Giữa bộn bề đường ngang, lối dọc công sở mới mọc lên
trong cơn lốc đô thị hóa của thị xã Hưng Yên, Kim Chung Tự (chùa
Chuông), nằm tách biệt dưới những rặng nhãn cổ thụ, vẫn còn "dấu xưa xe
ngựa"...
So với Hội An, “người anh em” cùng thời ở
Đàng Trong, thì phố Hiến, thương cảng quốc tế nổi tiếng vào thế kỷ 16 -
17, dưới thời Lê Trịnh ở Đàng Ngoài cũng không kém phần phồn hoa tấp
nập.
|
Cồng chùa Chuông. |
Có dịp về lại nơi này, bạn sẽ thấy dưới
những rặng nhãn lồng, gốc hoa gạo xù xì nở bừng hoa vào mỗi dịp tháng
ba, vẫn còn “dấu xưa xe ngựa” trong đó nguyên vẹn nhất, quy mô nhất là
chùa Chuông.
Chùa Chuông được xây dựng từ thế kỷ 15,
dưới thời Lê. Tương truyền một năm lũ lụt lớn, một quả chuông vàng trên
một chiếc bè trôi vào bãi sông Cái (sông Hồng) thuộc địa phận thôn Nhân
Dục, phường Hiến Nam, thị xã Hưng Yên hiện nay. Thế là các nơi đua nhau
kéo chuông về, nhưng chỉ có dân làng Nhân Dục mới làm được. Dân làng cho
là trời phật giúp đỡ, bèn góp công của dựng chùa tưởng nhớ công ơn. Mỗi
lần đánh, tiếng chuông vang rất xa vì thế, chùa còn có tên gọi là Kim
Chung Tự (chùa Chuông Vàng).
Năm 1707, chùa được trùng tu lớn với quy
mô hoàn chỉnh như hiện nay. Trong cuốn Hưng Yên tỉnh nhất thống chí của
Trịnh Như Tấu, thời Nguyễn có ghi rằng: “Chùa Chuông - Phố Hiến đệ nhất
danh lam”. Không phải ngẫu nhiên mà chùa Chuông đã hiện diện khá nhiều
trong phim Mê Thảo thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh.
|
Gác chuông. |
Chùa Chuông là một trong những cảnh quan của phố Hiến nổi
danh một thời, tồn tại tới ngày nay, bao gồm đền Mẫu Hoa Dương, Mẫu
Thiên Hậu, đền Trần, chùa Phố, chùa - đình Hiến, chùa Nễ Châu, Văn Miếu
Xích Đằng, Võ Miếu, hồ Bán Nguyệt, Đông Đô Quảng Hội, bia mộ của khách
buôn ngoại quốc...
Năm 1992, ngôi chùa này được Bộ Văn hóa
và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích
kiến trúc nghệ thuật. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, quy mô
lớn của miền Bắc, kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”, với kiến trúc
thời Lê - Trịnh từ thế kỷ 17, 18, còn hiện diện tới ngày nay.
Qua tam quan là ba nhịp cầu đá xanh được
xây dựng năm 1702, bắc ngang qua ao mắt rồng. Khoảng sân rộng rãi được
lát gạch Bát Tràng, chính giữa là con đường được trải đá xanh dẫn thẳng
tới tiền đường. Theo quan niệm nhà Phật, đường này gọi là Nhất chính
đạo, con đường chân chính duy nhất dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ.
Tiền đường năm gian hai chái, kết cấu kiểu con chồng đấu sen. Nối giữa
tiền đường và thượng điện là khoảng sân, ở giữa có cây hương bằng đá như
cột kinh đá xưa, bốn mặt khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân tu sửa
chùa.
|
Tượng La Hán trong chùa Chuông. |
Thượng điện cũng gồm năm gian hai chái, kết cấu giống
tiền đường, mang đậm nét kiến trúc thời hậu Lê, kết lại là gác chiêng,
gác khánh được xây cao, đột khởi lên toàn bộ lớp mái chùa. Ngoài các
tượng Thích Ca sơ sinh, tòa Cửu Long, Phật A Di đà, Bồ Tát, Văn Thù, Phổ
Hiền, Tam Thế... điểm đặc sắc của chùa Chuông là hệ thống tượng La Hán
cùng phù điêu gỗ Thập điện Diêm vương ở hành lang hai bên. Phù điêu gỗ
Thập điện Diêm Vương diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua ở
cõi âm.
Theo triết lý nhân quả của nhà Phật, sau
khi từ giã cõi đời, con người phải trải qua mười cửa điện để Diêm Vương
xét hỏi công và tội. Mỗi tội trạng là một hình phạt tương ứng. Cạnh đó
là tượng Bát Bộ Kim Cương và 18 pho tượng La Hán trong tư thế ngồi, nét
mặt rất sinh động, mỗi người một vẻ. Có thể nói, cùng với bộ tượng La
Hán danh tiếng chùa Tây Phương, đây cũng là một trong những bộ tượng La
Hán đẹp nhất Việt Nam...
Một trong những hiện vật có giá trị nhất
của chùa là Kim Chung tự thạch bi ký - bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ
7, thời Lê Trung Hưng (1711), ghi tên người có công đức tu sửa chùa;
trong đó miêu tả cảnh đẹp của phố Hiến và các phường: Hàng Bè, Hàng Sũ,
Thợ Nhuộm, Cự Đệ, Hàng Thịt... mà nay chỉ còn trong dĩ vãng. Nhờ vậy,
các nhà nghiên cứu có thể đoán định có con đường thiên lý thông thương
giữa phố Hiến với Thăng Long qua lại trước cửa chùa và ghi nhận đơn vị
phường của phố Hiến, lúc đó đã có hai mươi phường.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần