Khoác tay chồng đứng ở cổng nhà hàng tiệc cưới chay chào
khách, chị Trang cho biết do cả dòng tộc đều theo đạo Phật và ăn chay
trường nên cha mẹ đã khuyên chị tổ chức tiệc cưới chay.
|
Nghi thức lễ cưới và tiệc cưới chay được tổ chức nơi cửa Phật. Ảnh: TT. |
"Mẹ tôi bảo đám cưới mà không sát sinh sẽ tích được phước lành và
cuộc sống gia đình về sau mới hạnh phúc. Ban đầu quyết định như thế tôi
hơi lo vì bạn bè đâu phải đều theo đạo Phật và ăn chay như mình, nhưng
cũng may khách mời đến đông đủ và rất vui vẻ", tân nương mỉm cười chia
sẻ.
Đối diện chùa Vĩnh Nghiêm là một nhà hàng chuyên đãi tiệc chay với
quy mô 140 bàn cũng đang tổ chức đám cưới (hằng thuận) cho một đôi uyên
ương phật tử. Trong tiếng nhạc réo rắt nhẹ nhàng với những bài hát ca
ngợi công ơn sinh thành, đôi uyên ương cùng trao nhẫn cho nhau rồi khui
sâm banh, uống rượu giao bôi, cắt bánh cưới 3 tầng trong tiếng vỗ tay
chúc mừng của quan viên hai họ và bạn bè.
Thực khách tham dự đám cưới bày tỏ sự ngạc nhiên thích thú khi
thưởng thức các món ăn chay lạ miệng được bày trí bắt mắt với những tên
gọi hấp dẫn như: gỏi Cửu niên diện bích, lẩu Dược sư hải hội, súp Kiến
tâm kiến Phật, cơm Bạch ngọc long bửu, món tráng miệng Thưởng nguyệt
luyến hoa...
|
Một đám cưới ở nhà hàng Việt Chay. Ảnh: VC. |
Mặc dù là tiệc chay nhưng khách vẫn được nhà hàng đãi uống "bia" tẹt
ga. Theo giải thích của bà Hoàng Long Ngọc Diệp, giám đốc điều hành
Việt Chay thì loại "bia" này thực chất là một loại nước giải khát không
cồn chiết xuất từ lúa mạch. "Nước này có mùi, vị, màu sắc như bia
nhưng không có cồn. Khách càng uống càng tốt cho sức khỏe mà không lo
bị say", bà nói.
Bà cho biết chi phí cho mỗi bàn tiệc chay khoảng 1,4 triệu đồng bao
gồm cả các khoản về hoa nến, MC và các chi phí nghi thức khác. "So với
tiệc cưới bình thường thì tổ chức tiệc chay còn giúp các bạn trẻ tiết
kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Một số đôi uyên ương nghèo còn
được nhà hàng hỗ trợ thêm", bà chủ nhà hàng chia sẻ.
|
Đôi uyên ương chăm chú lắng nghe lời giảng huấn của vị hòa thượng. Ảnh: GN. |
Cũng tổ chức tiệc cưới chay tại chùa, dưới sự chứng kiến của ban trụ
trì chùa Giác Ngộ và quan viên hai họ, chú rể Minh Đức và cô dâu Hồng
Nhung đã cầm tay, trao nhẫn và nói lên lời yêu thương chung thủy vợ
chồng.
Chị Nhung chia sẻ: "Theo đạo Phật từ nhỏ nên chúng tôi luôn ý thức
việc ăn chay, nhất là làm đám cưới chay sẽ giúp tâm hồn thanh tịnh và
tránh được nghiệp sát sinh. Hơn nữa tổ chức đám cưới ở chùa là nơi đất
thiêng và được sự chúc phúc của các tăng ni phật tử thì đời sống gia
đình chúng tôi sau này sẽ hạnh phúc".
Còn vợ chồng anh Trương - chị Tuyết không theo đạo Phật nhưng vẫn
quyết định tổ chức tiệc cưới chay để tiết kiệm chi phí. "Bây giờ một
bàn tiệc mặn ở TP HCM giá bèo cũng gần 3 triệu đồng, còn tiệc chay tiết
kiệm được hơn một nửa. Vì sợ mọi người chê tiệc chay nên hai vợ chồng
thống nhất với nhau chỉ mời 100 khách là người nhà, họ hàng và bạn bè
thân thiết", anh Trương bộc bạch.
Trao đổi với VnExpress.net, Đại đức Thích Nhật Thiện, ban trụ trì chùa Giác Ngộ (quận 10, TPHCM) cho
biết, thay vì tổ chức đám cưới ở nhà hàng, khoảng vài năm trở lại đây
các bạn trẻ có xu hướng chọn cửa Phật là nơi tổ chức nghi lễ quan trọng
nhất của đời mình. Thời gian cao điểm gần như tuần nào cũng có lễ cưới
đãi tiệc chay ở chùa này.
"Việc tổ chức lễ hằng thuận (thành hôn) với thức ăn chay thanh tịnh
vừa giữ được nét văn hóa dân tộc, không làm tổn hại sinh linh, tránh
cảnh rượu chè say xỉn và giúp tiết kiệm chi phí trong hoàn cảnh kinh tế
ngày càng khó khăn", vị đại đức nói.
Nguồn: VNExpress