Phật Học Online

Tháp Nhật mọc giữa Nam Thiên Đệ Nhất Động
Thái Anh

Bảo tháp 3 tầng mang phong cách kiến trúc “se duyên” giữa Nhật và Việt tại chùa Hương, Hà Nội. Ảnh: Chu khôi

Chẳng biết từ đâu, một bảo tháp 3 tầng mang phong cách kiến trúc “se duyên” giữa Nhật và Việt bỗng nhiên mọc lên sừng sững giữa chốn được mệnh danh là Nam Thiên Đệ Nhất Động, khiến cho những ai “lỡ” yêu “mái chùa che chở hồn dân tộc” không khỏi bàng hoàng nghe lòng xao xuyến dâng trào.

Chùa Hương, hay Hương Sơn không những là một quần thể di tích, kiến trúc, văn hóa, tôn giáo quan trọng và nổi tiếng nhất Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp, mà còn là di sản văn hóa quốc gia, nơi mà mỗi dịp xuân về hàng triệu người Việt trong cả nước cũng như du khách nước ngoài đều nô nức trẩy hội đầu năm để cầu nguyện năm mới tốt lành.

Thế mà đã có người đã tự hào cho rằng, bảo tháp này là một công trình kiến trúc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Làm sao bảo tháp 3 tầng với kiến trúc Nhật chẳng phải Nhật – vì bảo tháp truyền thống Nhật Bản là 5 tầng, Việt chẳng ra Việt – vì bảo tháp truyền thống Việt Nam không hề có những con sơn, con đội chằng chịt dưới gầm các mái bên ngoài, lại không phải là “có một không hai” cho được, khi mà chẳng có một vị sư trụ trì nào có kiến thức về kiến trúc tự viện truyền thống và lòng tự trọng dân tộc dám “liều mạng” xây dựng một bảo tháp như thế ngay trên vùng đất thiêng liêng từ bao đời nay của cha ông chúng ta.

chuahoi20_07_180177702


Việt Nam đã có Luật Di Sản. Việc xây dựng, trùng tu, tu bổ các di tích văn hóa lịch sử trên cả nước đều phải y cứ vào các quy định đã được ghi trong bộ luật này. Để xây dựng mới toanh một công trình kiến trúc tại một địa điểm thuộc di sản quốc gia như bảo tháp chùa Hương nói trên, nhất thiết phải có sự đồng thuận cho phép giữa các cơ quan hữu quan địa phương và cơ quan quản lý chuyên môn cao nhất - Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông.

Người viết tự hỏi: một bảo tháp 3 tầng mang phong cách kiến trúc “se duyên” giữa Nhật và Việt tại chùa Hương như thế làm sao mà các cơ quan hữu có thể nào cấp giấy cho phép xây dựng được nhỉ? Hay công trình này xây dựng không phép. Mà nếu không phép sao không “đập” để tránh làm nhức mắt khách hành hương?

Trong bài “Hương Sơn mùa lễ hội: "Như hoa mơ lại đến với mùa mơ"’ đăng trên báo Giác Ngộ online ngày 22-2, nói với phóng viên Chu Khôi về các quan điểm bảo tồn di tích, TT Thích Minh Hiền, vừa là Tăng sỹ Phật giáo, vừa là nhà kế tục thiết kế xây dựng, trùng tu và mở mang kiến trúc chùa Hương, cho hay hiện nay trên thế giới có 3 quan điểm.

Thứ nhất là quan điểm của Ấn Độ: giữ nguyên hiện trạng di tích, không xây dựng sửa chữa. Thứ hai là của Nhật Bản: Phá đi xây lại giống như di tích cũ. Thứ ba là của Việt Nam: Bảo tồn theo lối may vá. Và Thượng tọa Minh Hiền nhấn mạnh rằng: “Quan điểm xây dựng và trùng tu di tích của tôi là: Duy trì truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam bằng ngôn ngữ kiến trúc đương đại”.

Xin hỏi Thượng tọa Minh Hiền, “nhà kế tục thiết kế xây dựng, trùng tu và mở mang kiến trúc chùa Hương”, bảo tháp 3 tầng mang phong cách kiến trúc “se duyên” giữa Nhật và Việt được xây dựng tại chùa Hương, một di sản văn hóa quốc gia, thuộc truyền thống kiến trúc nào và theo quan điểm bảo tồn di tích của nước nào?

Nguồn: http://chuaphuclam.blogspot.com/2010/02/thap-nhat-moc-giua-nam-thien-e-nhat-ong.html


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage