Phật Học Online

Ðạo Gì?
Thích Trí Siêu (Pháp quốc, 1996) Kinh nghiệm hồi ký sau nhiều năm học đạo với Ðại Thừa, Nguyên Thủy và Kim Cang Thừa Tây Tạng.

Mở đầu

Tôi bắt đầu đến với Ðạo Phật vào lúc 15 tuổi, nhân dịp lên chùa làm lễ cầu siêu cho ông nội tôi. Rồi từ đó tôi mua sách Phật đọc thường xuyên và thấy thấm thía làm sao. Năm 23 tuổi vào chùa đi tu, tôi tự nhủ thầm phải làm sao giác ngộ giải thoát ngay trong đời này, cố gắng noi theo gương của chư Tổ thuở xưa. Ôi, sơ tâm vào Ðạo bao giờ cũng ngây thơ và dễ thương. Nhờ đó nên tôi đã hăng say phục vụ chúng sinh (vì phục vụ chúng sinh là cúng dường mười phương chư Phật), hăng say học Ðạo, tranh đua cùng với huynh đệ. Sau một thời gian học những nghi thức cúng kiến, ứng phú căn bản của một Thầy tu cùng những giáo lý phổ thông để có thể hướng dẫn cho Phật tử hàng tuần, tôi vẫn cảm thấy mình còn thiếu nhiều hiểu biết, nên tôi đã lên đảnh lễ Thầy Tổ xin phép rời chùa, rời đại chúng ra đi tầm Sư học Ðạo thêm.

Trong thời gian lang thang tầm Ðạo sống đời du Tăng nay đây mai đó, tôi đã gặp nhiều điều mâu thuẫn và vô lý trong cộng đồng tôn giáo. Từ đó tôi phân vân giữa hai phản ứng: hoặc mặc kệ làm ngơ, mạnh ai nấy sống, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm; hoặc nói lên cảm nghĩ của mình. Năm 1987 trong quyển Thiền Tứ Niệm Xứ tôi đã phát biểu cái nhìn của mình và đã bị một số quý Thầy không ưa. Thấy sự phản ứng đó nên những quyển sách sau tôi viết trong phạm vi dịch thuật hoặc khuyên răn Phật tử cách thức tu hành.

Ở đời có hai hạng người: hạng thứ nhất luôn luôn tìm hiểu và đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời; hạng thứ hai không muốn suy nghĩ gì cả, chỉ muốn sống như những đàn cừu, đi làm, ăn no ngủ kỹ, vui chơi theo dòng đời. Người đời làm sao ta làm vậy.

Hạng thứ nhất rất ít, đó là những nhà cách mạng, tiên tri, giáo chủ, bác học... Hạng thứ hai là đa số quần chúng, từ giàu sang tỷ phú cho đến nghèo hèn ăn xin, từ chủ hãng giám đốc cho tới nhân viên, cu li. Tất cả những người chạy theo tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, tham lam ích kỷ. Không bao giờ tự hỏi tại sao ta sinh ra ở đời, để làm gì, v.v...

Ðức Phật là một nhà cách mạng, ngài đã không thỏa mãn với những giáo điều cổ truyền bà la môn nên đã tự mình tìm ra một Ðạo lý mới. Ngài cũng cách mạng chống lại sự phân chia giai cấp của xã hội Ấn thời bấy giờ.

Trong quá trình lịch sử, nếu ta để ý, bao giờ cũng có những cuộc cách mạng sau một thời gian chìm đắm của nhân loại trong cơn mê ngủ. Nhưng rồi những cuộc cách mạng kia cũng không thoát khỏi luật vô thường, nó chỉ làm cho con người bừng tỉnh một thời gian, thay đổi tư tưởng và lối sống, rồi từ từ chính nó cũng bị đưa vào một lề lối nề nếp khiến cho các thế hệ sau lại tiếp tục chìm đắm trong những truyền thống cổ hủ và bảo thủ.

Trở về cá nhân tôi, từ lúc đến với Ðạo Phật, tôi đã nuôi một lý tưởng giải thoát như bao nhiêu người khác. Ðịnh sau khi tu học một thời gian, sẽ xin phép Bổn Sư đi tìm một nơi thanh vắng nhập thất tịnh tu. Ngày ngày hai thời công phu, trì tụng thêm các kinh khác như Kim Cang, Pháp Hoa, Niết Bàn, v.v... Quyết xa lánh thế tục, tham thiền nhập định để mau giác ngộ. Nhưng trời xui đất khiến làm sao, càng tu lại thấy mình càng dốt, cần phải tham cầu học hỏi thêm, vì có nhiều điều khúc mắc chưa thông làm sao an nhiên tham thiền nhập định hoặc tụng kinh trì chú suốt ngày suốt đêm được. Do đó thay vì ở yên nơi am vắng tịnh tu, tôi lại xách gói đi tầm Sư học Ðạo, khiến cho huynh đệ rủa thầm là tu hành gì mà cứ xách gói đi ta bà, không chịu ở một chỗ tụng niệm như mọi người, không chịu hoằng pháp lợi sinh, xây chùa lập hội, v.v...

Trong lúc làm du Tăng tầm Sư học Ðạo, tôi đã viết vài ba quyển sách chia xẻ kiến thức với bạn đạo. Riêng lần này, tôi không viết theo thứ lớp mạch lạc như những lần trước mà tôi để mặc tư tưởng mình, nhớ điều gì viết điều đó, lẫn lộn hồi ký và giáo lý.

Cũng cần nhắc bạn một điều, xin đừng cho những gì trong đây là chân lý. Vì đến bây giờ, chính tôi cũng không chắc là mình có tu đúng với Ðạo Phật hay không, hay là tu theo Ðạo gì mà tôi chưa biết tên. Xin để bạn đọc đặt tên cho Ðạo này sau khi đọc hết tập sách.

Paris, tháng 6 năm 1996
Thích Trí Siêu   

--- o0o ---


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage