và cũng nên nguyện tu tập và hồi hướng công đức cho họ để họ được siêu về cõi lành.

Tự nhiên tôi nhớ dến câu nói của Henry Drummond "Hãy nhìn lại cuộc đời mình trong những giờ phút kiên gan chống chọi với nghịch cảnh, bạn sẽ thấy rằng: những khoảnh khắc bạn sống thực sự là những lúc bạn làm điều gì đó bằng tình yêu.". Khi ăn hãy nhớ đến những khó khăn của người nuôi trồng. Khi ăn nên nghĩ đến những sinh mạng đã hy sinh đẻ mình được sống. Nên học yêu thương. Nên thực hành yêu thương mỗi ngày, mỗi giờ, trong mỗi hành động, tại từng bữa ăn.

Cá nhân tôi không bao giờ ăn các món chay giả mặn. Như vậy là ta ăn chay niệm mặn rồi. Niệm mới thật sự quan trọng chứ ạ.  

Tôi luôn nghĩ, gọi ăn mặn là không đúng. Lẽ ra nên gọi là ăn mạng, tức ăn mạng sống. Tôi cũng lại nghĩ gọi là ăn chay cũng hay, nhưng nên đổi thành ăn lạt. Ăn lạt hoặc là ăn nhạt. Mà ăn lạt tức an lạc. Nếu ăn chay tất có an lạc, có bình an.

TS Nguyễn Mạnh Hùng
TGĐ Công ty sách Thái Hà


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage