Bằng việc lập ra hàng loạt các trang web tiếng Trung, tiếng Anh,
tiếng Nhật; blog và microblog; Twitter, hòm thư trên sina.com và QQ.com
với tám ngôn ngữ khác nhau, ông góp phần tạo ra cầu nối giữa thế giới
Phật pháp với cuộc sống hiện đại.
Sinh ra tại Phủ Điền, Phúc Kiến năm 1966, sư thầy Học Thành trở thành
trụ trì Phật giáo trẻ nhất Trung Quốc khi mới bước sang tuổi 23.
Sư thầy bắt đầu "bén duyên" với công nghệ thông tin từ năm 2002, khi
Phó chủ tịch trang mạng Sina.com mở cho ông một blog trên trang này với
địa chỉ truy cập:"blog.sina.com.cn/xuecheng". Ông lý giải: “Phật giáo
phải theo kịp với nhịp sống hiện đại. Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ
thông tin càng góp phần truyền bá và phổ biến đạo Phật trong đời sống
con người”.
Bốn mươi ngày sau khi trang cá nhân của sư thầy Học Thành chính thức
hoạt động trên Sina và QQ vào 17/2, lập tức thu hút sự quan tâm của hơn
100.000 người. Tới năm 2007, ông bắt đầu bổ sung thêm video lên blog
của mình.
|
Sư thầy Học Thành trả lời phỏng vấn Đài truyền hình. |
Sư thầy Học Thành không phải là trường hợp duy nhất nổi danh
trong không gian mạng của giới Phật giáo Trung Quốc. Hiện có tới 67
tăng ni, tín đồ mở tài khoản Microblog trên Sina.com.
“Mục tiêu lớn nhất hiện nay của tôi là truyền bá các bài kinh được phổ
nhạc, những bộ phim và các chương trình đối thoại giao lưu văn hóa Phật
giáo trên mạng”, sư thầy Diên Tham, hội phó Hội Phật giáo Hà Bắc cho
biết. Giống như hầu hết 67 tăng ni khác, sư thầy Diên Tham thường đề
cập tới các vấn đề trong nội bộ Trung Quốc.
|
Sư thầy Diên Tham tham dự buổi offline cùng cư dân mạng Sina. |
Riêng sư Học Thành mở rộng phạm vi truyền bá thông tin tới cả những
nước khác, như: Anh, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Kể từ tháng 4/1999 tới nay, ông viết 1774 bài bằng tiếng
Trung và 99 bài bằng tiếng Anh trên các trang mạng. Với vai trò Phó chủ
tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, sư thầy Học Thành từng dẫn đoàn
Phật tử nước này tới giao lưu tại nhiều nước, như: Mỹ, Canada, Ai Cập,
Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Sri Lanka, Việt Nam, Malaysia, Singapore,
Indonesia, Philippines, Nhật Bản , Hàn Quốc, Tây Ban Nha…
Niềm say mê internet của sư thầy Học Thành thu hút giới truyền thông
Trung Quốc trong nhiều năm qua. Thậm chí ông còn được báo chí nước này
ưu ái gọi là "nhà sư thời đại thông tin".
Theo Mai Anh - ĐV