Phật Học Online

Ấm lòng nơi khốn khó

Từ ngày 26 đến 31-10, đoàn TTXH TƯGH kết hợp với Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư, Phân ban Đặc trách Ni giới TP.Cần Thơ và các Ban TTXH PG Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quan Âm tu viện TP.HCM... đã chuyển 5.130 phần quà gồm thực phẩm, áo quần, tiền mặt đến với đồng bào những nơi bị ảnh hưởng nặng nề hai cơn lũ vừa qua tại các xã thuộc huyện Hương Khê, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) và xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Tổng giá trị hàng cứu trợ hơn 2,2 tỷ đồng. PV Giác Ngộ đã tháp tùng đoàn và gởi về những ghi nhận từ thực tế chuyến đi.

chaudicuu-1.gif

Niềm vui được nhận quà của người nghèo xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình)

Dù gì cuộc sống cũng phải bắt đầu...

Trải qua hai ngày hai đêm khởi hành từ TP.HCM, đoàn chúng tôi đến TP.Đồng Hới và từ đây đoàn chia làm nhiều nhánh tiếp tục vượt hơn 80km theo con đường Hồ Chí Minh dọc những dãy Trường Sơn sừng sững đến các huyện vùng sâu ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Dọc đường Trường Sơn vẫn còn nhiều dấu vết để lại bởi những chân núi sạt lở nặng đang còn được khắc phục. Ám ảnh về trận lũ kinh hoàng vẫn còn hiện rõ trên từng gương mặt khắc khổ của người dân.

Cuộc sống phải bắt đầu lại với rất nhiều khó khăn sau lũ. Thiếu lương thực, thực phẩm, quần áo, mùng mền, dụng cụ sinh hoạt thường ngày trong gia đình… và hạt giống để chuẩn bị cho mùa vụ, nhiều nông dân phải đối mặt với nợ nần sẽ phải vay trong những ngày sắp tới để lo cho cuộc sống. Thế nên, khi hay tin đoàn từ thiện của Phật giáo đến, người dân như "cờ mở bung trong dạ" và tập trung đón đoàn từ rất sớm.

Cảm động và không giấu nỗi vui mừng, nhiều gia đình ở thôn 5, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết phải đi bộ vượt qua đoạn đường 15km, mất hơn hai giờ trong đó mất một giờ phải vượt qua sông Bến Cây Chu để đến điểm nhận quà và mất hơn hai tiếng gánh hàng cứu trợ trở về nhưng ai cũng thấy phấn khởi vì có được lương thực, thực phẩm và tiền chợ cho những ngày sắp tới.

Chị Ngô Thị Liễu, xóm 5, ấp Yên Thọ, xã Tân Hóa cho biết: "Cả thôn nghèo bây giờ chỉ biết nương nhờ vào hàng cứu trợ để sống qua ngày vì lẽ bây giờ ai cũng tay trắng như nhau, không ai nương nhờ ai được. Bây giờ lũ trẻ trong thôn đã đi học trở lại, vượt qua con sông khá nguy hiểm nên vừa qua xã cho mỗi em một chiếc áo phao. Dù gì thì cuộc sống mới cũng phải bắt đầu".

chuadicuu-2.gif

NS.TN Huệ Từ thắp hương chia buồn cùng gia đình em Hoàng Minh Đức (Nghệ An)

Yên Thọ cũng đau buồn khôn xiết vì nước lớn không đưa kịp cháu Trương Xuân Dũng đi bệnh viện kịp thời do bệnh thiếu máu, cháu đau đầu nên té xuống đất và tử vong. Cái đau đó giờ là niềm đau chung vì bà con càng khó khăn thì càng quý nhau hơn. Chị Liễu cùng nhiều phụ nữ khác đang vận những bộ quần áo khá "lạ" không phù hợp và cũng chẳng vừa là mấy, các chị phấn khởi quảy quà cứu trợ trở về thôn và cười thật tươi với chúng tôi: "Đó là quần áo cứu trợ của các đoàn đó, tuy là không vừa nhưng quý lắm, chúng tôi thấy vui và cảm thấy ấm lòng trong những ngày mưa dầm dề như thế này".

Cùng với nhiều người xóm 5, Yên Thọ, ông Hai mừng mừng tủi tủi nói: "Nhận quà cứu trợ cũng thấy tủi thân lắm nhưng mà vậy thôi, với gánh quà này cả gia đình tôi sống được khoảng 10 ngày đỡ phải lo toan. Có cơm ăn trong những ngày mưa bão này còn quý hơn rất nhiều thứ trên đời".

"Cảm ơn cái tình của người trong nớ"

Vùng rốn lũ Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), 10 xã tại Hà Tĩnh và đồng bào xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) giờ chỉ có cái ăn, cái mặc và thuốc men là quý nhất. Bà con ở Minh Hóa cho biết, nhiều khi cơm trắng còn không có ăn, bữa cơm thường nấu với ngô, sắn (khoai mì). Khi món quà gồm 10kg gạo, 1 thùng mì gói, mền, quần áo và 200.000 đồng và các loại nhu yếu phẩm khác được trao tận tay, ai cũng thấy rất hạnh phúc và ấm lòng.

Anh Trương Xuân Hiền, thiếu tá biên phòng cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) cho biết: "Dân ở đây nghèo thật đó. Các em nhỏ thất học rất nhiều vì cha mẹ chúng quá nghèo. Nói xin lỗi nhé, nhiều khi có em đến trường còn mượn quần của bố nữa đấy". Em Cao Xuân Hoài, học sinh lớp 6 Trường THCS Tân Hóa cho biết: "Em vừa được đến trường học một tuần, mưa lũ đã cuốn trôi hết tập vở rồi, thầy cô đã hứa mua cho nhưng em chưa thấy đâu, cô ạ".

Anh Lê Văn Lượng, xã cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cùng vợ đến nhận quà, xúc động bộc bạch: "Đây là lần đầu tiên gia đình được nhận quà cứu trợ, trước đây để cứu đói trong lúc mưa lũ, chính quyền xã có cứu đói bằng mì gói nhưng đây là phần quà có giá trị nhất đối với chúng tôi".

Gần một tuần lễ của cuộc hành trình mang sự chia sẻ yêu thương đến với đồng bào Bắc Trung Bộ, ăn ngủ trên xe, làm sao để chuyển 5.130 phần quà là tình cảm của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp hướng tấm lòng về miền Trung ruột thịt đến sớm với đồng bào khó khăn. "Của cho không bằng cách cho" nên phải hết sức trân trọng những người mình gặp, những nơi mình đến để thật sự chia sẻ và đồng cảm - Ni sư Huệ Từ, Phó ban BTTXH T.Ư, trưởng đoàn tâm sự.

Đó cũng là lý do để đoàn đến chia sẻ những đau thương mất mát của những gia đình có người thân bị chết trong lũ. Vẫn còn nét thảng thốt trên gương mặt của người thân bên bàn thờ em Hoàng Minh Đức, 19 tuổi tại thôn 1, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), một gia đình theo tín ngưỡng Thiên Chúa giáo. Người nhà kể lại câu chuyện thương tâm về em. Mẹ của em Đức xúc động nói: "Trong những lúc mất mát như thế này, chúng tôi mới thấy rất quý tấm lòng của các Sư cô, các mạnh thường quân và rất cảm ơn cái tình của đồng bào trong nớ".

 

Niềm vui chưa trọn vẹn

Nếu niềm vui của đồng bào xã Tân Hóa nhiều bao nhiêu thì nỗi buồn ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) lại nhiều gấp bội lần bởi lẽ ở đây cả đoàn từ thiện và người dân đều cảm thấy rất bối rối với cách làm việc của chính quyền. Khi đoàn Ban TTXH T.Ư phát xong 329 phần quà tại xã Tân Hóa nằm sâu trong vùng trũng, bao bọc bởi nhiều ngọn núi trở ra xã Minh Hóa (cách nhau hơn 10km) là điểm phát thứ hai. Đoàn phát đến hơn 80 phần quà thì phát hiện cán bộ thôn đứng ra thu lại phong bì của bà con vừa được nhận. Trong đó, phần nhiều là bà con thôn Tân Trung.

chaudicuu-3.gif

Trong lúc Ban TTXH T.Ư đang trao đổi với cán bộ xã thì người dân được cán bộ thôn bảo đem trả lại quà và họ đồng loạt làm theo, nhưng Ni sư TN.Huệ Từ, trưởng đoàn nói quà đã phát ra cho bà con rồi nên đoàn không thu lại thì họ mới đua nhau nhận lại phần của mình.

Trò chuyện với những người bị thu gom phong bì, họ cho biết cán bộ thôn làm vậy để chia đều cho mọi người, vì cả thôn Tân Trung có hơn 90 người trong khi chỉ có 60 người được nhận quà. Một vài người dân tỏ ra bức xúc về việc làm của cán bộ đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ nhưng không dám nói ra. Đó là chưa kể đến những câu nói của một cán bộ địa phương khiến người nghe bức xúc: "Phát cho dân còn những người làm ở đây thì sao đây?".

Sự việc này lại lặp lại tương tự tại điểm phát quà xã Thạch Long, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), điểm này có 100 phần, theo quan sát của chúng tôi, có những người lãnh đến 4 phần. Và, người được lãnh quà đều phải nộp lại cho cán bộ xã với lý do để chia đều cho những người trong xã.

"Chúng tôi vận động tài vật cứu trợ cho đồng bào với mong muốn ai cũng được nhận đúng phần của mình nên chúng tôi mới đến tận nơi, trao tận tay. Sự việc này cần phải được chính quyền địa phương chấn chỉnh kịp thời để người dân nhận được đúng những món quà mình được nhận mà không bị xén bớt" - Ni sư Huệ Từ nói.

Bài, ảnh H.Diệu (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage