Phật Học Online

Chùa Việt nơi xứ người

Với những đường nét trang trí thuần Việt, hầu hết những ngôi chùa Việt ở trời Tây được xem là góc văn hóa tâm linh, tạo cảm giác ấm cúng như khi sống trên đất mẹ và để từ đó, bà con kiều bào cùng nhau hướng về cội nguồn.

Gần đây, các hoạt động tôn giáo như Lễ Phật đản, Vu Lan ở các nước Tây Âu và Đông Âu được tổ chức nhiều, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân sống xa đất nước. Không ít đại diện người Việt Nam ở Mỹ, Hungary, Ba Lan, Đức ... đã đề nghị được hợp tác với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng chùa Việt ở nước sở tại. “Điều đó cho thấy phật giáo ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của đông đảo kiều bào ở nước ngoài”, hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã phát biểu trong buổi ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

“Góc tâm linh” hướng về cội nguồn

Người Việt luôn tự hào về nền văn hóa bốn ngàn năm, về những truyền thống dân tộc, trong đó hình ảnh một ngôi chùa thân thương không thể nào thiếu rời trong cuộc sống hằng ngày, nhất là cuộc sống nơi xứ người. Chị Thùy, quê Bắc Giang, sang CH Czech sinh sống và buôn bán cùng chồng là anh Trần Tuấn, cho biết: “Tuy sinh sống ở nước ngoài, nhưng gia đình tôi vẫn gìn giữ phong tục, tập quán dân tộc, như cúng bái tổ tiên, lễ chùa… vì cho rằng, đây vừa là hoạt động tâm linh nhắc nhở bà con người Việt luôn hướng về quê cha đất tổ, vừa là sinh hoạt tinh thần giúp những người xa xứ có dịp gặp gỡ và gắn kết cộng đồng”.

Chùa Bảo Quang ở Savannakhet (Lào).


Đa số chùa Việt ở nước ngoài đều được thiết kế đầy đủ các ban thờ, với cách bài trí “tiền Phật, hậu Thánh” giống như ở quê nhà, gồm có ba phần chính là tiền đường, chánh điện và hậu liêu. Tiền đường thờ Hộ pháp, Tiêu diện Đại sĩ và chuông trống Bát nhã; chánh điện thờ Phật và Bồ tát; hậu liêu thờ chư Tổ và hương linh. Các dịp lễ Phật thường được tổ chức vào ngày 1 và 15 âm lịch. Song, hằng ngày vẫn có rất nhiều gia đình Phật tử đến chùa giỗ cúng ông bà, cha mẹ, ký tự, kỳ siêu…

Nhà giáo Trần Thị Bảo, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi VN tại Ba Lan (trước công tác tại trường THCS Hoàn Kiếm) sang Ba Lan từ năm 1991, cho biết chùa Thiên Việt là niềm tự hào của tất cả những người Việt ở Ba Lan. “Nhờ ngôi chùa này mà hoạt động của người cao tuổi được tốt hơn. Đạo Phật luôn dạy điều thiện, lòng hiếu thảo và nhớ về nguồn cội. Mái chùa gợi nhớ đến những hình ảnh thân thuộc của quê hương. Chúng tôi thường nhắc nhở con cháu về tục lệ truyền thống, về “ngày Một, hôm Rằm”, về thói quen đi chùa và kỷ niệm những ngày lễ lớn”, bà Bảo tâm sự.

Khẳng định bản sắc ở nước sở tại

Chùa Thiên Ân được xem là ngôi chùa Việt đầu tiên ở Đông Âu, khánh thành vào tháng 1/2008, tọa lạc tại thị trấn Varnsdorf, phía Bắc Bohemia thuộc CH Czech, gần tiếp giáp với biên giới của CHLB Đức, Ba Lan. Trước đó, ý tưởng xây dựng chùa từ năm 2003 do các Phật tử Nam Định đang sinh sống tại Czech đề xướng khi về thăm quê và lễ Phật tại chùa Vọng Cung.

Tuy nhiên, một trong những ngôi chùa Việt lớn nhất châu Âu là chùa Trúc Lâm - tọa lạc trên khu đất vuông vắn, bằng phẳng với tổng diện tích 15.000m2 ngay cạnh làng Thời Đại, thành phố Kharcov, Ukraine. Ngôi chùa là một quần thể kiến trúc Phương Đông độc đáo, ngoài chùa chính còn có thêm các điện, sảnh..., tất cả gồm 14 hạng mục. Để ngôi chùa có được dáng vẻ phương Đông như mong muốn của cộng đồng người Việt tại đây, tất cả vật liệu xây dựng như ngói đỏ, gỗ quý, đá hoa... đều kỳ công vận chuyển từ trong nước sang. Trong số phật tử, không chỉ có bà con Việt Nam ở Kharkov, mà có cả một số người mới từ Việt Nam sang thăm người nhà và những vị khách từ Đức, Cộng hòa Czech, Nga...

Chùa Thiên Việt ở Ba Lan được thiết kế theo kiến trúc chùa Một Cột tại Hà Nội.

Tại Ba Lan, một ngôi chùa Việt cũng là mong muốn sinh hoạt tâm linh của cả cộng đồng người Việt và sự ra đời của chùa Thiên Việt, được thiết kế theo kiến trúc chùa Một Cột, nằm ở số 4 phố Zamoyskiego, thủ đô Warsaw, đã đáp ứng được nhu cầu này. Ông Bùi Anh Thái, Giám đốc Công ty Newsun - một công ty kinh doanh dịch vụ kho tàng, bến bãi phục vụ cho nhu cầu làm ăn, buôn bán của người Việt tại Warsaw, là người đầu tư xây dựng ngôi chùa – được bà con kiều bào đánh giá là một cố gắng, một nghĩa cử cao đẹp đối với cộng đồng. Theo giải thích của ông Thái, Thiên Việt có thể hiểu là “trời Việt” hay “khung trời của người Việt” và thực sự đến nay, ngôi chùa đã và đang là một khung trời Việt giữa châu Âu. Nhiều người Ba Lan (đa số theo Thiên Chúa giáo) cũng đến viếng chùa để tìm hiểu thêm về Phật giáo, về văn hóa Việt Nam.

Nằm trên xa lộ 117, tại thị trấn Harrington, thuộc tỉnh Quebec, cách thủ đô Ottawa của Canada 140 km, Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn - Trung tâm văn hóa Phật giáo lớn nhất của cộng đồng người Việt – chính thức khai sơn năm 1988, đã khiến khách thập phương ngỡ ngàng trước vẻ đẹp độc đáo của không gian kiến trúc Phật giáo hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Đến nay, 14 khu vườn và tượng đài với những nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo đã được kiến tạo trên một vùng đất rộng lớn. Trong số đó, có 4 thánh tích quan trọng nhất của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni được tái tao, gồm: Bồ Đề Đạo Tràng ( khánh thành năm 1991),Vườn Lâm Tỳ Ni (1993), Vườn Lộc Uyển (1994), Câu Thi Na Đạo Tràng (1998).

Hiện nay, trên đất Lào cũng có khoảng 10 ngôi chùa thuần Việt, tập trung chủ yếu tại hai tỉnh Chămpasak và Savannakhet với nếp sinh hoạt tu tập theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, gồm các ngôi chùa Long Vân, chùa Trang Nghiêm tại Parkse, Chămpasak; chùa Bảo Quang, chùa Diệu Giác tại Savannakhet… Chưa kể, tháng 7 vừa qua, tại Leipzig cũng đã tổ chức long trọng Lễ khởi công xây dựng Chùa Liên Trì - ngôi Chùa Việt đầu tiên ở miền Đông nước Đức.

Thùy Lý ( báo Đất Việt)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage