Một buổi sáng không như một buổi sáng nào. Ánh mai dần tỏ rạng. Vô
tình hay hữu ý, một họa sĩ nào đó đang khoát bút lên nền trời. Vài vệt
nắng mới toanh. Vài đám mây đoàn tụ bên dáng núi xanh thâm trầm, tĩnh
tại. Vài cánh chim nhịp nhàng lượn lờ trên mặt biển gợn màu sữa đục của
sương. Một buổi sáng không như mọi buổi sáng nào, “bước đầu ngày xin bước, bước yêu thương”.
Một trái tim, nhiều con người cùng chung nhịp bước yêu thương. Một
chuyến đi không như một chuyến đi nào. Mỗi con người mà tôi gặp là một
hoàn cảnh hỷ nộ ái ố khác nhau trong vòng xoay cuộc sống. Xin mời quý vị
luôn “mắt thương nhìn cuộc đời” và cùng bước đi với chúng tôi trong
sáng nay.
Quà trao tay, mắt thương trao người
-
5h ngày 15 tháng 12 năm 2010, vẫn là xuất phát từ Nha Trang. Chúng tôi
trở lại với bà con nghèo khó của Phú Yên, Bình Định. Theo kế hoạch, sáng
nay chúng tôi sẽ đến hai xã Hòa Quang Nam và Hòa Quang Bắc thuộc huyện
Phú Hòa tỉnh Phú Yên để trao 400 phần quà cho bà con có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn. Mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng gồm mì gói, bột ngọt
và 200 ngàn tiền mặt.
- 8h 30, xe đến Ủy ban xã. Vẫn là khung cảnh và những gương mặt
quen thuộc, rất đông bà con đến từ sáng sớm ngồi đợi chúng tôi. Thấy
đoàn đến, bà con đứng phắt dậy, ánh mắt rạng niềm vui, háo hức. Sau khi
làm việc với hai chú chủ tịch Mặt trận Ủy ban hai xã, thỏa thuận về cách
trao quà cho bà con.
Chúng tôi bắt tay vào việc. Thấy chúng tôi sắp xếp hàng cứu trợ, bà
con nhốn nháo đi vào nhận. Quang cảnh hơi ồn ào, đông đúc. Chúng tôi
phải kéo ghế đá làm thành một bức tường dã chiến để tạo không gian cho
công việc. Nhiều cô bác quên cả “thùy mị” trèo hẳn lên ghế đá. Chúng tôi
và các cán bộ hai xã khá vất vả để ổn định bà con.
Ngoài kia, nắng tươi tắn nhảy nhót trên đọt cây ngọn cỏ. Trời dần ấm
nóng. Để tiện cho bà con, chúng tôi thông báo bà con nào ở xa thì nhận
trước, ở gần thì nhận sau. Nhìn dòng người đông nghìn ngịt, tôi chợt lo
là bà con sẽ tràn vô, mỗi người tự ôm một thùng mì rồi đi cho mau. Nhưng
may nhờ Bụt Tổ gia hộ, nhờ kinh nghiệm và sự phối hợp ăn ý, chúng tôi,
ai vào vị trí nấy.
Một
dây chuyền tự động: nhận phiếu, trao quà, đánh dấu tên trong danh sách,
nhận phong bì tiền mặt. Chẳng mấy chốc mà công việc phát quà cũng hoàn
tất. Mỗi người chúng tôi, ai cũng mồ hôi nhễ nhại nhưng ai cũng cười
tươi, hạnh phúc.
Xong việc thì tôi mới hiểu vì sao bà con có vẻ háo hức quá như vậy.
Vì đây là lần đầu tiên có đoàn cứu trợ tới tặng quà cho bà con. Xưa,
vùng này khá nổi tiếng là vựa lúa gạo trù phú của Phú Yên nhưng nay,
thời thế thay đổi, cuộc sống đổi thay, đời sống người dân gặp nhiều khó
khăn, với lại sau cơn bão vừa rồi, hoa màu, ruộng lúa thiệt hại nhiều.
Đời sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn nữa. Nhìn đống hàng khá
khiêm tốn, bà con không tin là sẽ có phần mình dù trong tay đã có phiếu
từ chiều hôm qua. Bà con rất nôn nóng được cầm chắc thùng mì trong tay
thì mới yên tâm.
Nhiều cô bác nói với tôi rằng- từ chiều hôm qua, nhận được phiếu cứu
trợ thì mừng tới nỗi mất ngủ, mong cho trời mau sáng để tới ủy ban xã
nhận quà. Có nhiều bà con đi xe đạp hàng chục cây số mới tới đây. Biết
như vậy, dù có hơi mệt nhưng chúng chúng tôi càng thấy thông cảm và
thương bà con nhiều hơn.
Chúng tôi càng thấy vui vì thấy chuyến đi này kịp thời, đúng lúc. Thở
sâu, chúng tôi thấy rõ “hạnh phúc của người cũng chính là hạnh phúc của
mình”. Xong việc chúng tôi ra Bình Định. Chiều nay, chúng tôi được nghỉ
ngơi cho ngay bây giờ và ngày hôm sau.
- 5h sáng hôm sau, không ai gọi ai, sau khi ăn sáng, ba lô sẵn sàng,
chúng tôi thẳng tiến về huyện Vân Canh. Chiếc xe chở bảy tấn hàng đi
trước, xe chúng tôi nối bước theo sau. Xe chúng tôi đang bon bon trên
dặm đường dài thì eo ôi, đoạn từ xã Phước Thành huyện Tuy Phước đến xã
Canh Vinh huyện Vân Canh thật là thê thảm, mềm nhũn sau cơn mưa đêm qua.
Gần 5km đường trơn trượt, lầy lội, các tay lái phải trơn tru lắm mới
qua được. Chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Chắc lại được Bụt Tổ gia hộ
đây, tôi nghĩ thầm.
Tại
huyện Vân Canh, đoàn trao 580 phần quà cho đồng bào dân tộc ít người,
các hộ nghèo hai xã Canh Hiệp, Canh Thuận; 20 phần quà tại chùa Quang
Phước - thị trấn Tam Quan.
Theo kinh nghiệm tiền trạm khảo sát nhu cầu thực tế của bà con, các
cô chú trong chương trình Hiểu và Thương thống nhất trao mỗi phần quà
gồm 10kg gạo, muối, đường, bột nêm, mì gói và 100 ngàn tiền mặt. Cùng
trị giá là 300 ngàn nhưng phần quà ở đây khác với ở Phú Yên là tiền mặt
ít, vật phẩm nhiều. Cũng vì theo nhu cầu của bà con ở là vùng cao, vùng
xa, bà con cần gạo, mắm muối hơn là tiền mặt. Suốt ngày đầu tắt mặt tối,
đi rẫy, làm thuê, bà con cũng ít đi chợ
Canh Hiệp là điểm đầu tiên. Tại đây, hơn 30% dân số là đồng bào dân
tộc Bana và Chăm. Rất nhiều hộ nghèo, khó khăn, bà con sinh sống chủ yếu
bằng nghề nông, làm rẫy, làm thuê; tỷ lệ trẻ em được đến trường rất
thấp.
Xuống xe, chúng tôi bắt đầu chia hàng cho mỗi phần quà. Bà con cũng
dự phần chuyển hàng xuống xe. Nhanh gọn lẹ, nhiều cán bộ hội chữ thập đỏ
của xã, huyện, tỉnh giúp chúng tôi sắp xếp, ổn định bà con. Trước khi
phát quà, chú Lê Văn Thu (chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Vân Canh) nửa
chân tình, nửa hài hước, dặn dò bà con “trong mỗi phần quà có bì thư
đựng tiền, bà con nhớ chi dùng mà đừng tưởng là giấy đem đi nhen lửa”.
Vì phần đông bà con ở đây chưa biết dùng tiền cho các nhu cầu hàng ngày,
và cũng chưa quen thấy tiền mặt.
Giọng dân tộc lơ lớ, nhiều cụ tóc bạc răng đen cảm ơn chúng tôi rối
rít và tâm sự “nhiều gạo vậy chứ nhà này ăn nhanh lắm; được hai ba bữa
thôi. Đi rẫy cả ngày, không có cái chi ăn thì ăn cơm cho nhiều, cho nhắc
bụng. Nhà này biết ơn các cháu lắm nga!”.
Có nhiều hộ không đến đúng giờ nhận quà vì nghĩ rằng phần quà lần này
cũng như của các đoàn khác, chưa bằng một ngày công thuê nên nán lại
nhà làm kiếm tiền rồi tới sau nhận cũng được. Đến nơi rồi mới thấy nhiều
quà quá chừng. Nhiều bà con mừng vui “như vầy là nhiều lắm cô à!”
Vẫn còn đó tiếng đời thổn thức
Tại
Phú Yên cũng như Bình Định tôi có cơ hội tiếp xúc với bà con nên được
nghe nhiều tâm tình, hiểu thêm hoản cảnh chung của địa phương như những
gì đã nói ở trên, biết thêm nhiều hoàn cảnh riêng của từng hộ gia đình.
Tại hai xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc, tôi trăn trở vì sao ở đây có
nhiều trường hợp nhà nghèo nhưng lại bị bệnh sỏi thận, sỏi mật. Mà chi
phí điều trị các bệnh này thì không phải là ít cho những gia đình bần
nông này.
Thấy tôi đang chụp hình, một chú tới nói với tôi “có một hoàn cảnh
tội nghiệp lắm! Con nghĩ đoàn nên tìm cách giúp đỡ. Đó là nhà chú Đặng
Văn Liêu ở xóm Dài, thôn Đại Bình xã Hòa Quang Nam. Chú có hai người con
bị bệnh. Người con gái lớn bị mất trí bẩm sinh; đứa con trai tên Đặng
Văn Tuấn, 35 tuổi, bị bệnh tâm thần nặng. Nhà nghèo, tài sản không có
chi mà còn bị đứa con trai tâm thần này đập phá tan hoang. Tội nghiệp
lắm cô ơi! Con ở cùng thôn nên con hiểu rõ nhà này lắm!”.
Một cô đứng đứng gần tôi cũng nói “thiệt vậy đó cô. Ông này là trưởng thôn mà”.
Về Bình Định, được biết có nhiều vùng đồng bào khó khăn hơn cả
Canh Hiệp, Canh Thuận. Đường sá khó khăn, giao thông cách trở, nhất là
mùa mưa bão như thế này. Bà con muốn tới Ủy ban xã thì phải đi nhờ đường
bên tỉnh Phú Yên. Một trong những nơi đó là xã Canh Liên, đoàn rất muốn
đến đây nhưng nói tới đường đi thì các cô chú ngậm ngùi, thở dài, ngại
xe chở hàng không vào được địa phương.
Còn nhiều, nhiều thổn thức khác mà tôi chỉ biết lắng nghe, mà
chưa biết rõ tên tuổi. Vì người nói chỉ muốn tâm sự cho vơi bớt khổ đau,
cơ cực trong tâm mà không muốn để lại một dòng địa chỉ làm tin.
Vậy đó, mỗi bước đi mang theo nỗi lòng, thao thức đây đó của bà
con. Mỗi chuyến đi đều dâng niềm vui cho người và có hạnh phúc thật sự
trên con đường phụng sự. Hạt giống của đức Bồ tát Phổ Hiền đang lớn dần
trong những ai sẽ nghe tôi tâm sự. Đi, tiếp xúc để thấy cảnh đời diễn
biến. Lắng nghe nhịp đời thổn thức. Cho trái tim thương yêu lên tiếng.
Cho tình người nở hoa. Cho lòng ấm và đẹp như thiên nhiên trên mỗi bước
chân đi về của chúng tôi hôm nay.
Chân Chuyên Nghiêm