Phật Học Online

Trung Quốc: Lên kế hoạch giúp Nepal phát triển vườn Lumbini

Một quỹ được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và chính phủ Nepal lên kế hoạch biến vườn Lumbini ở miền Nam Nepal thành trung tâm thu hút Phật tử giống như thánh địa Mecca của Hồi giáo và Vatican của Thiên chủ giáo.

Quỹ Giao lưu – Hợp tác Châu Á Thái Binh Dương trù tính đầu tư lên đến 3 tỷ Mỹ kim ở trong nước và nước ngoài để xây dựng chùa chiền, sân bay, đường cao tốc, khách sạn, trung tâm hội nghị và đại học Phật giáo ở thị trấn Lumbini, cách thủ đô Kathmandu 171 km về phía Tây Nam.

wwwL.jpg

Quỹ đã ký bản ghi nhớ với chính phủ Nepal vào tháng 5 để cùng phát triển và quản lý vườn Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh cách đây 2600 năm. Quỹ cũng cam kết đưa hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước đến Lumbini.

Phật giáo hầu như bị xóa sổ ở Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976) khi chùa chiền bị đóng cửa, tượng Phật bị đập phá, kinh điển bị đốt và Tăng Ni bị bị cưỡng bức hoàn tục và lập gia đình.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc trở nên ưu ái Phật giáo hơn. Phật giáo được coi là “văn hóa truyền thống” bên cạnh Đạo giáo và Khổng giáo.

Ông Xiao Wunan - một Phật tử, phó chủ tịch điều hành quỹ này nói: “Lumbini sẽ vượt lên trên tôn giáo, ý thức hệ và chủng tộc. Chúng tôi hy vọng sẽ làm sống lại tinh thần của Đức Phật.”

Phát triển Lumbini cũng sẽ giúp chính phủ tăng nguồn thu, tạo công ăn việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng ở một vùng quê nghèo khó của Nepal, hai bên nói trong bản ghi nhớ.

Thị trấn Lumbini thu hút gần 500 ngàn du khách mỗi năm.

Ông Xiao hy vọng Lumbini có thể thu hút cả ba tông phái Phật giáo – Bắc tông chiếm ưu thế ở Trung Quốc, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; Nam tông phổ biến ở Campuchia, Myanamar, Sri Lanka, Thái Lan và Kim Cương thừa.

Mối quan hệ mở rộng của Trung Quốc với các quốc gia Nam Á đã làm người láng giềng khổng lồ Ấn Độ dấy lên mối lo sợ bị bao vây, nhưng ông Xiao khẳng định không có động cơ chính trị đằng sau việc thúc đẩy phát triển Lumbini.

Ông nói quỹ hy vọng sẽ thảo luận với Delhi về khả năng phát triển Bodh Gaya ở Đông Ấn, nơi Đức Phật thành đạo, và Kushinagar, nơi Đức Phật nhập niết-bàn.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tìm cách kiểm soát nhưng không kiềm chế tôn giáo, dùng tín ngưỡng để giúp hạn chế gia tăng bất ổn xã hội.

Nhưng chính phủ ít có khoan nhượng với những nhóm thách thức quyền kiểm soát của họ.

Nhìn chung, Trung Quốc ít lo sợ Phật giáo. Số lượng tín đồ ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, khoảng 500 triệu.

Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Triết Giang, đã đăng cai tổ chức Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ I năm 2006. Diễn đàn thứ II được tổ chức tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô năm 2009. Và Diễn đàn thứ 3 dự kiến tổ chức tại Tây An vào năm 2012.

Nhưng Trung Quốc vẩn duy trì việc siết chặt kiểm soát một cách đặc biệt ở Tây Tạng, nơi Tăng Ni bị bắt giam vì ủng hộ độc lập hoặc ủng hộ Đức Dalai Lama.

Quần Anh (theo Reuters)

Theo: GNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage