Phật Học Online

Làm thế nào để điều phục tâm?

 Một khi tâm đã được chú ý cân nhắc và uốn nắn nhiều lần theo chiều hướng “giảm thiểu điều ác, tăng trưởng điều lành” thì bấy giờ tâm trở nên trong sáng vắng lặng khiến cảm nghiệm an lạc bắt đầu phát sinh và lớn dần theo từng nhịp điệu vận hành hiền thiện và an tịnh

Kinh Pháp Cú có câu nói phản ánh sự chứng nghiệm rốt ráo của đức Phật về tâm – sự diễn biến phức tạp của tâm trước lúc giác ngộ và sự an tịnh tuyệt đối của tâm thức sau khi Ngài ngộ đạo – nhờ quá trình rèn luyện và điều phục tự nội: Khó nắm giữ, khinh động, Theo các dục quay cuồng; Lành thay điều phục tâm, Tâm điều, an lạc đến.(1)

Tâm (citta) hay đôi khi cũng gọi là ý (mana) hay thức (vinnnàna) là vấn đề khó lãnh hội nhưng đóng vai trò hết sức quan  trọng trong đời sống con người. Nó có thể làm cho con người rơi vào căng thẳng bất an hoặc khiến cho người ấy trở nên thanh thản an lạc. Sở dĩ như thế là vì tâm là chủ thể tạo tác, đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề khổ đau hay hạnh phúc của con người(2); nhưng  tâm rất khó thấy, tế nhị, luôn hoảng  hốt, dao động, khó nắm giữ, khó phòng  hộ, khó nhiếp  phục, quay cuồng theo các dục,(3)  thay đổi liên tục, nhảy nhót lăng xăng như vượn chuyền cành(4). Nó thường  xuyên bị kích động  bởi tám ngọn  gió thế gian là lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, khen và chê, vui và buồn, khiến con người phải quay cuồng trong thế giới tham, sân, si đầy phiền toái khổ đau(5). Tâm quan trọng và khó nắm bắt như vậy nên ai nhiếp phục được tâm, làm chủ được nó thì người ấy được thanh thản an lạc.

 

Nhưng tâm là gì và làm thế nào để điều phục tâm? Theo lời Phật thì trước hết đó là các ý tưởng (thuật ngữ đạo Phật gọi là tầm-vitakka) hay lối suy nghĩ (Phật học gọi là tư duy-sankappa) thiện hoặc bất thiện dấy khởi và vận hành trong tâm thức; và sự nhận ra tính chất thiện hoặc bất thiện của các ý tưởng hay suy tư ấy để nỗ lực uốn nắn, làm trong sạch dòng tâm thức. Trong phương pháp  huấn luyện của Ngài, Đức Phật phân  biệt rất rõ về hai hình thái tâm thức, thiện và bất thiện. Những ý tưởng hay suy nghĩ nào không đi kèm với tham dục, sân hận và não hại thì gọi là tâm thức thiện. Trái lại, những ý tưởng hay suy tư nào bị kích động và lôi kéo bởi dục vọng, sân hận và não hại thì gọi là tâm thức bất thiện. Hình thái tâm thức thứ nhất được gọi bằng các từ ngữ như ly dục tầm (nekkhammavitakka), vô sân tầm (abyàpàdavitakka), bất hại tầm (avihimsàvitakka) hay ly dục tư duy (nekkhammasankappa), vô sân tư duy (abyàpàdasankappa), bất hại tư duy (avihimsàsankappa).  Đây  là  dòng   tâm   thức   hiền thiện, trong sáng, thanh  tịnh, mang lại cho con người những  cảm  nghiệm  thanh  thoát  an  lạc.  Hình thái thứ hai được gọi là dục tầm  (kàmavitakka), sân tầm (byàpàdavitakka), hại tầm (vihimsavitakka) hay dục tư duy (kàmasankappa), sân tư duy(byàpàdasankappa), hại tư duy (vihimsàsankappa). Loại tâm thức này được xem là xấu ác, mê loạn, bất tịnh, đưa đến những cảm giác u uất nặng nề và nhiều hệ lụy khổ đau(6). Như vậy, tâm có hai dạng thức cơ bản là thiện và bất thiện; cho nên, vấn đề điều tâm nằm ở chỗ nhận diện các ý tưởng (tầm) và suy nghĩ (tư duy), xem chúng là thiện hay bất thiện để chấp nhận hoặc từ bỏ. Nếu các ý tưởng hay suy tư mang tính chất ly dục, vô sân, bất hại thì đấy là dòng tâm thức thiện đang hoạt động và hành giả chỉ cần tỉnh giác theo dõi với tâm hoan hỷ mà không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào. Nhưng nếu các ý tưởng hay suy tư mang bóng dáng của tham dục, sân hận và não hại thì đấy là dòng tâm thức bất thiện đang hành hoạt và lúc bấy giờ hành giả cần nỗ lực ngăn chặn và loại bỏ dòng tâm thức ấy. Đây là bước đi căn bản của quá trình điều phục và thanh  lọc tâm, khiến cho tâm dần dần trở nên trong sáng, an trú, an tịnh, định tĩnh, nhất tâm(7). Trong giáo lý đạo Phật, sự nhận diện và nỗ lực điều  chỉnh tâm  thức  theo  chiều hướng  như vậy được gọi là chánh tinh tấn (sammà-viriya) hay kỷ luật nội tâm (ajjhatta-cetosìla). Ý nghĩa của pháp môn này được diễn tả như sau:

“Vị Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.

Với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh ra được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.

Với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay làm cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.

Với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm”(8).

Nhìn chung, tâm là cả một thế giới rắc rối phức tạp, khó nhận diện, khó nắm bắt, vận hành tùy tiện, không tuân theo một quy luật nào. Nó như một đại dương bao la và sâu thẳm vốn chứa đựng nhiều tiềm năng lợi lạc nhưng với bề mặt thường xuyên nổi sóng bởi tác động của các loại cuồng phong, Phật học gọi là tám ngọn gió của thế gian: lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, khen – chê, vui – buồn. Cái biển tâm thức ấy không ngừng  đưa đẩy con người trôi dạt chỗ này chỗ kia trong cái vòng xoáy mù mịt không lối thoát của nó, cho đến khi người ta nhận ra tính chất phức tạp đầy phiền lụy của nó và bắt đầu có sự xem xét cân nhắc về các hướng vận hành của nó. Phải thật sự tỉnh táo và kiên trì xem xét mới thấy được đường đi lối về rất bất thường  của tâm và nhận ra tính chất sự vận hành của nó.

Đây là công việc đầu tiên khá khó nhọc trong quá trình đào luyện tâm, tức sự chú tâm nhận diện sự sinh khởi, vận hành và tính chất thiện hay bất thiện của tâm thức. Nhận diện được tính chất thiện hay bất thiện của tâm rồi thì việc tiếp theo là nỗ lực làm trong sạch nội tâm, tức tỏ thái độ chấp nhận hay từ bỏ dòng tâm thức ấy, hoặc như đức Phật đã từng dạy là “nên hành trì hay không nên hành trì”(9). Những ý tưởng  hay tư duy nào sinh khởi và vận hành gắn liền với tham dục, sân hận hoặc não hại thì cần phải sinh tâm xấu hổ sợ hãi mà trừ bỏ. Những ý tưởng hay tư duy nào sinh khởi và vận hành  không đi kèm với tham  dục, sân hận hoặc não hại thì nên hoan hỷ đón nhận và tiếp tục nuôi dưỡng. Một khi tâm đã được chú ý cân nhắc và uốn nắn nhiều lần theo chiều hướng “giảm thiểu điều ác, tăng trưởng điều lành” thì bấy giờ tâm trở nên trong sáng vắng lặng khiến cảm nghiệm an lạc bắt đầu phát sinh và lớn dần theo từng nhịp điệu vận hành hiền thiện và an tịnh của tâm thức. Những lời dạy sau đây của Đức Phật nói rõ phương pháp điều tâm hết sức căn bản của Ngài, một kinh nghiệm  thực tập tuyệt đối hữu ích cho những ai bước đầu quan tâm đến hạnh phúc tâm linh thông qua việc rèn luyện tâm thức(10):

“Chư Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác và còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: ‘Ta sống suy tư và chia hai suy tầm.’ Chư Tỷ-kheo, phàm có dục tầm nào, sân tầm nào, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất. Phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, bất hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai. Chư Tỷ-kheo, rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: ‘Dục tầm này khởi lên nơi Ta, dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn.’ Chư Tỷ-kheo, khi Ta suy tư: ‘Dục tầm này đưa đến tự hại.’ dục tầm được biến mất. Chư Tỷ-kheo, khi ta suy tư: ‘Dục tầm đưa đến hại người,’ dục tầm được biến mất. Chư Tỷ-kheo, khi Ta suy tư: ‘Dục tầm đưa đến hại cả hai,’ dục tầm được biến mất. Chư Tỷ-kheo, khi Ta suy tư: ‘Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn,’ dục tầm được biến mất. Chư Tỷ-kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm. Chư Tỷ-kheo, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sân tầm khởi lên… hại tầm khởi lên, Ta tuệ tri: ‘Hại tầm này khởi lên nơi Ta, hại tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn.’ Chư Tỷ-kheo, khi Ta suy tư: ‘Hại tầm này đưa đến tự hại’… ‘Hại tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn,’  hại tầm biến mất. Chư Tỷ-kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận hại tầm. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều vấn đề gì, thời tâm sanh khuynh hướng đối vấn đề ấy. Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ- kheo suy tư, quán sát nhiều về dục tầm, vị ấy từ bỏ ly dục tầm. Khi tâm đã nặng về dục tầm, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về dục tầm. Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về sân tầm… về hại tầm, vị ấy từ bỏ vô hại tầm. Khi tâm đã đặt nặng về hại tầm thời tâm vị ấy có khuynh hướng về hại tầm. Chư Tỷ-kheo, ví như vào cuối tháng mùa mưa, về mùa thu, khi lúa đã trổ hạt, một người mục đồng chăn giữ bò, cầm roi đánh các con bò bên này, đánh bên kia, chế ngự chúng, ngăn chặn chúng. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, vì người mục đồng thấy do nhân duyên này, đưa đến sự chết, sự tù tội, sự đánh đập hay sự trách móc. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, Ta đã thấy sự nguy hại, sự hạ liệt, sự uế nhiễm của các pháp bất thiện, và thấy sự viễn ly, sự lợi ích, sự thanh tịnh của các thiện pháp.

Chư Tỷ-kheo, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi ly dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri:

‘Ly dục tầm này khởi lên nơi Ta và ly dục tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn.’ Chư Tỷ-kheo, nếu ban đêm Ta suy tư, quán sát về ly dục tầm, không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Chư Tỷ-kheo, nếu ban ngày Ta suy tư, quán sát về ly dục tầm, không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi.

Chư Tỷ-kheo, nếu ban đêm, ban ngày, Ta suy tư, quán sát về ly dục tầm, không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Và Ta suy tư, quán sát quá lâu, thân ta có thể mệt mỏi; khi thân mệt mỏi thì tâm bị dao động; khi tâm bị dao động thì tâm rất khó được định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, rồi tự nội thân Ta trấn an tâm, trấn tịnh tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tĩnh. Vì sao vậy? Vì để tâm Ta khỏi dao động. Chư Tỷ-kheo, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi vô sân tầm khởi lên… bất hại tầm khởi lên, Ta tuệ tri: ‘Bất hại tầm này khởi lên nơi Ta và bất hại tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn.’ Chư Tỷ-kheo, nếu ban đêm… không phải từ nhân duyên ấy mà Ta thấy sợ hãi. Và nếu Ta suy tư, quán sát quá lâu, thân Ta có thể mệt mỏi; khi thân Ta mệt mỏi thì tâm bị dao động, khi tâm bị dao động, tâm rất khó được định tĩnh.

Chư Tỷ-kheo, rồi tự nội thân Ta trấn an tâm, trấn tịnh tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tĩnh. Vì sao vậy? Vì để tâm Ta khỏi dao động. Chư Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về vấn đề gì thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Chư Tỷ- kheo, nếu Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về ly dục tầm, vị ấy từ bỏ dục tầm.

Khi tâm đã đặt nặng về ly dục tầm, tâm vị ấy có khuynh hướng về ly dục tầm. Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về vô sân tầm… nếu Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về bất hại tầm, vị ấy từ bỏ hại tầm. Khi tâm đã đặt nặng về bất hại tầm, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về bất hại tầm. Chư Tỷ-kheo, ví như vào cuối tháng hè, khi tất cả lúa gạo đã cất vào kho thóc, một người mục đồng chăn giữ các con bò. Khi người mục đồng ở dưới gốc cây hay ở ngoài trời, người ấy có thể nghĩ đến có việc cần phải làm, và người ấy nghĩ: ‘Đây là những con bò’. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy ở đây, có việc cần phải làm, và Ta nghĩ: ‘Đây là những pháp’”.

Chú thích:

Tác giả: Anh Tâm/Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo

1 Pháp Cú, kệ số 35.

2 Pháp Cú, kệ số 1-2.

3 Pháp Cú, kệ số 33, 35, 36.

4 Kinh Hạng người ít nghe, Tương Ưng Bộ.

5    Kinh Tùy chuyển thế giới, Tăng Chi Bộ.

6    Kinh Song tầm, Kinh Nên hành trì, không nên hành trì, Trung Bộ.

7 Kinh An trú tầm, Trung Bộ.

8    Kinh Đạo lộ, Tăng Chi Bộ.

9    Kinh Nên hành trì, không nên hành trì, Trung Bộ.

10   Kinh Song tầm, Trung Bộ.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage