Tháp chùa thời Lý Tháp là hình tượng
biểu trưng của Phật giáo ở dạng kiến
trúc, hình thành ngay từ thuở Phật giáo nguyên thủy.
Khởi nguồn từ truyền thuyết: Trước khi
Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn, các môn
đệ hỏi ngày sau lấy gì để tưởng
nhớ Phật? Phật tổ gấp tấm áo cà sa
đặt xuống mặt giường, úp chiếc bát lên,
cắm tiếp cây gậy lên trên nữa. Sau này các môn
đệ dựa theo hình ảnh Ngài dạy bảo
để xây tháp, đặt Xá lợi vào. Những bảo
tháp cổ ở Ấn Độ chính là nơi hàng năm
các Tăng Ni, Phật tử kinh hành vòng quanh để
tưởng niệm Đức Phật.
Khi Đạo Phật lan truyền rộng
khắp châu Á, tháp Phật phát triển thành muôn dòng chảy
văn hóa kỳ vĩ. Từ sơ khởi là nơi
chứa xá lợi Phật tổ đã trở thành biểu
tượng Phật pháp, tượng trưng cho Phật
tính. Mỗi ngôi chùa sơ khởi đều bao gồm 2
công trình kiến trúc riêng biệt: tháp là nơi để
Tăng Ni Phật tử tưởng niệm Phật (chức
năng tương tự như tòa Tam bảo của
thượng điện ngày nay trong hệ thống chùa
chiền miền Bắc); tịnh xá là nơi để ở
và thuyết pháp của các Tăng Ni. Phật giáo tại
mỗi quốc gia đã sáng tạo ra những kiểu hình
kiến trúc tháp Phật khác nhau: nơi mô phỏng hình
quả chuông; nơi tạo tác thành hình quả bí; nơi mô
phỏng cây lọng nhiều tầng; có nơi lại xây
bảo tháp giống như trụ thu lôi cao vút. Ở Myanmar,
người ta khoét rỗng phần đế tháp, biến
thành tòa Tam bảo đặt trong lòng tháp. Người
Indonesia đã khuếch trương quy mô tháp Phật lên
thành cả một kho tàng đồ sộ chứa
tượng Phật, kinh kệ.
Chùa Bút
Tháp(Bắc Ninh)
Lần theo Đại Việt Sử Ký Toàn
Thư, cho thấy nhiều ghi chép về việc
triều đình nhà Lý xây dựng những tòa bảo tháp quy
mô đồ sộ, điển hình là các ngôi tháp: tháp Báo
Thiên, tháp Tiên Du, tháp Chương Sơn, tháp Long Đọi.
Năm Đinh Dậu, đời vua Lý Thánh Tông (1057), mùa
xuân, tháng giêng, xây bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên,
cao vào chục trượng, 12 tầng (tức là tháp Báo
Thiên). Năm Bính Ngọ, đời vua Lý Thánh Tông, Long
Chương Thiên Trị năm thứ 1 (1066), mùa thu, tháng 9,
sai lang tướng là Quách Mãn xây tháp ở núi Tiên Du (tức
ở chùa Phật Tích - Bắc Ninh ngày nay). Đời vua Lý
Nhân Tông, Ất sửu, Tống Sùng Ninh năm thứ 4
(1105), mùa thu tháng 9, làm 2 ngọn tháp chỏm trắng ở
chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột ngày nay) và 3
ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn (tức chùa
Dạm ở Bắc Ninh ngày nay). Năm Đinh Dậu,
đời vua Lý Nhân Tông (1117), tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự
đến núi Chương Sơn để khánh thành
bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Năm Nhâm Dần,
đời vua Lý Nhân Tông, Tống Tuyên Hòa năm thứ 4
(1122), tháng 3 ngày Mậu Dần, mở hội khánh thành
bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Đọi.
Sử sách ghi chép như vậy, nhưng ngày nay
trên đất nước ta không còn lưu giữ
được tòa tháp nào của thời Lý, mặc dù
nhiều ngôi chùa thời Lý giờ đây vẫn còn là
những danh lam thắng tích. Ngôi bảo tháp thời Lý
lừng danh nhất, cũng là một trong “Thiên Nam tứ
đại khí”, đó là tháp Báo Thiên, tên chữ là Đại
Thắng Tư Thiên, hay Sùng Khánh Tư Thiên. Tương
truyền, Vua Lý Thánh Tông cho xuất 2 vạn cân đồng,
sai đúc đỉnh nhọn đặt trên đỉnh
tháp. Thời kỳ nhà Hồ, Hồ Quý Ly dời đô
về Thanh Hóa, đổi Thăng Long thành Đông Đô,
giao cho Lê Khải làm An Phủ Xứ. Năm 1406,
đỉnh tháp gãy rơi xuống, Lê Khải vì không báo tin
ấy cho triều đình biết nên bị biếm
chức. Quân Minh xâm lược nước ta. Năm 1417,
nghĩa quân Lê Lợi bao vây Đông Đô, Vương Thông
sai phá tháp để chế súng thần công. Chùa Báo Thiên
bị phá hủy, đổ đất thành gò cao. Thời
Tây Sơn, năm Giáp Dần (1749) nhân dân địa
phương đào gò đất để đóng gạch
tu sửa thành Thăng Long, nhặt được rất
nhiều di vật bị chôn vùi từ trước:
tượng đá chạm hình người tiên, chén bát
sứ cổ, gạch hoa đào khắc chữ “Lý gia
đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên
tạo” (Làm năm Long Thụy Thái Bình thứ tư
đời vua thứ 3 nhà Lý)… Di vật, cổ vật
nhiều không kể xiết. Ngày nay, di tích quan trọng này
đã bị nhà phố đè lên khuất lấp, không còn
bóng dáng.
Bảo
Tháp chùa Bút Tháp
Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Long
Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ngày nay đã không
còn. Theo tấm bia Sùng Thiện Diên Linh còn lưu giữ
tại chùa thì tháp chùa Đọi Sơn thời Lý là công
trình kiến trúc to lớn, nguy nga, lộng lẫy. Tòa
bảo tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa hứng gió, vách
chạm rồng ổ, xà treo chuông đồng, tầng trên
đặt hộp vàng xá lợi, đỉnh nóc xây cảnh
tiên khách bưng mâm. Tầng dưới có 8 ông tướng
khôi ngô, đứng hộ vệ cho thần nhân cầm
kiếm, chính giữa đặt pho tượng Đa
Bảo Như Lai. Đầu thế kỷ XV, chùa
Đọi Sơn bị giặc Minh tàn phá, ngôi tháp Sùng
Thiện Diên Linh bị san phẳng. Ngày nay, chùa Long
Đọi đã được trùng tu tôn tạo và trở
thành di tích trọng điểm của tỉnh Hà Nam,
nhưng không thể còn đủ dữ liệu để
khôi phục bảo tháp trứ danh thời Lý.
Núi Ngô Xá, còn gọi là núi Chương Sơn,
thuộc xã Yên Lợi, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định,
trên đỉnh núi ngày nay còn dấu vết rất rõ
của công trình kiến trúc ngọn Bảo tháp Vạn Phong
Thành Thiện lừng danh thời Lý. Sách Việt Sử
Lược chép: “Năm Mậu Tý, hiệu Long Phù Nguyên
Hòa năm thứ 8 (1108), mùa xuân tháng giêng xây tháp Chương
Sơn. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi:
“Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 (1117)
tháng 3 ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương
Sơn để khánh thành tháp Vạn Phong Thành Thiện”.
Như vậy, tháp được khởi dựng từ
năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117. Theo văn bia chùa Ngô Xá
tạc năm 1670 ghi lại rằng tháp Chương Sơn
đã bị phá hủy thành bình địa. Năm 1970, các
nhà khảo cổ học nước ta đã khai quật
toàn bộ di tích chùa Ngô Xá để nghiên cứu, kết
quả trong cuộc khai quật thu được hơn
200 di vật và 50 viên gạch thời Lý còn nguyên vẹn có
khắc chữ Hán “Lý gia đệ tứ Long Phù Nguyên Hòa
ngũ niên tạo”, cho thấy gạch được
sản xuất trước khi xây tháp 3 năm. Những di
vật văn hóa như đĩa tròn đá có chạm
rồng, lá đề, khỉ, gạch, thành bậc lan can,
các bộ phận kiến trúc khác chạm rồng, sóng
nước. Nghiên cứu các di vật này, chúng ta có thể
hình dung ra tháp Chương Sơn thời Lý có quy mô to
lớn, với những đường nét chạm trổ
tinh tế, duyên dáng mà lại khỏe khoắn, phản ánh
sự tài ba của các nhà kiến trúc, điêu khắc
Đại Việt đầu thế kỷ XII.
Chánh điện chùa
Phụng Thánh
Chùa Phật Tích ngự trên núi Tiên Du, tỉnh
Bắc Ninh ngày nay là ngôi chùa vô cùng giá trị về khảo
cổ học, bởi tại đây lưu giữ
được vô vàn di vật, cổ vật thời Lý.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhiều lần ghi
chép về việc xây dựng chùa Phật Tích, Vua Lý Thánh Tông
cho dựng cây tháp báu cao hơn chục trượng và pho
tượng mình vàng cao 6 xích. Ngôi chùa thời Lý đã bị
phá hủy từ thời nào chẳng ai rõ, chỉ biết
vào đầu thế kỷ 20 trong khuôn viên chùa Phật Tích
còn lại Phật điện được xây dựng
từ thời Lê Trung Hưng. Năm 1958, do Phật
điện đã quá xuống cấp, người dân
sở tại đã dựng lại ngôi chùa trên nền
của Phật điện cũ. Chùa Phật Tích ngày nay còn
bảo lưu được pho tượng A Di Đà, các
nhà khảo cổ học đoán định rằng pho
tượng này xưa kia tọa lạc trong lòng tháp báu
thời Lý. Đây là pho tượng cổ nhất miền
Bắc (niên đại 1057), đã được công
nhận kỷ lục Phật giáo, đồng thời
tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng
Mỹ thuật đều có phiên bản của pho
tượng này. Pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích
mang hình thái nữ giới, có kích thước tương
đối lớn, cao 1,85m, nếu tính cả bệ là 2,8m.
Thân tượng biểu đạt một vị Phật
đang ngồi tọa Thiền, mắt khép hờ trong
thiền định, làm nên khí sắc thanh tịnh
tươi nhuần. Vẻ mặt thể hiện nội
tâm cân bằng giữa động và tĩnh. Đầu
tượng kết nhục kế tóc xoắn ốc,
vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ,
tuổi thọ vô lượng. Hai bên má đầy
đặn trông phúc hậu, nhân ái. Hai tai dài rộng,
thành quách rõ ràng, dái tai tròn mọng chảy sệ xuống.
Sống mũi thẳng, nảy nở, thể hiện sự
bao dung rộng lượng. Thân tượng mặc áo Pháp
rộng rãi, cách điệu kiểu lá sen, gấp nếp
lật đi lật lại ở vai áo, rủ xuống
nách, trải rộng trên lòng đùi. Trên áo có các
đường gân lá song song bó sát eo tạo dáng thon thả.
Các đường nét luôn đổi chiều cốt xóa
đi sự đơn điệu, những nếp áo
mảnh đồng thời cũng là gân lá sen, bàn tay trái
đặt lên lòng bàn tay phải, nương nhẹ vào
đan điền làm nên nét uyển chuyển. Hai chân
xếp bằng theo lối kiết già vững chãi. Tòa sen là
đóa hoa mãn khai với hai tầng cánh, ngự trên bệ
đá tám cạnh hình tháp. Bệ bát giác được trang
trí phủ kín bề mặt là những hình rồng vờn
đuổi nhau trong dày đặc mây lửa. Tượng A
Di Đà chùa Phật Tích là bảo vật quốc gia, chiêm
bái Ngài để cảm nhận và thực tập triết
lý sống thanh tịnh, từ bi, hỷ xả muôn
đời bất diệt.
Chánh điện Chùa
Phật Tích
Cuối năm 2008, nhà chùa Phật Tích cho tháo
dỡ Phật điện để trùng tu quy mô. Ngày
22-11-2008 khi đào móng xây lại tòa Tam bảo thuộc
dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật tích, những
người thợ xây dựng và cán bộ giám sát phát
hiện một dải sỏi. Theo hướng dẫn
của Đại đức Thích Đức Thiện
(trụ trì chùa), những người thợ đã đào
nhẹ thêm, phát hiện một móng gạch cổ.
Để giữ nguyên phần móng cổ, đơn vị
thi công là Công ty Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa
Trung ương đã cẩn trọng đào rộng móng và
phát lộ phần móng của một tòa tháp đồ
sộ. Gạch xây móng tháp đều là những viên
gạch cổ có chữ “Lý gia Đệ tam đế Long
Thụy Thái Bình tứ niên tạo"(vua thứ ba
đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 xây
dựng). Ngay sau đó, Đại đức Thích
Đức Thiện đã cho dừng thi công, báo cáo các cơ
quan chức năng. Các nhà khoa học đã khảo sát,
đối chiếu với những tư liệu lịch
sử, đủ dữ liệu để khẳng
định rằng đây chính là một trong những ngôi
bảo tháp lừng danh do triều đình Nhà Lý xây dựng.
Với phần móng tháp dài 9,1m, rộng 2,4m, các nhà khoa
học đoán định ngọn tháp cao khoảng 42m.
Hiện móng tháp Phật Tích đang tạm thời
được giữ nguyên hiện trạng, tạm ngừng
thi công để các nhà khoa học và cơ quan chức
năng đưa ra phương án điều chỉnh quy
hoạch xây dựng, bảo tồn. Không còn ngôi tháp thời
Lý nào tồn tại tới ngày nay, khiến chúng ta không
thể hình dung được về quy mô, hình dáng và mỹ
thuật của tháp Phật thời Lý. Sự việc phát
hiện đế tháp ở chùa Phật Tích mang ý nghĩa vô
cùng quan trọng trong nghiên cứu kiến trúc Phật giáo
thời Lý.
Ba bảo tháp thời Trần
Ngày nay nước ta còn bảo lưu
được 3 ngôi bảo tháp cổ thời Trần,
đó cũng chính là 3 tòa bảo tháp cổ nhất miền
Bắc: tháp Phổ Minh, tháp Bình Sơn, tháp Huệ Quang.
Nghiên cứu những bảo tháp thời Trần, các nhà
nghiên cứu khoa học khảo cổ đưa ra nhận
định: Vào thời ấy, nhân dân ta đã tách các
chức năng của tháp Phật để phát triển
thành 2 loại hình kiến trúc riêng biệt: thượng
điện - Tam bảo và tháp mộ. Bởi vậy,
chức năng của tháp được đưa
trở lại dạng sơ khởi, là nơi lưu
giữ xá lợi. Theo tư tưởng của Thiền
phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông khai sáng, mọi Tăng Ni tu
luyện đều có thể trở thành Phật. Niết
bàn không còn là điều gì xa vời, mà trở thành đích
đến cho mỗi nhà tu hành Đại Việt, nhờ
đó mà Phật giáo phát triển mạnh mẽ trong lòng dân
tộc. Từ đây trở đi, mỗi Tăng Ni sau khi
viên tịch đều được địa táng theo
tập quán cổ truyền của nhân dân ta (không cần
hỏa táng theo nghi thức Phật giáo Ấn Độ), và
được xây tháp mộ. Mỗi Phật tử từ
giã cõi trần, tuy không được dựng tháp mộ,
nhưng đều được đặt những mô
hình tháp Phật lên trên mộ.
Tháp Huệ Quang tọa lạc tại chùa Hoa
Yên (Yên Tử - Quảng Ninh), xây dựng từ thời
Trần nhưng lại được trùng tu lớn vào
thời Hậu Lê, nên hàm chứa kiến trúc hỗn hợp
của cả 2 triều đại Trần và Hậu Lê.
Tháp ngự ngay trên lối vào cổng chùa. Bệ tháp
được ghép bằng những phiến đá lớn
chạm hoa sen, mặt cắt hình lục giác, đây chính là
dấu tích kiến trúc Trần mà người thời Lê
vẫn giữ lại sau khi trùng tu. Phần thân tháp gồm
5 tầng, hoàn toàn là sản phẩm dựng lại thời
Lê, được xây bằng gạch, trát vữa kín các
mặt. Tầng cuối cùng của tháp Huệ Quang bài trí
cỗ ngai thờ, ngự trên ngai có pho tượng vua
Trần Nhân Tông bằng đá. Tượng và ngai
được chế tác công phu, chạm khắc hình
rồng, hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Thân
tháp tạo tác những viền mái, lên cao thu nhỏ nhanh
chóng, tạo cảm giác chót vót. Đỉnh tháp hình hồ
lô, kiến trúc không mấy ăn nhập với phần
bệ thời Trần, và cũng không giống với
kiến trúc tháp của các thời sau.
Tháp Phổ Minh tọa lạc trước
tiền đường chùa Phổ Minh ở Tức
Mặc (Thành phố Nam Định), giữa sân nhỏ hình
vuông, quanh sân có tường bao, bốn góc sân đều có
cột với hộp đèn lồng trên đỉnh. Tháp
Phổ Minh ngự trên nền đá, tòa tháp cao 17m, gồm 14
tầng. Đế tháp hình vuông, mỗi cạnh 5,2m.
Tầng tháp dưới cùng được bắt
đầu bằng một vòng cánh sen 2 lớp, lớp
dưới úp xuống, lớp trên nở xòe tạo cảm
giác cây tháp mọc lên từ đóa hoa sen khổng lồ.
Mười ba tầng trên của tháp được xây
bằng gạch, lên cao thu nhỏ dần, trên đỉnh có
1 búp sen. Mỗi tầng đều có 4 cửa trổ ra
bốn phía, cửa tháp hình cuốn nên trọng lượng
phần trên dồn xuống nén ép các lớp gạch lại
rất chắc. Thân tháp nguyên xưa xây bằng gạch
mộc, tường hở mặt gạch khoe những
đường nét chạm khắc hình rồng trên mặt
gạch. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, khi
trùng tu, người ta đã trát vữa kín thân tháp, che
lấp hết những hình trang trí ở gạch, nên vẻ
đẹp cổ kính của tháp chỉ còn ở kiểu
dáng và nghệ thuật kiến trúc của đế tháp.
Tháp Bình Sơn tọa lạc ở chùa Then
(Vĩnh Khánh tự) ở xã Tam Sơn, huyện Lập
Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là tòa tháp đất
nung lớn nhất Bắc Bộ, có niên đại 1374. Tháp
được xây dựng bằng những viên gạch
đất nung già, gắn kết với nhau bởi kỹ
thuật “mộng cá con chì” - một kỹ thuật kiến
trúc điêu luyện thời Trần. Gạch để
dựng tháp đồng nhất màu đỏ sậm,
mịn mặt, hoa văn trang trí tinh xảo, cầu kỳ.
Quy mô tháp khá đồ sộ, số tầng ban đầu
của tháp là bao nhiêu chưa rõ, bởi phần đỉnh
tháp đã bị hư hại, đổ nát. Tháp hiện còn
11 tầng, không kể phần bệ, tổng chiều cao 16m.
Móng tháp ken bằng gạch vồ sâu hơn 1m. Bệ tháp
hình vuông mỗi cạnh dài 4,44m với một cửa chính
và ba cửa giả. Tháp có bình đồ hình vuông, lên cao thu
nhỏ dần tới đỉnh, đến tầng trên
cùng mỗi cạnh chỉ còn 1,55m. Trên mỗi tầng
của tháp đều có kiến trúc kiểu mái cong. Lòng tháp
rỗng, các tầng tháp liên kết hài hòa tạo thành
một khối kiến trúc hoàn hảo ở mọi góc
độ. Tháp đất nung Bình Sơn trang trí kín bốn mặt
như từ đất mọc lên một cách tự nhiên,
màu đất nung đỏ tươi cơ hồ như
tháp luôn tự tỏa sáng. Trải qua nhiều thế
kỷ, tháp bị nghiêng lệch và sụt lở. Năm
1972, dân chúng đã trùng tu lại tháp, tôn cao nền lên 4m
bằng một bệ bê tông nhưng giá trị kiến trúc
vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Nghiên
cứu những ngôi cổ tháp, các nhà khoa học tìm thấy
bí mật phần bệ tháp thường là nơi an táng
nhục thân các nhà sư trụ trì chùa trong quá khứ,
nhưng riêng ở tháp Bình Sơn, khi khai quật, các nhà
khảo cổ không tìm thấy dấu vết nhục thân,
đây là một điều vô cùng đặc biệt,
hẳn tháp Bình Sơn là tháp thờ Phật hay Xá lợi
Phật. Tháp Bình Sơn còn để lại cho ta thấy
đầy đủ các hoa văn độc đáo trang trí
trên bề mặt, vật liệu dựng tháp cũng
như kiến trúc nghệ thuật hàm chứa rất
nhiều dị biệt so với những ngôi tháp cổ
khác. Tìm hiểu những cây tháp cùng thời kỳ ở
Indonesia, trên mỗi tầng người ta xây hàng loạt
cây tháp nhỏ biểu tượng Đức Phật.
Người thời Trần khi dựng tháp Bình Sơn
đã không xây những ngôi tháp nhỏ mà in hình tháp và làm
những mô hình tháp cắm lên đầu tầng một.
Tháp Phổ Minh, rào vây đã trở thành lan can chỉ cách
tường tháp khoảng trên 1,5m. Riêng tháp Bình Sơn ngày nay
không còn thấy rào vây nữa. Đế tháp Phổ Minh có
bốn cửa, nhưng đế tháp Bình Sơn có một
cửa chính và ba cửa giả.
Tòa thượng điện
là “đặc sản” của người Việt Nam
Mỗi ngôi chùa đóng vai trò một trung tâm hoạt
động của Phật giáo, với 2 chức năng
chính yếu: chiêm bái Phật và tu học Phật pháp.
Thuở sơ khởi, chùa chiền đều bao gồm
tối thiểu 2 công trình kiến trúc quan trọng với
chức năng riêng: tháp để tưởng niệm
Đức Phật và nhà tịnh xá để các Tăng Ni
thuyết pháp, tu học. Như vậy, tháp mới chính là
biểu tượng của Phật pháp, là nơi bài trí
những pho tượng Phật, những hình ảnh
gợi nhớ tới Đức Phật. Những công trình
kiến trúc khác không phải để bài trí tượng
Phật mà là nơi bảo tồn sách kinh Phật, lớp
học đạo pháp và nhà ở của người tu
hành.
Vào thời Trần, cha ông ta có bước
đột phá tuyệt vời, sáng tạo ra loại hình
kiến trúc “đặc sản” của riêng người
Việt Nam, đó là tòa thượng điện.
Thượng điện hình thành bởi sự sáp nhập
của 2 kiến trúc Phật giáo: Tháp Phật và tịnh xá.
Bởi vậy, tòa thượng điện gánh gồng luôn
cả 2 chức năng: vừa là nơi để chiêm bái
Phật, vừa để tu tập đạo pháp. Hơn
thế, sự hòa quyện giữa Phật giáo và tục
lệ thờ cúng tổ tiên, đã làm nên nét độc
đáo của tòa thượng điện Việt Nam.
Người dân Việt vốn thường đặt bát
hương để thờ cha ông đã mất, sau đó
họ đem cả bát hương đặt lên bàn thờ
Phật để rồi từ đó hình thành nên tòa Tam bảo
trong thượng điện.
Khi trình độ văn hóa ngày càng phát triển,
không chỉ dừng lại ở tòa tháp mang tính mô hình, con
người biết tạc tượng Phật biểu
thị cho lòng ngưỡng vọng. Hòa chung dòng chảy
văn hóa Phật giáo, trong tháp Phật không thể thiếu
tượng Phật, trong tòa thượng điện
Việt Nam luôn bài trí hệ thống tượng Phật
đa dạng phong phú, thêm vào những bát nhang nghi ngút khói
trầm. Nhân dân ta đã thờ cúng Phật giống như
thờ cúng tổ tiên, nói tòa thượng điện
độc đáo là ở chỗ đó.
Đáng tiếc ngày nay không còn bảo lưu
được nguyên vẹn một kiến trúc
thượng điện nào của thời Trần. Tuy
nhiên, vẫn còn nhiều ngôi chùa lưu giữ
được những dấu tích kiến trúc thời
Trần sót lại: chùa Phổ Minh, chùa Yên Tử, chùa Sùng
Nghiêm, chùa Côn Sơn, chùa Thái Lạc, chùa Dâu, chùa Bối Khê,
chùa Thầy, chùa Ngọc Khám… Di sản thời Trần sót
lại ở chùa Phổ Minh (Nam Định) là bộ
cửa 4 cánh của chánh điện, hiện nay đang
được bảo tồn và trưng bày tại Bảo
tàng lịch sử quốc gia và Sở Văn hóa tỉnh Nam
Định. Hai cánh giữa của bộ cửa chùa
Phổ Minh chạm khắc đôi rồng chầu ghép
lại thành lá đề, đây chính là chi tiết quan
trọng để xác định niên đại, bởi nó
tương đồng với nghệ thuật điêu
khắc trên tháp Phật của những nền văn hóa
Phật giáo khác cùng thời. Dấu tích thời Trần sót
lại chùa Thái Lạc (Hưng Yên) nằm trên bộ vì kèo,
không chỉ ở kết cấu chồng rường mà
chính là ở lá đề nơi giá chiêng. Những chiếc
lá đề này không còn thấy hiện hữu trong kiến
trúc ở các thời đại sau. Lá đề trên giá
chiêng vì kèo chùa Thái Lạc và cánh cửa chùa Phổ Minh
khiến ta liên tưởng tới hình ảnh lá đề
thường thấy trên những tháp Phật toàn cõi
Đông Dương từ thế kỷ XIII trở về
trước. Tháp Chàm cũng không nằm ngoài dòng chảy
đó, các vòm cuốn trên cửa các tháp Chàm đều có hình
lá đề. Vòm cuốn trên cửa của mỗi tầng
tháp Phật đã được kế thừa trên bộ
vì và cửa của thượng điện thời
Trần, nhưng có sự cách tân sáng tạo thành hình đôi
rồng chầu mặt trời. Như vậy tháp thờ
Phật đã tiến hóa thành tòa thượng điện
trên cơ sở 2 thuộc tính song hành: kế thừa và sáng
tạo.
Trên những tấm cốn trang trí
thượng điện thời Trần còn sót lại,
đều được chạm khắc những hình
ảnh sinh động, thường được miêu
tả cảnh những vị thần tiên múa hát chào
mừng Đức Phật đản sinh. Những
cảnh này cũng thường thấy chạm khắc
trên hành lang hay buồng xá lợi của tháp Phật
thời Trần trở về trước ở các
nước châu Á. Di sản thời Trần trong những
tòa thượng điện Việt Nam còn để
lại phổ biến nhất là hàng chục bệ đá
hoa sen, nằm trong các ngôi chùa dọc vùng tả ngạn sông
Đáy. Các bệ đá đều có đặc điểm
chung: hình hộp chữ nhật, thường mang chức năng
của bệ tượng Tam thế. Hình ảnh nghệ
thuật phổ biến trên những bệ đá này là chim
thần Garuda quen thuộc trong thần thoại Ấn
Độ luôn ngự trị ở bốn góc bệ. Chim
thần Garuda với thân hình người đầu chim, có
khi là hình chim mỏ quặp. Trên những bệ đá này cũng
thường gặp những hình rồng Naga hoặc Macara,
nghệ thuật điêu khắc tương đồng
nghệ thuật đặc trưng trên mặt tháp Phật
đương thời.
Các nhà nghiên cứu khảo cổ học
nước ta đã tổng hợp những nét chung
nhất về một tòa thượng điện sơ
khởi thời Trần. Đó là một kiến trúc không
đồ sộ, hình thành chuôi vồ gắn vào tiền
đường, bốn mặt thượng điện
đều có cửa (chùa Dâu ở Bắc Ninh vẫn còn
nguyên 4 cửa của thượng điện thời
Trần), vòm cửa cuốn kiểu cala-macara. Trên các
bức cốn thượng điện chạm cảnh
thần tiên chào mừng Đức Phật đản sinh.
Kiểu hình đế tháp Phật bằng đá ở các
thời đại trước đã biến đổi
thành bệ thờ Tam bảo để lọt vào trong lòng
thượng điện, thường được
chế tác bằng đá hoặc đất nung, trên bày
bộ Tam thế Phật. Tòa thượng điện là
một sản phẩm tinh tế, kết tinh từ trí
tuệ Việt Nam, được khởi phát từ
thời Trần và trở thành dòng chảy quan trọng
bậc nhất trong nền kiến trúc Phật giáo
nước ta.
Những nét độc đáo trong
kiến trúc cổ chùa Thầy
Kiến trúc chùa ở nước ta càng về sau
càng phát triển đa dạng, từ thượng
điện đã mở rộng thành nhiều tòa kiến
trúc khác: tiền đường, thiêu hương,
Thượng điện, các hành lang La hán, gác chuông, tam quan,
hậu cung, điện Thánh… Các công trình kiến trúc
được tổ chức, sắp xếp kết
cấu đa dạng kiểu hình: kiểu chữ Nhị,
kiểu chữ Tam, và đỉnh cao là kiểu nội công
ngoại quốc. Kiến trúc kiểu nội công ngoại
quốc trở nên phổ biến trong kết cấu chùa
từ thời Lê Trung Hưng đến thế kỷ XIX.
Chùa
Thầy
Xét về giá trị kiến trúc, chùa Thầy
ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội là ngôi chùa còn lưu
giữ được nhiều cấu kiện cổ nhất
trên đất nước ta. Đây là kiến trúc chùa vô
cùng độc đáo, hoàn toàn bằng gỗ, nhiều
cấu kiện chưa từng thấy xuất hiện
ở các ngôi chùa khác. Chùa Thầy gồm 3 tòa kiến trúc
sắp xếp hình chữ Tam, với: tiền
đường, điện Phật, điện Thánh.
Chánh điện (điện Phật) là tòa nhà
thứ hai trong cụm kiến trúc trọng tâm của chùa
Thầy, nằm phía sau tiền đường, với
kết cấu ba gian hai chái, dài 20m, rộng 9,5m, cao 5,5m (tính
từ nền nhà tới thượng lương). Khung
chịu lực của tòa Điện Phật gồm 8
cột cái và 16 cột quân, khoảng cách giữa 2 cột
cái 4,65m; giữa hai cột quân rộng 2,6m. Nền chánh
điện cao hơn mặt sân 1,5m, cao hơn tiền
đường 0,5m. Lối lên điện Phật phải
đi sang hai bên, chia làm 3 bậc cấp theo khẩu
độ chênh nhau 0,5m. Mái giống với mái tiền
đường, theo kiểu “tàu đao-mái lá”, lợp
bằng ngói mũi hài, phía dưới có diềm lá sòi cách
điệu trang trí cánh sen vuông. Hoành trên mái chánh điện
rải theo lối “thượng tứ - hạ tứ”, đã
nâng độ cao của mái lên rất nhiều.
Vì kèo tứ hàng chân, nhưng hệ thống liên
kết giữa các vì không giống nhau. Trong gian giữa
nửa phía trước, các vì sử dụng hệ
thống liên kết bằng con rường, khoảng cách
giữa hai con rường rộng tới 0,35m, đây là
thông số rất hiếm gặp. Nhưng ở nửa sau
của điện Phật lại dùng kẻ suốt
với độ dốc khá lớn. Như vậy ngay trong
một vì đã có hai cách liên kết: “chồng
rường-giá chiêng” và “giá chiêng-kẻ suốt”, phong cách
kiến trúc này chỉ thấy xuất hiện duy nhất
tại chùa Thầy. Chánh điện cũng dùng 4 kẻ xó
hỗ trợ đao, nhưng dài và lớn hơn ở
tiền đường. Liên kết trên vì nóc cũng vô cùng
đặc biệt, thay vì kiểu giá chiêng, người
thợ xưa đã sử dụng kiểu “kèo cầu -
cột giữa”, một lối kết cấu
được coi là cổ nhất trong kiến trúc cổ
truyền Việt Nam. Những chiếc bẩy giả
nơi đây cũng chưa từng thấy xuất
hiện trong bất kỳ kiến trúc cổ nào ở
Việt Nam. Trong kiến trúc truyền thống, sử
dụng kẻ làm thành phần nối liền giữa
cột cái và cột con, qua cột quân chạy thẳng ra
ngoài để đỡ mái hiên. Với chánh điện
chùa Thầy, mặt sau của vì kèo ba gian giữa, kẻ
được làm chệch ra phía ngoài cột 0,8m tạo
thành bẩy giả, đã làm mở rộng lối đi
từ điện Phật lên điện Thánh. Lối
sử dụng con sơn chống kẻ tại đây
cũng thường gặp trong những ngôi chùa
được xây dựng từ TK XVIII.
Mặt trước ba gian chính của chánh
điện được bỏ trống để
tạo thành cửa đi vào, hai bên được ghép ván
tạo thành cửa bức bàn. Hai hồi và tường phía
sau được bưng kín, có các ô cửa hình chấn
song, cùng những ô hộc chạm thủng để
lấy ánh sáng. Khám thờ ở hai đầu hồi
cũng kết cấu độc đáo. Người
thợ đã nối cột cái ra cột quân, ở phía
dưới bằng những xà nhỏ để tạo ra
hai khám thờ Đức Ông và Thánh Tăng. Rất nhiều
ván gỗ được chạm thủng hình lá đề,
vân xoắn, mặt trời, rồng, phượng, hoa...
để trang trí, đồng thời đón ánh sáng cho khám
thờ.
Theo các nhà nghiên cứu, bộ mái của chánh
điện chùa Thầy có niên đại thời Nguyễn,
còn bộ khung có niên đại TK XVII. Cố Thượng
toạ Thích Viên Thành, sinh thời đã có bài viết
đăng trên tạp chí Mỹ Thuật Thời Nay,
nói về những nét độc đáo của kiến trúc
chùa Thầy. Theo Thượng tọa, toàn bộ ngôi chánh
điện bằng gỗ, cần rất nhiều sự
kết nối các thành phần (cột, kèo, xà, vì..)
để tạo khung chịu lực, thế nhưng
tất cả mọi kết cấu kiến trúc của tòa
nhà chỉ dựa trên cơ sở của 36 lỗ
đục. Chi tiết này khiến tất thảy mọi
người đều phải kinh ngạc, thán phục tài
nghệ của những người thợ xưa.
Điện Thánh chùa Thầy được xây
dựng trên nền cũ của ngôi chùa thời Lý, tuy nhiên
đã được trùng tu rất lớn vào TK XVII,
tới thời Nguyễn lại tiếp tục
được sửa chữa. Nền điện Thánh cao
hơn nền điện Phật 0,95cm, cách mặt sân sau
(sân trước của nhà Tổ) 1,85m. Điện Thánh
gồm ba gian hai chái, dài 14,7m, rộng 11,7m, chiều cao
từ nền tới thượng lương 6m. Toàn
bộ khung chịu lực gồm 4 cột cái
(đường kính 0,5m) và 16 cột quân (đường
kính 0,45m), tất cả các cột đều
được kê trên các tảng đá hình vuông có kích
thước 0,9*0,9m. Trong số 4 cột cái có hai chiếc
cột vô cùng quý giá, là di sản của ngôi chùa thời
Trần còn sót lại, đã 800 năm tuổi. Hai chiếc
cột này, một chiếc bằng gỗ pơ-mu (Ngọc
Am) và một chiếc bằng gỗ chò chỉ,
được các nhà khảo cổ học đánh giá là hai
chiếc cột gỗ cổ nhất Việt Nam. Vì kèo
của hai gian giữa điện Thánh có khẩu độ
rộng bất thường so với các kiến trúc khác
của ngôi chùa Việt. Khoảng cách giữa cột cái là
6m, giữa cột cái và cột quân 2,9m. Câu đầu (thanh
nối giữa hai cột cái) có kích thước lớn khác
thường. Kiểu liên kết của vì vô cùng khác
lạ, lối “chồng rường-bảy hiên” ở hai
gian chính, riêng vì nóc lại kiểu “giá chiêng kép”. Hai trụ
ngắn kê lên đầu với một xà ngang có khẩu
độ rất lớn, cùng với hai con rường
bổ trợ cho trụ ngắn, đồng thời
dể đỡ mái thay hoành. Chông bên trên thanh xà ngang, có hai
trụ ngắn nữa đặt trên với một thanh xà
ngang tạo thành kiểu “vì nóc giá chiêng kép”, rất hiếm
gặp trong kiến trúc Việt Nam. Điện Thánh cũng
không sử dụng tường chịu lực, bốn
mặt được bưng bằng hệ thống
cửa gỗ và ván liệt bản. Các cửa bức bàn
phía trước có thể tháo ra lắp vào dễ dàng.
Rất nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học
đã đánh giá điện Thánh ở chùa Thầy là tòa
hậu cung sớm nhất nước ta.