Phật Học Online

Pháp Phục Đồng Bộ Cho Tăng Ni Việt Nam

Xem hình

"Hiện tại, màu chiếc y và áo hậu của chư tăng cũng như màu chiếc y của chư ni rất là đa dạng và chưa có tính đồng bộ. Giáo hội đã có khuyến khích về vấn đề đồng phục cho tăng ni nhưng cũng chỉ thực hiện ở một số trường hạ lớn. Do đó, màu vàng nào thống nhất cho y hậu của tăng ni vẫn là điều còn bỏ ngỏ. Lý do chính là ý thức mang tính tự phát và vấn đề hình thức không được quan tâm. "

Chúng ta thường nghe câu nói: ‘chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng thầy tu không thể thiếu chiếc áo.’ Hình thức không thể nói được hết nội dung của một tổ chức nhưng để tổ chức được nhìn nhận và công nhận đòi hỏi nó phải tạo cho nó một hình thức riêng dễ nhận diện. Hình thức riêng này thường được nhận biết qua các nhãn hiệu, thương hiệu, trang phục, v.v…Trong những năm qua, Phật giáo Việt nam đã nỗ lực không ngừng để phát triển và thích ứng với những thay đổi của thời đại. Phật giáo đã tổ chức nhiều lễ hội, hội nghị quan trọng với sự sáng tạo về cách truyền bá những hình ảnh độc đáo của mình. Bên cạnh những thành tựu đáng kể, còn một điều mà bấy lâu nay đã được chư tôn đức bàn thảo nhiều nhưng chưa thấy hiện hữu. Đó là pháp phục đồng bộ hay ‘hình thức riêng’ cho tăng ni Việt Nam.

Vào thời đức Phật, cuộc sống tăng ni thật là đơn giản gồm ba y, một bình bát và vài vật dụng cần thiết khác. Pháp phục của các vị ấy là những chiếc y được chắp vá may lại từ những mảnh vải nhỏ có khi là do nhặt được. Nhìn hình dáng và màu y phục của tăng đoàn, dân chúng có thể nhận ra và phân biệt sự khác nhau giữa hàng sa môn Thích tử và những tu sĩ của những giáo phái khác mà lúc bấy giờ tăng sĩ đạo Bà la môn rất thịnh hành ở xứ Ấn độ. Pháp phục như thế trở nên quen thuộc và là hình thức mặc định cho sự nhận biết một vị sa môn Thích tử. Do đó, không cần thêm một điều quy định nào về vấn đề pháp phục hay đồng phục cho tăng ni. Vào thời ấy, mặc dù không nặng về hình thức bởi uy tín của đức Phật và sự chứng đạo của chư vị thánh đệ tử ảnh hưởng rất sâu rộng trong quần chúng tín đồ nhưng hình thức không phải vì thế mà không được quan tâm. Điều đó được thể hiện qua cách thức tạo y phục và màu sắc của một chiếc y tương đối thống nhất cho chư vị sa môn Thích tử.
Theo dòng lịch sử phát triển, Phật giáo được chia ra thành nhiều tông phái và được truyền bá đi khắp nơi. Để tiếp biến và hội nhập vào những nơi có truyền thống văn hóa khác nhau, Phật giáo buộc phải chuyển mình thay đổi cách thức giáo hóa mà hình thức là điều dễ nhận thấy nhất. Ví như một nghệ sĩ diễn xuất nhiều vai diễn cần phải hóa trang cho thích hợp với vai ấy, Phật giáo khi du nhập vào những xã hội với văn hóa khác nhau cũng phải thay đổi về hình thức sinh hoạt để thích ứng và có thể truyền tải nội dung giáo lý Phật đà đến mọi người. Tu sĩ Phật giáo do đó cũng bắt đầu có sự khác nhau về hình thức sinh hoạt cũng như cách truyền đạo. Có thể nói đó là nguồn gốc và khởi đầu cho sự khác biệt về các kiểu pháp phục của tăng ni trên toàn cầu cho đến ngày nay.

Nói về pháp phục tu sĩ Phật giáo, ta có thể nhìn nhận sự khác biệt ở ba tông phái Phật giáo lớn hiện nay là Bắc tông (Mahayana), Nam tông (Theravada), và King Cang thừa hay tông (Vajrayana). Sự khác biệt về pháp phục bao gồm kiểu cách và màu sắc nhưng màu sắc là yếu tố dễ nhận biết nhất. Phật giáo Tây tạng nơi Kim Cang thừa phát triển mạnh đã để lại những dấu ấn rất riêng biệt, và trong số những nét riêng ấy là màu sắc pháp phục của các vị tu sĩ. Chúng ta rất dễ dàng nhận biết tu sĩ Tây tạng qua màu sắc đỏ đậm của những chiếc y mà các vị ấy vận, cùng với hình ảnh của những chiếc mũ hình rẽ quạt màu đỏ hay màu vàng đặc trưng của Phật giáo Tây tạng. Do đó, khi các vị tu sĩ Tây tạng đi du hóa ở đâu, hình ảnh của họ gây sự chú ý và rất khó nhầm lẫn với các tông phái Phật giáo khác.

Phật giáo Nam tông được mệnh danh là Phật giáo nguyên thủy bởi cách sinh hoạt hầu như giống với cách sinh hoạt của tăng đoàn thời đức Phật. Trong đó, y phục của các tu sĩ Nam tông được mô phỏng giống với y phục của chư tăng thời Phật còn tại thế. Điều đó có nghĩa là, các sư Nam tông quấn y thay vì ‘đắp y’ hay ‘vận y’ bởi chiếc y của các sư là một tấm vải lớn được may lại từ những mảnh vải nhỏ. Trong quá trình phát triển Phật giáo, mặc dù vẫn giữ được tính nguyên thủy của chiếc y nhưng chúng ta vẫn có thể nhận thấy sự khác biệt chút ít từ những chiếc y của các sư đến từ các nước theo Phật giáo Nam tông khác nhau. Yếu tố màu sắc vẫn là điểm dễ phân biệt nhất. Những màu y có thể phân biệt rõ nhất là từ những chiếc y của các sư đến từ Miến Điện, Thái Lan, và Srilanka. Chiếc y của các sư Miến Điện thì màu vàng nghệ (saffron) dễ nhận diện. Y của các sư Thái Lan có màu phổ biến là vàng kim loại và có thêm dây thắc bụng. Còn y của các sư ở Srilanka thì màu vàng cam.

Nếu như trong truyền thống Nam tông khó phân biệt y phục giữa những vị sư đến từ các nước khác nhau thì y phục trong Phật giáo Bắc tông rất dễ dàng nhận ra. Y phục của tăng ni Trung Quốc và Đài Loan đặc trưng bởi kiểu dáng và màu sắc. Kiểu y phục được cách điệu từ kiểu y phục của vua chúa nên gọi là y hậu và hoàn toàn khác với y của các sư bên Nam tông. Màu sắc thì cam cháy hay màu đồng. Cộng thêm, họ mang vớ và giày nên không bị nhầm với những nơi khác. Y phục của chư tăng Nhật với kiểu dáng và màu xanh hay đen cũng rất đặt trưng kiểu cách Nhật. Y phục của tăng ni Hàn Quốc với kiểu áo choàng, màu áo lam, màu y hồng hay hồng đỏ cũng mang màu sắc rất văn hóa xứ Hàn. Còn y phục của tăng ni Việt nam thế nào?

Việt nam trải qua ngàn năm đô hộ của Trung Quốc nên Phật giáo Việt nam phần lớn chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo Trung Quốc. Hầu như mọi sinh hoạt trong Phật giáo Việt nam từ kinh điển chữ Hán, giáo lý hành trì, nghi thức tụng niệm, y phục v.v…, đều bị ảnh hưởng từ Trung Quốc. Mặc dù từ ngày Pháp đô hộ đến nay đã hơn 150 năm, và mặc dù sau khi độc lập thống nhất đất nước Phật giáo Việt nam đã có nhiều nỗ lực để cải cách và thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng Phật giáo Việt nam vẫn chưa chứng tỏ được những nét đặc trưng riêng biệt của mình. Về y phục, ngoài chiếc áo ‘nhật bình’ thì các kiểu y phục còn lại đều mô phỏng từ Trung Quốc. Việc tạo ra một kiểu y phục đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt nam xem ra chưa thực hiện được cho đến thời điển hiện tại. Vấn đề có thể làm được cấp thời là chọn màu sắc y phục như thế nào để tạo nét riêng và dễ nhận diện cho văn hóa Phật giáo Việt nam.

Hiện tại, màu chiếc y và áo hậu của chư tăng cũng như màu chiếc y của chư ni rất là đa dạng và chưa có tính đồng bộ. Giáo hội đã có khuyến khích về vấn đề đồng phục cho tăng ni nhưng cũng chỉ thực hiện ở một số trường hạ lớn. Do đó, màu vàng nào thống nhất cho y hậu của tăng ni vẫn là điều còn bỏ ngỏ. Lý do chính là ý thức mang tính tự phát và vấn đề hình thức không được quan tâm.

Trong khi đó, màu lam của những chiếc áo tràng dành cho Phật tử và chư ni rất là đặc trưng của Phật giáo Việt nam. Chất liệu và màu sắc của nó thanh tao, hiền hòa, và dễ mến. Kế đến, chiếc áo đi đường ‘áo thông y’ màu nâu (đà) của chư tăng (có khi chư ni và Phật tử cũng dùng) cũng là màu đặc trưng riêng của Phật giáo Việt nam. Áo thông y màu nâu đã rất phổ biến ở Việt nam bởi hầu như chư tôn đức tăng đều sử dụng hàng ngày, nhất là khi đi làm Phật sự. Trong hai màu đặc trưng này, chỉ có màu lam được giữ gìn và sử dụng trong cũng như ngoài nước. Màu áo nâu tuy vẫn được sử dụng phổ biến nhưng dường như nó đang bị thay thế dần bằng màu vàng bởi vì ngày nay chư tôn đức có vẻ chuộng màu vàng hơn là màu nâu. Nếu ở trong nước thì việc sử dụng ‘áo thông y’ màu vàng hay nâu ít ai để ý nhưng nếu sử dụng nó ở phạm vi ngoài quốc gia thì lại khác. Khi ấy, hình thức y phục màu vàng của chư tăng Việt nam vô hình chung bị đồng hóa bởi y phục truyền thống Trung quốc. Đó là chưa nói mặt hạn chế của Phật giáo Việt nam là không làm nổi bậc tính riêng biệt của mình. Từ đó, câu hỏi đặt ra là chúng ta muốn hòa đồng với màu vàng để rồi bị đồng hóa bởi Trung Quốc hay chúng ta còn e ngại, sợ sệt không dùng màu áo nâu đặt trưng của mình. Nếu hòa đồng với màu vàng thì các tăng sĩ đến từ Tây Tạng, Hàn Quốc, Nhật Bản là lập dị chăng?! Còn tâm lý sợ sệt thì có thể bởi tiềm năng của Việt nam chưa được sử dụng đúng mức để chứng tỏ xứng tầm với thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, nên chăng Giáo hội phải có chủ trưng và hướng dẫn cụ thể. Thiết nghĩ, Ban tài chánh và Ban văn hóa có thể phối hợp để thực hiện nét đẹp văn hóa này. Việc chọn chất liệu vải và màu sắc thống nhất để phân phối cho các tự viện trên toàn quốc với giá tương đối rẻ (vì làm với số lượng lớn) sẽ thu hút sự quan tâm và ủng hộ của chư tôn đức tăng ni. Nếu thực hiện được công việc này thì trong vòng 5 năm chúng ta sẽ thấy một diện mạo khác của Phật giáo Việt nam về hình thức y phục. Thứ đến, trong khi chưa tìm ra kiểu y phục đặc trưng riêng của Phật giáo Việt nam thì việc sử dụng chiếc áo nâu khi tham dự các hội nghị quốc tế là điều nên thực hiện. Trong một thời gian ngắn, Phật giáo Việt nam sẽ có tầm ảnh hưởng quốc tế nhất định ít nhất là về hình thức vì chúng ta có lợi thế từ hình ảnh tăng thân Làng Mai mang đậm nét Việt nam. Chư tăng ni Việt nam ở hải ngoại vẫn có thể đóng góp về hình ảnh văn hóa này.

Những ý trên chỉ đề cập đến Phật giáo Việt nam theo truyền thống Bắc tông và là những suy nghĩ cũng như mong đợi từ cá nhân người viết. Xin được chia sẽ cùng chư vị tôn đức tăng ni và độc giả quan tâm đến Phật giáo Việt nam.

Thích Hạnh Chơn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage