Huế có Thánh Duyên Tự nổi tiếng cùng bao nhiêu ngôi chùa cổ khác, mỗi ngôi chùa là một thắng cảnh của đất Thần Kinh.
Xa
hơn, ngôi chùa trong tâm thức mỗi người, gần hơn, ngôi chùa làng. Nói
nghe nghịch lí mà thường khi sự thật là như vậy. Vậy chùa là gì mà vừa
gần gũi vừa xa cách như thế? Đó là nơi thờ phượng đức Thế Tôn, thờ
phượng những vị khác có cả ông Ác ông Thiện. Đó là nơi hàng tuần Phật tử
tại gia và Gia đình Phật tử tới nghe giảng thuyết và tu tập. Kể cả
những ai xa quê lâu ngày, việc đầu tiên là đến thăm chùa. Chùa là hình
ảnh thân thương nhất, dễ gì quên. Bởi vì chính tại nơi
này, ta có thể thố lộ tâm tình tự do với một vị Sư có thể là Sư chú, có
thể là Sư cô, có thể là một vị Hòa thượng. Khi có chuyện gì đó không
thể giải quyết được, phần lớn thuộc phạm vi tinh thần làm cho ta khổ,
ta lại đến chùa. Khi buồn bực trong lòng, giận chuyện chồng con, buồn
chuyện gia đình, ta lại đến tìm chùa, tìm Phật. Phật Thích ca Mâu Ni,
Phật bà Quán thế Âm. Nếu như Quán thế Âm là lắng nghe nỗi đau của nhân
loại, hẳn người đã lắng nghe vô số niềm đau nỗi khổ - mà e chốn thế gian
niềm đau thương tuyệt vọng nhiều hơn tiếng cười chăng? Niềm vui luôn
hàm chứa đằng sau nó nỗi buồn. Hạnh phúc hàm chứa đau khổ.
Luôn như thế mà mấy ai chú tâm đến điều ấy để mỗi lần khổ đau tuyệt
vọng lại tìm đến chùa như một nơi nương tựa?
Rất
nhiều hình tượng đẹp trong thơ là một ngôi chùa. Không nhà thơ nào
không một lần, ít nhất trong đời, hoặc đến với chùa hoặc với ngôi giáo
đường tôn nghiêm. Để rồi qua thi ca viết lại cảm nghĩ của mình hoặc
những chiêm nghiệm đã tựu thành trong khoảnh khoắc. Những
câu thơ hay và đẹp bắt nguồn từ đó. Có khi cũng vì một bài thơ hay, ta
đâm yêu mến mái chùa hoặc siêng đến chùa, một việc tuy không có gì khó
khăn mà ta mãi bơi trong vòng quay của cuộc sống cứ khất lần hoặc chưa
hề nghĩ đến, việc mình có tín ngưỡng không, hay có nên theo đạo Phật
không, chứ đừng nói đến việc tìm Thầy học đạo.
Dưới ngòi bút tài tình của thi hào Nguyễn Du, Thúy Kiều đi tu ba lần. Đổi nhà cả thảy bốn lần.
Lần đầu là do tình thế bắt buộc, không thật lòng, nên:
“Gác kinh viện sách đôi nơi
Trong gang tấc lại gấp mười quan san”.
Lần
thứ hai, trên nẻo đường đào thoát khỏi nhà Hoạn Thư, ngôi chùa đột ngột
hiện ra như ngôi nhà quen thuộc, vị Sư xuất hiện chẳng khác nào vị cứu
tinh.
“Xăm xăm gõ mái cửa ngoài
Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong
Thấy màu ăn mặc nâu sồng
Giác Duyên sư trưởng lòng lành liền thương.
…Sớm khuya lá bối phiến mây
Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày nện sương.
Lần
thứ ba, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường được Sư chị Giác Duyên chờ sẵn
thuê người vớt, được cứu sống và…sau đó lại đi tu lần nữa.
“Thấy nhau mừng rỡ trăm bề
Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư.
Một nhà chung chạ sớm trưa
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng”.
Như
vậy hình ảnh vị Sư chú, Sư chị trong thơ ca tượng trưng cho lòng từ bi
và ngôi chùa là hình tượng thân thương, dễ gần nhất, đẹp nhất, từ đó ta
làm quen với ngôi chùa, nếu cả đời ta chưa hề đến.
Chùa
trong thơ Mặc Giang là một khái niệm rộng. Nói rộng vì qua ngôn ngữ thơ
Mặc Giang, chùa là một cái gì thiêng liêng mà gần gũi, tôn nghiêm mà
bao dung, trầm lắng đó mà sôi nổi cũng ở đó. Tình đạo, tình người, tình
thầy trò thân thương biết mấy!
Chùa
là mái nhà quê mẹ. Chùa còn là quê hương tâm thức, nỗi lòng của mỗi
người xa xứ. Nói rộng ra, đó là nơi ta có thể trở về an trú, không sợ
hãi, không ai dòm ngó xét nét, phê bình. Dù ta có bỏ đi lâu, có làm gì
chăng nữa thì mái chùa cũng là nơi chở che, thấm đậm tình dân tộc như
trong thơ Mãn Giác thiền sư đời Lý. Tình thầy trò sống dậy sau bao năm
tháng thăng trầm, ấm mùi đạo vị, không lý luận so đo. Không những hình
tượng chùa trong thơ tác giả là một khái niệm rộng, nó còn sâu. Rất sâu.
“Từ thuở tới lui dưới mái chùa
Quên đi bóng dáng những hơn thua
Tiếng kinh câu kệ hòa âm điệu
Đức Phật mỉm cười ai thấy chưa?
Xin chắp tay hoa trước Phật đài
Bụi trần buông thả khỏi đôi vai
Nghe sao thanh thản bình yên quá
Hết tiếng sầu thương hết thở dài”
(Cửa Phật từ bi hóa nhiệm mầu)
Ở
chùa, không chỉ muối dưa, tương chao chay lòng, mà còn có tiếng chuông.
Tiếng chuông đưa hồn người xa mùi tục lụy, tiếng chuông thức tỉnh những
tâm hồn còn mê muội giấc mộng phù hoa, tiếng chuông ngân dài trong đêm
vắng, có tác dụng như liều thuốc giải trừ bao nhiêu phiền muộn lo âu.
Bao nhiêu toan tính giựt giành.
“Thử xem, son sắt có phai
Thử xem, khí tiết kéo dài tới đâu
…. Ngân vang đánh thức tiếng chuông
Tiếng chuông đồng vọng, tỉnh hồn cùng ai
Giật mình, gối mộng thiên thai
Bừng trong giấc ngủ mê dài đã lâu”.
(Tiếng chuông vang vọng ngân dài)
Chùa
trong thơ Thầy không có vẻ ngoài xa hoa lộng lẫy, đó là ngôi chùa quê.
Một ngôi chùa ta dễ dàng bắt gặp bất cứ nơi đâu trong những làng xã Việt
nam. Ngôi chùa nào cũng có ngày cúng lễ, ngày sóc ngày vọng, ngày húy
kỵ ... Chùa quê tuy đạm bạc mà ấm cúng, gần gũi như lũy tre làng, cánh
đồng lúa chín; người dân quê quanh năm lao động vất vả không quên đến
chùa ngày rằm, ngày mồng một hàng tháng, thắp nén tâm hương hồi hướng
công đức tưởng nhớ đấng sinh thành, và cũng để tập tu.
“Dân làng, người cúng chè xôi
Người dâng nải chuối, người thời bó rau
Chùa tôi, không tiếng hơn thua
Chùa quê đạm bạc quê mùa thế thôi!”
Hình ảnh người con Phật được diễn tả rất dung dị, rất đời thường.
“Hôm qua em đi lễ chùa
Dọc đường rơi rụng hơn thua
Thanh không vô cùng thanh sắc
Áo lam em mặc bốn mùa
….
Hôm qua em đi lễ chùa
Phất phơ tam nghiệp gió lùa
Ngập ngừng tam vô ngưỡng cửa
Đưa em về lại nhà xưa”
Thầy
đã dâng tặng cho đời những vần thơ giản dị, ngôn ngữ thơ đơn sơ mà sâu
lắng. Những vần thơ đẹp lung linh đậm đà tình yêu quê hương đất nước.
Ngôn ngữ trong thơ thầy Mặc Giang là một thứ ngôn ngữ nói giàu nhạc
tính, nhiều màu sắc, giàu hình tượng song rất đặc thù. Nó là một thứ
ngôn ngữ thơ riêng biệt, riêng mà chung. Phải chăng đó là Phật tính!
Tưởng cũng có thể mượn những câu thơ sau để nói lên ý tình sâu sắc trong
thơ Mặc Giang thay lời kết:
“Áo lam bốn mùa em mặc
Đạo mầu từ đó em mang
Thanh hương đi về thanh sắc
Đạo mầu còn đó vang vang”.
(Hôm qua em đi lễ chùa)
Chùa, sau cùng, là quê hương tâm linh của mỗi người con Phật.
27/9/2010
Hương Tâm