Phật Học Online

Tương quan giữa Thiền và Tịnh

Hơn 2500 năm trước, một Vĩ nhân xuất hiện trên đời, trong bối cảnh Ấn Độ đang đắm chìm trong 62 học thuyết ngoại đạo chấp thủ ngã và ngã sở, bị vây bủa bởi chiều dày lịch sử phân chia giai cấp, nhân loại khổ đau, nhưng không tìm ra lối thoát

Sự xuất hiện của Ngài như vầng thái dương toả rạng, phá tan mọi tối tăm của màn vô minh trong đêm dài bất tận. Ngài đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại, giải phóng con người thoát khỏi khổ đau. Đó chính là đức giáo chủ Gotama. Ngài xuất hiện trên thế gian này vì lợi lạc và hạnh phúc của trời và người[1]. Ngài đã để lại một kho tàng giáo lý đồ sộ, là di sản bất sanh bất diệt.

Trong vô lượng pháp môn tu ấy, nhìn chung Thiền và Tịnh đều được coi là phổ cập nhiều nhất hiện nay, nhất là các nước Á đông. Mục đích tu hành duy nhất của 2 Tông phái này cũng không ngoài bổn nguyện giải thoát sanh tử, lìa khổ được vui.

Nói về phương pháp để tu hành của Phật giáo thì rất nhiều bao gồm 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Chúng ta có thể so sánh các pháp môn như các loài hoa quý, tuy nhiều mùi thơm, lắm sắc đẹp, mà không loài nào không nỡ trong vườn tịnh giới của Đức Phật. Cũng vậy, mặc dù vô lượng pháp môn tu như: Thiền, Mật, Hoa nghiêm, Tịnh Độ…đều thuộc về Đạo Phật. Giống như nước ở trăm sông, ngàn suối khi chảy về biển cả và hòa lẫn với nước biển đồng mang một mùi vị đó là vị mặn. 

Giáo pháp của Phật cũng thế, dù có vô vàn pháp môn tu nhưng đều đưa đến một mục đích là giải thoát. Chúng sanh thì đa bệnh, Phật pháp lại đa phương. Vì lẽ đó người viết chọn đề tài: “Sự Tương Quan Giữa Thiền và Tịnh” để làm bài thu hoạch của mình. Tuy nhiên với đề tài này mang tính chất rộng lớn, bao quát nhiều lãnh vực khi nghiên cứu để trình bày được đầy đủ. 

Do vậy người viết không thể chuyển tải được hết mọi vấn đề, chỉ trình bày theo sự hiểu biết trong khả năng giới hạn của mình. Mong rằng một số kiến thức có được sẽ là thiết thực, hữu hiệu cho con người, góp phần xây dựng ngôi nhà đạo pháp tại thế gian.

Với đề tài này người viết dựa vào bài giảng của giáo thọ sư kết hợp với những tài liệu có liên quan đến đề tài để trình bày những nội dung sau:

· Khái Quát Về Thiền và Tịnh
·Sự Tương Quan Giữa Thiền và Tịnh
· Nhn Đnh Chung

Để hoàn thành, người viết dựa vào phương pháp phân tích, bình giảng để trình bày về nội dung. Đồng thời cũng nêu lên vài quan điểm tương đồng của hai pháp môn này để mọi hành giả cùng tham khảo.

 Ảnh minh họa

Khái quát về Thiền và Tịnh

Thiền là một trong những Nội dung tu tập cực kỳ quan trọng của Phật giáo. Có thể nói, nếu không thực hành và thành tựu thiền sẽ không chứng được tuệ giác, giải thoát.     

Theo định nghĩa chung, Thiền: tiếng Phạn là Dhyàna (Pàli: Jhàna), phiên âm là Thiền na, dịch ý là tĩnh lự. Tĩnh là sự yên lặng; Lự là suy tư. Tĩnh lự là đình chỉ mọi tư tưởng hay cột tâm ý chuyên chú vào một đối tượng duy nhất. Thiền còn gọi là “tư duy tu”, “khí ác”, tức xả ly tất cả các tâm niệm ác, ngũ triền cái (dục, sân, hôn trầm, trạo cử, nghi) [2].

Thiền định (Samadhi) là phương pháp gom tâm trụ nó vào một đề mục cố định để giữ cho tâm được vắng lặng. Định của thiền định là tâm sở nhất tâm, trụ tâm nằm trên một đề mục cố định duy nhất. Sự định tâm, chuyên chú này có tác dụng thiêu đốt các nghịch pháp phiền não (Tapo).

Nội dung cơ bản của Thiền được cư sĩ Hồng Quang định nghĩa giản dị đễ hiểu:“Thiền là tập trung tâm vào một điểm mà không suy nghĩ và một vấn đề nào khác”.[3]Được phân làm 2 loại Thiền Giác Ngộ và Thiền Sức Khỏe.

Tịnh
, theo định nghĩa của Tịnh Độ Tông: còn gọi là Liên tông, hoặc Niệm Phật Tông. Lấy ngài Phổ Hiền Bồ Tát làm Sơ Tổ, tông này chủ trương “Niệm Phật vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc”. Khi hành giả về cõi này thì không còn luân hồi nữa.[4]

Nay chúng ta muốn tìm hiểu pháp môn này thì phải biết rõ về hai chữ Tịnh Độ nghĩa là gì?

Tịnh: nói đủ là thanh tịnh, tức là không có nhiễm ô, dơ bẩn, đó là ý nghĩa tiêu cực. Về phương diện tích cực, không tạp nhiễm lỗi lầm phiền não, tức là thanh tịnh, đầy đủ công đức, trí huệ.

Độ:  là cõi nước, thế giới hay nơi chốn nương tựa chung.

Vậy Tịnh độ là cõi nước thanh tịnh trang nghiêm nơi đó tâm địa chúng sanh không nhiễm ô, không phiền não, luôn an vui tu tập để tiến đến cứu cánh giải thoát viên mãn. Đây là thế giới trang nghiêm vi diệu. 

Tương Quan giữa Thiền và Tịnh

Như chúng ta biết, con người ai ai cũng mong ước có một cuộc sống khỏe mạnh ít bệnh hoạn, nhưng không ai tránh khỏi hoạn hoại này. Để có được biện pháp thiết thực cần yếu cho con người đức Phật đã dạy chúng ta một loại linh dược, không tốn tiền mà vô cùng quý giá, đã hơn 2500 năm qua nhân loại chưa biết đến, hoặc đã biết nhưng không chứng minh được lợi ích của loại thuốc này, loại thần dược đó chính là “Thiền và Tịnh” là hai vị thuốc nếu khéo tác hợp nó sẽ cho ra kết quả vô cùng hữu hiệu.

Nói đến tu Tịnh và tu Thiền, bề ngoài nghe dường như mâu thuẫn, song bên trong đã đồng nhất không sai biệt, để dung hoà hiện thực với siêu nhiên.

Nếu Thiền định là lắng đọng tư duy, và tập trung tư tưởng, không để cho niệm lự dấy lên, và thắp sáng ngọn đèn chánh niệm, để duy trì thường trực tính năng biết nhiệm mầu hay tri kiến của mình, thì người tu Tịnh độ lúc nào cũng ở trong Thiền, vì hành giả luôn luôn ở trong tĩnh lặng của Thiền. Ý của hành giả không đuổi theo trần cảnh và tâm của người này nhiếp câu niệm Phật trong định thì chúng ta đã dung hòa giữa Thiền và Tịnh song tu thì càng hiệu nghiệm hơn.

Trong xã hội hiện nay, theo như trong kinh điển gọi là thời mạt pháp, có rất nhiều chướng duyên, đã mang thân người không ai tránh khỏi những căn bịnh hiểm nghèo khó vượt qua lưỡi búa của tử thần, khiến cho con người thường hay lo sợ, hải hùng hay thối mất chí nguyện hướng thiện và hướng thượng của mình, con người phần nhiều mang nặng những căn nghiệp tham, sân, si từ vô thỉ kiếp, khi gặp những tình huống căng thẳng trong cuộc sống giao tiếp ngoài xã hội, thường mắc phải những cảnh trái ý nghịch lòng, liền sanh tâm sân hận, lo âu phiền muộn luôn mong cầu sự trợ lực của những bậc thần linh, cho nên có thể nói rằng tu tập pháp môn Niệm Phật cầu sự gia trì của chư Phật là phương pháp rất gần gủi và phù hợp, làm cho con người có được niềm tin trong cuộc sống.

Mặt khác, qua sự nghiên cứu của các học giả cho thấy: con người khi tinh thần bị khủng hoảng hay giận hờn, cơ thể tiết ra những hóa chất và được dẫn vào đường máu để gia tăng sự đối kháng. Lúc đó người bị căng thẳng có các triệu chứng như: Thở mạnh, nhịp tim đập nhanh, nhức mỏi…Các phản ứng vật lý vừa kể nhằm đẩy mạnh khả năng của người lúc cơ thể bị đe dọa. 

Tuy nhiên, cơ thể con người thường không có lối thoát cho những năng lượng dư thừa. Vì thế, việc đầu tiên mà con người chống lại stress (căng thẳng) là, tạo điều kiện cho cơ thể thư giản trở lại bằng cách lắng đọng tâm tư, thở nhẹ nhàng, thiền giúp con người vượt qua sự căng thẳng của cơ thể sẽ được thư thái.[5] “Thiền còn giúp chúng ta chữa được bệnh, chống lão hóa, làm cho con người đẹp hơn, thông minh hơn, khỏe mạnh hơn, sống có hạnh phúc hơn..”.[6]    

Thế nên, khi tìm hiểu kỷ chúng ta đã có một kết quả khả quang hơn là, giao điểm giữa Thiền và Tịnh có thể giúp cho hành giả càng vững vàng trên tiến trình thực tập ở chổ: Trước hết, người niệm Phật sẽ có được sự an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Ngay trong lúc chúng ta chuyên tâm trì niệm Hồng danh Đức Phật A Di Đà, tâm không còn chạy theo những ý niệm bất thiện tức là cần có (định tâm), những tư tưởng loạn động không còn bị những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê quấy nhiễu. 

Tâm của chúng ta ví như một căn phòng, và trì niệm Hồng danh Đức Phật là thắp lên trong căn phòng tâm thức của chúng ta một ngọn đèn, khi ánh đèn sáng tỏ đã được thắp lên thì bóng tối trong gian phòng ấy sẽ tự nhiên bị đẩy lùi, bị tiêu mất. Hơn nữa, khi ta niệm Phật thì tâm trí không còn nhớ nghĩ đến những điều xấu xa (điều phục tâm), miệng và thân không tạo ra nghiệp ác. 

Một giờ niệm Phật, là một giờ không tạo nghiệp bất thiện; một ngày chuyên niệm Phật, thì trong ngày đó chúng ta tránh được các nghiệp ác. Không tạo các nghiệp ác cũng đồng nghĩa là tâm không bị giày vò bởi những lo âu, phiền muộn. Mà lo âu phiền muộn chính là nguồn gốc phát sanh bệnh. Do đó, Thiền và Tịnh như các đạo tràng thường hành thì chỗ đồng hành gặp nhau không có ranh giới.

Đạo Phật có muôn ngàn pháp môn, tượng trưng có 2 pháp môn Thiền và Tịnh là phổ biến hơn cả. Các pháp môn Niệm Phật như con mọt đục ống tre từng mắt mà lên, còn pháp môn ngồi thiền định tâm như con mọt đục ngay mình tre mà ra. Tuy hai phương pháp đều đưa con mọt ra khỏi ống tre cả, nhưng phương pháp Thiền  kết quả mau chóng hơn các phương pháp khác. Chính vậy, Tịnh Độ tông và Thiền tông hiện nay là hai Tông phái được phổ biến rộng rãi nhất và cũng được nhiều Tông phái khác phổ biến và hành trì.

- Tịnh độ thì chú trọng vào niềm Tin của cá nhân và sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Pháp tu chủ yếu là chú tâm chuyên nhứt vào niệm danh hiệu Phật A Di Đà và quán tưởng đến thế giới Cực lạc. Cho nên nói Tu Tịnh độ (thuần tuý) là hướng về ngoại cảnh hay hành Pháp tướng, nương vào Tha lực bằng cách niệm danh hiệu Phật A Di Đà, để trút bỏ phiền não, nhiễm ô, mong đạt tới sự an lạc ngay trong hiện tại thân được nhẹ nhàng khinh an sẽ giảm thiểu được các căn bịnh. Tâm không suy nghĩ sằng bậy thì tâm không bị nhiễm ô, hiện tại thân khỏe tâm an và tương lai chứng  đắc Niết bàn Tịnh độ.

 - Thiền định cũng vậy, là một phương cách giúp tinh thần được thư dãn. Hai phương pháp luyện tập này có những điểm tương đồng với nhau, nhưng Thiền tập đi sâu vào trạng thái tâm linh, nội tại của con người hơn là những bài luyện tập về thể lực. Thiền định là hướng về nội tâm, hành Pháp tính, dựa vào Tự lực, quán sát tự tính để diệt trừ chúng sinh tính trong lòng mình, mong cho tâm tỏ ngộ.

Trong nhiều pháp môn tu có thể nói Thiền Tịnh Song Tu là một phương pháp kết hợp mật thiết dễ hành trì, và hành giả có thể cảm nhận được sự lợi ích từ pháp tu của mình ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Trong bài Niệm Phật luận, Trần Thái Tông viết “Ư niệm Phật thì chánh thân đoan toạ, bất hành tà hạnh, thị tức thân nghiệp dã. Khẩu tụng chân ngôn, bất đạo tà ngữ, thị tức khẩu nghiệp dã. Ý tồn tinh tiến, bất khởi tà niệm, thị tức ý nghiệp dã.” [7] (Trong lúc niệm Phật thân thẳng ngồi ngay, không làm việc tà, như vậy là tắt được nghiệp thân, Miệng tụng lời chân chính, không nói điều xằng bậy, thế là tắt được nghiệp miệng (định thân). Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh ý nghĩ tà, thế là tắt được nghiệp ý (định tâm). Công năng niệm Phật là thế, nhưng phương thức hành trì của mỗi đối tượng dựa trên sự phân chia căn trí cao thấp.

Qua thực tế cho thấy, sự căng thẳng thiếu cân bằng của cơ thể và tâm hồn là nguyên nhân chính tạo ra bệnh và lây lan những bệnh khác. Tâm có thể tạo ra bệnh thì tâm cũng có công năng chữa lành bệnh. Học cách hành thiền và niệm danh hiệu Phật có thể làm cho Thân tâm quân bình. Đồng thời, cải thiện được sức khỏe và tinh thần của con người được ngày một phấn chấn hơn.

Người con Phật chẳng những là người y pháp tu học mà cần phải có tư tưởng trạch pháp, trong vô lượng pháp môn tu bao gồm 8 vạn 4 ngàn pháp môn, nhưng chúng ta có quyền dung hợp những phương pháp nào hợp với căn cơ và trình độ của mình, mới có thể đưa đến hạnh phúc an lạc trong hiện tại thân khỏe tâm an và giải thoát trong tương lai, thì không thể không tham cứu kỷ càng về hai pháp môn Thiền và Tịnh. Vì đây là chiếc chìa khóa vạn năng giúp chúng ta thông suốt trong quá trình tu tập giải thoát.

Ngoài việc ngồi thiền và niệm danh hiệu Phật, chúng ta cần kết hợp phương pháp tập thể dục, chế độ ăn uống hợp lý.

Thiền và thuốc song hành có lẽ là giải pháp tốt nhất. Ngoài những yếu tố vừa đưa ra, con người thường bệnh là vì có thêm sự rối rắm, bất ổn trong tâm của mình, do đó tập ngồi Thiền chuyên tâm vào câu niệm Phật là cách để giúp mình hồi phục lại được sự yên tỉnh, êm lắng và hài hoà trong tâm.

Thiền có thể giúp cho mình có sự sáng suốt, giúp giải toả những căng thẳng, lo lắng, bất an trong con người, giúp mình vượt qua những ám ảnh về tâm lý gây ra bởi những biến cố, những chấn thương mà mình đi qua trong quá khứ, hoặc có thể hoá giải những thói quen tiêu cực trong chính bản thân mình – những cách suy nghĩ, những cảm xúc tiêu cực, hoặc cách mình ứng xử với người khác.

Niệm danh hiệu Phật giúp chúng ta cột tâm vào một đối tượng chuyên chú nhứt tâm không dấy niệm bất cứ việc gì ngoài câu niệm Phật, tâm không khởi loạn tưởng chạy theo trần cảnh thì không có tham, sân, si. Tâm không còn tham, sân, si thì còn gì hạnh phúc hơn.

Vậy muốn có một cuộc sống an lạc hạnh phúc chúng ta cần phối hợp giữa Thiền và Tịnh. Cổ nhân dạy:

 "Có Thiền không Tịnh độ, mười người chín chần chừ, ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”[8]:

“Người tu Tịnh độ mà không tham Thiền, muôn người tu, muôn người được vãng sanh (nếu nhất tâm).
“Có thiền có tịnh độ, khác nào cọp mọc sừng, hiện đời làm thầy người, đời sau làm Phật, Tổ"[9].

Nghĩa là lối tu niệm Phật đã chắc chắn rồi, mà còn tham Thiền, lại càng chắc chắn hơn nữa ( 2023).

Võ Thị Thanh Thảo
[1] Thích Chơn Thiện, Tăng Già Thời Đức Phật, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2000,  trang 45
[2] Ban Hoằng Pháp, Báo Giác Ngộ số 350. 12-10-2006. Thiền Chỉ & Thiền Quán. Tr 14.
[3] Hồng Quang, Thiền Và Những Lợi Ích Thiết Thực,  Xuân 2013, tr 5
[4] Trần Nghĩa Hiếu, Từ Vựng Phật Học,  NXB: Phương Đông, Tr  875
[5] Hồng Quang, Thiền Và Những Lợi Ích Thiết Thực,  Xuân 2013, Tr 13
[6] Sdd, tr 41
[7] Viện Văn Học, Thơ Văn Lý Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, 1989, tr.84.
[8]  Ấn Quang Đại Sư Gia Ngữ Lục, NXB Tổng hợp TPHCM, Năm 2006, Tr 318.
[9] Sđd, tr 316.

Chú thích: Sau khi tham sự khóa thiền do Cư sĩ Hồng Quang hướng dẫn tại Bình Thuận tháng 6/2013, tác giả đã viết bài viết trên và gửi cho trang www.phatgiao.org.vn

Theo Phatgiao.org


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage