Phật Học Online

Khất thực - nét đẹp văn hóa nơi phum, sóc

Đến các phum, sóc Khmer ở Trà Vinh, cứ vào khoảng 8 - 12 giờ, ta sẽ thấy có những nhóm các nhà sư đi khất thực. Có thể nói, hình ảnh đó đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của bà con Khmer nơi đây.

Như ta đã biết, cùng với Sóc Trăng, Trà Vinh là một trong hai tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất ở ĐBSCL. Và dĩ nhiên, đi kèm với điều ấy là một hệ thống chùa chiền phủ đều khắp các phum, sóc (tên gọi dùng để chỉ những nơi có người Khmer sinh sống, giống như một ngôi làng của người Kinh). Các phum, sóc ấy thường là những nơi đất dòng, ở đấy có một ngôi chùa, xung quanh được bao bọc bởi những cây thốt nốt, những hàng tre gai và những hàng dầu, hàng sao...

Ngày thường, cuộc sống của người Khmer nơi phum, sóc khá bình lặng. Sáng sáng, đàn ông ra đồng, phụ nữ ra chợ và không quên mang theo vài trái thốt nốt, vài trái quách, cốm dẹp,…để bán. Trong khi đó, trẻ con thì đứa đến trường, đứa trông nhà, số khác thì vào chùa phụ quét lá cây với các vị sư.

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là dù làm gì thì làm, vào buổi sáng, những gia đình này cũng luôn tranh thủ nấu cơm để cúng dường cho các vị sư khi họ đi khất thực. Vì ở Trà Vinh, người Khmer chủ yếu theo Phật giáo Nam Tông (Phật giáo Tiểu thừa) nên trong cách thức sinh hoạt hàng ngày của các nhà sư có một việc là đi khất thực (còn gọi là đi bình bát hay trì bát). Theo lời Phật dạy, khất thực không có nghĩa là xin ăn mà là cách nuôi thân một cách chân chính cho những đệ tử xuất gia.

Hàng ngày, chuyến đi khất thực diễn ra vào buổi sáng và chấm dứt trước giờ Ngọ, tức trước lúc mặt trời đứng bóng. Khi ấy sẽ có những nhóm nhà sư, một nhóm khoảng 4 - 5 người, đi khất thực. Tuy nhiên, số nhà sư đi khất thực ở mỗi phum, sóc không giống nhau và cũng không cố định. Họ có thể đi nhiều hay ít, thậm chí một người, tùy thuộc vào sự sắp xếp của nhà chùa và tùy hoàn cảnh mà người đi cũng khác nhau. Riêng về cách thức đi và nhận thức ăn từ bá tánh thì không khác nhau là mấy.

Do vậy, cứ đến giờ, từ cửa chùa, các nhà sư đi theo một hàng dọc, men theo các con đường mòn quanh co để đi vào phum, sóc. Họ có thể phân thành từng nhóm nhỏ rồi chia nhau đi theo những hướng khác nhau. Ngoài ra, đi theo mỗi nhóm còn có một hoặc hai cậu bé cầm cái gàu mên để đựng đồ ăn của bá tánh. Khi quan sát kĩ, ta thấy các nhà sư đi chân không, khi đi không ngó qua ngó lại, không nói chuyện, phía trước ngực họ mang cái bình bát được quấn vải khéo léo. Bình bát thường được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung có tráng men bên trong, không được làm bằng những kim loại quý, vì như vậy không đúng phẩm hạnh của người xuất gia.

Theo Kinh Phật, trước khi lên đường khất thực, trong lòng các vị sư nguyện rằng: “Nguyện cho các vị Khất giả thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được phước báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ”. Mặt khác, khi đi khất thực, họ phải giữ tâm bình đẳng, nghĩa là theo thứ tự nhà của dân, không chỉ đến nơi nhà giàu mà cũng không chỉ nơi nhà nghèo. Đức Phật đã nhấn mạnh: “Chỉ khi nào thân tâm được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi vào làng khất thực”.

Ở Trà Vinh, khi bắt đầu chuyến đi khất thực, các cậu bé xách gàu mên sẽ đi trước và ra tín hiệu cho người dân biết là các nhà sư sắp đến để ai có cúng dường thì chuẩn bị. Khi các nhà sư đến, họ sẽ đứng thành một hàng ngang, lúc này sẽ có một người trong nhà mang thức ăn ra. Nếu là cơm thì vị sư sẽ vén tay áo và đưa bình bát ra để nhận lấy, nếu là đồ ăn thì họ sẽ cho vào gàu mên của chú bé đi theo. Lúc này, cơm sẽ được chia đều cho tất cả các nhà sư, nhưng trước khi cho cơm vào bình bát, người cho sẽ xá một xá, xớt cho mấy người thì xá mấy cái, với thức ăn thì cũng tương tự vậy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chú bé cầm gàu mên có thể đi trước và nhận đồ ăn trước rồi về chùa, không cần phải đợi các nhà sư.

Có một điều ta rất dễ nhận thấy là hiếm khi người dân bới cơm để sẵn mà thường để trong nồi cho nóng hoặc hâm lại rồi mới đem ra cúng. Đặc biệt, họ chỉ cúng những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng những thức ăn chưa làm thành món, chẳng hạn như như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng rau luộc chứ không cúng rau sống. Và việc cúng nhiều hay ít, ngon hay dở tùy thuộc vào khả năng của từng gia đình. Vả lại, không nhất thiết phải mỗi ngày mỗi cúng, lâu lâu cúng một lần cũng được. Còn khi muốn cúng nhưng các nhà sư đi ngang lại làm đồ ăn không kịp thì cũng không sao, cứ đợi khi họ quay ngược trở về rồi cúng cũng được.

Mỗi khi khất thực xong, các vị sư sẽ trở về chùa để ăn trước khi mặt trời đứng bóng, và đó cũng là bữa ăn duy nhất trong ngày của họ. Khi dùng thức ăn, các vị sư không xem đó là việc hưởng thụ mà đơn giản chỉ là có cái gì đó để duy trì sự sống mà tu hành, không được ham cầu cho nhiều vì như vậy sẽ phá vỡ thiện niệm của họ. Sau bữa ăn, các vị ngơi nghỉ trong chốc lát rồi tiến hành thiền định.

Với các nhà sư mà nói, họ không quan tâm đến thức ăn ngon hay dở, nhiều hay ít, nhanh hay chậm mà chỉ trân trọng cái “Tâm” của người cúng mà thôi. Do đó, họ đi khi nào cảm thấy đủ ăn thì sẽ quay về, không lấy nhiều hơn. Trong trường hợp ngày hôm đó không có ai cúng thì họ cũng sẵn sàng chấp nhận trở về với bình bát không và sẽ không ăn ngày hôm đó. Nhưng tình huống ấy rất hiếm xảy ra, vấn đề chỉ là người dân cúng ít hay nhiều mà thôi. Thậm chí, những lúc trời mưa gió, các nhà sư không đi khất thực được thì dân còn mang cơm vào chùa cho họ dùng.

Cứ như thế, ngày ngày ta lại thấy có những chiếc áo vàng lặng lẽ đi dưới những hàng dầu, hàng sao để khất thực. Hình ảnh đó đẹp như một bức tranh mà không phải nơi nào cũng có được. Chính nó cũng góp phần làm cho không gian phum, sóc thoáng chút trầm mặc và yên bình một cách kì lạ, lúc ấy đạo và đời như hiện hữu. Vì khi người dân dâng thức ăn lên cho các nhà sư đều xuất phát từ lòng thành khẩn, họ mong muốn các vị giải thoát hết những kiếp nạn cho thế gian. Còn các nhà sư nhận đồ của bá tánh vừa hàm ơn vừa khẩn cầu cho họ tích được nhiều công đức để cuộc sống được tốt đẹp hơn, cả trong hiện tại lẫn tương lai.

Do đó, việc đi khất thực không chỉ mang ý nghĩa thuần túy là “cho và nhận” mà nó còn góp phần giáo hóa con người, qua đó thể hiện sự nhiệm mầu của triết lí nhà Phật.

Theo Xuân Sắc - Cuộc sống Việt


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage