Phật Học Online

Tết, người trẻ đã biết “sống chậm”!

Với tôi, ước nguyện mùa xuân cao đẹp mà những người trẻ bạch với Phật, với chư vị Bồ tát ngoài việc thể hiện hiểu biết chân chánh của người học Phật còn là hành động xuất phát từ tâm vị tha - Ảnh minh họa
Ngày nay việc đi chùa lễ Phật đầu năm đã là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không chỉ dành riêng cho những người lớn tuổi, mà những năm trở lại đây giới trẻ cũng đã bắt đầu nô nức đến chùa vào những ngày đầu năm mới.

Ngày nay việc đi chùa lễ Phật đầu năm đã là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không chỉ dành riêng cho những người lớn tuổi, mà những năm trở lại đây giới trẻ cũng đã bắt đầu nô nức đến chùa vào những ngày đầu năm mới.


Giới trẻ đến chùa có nhiều lý do, có khi là cầu… tình duyên, có khi cầu nguyện cho việc học tập, công việc… cũng như những định hướng tương lai đều được hanh thông. Đạo Phật không có xin-cho, tất cả đều là nhân-duyên-quả nhưng việc đi chùa vốn là nhân lành, duyên tốt và việc cầu nguyện thiết nghĩ cũng là một cách thể hiện quyết tâm, lấy đó làm động lực để các bạn trẻ vượt qua khó khăn, trở ngại, vươn tới vì nhớ nghĩ đến sự gia trì của chư Phật, chư vị Bồ tát...


Bạn Anh Tài (Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ: “Những năm trước khi hiểu đạo thì mình đi chùa và luôn luôn cầu nguyện cho mình sẽ được thật nhiều sức khỏe, có được một… mối tình vắt vai. Nhưng từ khi hiểu đạo hơn, chứng kiến những khổ đau của cuộc sống quanh mình và những biến động của thế giới, qua những trận thiên tai, động đất, chiến tranh, những cái chết hàng loạt... thì năm nay mình cầu nguyện chung cho cả thế giới được bình an, mong sự gia hộ của Đức Phật. Và cũng cầu cho tất cả mọi người được ấm no hạnh phúc, không chỉ riêng một cá nhân mình”. 


Quả thật, đó là một bước tiến về đạo tâm, cụ thể là sự cao thượng nơi người Phật tử mà có lẽ Anh Tài và nhiều bạn trẻ chắc chắn sẽ có được từ việc học, hiểu và hành theo lời Phật dạy.


Khi người trẻ học Phật thật tốt thì sẽ có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, trước sự diễn biến của xã hội, các bạn có được một tâm hồn rộng lớn, được thể hiện qua việc cầu nguyện rộng cho tất cả con người, chúng sinh. Tết, ngày xuân là dịp để các bạn biểu thị điều đó nhiều nhất và như vậy ngày Tết đi chùa thực tế cũng là một dịp thực tập Phật pháp, tưới tẩm hạt giống từ bi trong tâm mình.


Cũng trên tinh thần đó, như Nhật Minh (Đại học Kinh tế Luật TP.HCM) bộc bạch rằng: “Cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc thực ra cũng là cầu nguyện cho chính mình, vì thế năm nay mình đã ước nguyện cho mọi người ai cũng được bình an, hướng thiện và tăng trưởng phước duyên, xóa tan đi mọi não phiền trong năm qua, và hứa với Phật sẽ sống tốt hơn cho một năm mới”.


Với tôi, ước nguyện mùa xuân cao đẹp mà những người trẻ bạch với Phật, với chư vị Bồ tát ngoài việc thể hiện hiểu biết chân chánh của người học Phật còn là hành động xuất phát từ tâm vị tha. 


Tôi tin, với cái tâm và tấm lòng như vậy, những hạt giống tĩnh lặng sẽ bắt đầu phát sinh để trí huệ các bạn khai mở và thành tựu nhiều việc tốt đẹp. Điều đó không nằm ngoài nhân-quả (sống đẹp thì sẽ bình an, và đó là tiền đề để phát huy sở trường, trau dồi thêm năng lực nơi thân, tâm). 


Và, “sống chậm” là sống như vậy đó, là biết sống cho người, biết ước nguyện cho người chứ không phải chỉ bo bo nghĩ cho riêng mình!


Giác Minh Luật (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage