Phật Học Online

Tu mau kẻo trễ


But (22).jpg


Người xuất gia phải chí thú nơi sự giải thoát, đừng quá đua theo công nghiệp hữu vi, vì trong ấy có nhiều lầm lỗi, e cho thiên đường chưa thấy, địa ngục đã trước! Nếu việc sống chết chưa xong, thì tất cả công nghiệp hữu vi đều là nguyên nhân của sự khổ.

Một mai nhắm mắt đi rồi, tùy theo nghiệp mà thọ báo, chừng ấy mới hay việc đã làm là trên gông cùm thêm xiềng xích, dưới vạc nóng thêm củi than, mãnh pháp y đã mất nơi thân, nẻo dị loại đổi hình muôn kiếp!

Lời dạy Cổ đức

Hỏi:Kẻ một đời tạo ác, khi lâm chung duy niệm Phật, đã được đới nghiệp vãng sanh, lại còn không thối chuyển; nguyện lực của Đức A Di Đà thâm diệu, thật không thể nghĩ bàn! Vậy thì bây giờ tôi tạo tác theo duyên đời, đợi khi sắp chết rồi sẽ niệm Phật có được chăng?

Đáp: Khổ thay! Lời ấy rất ngu muội sai lầm, còn nguy hiểm hơn thứ rượu độc, đã hại mình lại làm hại lây đến hàng tăng ni, người, thiện tín trong đời nữa! Sở dĩ hàng phàm phu nghịch ác khi lâm chung biết niệm Phật, là do từ trước họ đã có căn lành, phước đức, nhân duyên, nên mới được gặp thiện tri thức, mới khởi lòng tin tưởng và phụng hành. Đó là việc cầu may trong muôn một, đâu phải mỗi người đều được như thế? Luận Quần Nghi nói: 'Trong đời có mười hạng người khi lâm chung không niệm Phật được:

1- Không gặp bạn lành, nên chẳng ai khuyên niệm.
2- Nghiệp khổ bức thiết, không yên ổn rỗi rảnh để niệm Phật.

3- Trúng phong cứng họng, không thể xưng danh Phật.

4- Cuồng loạn mất trí, không thể chú tâm tưởng niệm.
5- Thoạt gặp tai nạn nước lửa, mất sự điềm tỉnh chí thành.

6- Bỗng gặp cọp beo ác thú làm hại.

7- Khi lâm chung bị bạn ác phá hoại lòng tin.

8- Gặp bạo bịnh hôn me bất tỉnh mà qua đời.

9- Bị trúng thương thoạt chết giữa quân trận.

10- Từ trên cao té xuống mà mạng vong.

Mười sự kiện trên đây là những việc thường nghe thấy, không luận tăng, tục, nam, nữ, hạng nào cũng có thể bị vướng vào. Đó là do túc nghiệp hoặc hiện nghiệp chiêu cảm, nên sự việc bỗng nhiên xảy ra, không còn trốn tránh kịp. Ông đã không phải là bậc thánh nhơn chứng túc mạng thông, biết được khi lâm chung có nghiệp hay không nghiệp, lại chẳng phải là bậc đủ tha tâm, thiên nhãn, biết mình khi mạng chung chết tốt hoặc xấu, mà bình thời không niệm Phật, đến khi lâm chung nếu rủi mắc phải một trong mười duyên ác đó, thì sẽ liệu ra sao? Chừng ấy dù có Phật sống hay bao nhiêu thiện tri thức đứng vây quanh cũng không làm thế nào cứu được, và thần thức ông sẽ tùy theo nghiệp đi vào chốn tam đồ bát nạn, nhiều kiếp chịu khổ, biết có còn được nghe danh hiệu của Phật như ngày nay chăng?

Giả sử ông không bị những ác duyên đó, chỉ bịnh sơ sài rồi mãn phần, thì lúc sắp chết bốn đại phân ly, gân xương rút chuyển, thân tâm đau đớn kinh hoàng, như con đồi mồi bị lột vảy, con cua rớt vào nước sôi, làm sao mà niệm Phật? Dù cho ông không bịnh mà chết một cách yên ổn nữa, khi lâm chung hoặc e duyên đời chưa dứt, niệm tục còn vương, nỗi tham sống sợ chết làm cho tâm ý rối loạn phân vân cũng không niệm Phật được. Nếu là người tục, thì lại thêm gia vụ chưa xong xuôi, việc sau chưa sắp đặt, vợ kêu con khóc, trăm mối ưu tư cũng không rỗi rảnh để niệm Phật. Chẳng đợi lúc lâm chung, giả sử trước khi ông chưa chết mà có chút bịnh nơi thân, phải gắng chịu sự đau khổ, rên rỉ không yên, tìm thuốc hỏi thầy, nhờ người cầu an sám hối, tạp niệm rối ren, chưa dễ nhiếp tâm niệm Phật. Dù lúc ông chưa có bịnh, thì bị tuổi cao sức yếu, đủ sự kém suy, áo não buồn than, chỉ lo sự việc trên cái thân già còn chưa xong, chắc chi đã niệm Phật? Ví như lúc ông chưa già, thân lực đang cường tráng, mà còn đeo việc thế, chưa dứt niệm đời, bôn tẩu đông tây, âu lo đủ việc, biển thức mênh mang, làm sao có thể niệm Phật? Dù ông được muôn duyên rỗi rảnh, có chí tu hành, nhưng đối với tướng thế gian, nếu nhìn không thấu, nắm không vững, dứt không xong, khi xúc đối với ngoại duyên không thể tự chủ, tâm tùy theo cảnh mà điên đảo làm sao yên chí để niệm Phật?

Ông thử nghĩ xem, chỉ khi già, bịnh, cho đến thuở mạnh khỏe an nhàn nếu còn một việc đeo đẳng nơi lòng, cũng không thể chánh tâm niệm Phật, huống nữa là đợi đến lúc lâm chung ư? Phương chi, ông lại còn nói tạo tác theo duyên đời, đó phải chăng là lời si mê, là chỗ dụng tâm rất nên lầm lỗi? Vã sự nghiệp thế gian, như giấc mơ, trò huyễn, như bóng bọt, tiếng vang, chỉ thoáng chốc rồi không, nó có lợi ích chi thiết thật cho ông trên đường giải thoát? Dù cho ông có tạo được chùa chiền qui mô rộng lớn, gây nên thanh thế địa vị cao tôn, kết thân với nhiều kẻ quyền chức sanh giàu, trong tâm tự hào cho đó là đã thành công nơi đường tu, đâu ngờ thật ra chính lại phạm nhằm điều răn của tiên thánh! Bởi cổ đức từng khuyến giới rằng: 'Người xuất gia phải chí thú nơi sự giải thoát, đừng quá đua theo công nghiệp hữu vi, vì trong ấy có nhiều lầm lỗi, e cho thiên đường chưa thấy, địa ngục đã trước! Nếu việc sống chết chưa xong, thì tất cả công nghiệp hữu vi đều là nguyên nhân của sự khổ. Một mai nhắm mắt đi rồi, tùy theo nghiệp mà thọ báo, chừng ấy mới hay việc đã làm là trên gông cùm thêm xiềng xích, dưới vạc nóng thêm củi than, mãnh pháp y đã mất nơi thân, nẻo dị loại đổi hình muôn kiếp!'

00_f.jpg


Qua mấy lời trên, nếu người có chí giải thoát, biết cảm thương thân thế của mình, phải nên động lòng rơi lệ! Tổ sư đã tha thiết khuyên răn như thế, đâu có hứa cho ông tạo tác duyên đời, rồi đợi khi lâm chung mới niệm Phật ư?

Ông há không thấy Tử Tâm Thiền Sư bảo: 'Trong đời, những người tiền của như núi, thê thiếp đầy nhà, đâu phải họ không muốn trẻ mãi để ngày đêm hưởng phước báo thế gian? Nhưng vì kiếp sanh có hạn, tháng năm thúc dục tuổi già, cái chết há thiên vị kẻ giàu sang, sức nghiệp đâu nể kiêng người tài trí? Chừng ấy tội hành nghiệp cảm, còn chi là thói phong lưu; kiếp trả đền vay, luống hối cho đời phóng đảng! Những việc vừa nói, thế nhân hầu hết mắt đã từng thấy và tai cũng đã từng nghe. Người đời thường lần lựa chờ khi lớn tuổi, việc nhà xong xuôi rồi sẽ niệm Phật, nhưng cái chết đâu có hẹn trẻ hay già, và tuy nói như thế, đã mấy ai tuổi cao mà biết lo niệm Phật? Cổ nhơn bảo: 'Chớ đợi đến già rồi niệm Phật. Đồng hoang mồ trẻ đã nhiều đây!' Lại nói: 'Con người từ lúc còn trẻ, có gia đình rồi đến nuôi con cái, trong cuộc sanh sống phải chịu biết bao là nỗi khổ nhọc đắng cay! Khi hơi thở đã tàn thì gia đình tiền của, tất cả đều bỏ lại hết, chỉ theo nghiệp mà đi. Nếu là con có nghĩa thì nó khóc cho ít tiếng, đốt cho mấy xấp giấy tiền, rước thầy tụng cho năm ba bộ kinh, rồi đến ngày lại sắm cơm canh cúng quảy; đó gọi là còn biết tưởng nhớ đến mẹ cha. Rủi gặp con bất hiếu, thì cha mẹ vừa nhắm mắt, đầu xương chưa lạnh, nó đã lo tranh nhà giành đất, cãi cọ kiện thưa, khi được phần rồi lại phung phí ăn chơi, thậm chí lãng quên ngày cúng giổ. Việc đời kết cuộc bất quá chỉ như thế, có điều chi đáng hẹn chờ! Cho nên bậc hiểu rộng thấy xa, phải sớm niệm Phật tu hành, con cháu mỗi người tự có phước riêng, kẻ làm cha mẹ chỉ lo bổn phận phần nào mà thôi, chớ vì nó suốt đời làm thân trâu ngựa!' Xin dẫn thêm ra đây mấy lời của cổ đức: 'Cười thương kẻ giàu sang. Lo giàu thêm rộn ràng! Hủ gạo sanh sâu mọt. Kho tiền đầy ngổn ngang. Ngày cầm cân suy nghĩ. Đêm đốt đuốc tính toan. Hình hài trơ lẩn thẩn. Tâm trí rối bàng hoàng. Vô thường khi chợt đến. Biển nghiệp sóng mênh mang!'

Ngài Tử Tâm đã tha thiết nhắc khuyên như thế, đâu có hứa cho ông tạo tác duyên đời rồi đợi đến khi lâm chung mới niệm Phật ư?

Cho nên ông phải xét nghĩ kiếp người mong manh ngắn ngủi, như lửa nhán thân đá, như chớp giật lưng trời, mới còn đó đã mất đi, có chi là trường cửu? Phải nhận định cho chắc, rồi thừa lúc chưa già chưa bịnh, gác qua thế sự, rủ sạch thân tâm, được một ngày quang âm lo một ngày niệm Phật, được một khắc rỗi rảnh tu một khắc công phu, đến lúc lâm chung mọi việc đã an bài, trời tây cũng sẵn mở lối đường quang đãng! Bằng chẳng thế khi duyên nghiệp đáo đầu, chừng ấy ăn năn đã muộn! Nên suy nghĩ kỹ!

Tịnh Độ Hoặc Vấn
Thiên Như Duy Tắc Thiền Sư thuật
Việt Dịch: HT Thích Thiền Tâm

theo:phapgioi.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage