Phật Học Online

Kinh doanh và Đức Phật
Thái Hà Books

Tác giả :Lloyd Field
Dịch giả : Chưa cập nhật
Nhà xuất bản :Tôn Giáo
Năm xuất bản :2010
Tổng số trang :284

Trong thế giới mà chúng ta đang sống, mọi người không bận tâm nhiều về các giá trị nhân văn, trong khi lại quan tâm quá nhiều đến tiền bạc và quyền lực. Tuy nhiên, nếu như xã hội loài người mất đi các giá trị của sự công bằng, tình thương và lòng trung thực, thì chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn còn to lớn hơn nữa trong tương lai.

Một vài người có thể nghĩ rằng những thái độ đạo đức này là không cần thiết lắm trong các lĩnh vực như kinh doanh hay chính trị, nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý với những suy nghĩ đó. Giá trị của những hành động của chúng ta phụ thuộc vào động cơ của chúng ta (khi làm chúng).

Theo quan điểm của đạo Phật, tất cả suy nghĩ và hành động của chúng ta đều khởi nguồn từ tâm. Do đó, việc chúng ta đề cao hay không đề cao tính nhân văn, lòng trắc ẩn và tình thương sẽ tạo nên những khác biệt lớn lao. Nếu chúng ta có tâm tốt và lo lắng tới việc phát triển xã hội loài người thì dù chúng ta làm việc trong lĩnh vực khoa học, chính trị hay kinh doanh, kết quả luôn luôn là có lợi ích. Khi chúng ta có một động cơ tích cực, các hoạt động của chúng ta sẽ có ích cho nhân loại; còn không chúng sẽ chẳng có ích lợi gì. Ví dụ trong lĩnh vực kinh doanh, việc theo đuổi lợi nhuận mà không đếm xỉa gì đến các hậu quả có hại vẫn tạo ra những niềm vui lớn khi thành công. Nhưng những kết quả cuối cùng sẽ vẫn là đau khổ: môi trường bị tàn phá, những phương pháp kinh doanh trái đạo đức của chúng ta loại bỏ những phương pháp khác (có đạo đức hơn) ra khỏi công việc kinh doanh, những vũ khí mà chúng ta chế tạo ra gây nên chết chóc và thương tật. Đã có nhiều kết quả rõ ràng minh chứng cho điều này. Bởi vì cuộc sống của chúng ta ngày nay bị ảnh hưởng của các quyết định kinh doanh ở cấp độ này hay cấp độ khác, việc các quyết định kinh doanh có mang màu sắc của lòng từ bi hay không ngày càng trở nên quan trọng hơn. Vì vậy, mặc dù việc thay đổi nội tâm để phát triển lòng từ bi là rất khó khăn, nhưng rõ ràng đó là điều xứng đáng để chúng ta cố gắng.

Tôi rất cảm kích khi một vài người như Lloyd Field - một người ngưỡng mộ các giá trị nhân văn cơ bản vốn là những trọng tâm trong giáo lý của Đức Phật - tìm cách áp dụng những giá trị này vào thực tế của thế giới hiện đại nhằm đem lại những lợi ích rộng khắp cho mọi người. Mặc dù tôi không quan tâm nhiều đến số lượng những người tự coi mình là Phật tử nhưng tôi lại nóng lòng muốn thấy các tư tưởng đạo Phật có thể đóng góp như thế nào đối với lợi ích chung (của nhân loại). Do đó, tôi hoan nghênh Lloyd Field về những nỗ lực trong cuốn sách này để viết nên những gì mà ông ta thấy, như lòng tham cố hữu trong chủ nghĩa tư bản, những đau khổ mà nó gây ra; và để tạo nên một mô hình công bằng hơn, mà một trong những mục đích của nó là việc loại bỏ đau khổ của con người. Điều đáng ưu tiên bây giờ là việc áp dụng có hiệu quả những mô hình như vậy vào thực tế.

Tenzin Gyatso
Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14


Mặc dù đạo Phật dường như không liên quan gì đến các doanh nghiệp ngày nay nhưng suy cho cùng cả hai đều là những thành phần của cùng một tổng thể, và do đó có thể cùng áp dụng một số nguyên tắc tương tự nhau. Một doanh nhân thành đạt không phải chỉ có các kiến thức chuyên môn và thái độ làm việc tích cực mà còn phải có tinh thần và khát vọng xây dựng công cuộc kinh doanh mới. Để đảm bảo thành công trong kinh doanh, mỗi doanh nhân phải sàng lọc chân lý từ những sai lầm; và kiên định trong lời nói và hành động. Và mỗi doanh nhân phải kiên định rõ ràng - cho đến khi họ thực hiện thành công mục tiêu của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Lý tưởng của đạo Phật là đóng góp mà không mong chờ sự báo đáp và người Phật tử luôn mong đem lại lợi ích cho mọi chúng sinh trong mỗi hoạt động của mình. Với tuệ giác của Phật Pháp và tinh thần cống hiến vô ngã đó, người Phật tử có thể đóng góp cho xã hội bằng cách tạo ra những doanh nghiệp có khả năng làm lợi ích cho tất cả mọi người. Nếu những doanh nghiệp kinh doanh có thể để tinh thần "tất cả vì lợi nhuận" sang một bên và học hỏi tinh thần doanh nhân của đạo Phật, thì họ vừa có thể đạt được những thành tựu lớn lao hơn vừa đóng góp được nhiều hơn vào sự tiến bộ của xã hội.

Ngài Field là tiến sĩ Quản trị Nguồn nhân lực đồng thời là nhà tư vấn kinh doanh hơn 30 năm qua. Nhiều doanh nhân kỳ cựu ngưỡng mộ ông về sự hiểu biết và nhũng đóng góp quý báu của ông đối với ngành này. Trong cuốn sách này, ngài Field đã phân tích Tứ Diệu Đế trong bối cảnh hoạt động của hệ thống kinh tế. Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy con đường áp dụng thông điệp hạnh phúc của Đức Phật cho cộng đồng kinh doanh và giúp chúng ta cách làm việc để có được gia đình, sự nghiệp và cuộc sống hạnh phúc hơn.

Ý tưởng này trùng hợp với quan điểm nhân văn đạo Phật mà tôi ủng hộ. Nhân văn đạo Phật dạy cách áp dụng tinh thần siêu việt vào giải quyết các vấn đề thế gian; dạy chúng ta quan tâm đặc biệt tới hạnh phúc và sự lành mạnh của con người trong cuộc sống hiện tại và trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Ngài Field thường đến thăm Hội Phát triển Phật tử Quốc tế để trao đổi về Phật Pháp. Việc áp dụng giáo lý đạo Phật vào thực tế cuộc sống hàng ngày như ngài Field là rất hiếm hoi và đáng khen ngợi. Vì vậy, tôi rất hân hạnh được viết lời dẫn nhập này.

Hòa thượng Hsing Yun
Sáng lập Hội Phật Quang Quốc tế
Núi Phật Quang

Theo: Doanh Nhân 360


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage