Phật Học Online

Bão lũ: Phép thử cho niềm tin và lòng vị tha

Ngay trong lúc cả nước đang quặn lòng hướng về khúc ruột miền Trung, người góp của, người góp công, người gửi những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất cho đồng bào của mình, thì đâu đó trong những cuộc hội thảo, hội nghị, đại hội… này nọ, qua thông tin đại chúng, người ta vẫn thấy tràn ngập những lẵng hoa tươi hết sức lãng phí.

Những lẵng hoa ấy chẳng đáng gì so với mất mát to lớn của người dân vùng lũ, nhưng chỉ một chút ý thức về điều đơn giản đó thôi cũng đủ gây dựng cho xã hội một niềm tin rằng, con người luôn biết đặt sự nặng nhẹ vào trong đời sống ứng xử, để không thể vui cười chúc tụng nhau trước nỗi đau còn chưa nguôi ngoai của người khác.

 Cơn lũ thứ nhất đổ về miền Trung đúng vào dịp cả nước đón mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi về vấn đề giữa “lũ” và “lễ”. Và nếu không có vụ nổ mấy công-ten-nơ pháo hoa thì không biết 29 điểm bắn pháo hoa có được huỷ bỏ để dành số

tiền đó ủng hộ đồng bào mình đang chịu cảnh tang thương bởi lũ lụt hay không? Cũng trong lúc đó, người ta chào đón biết bao nhiêu công trình kỷ lục. Nhưng có một “công trình kỷ lục” đó là lòng từ bi hỷ xả của con người trong suốt ngàn năm ấy đang rất cần mỗi người đầu tư tôn tạo lại.

Nhiều người còn chưa hết những ưu tư về các giá trị dân tộc trong suốt nghìn năm, khi nó đang được người ta đua nhau thể hiện một cách phung phí thì cơn lũ lịch sử thứ hai lại chồng tang thương lên mảnh đất miền Trung. Có người gọi đó là phép thử cho niềm tin, sự sáng suốt và cả lòng tốt của con người. Và cho dù muộn, nhưng quyết định huỷ 29 điểm bắn pháo hoa cũng nhận được nhiều sự đồng tình của người dân. Thực tế, có bao nhiêu những thứ lý thuyết to tát đang được phổ biến sâu rộng hơn thời xưa, nhưng hình như con người lại vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo lương tâm, nghèo lòng tốt…

Câu chuyện bi thương về chuyến xe định mệnh trong lũ dữ cuớp đi một lúc 21 sinh mệnh đã gây xúc động mạnh trên khắp các phương tiện thông tin. Muôn người như một đều mong người dân vùng lũ sớm trở lại cuộc sống bình thường, mong rằng không phải chứng kiến thêm những cảnh tang thương mất mát như thế. Cũng lúc đó, một cuộc lễ cầu siêu cho

những người tử nạn diễn ra gần nơi xảy ra tai nạn. Hình ảnh của vị tăng sĩ với một đàn tràng giản dị đơn sơ đã sưởi ấm lòng những gia đình có người thân vắng số. Thông tin không cho biết tên các vị tăng đó là ai, cũng chẳng có một cuộc phỏng vấn nào như thường thấy để những người thi ân nói thao thao về lòng tốt, nhưng chỉ cần một vài hình ảnh giữa mênh mông nước lũ đã gây dựng niềm tin của nhiều người. Không biết có yếu tố tâm linh thấu tỏ nào không mà ngay trong buổi chiều hôm nay, qua thông tin mọi người được biết các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy chiếc xe gặp nạn. Lòng từ bi thương xót chính là tình người, một thứ tình người đầy trắc ẩn và nhạy cảm với chúng sinh, đồng loại đã nhanh chóng được đáp lời.

Cũng vì những băn khoăn không dứt về những ứng xử chậm chạp và thiếu nhạy bén đối với đồng bào, mà nhiều người đã cùng cất lên tiếng nói “thương người như thể thương thân”, “cứu người như cứu mình”, để mong sao mỗi người hãy nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, nuôi dưỡng tình thương yêu, để đồng bào mình dù có gặp cảnh nguy khốn cũng biết nương dựa vào đó mà mau vượt qua khó khăn, vươn lên sống một cuộc đời đáng sống.

Tình người chỉ được được thổi bùng mãnh liệt khi người ta cảm nhận hết được nỗi đau “tay đứt ruột xót”, “máu chảy ruột mềm”. Đó cũng là niềm tin yêu ở thời buổi mà thói thờ ơ vô cảm đang ngày một phổ biến trong đời sống ứng xử.

Nhường cơm sẻ áo, gửi một chút năng lượng bình an, chắt chiu một ít tình người gửi đến đồng bào mình trong lúc này sao không phải là những “đại hội” niềm tin của toàn dân tộc?

Nguyễn Mai Sơn  (Điểm Nhìn)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage