Phật Học Online

Chánh niệm sao khó quá!
PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức

Có những lúc ta thấy cần phải “chánh niệm” tức không suy nghĩ vẩn vơ, không để quá khứ ràng buộc cũng như tương lai xuất hiện trong não ta lôi kéo, mà nhìn thấu, lắng nghe mọi sự như chúng đang là trong hiện tại để giải quyết bằng những hành động đúng đắn.


Không có chánh niệm, ta cứ so sánh những cái đã qua hoặc những dự phóng với hiện tại rồi nảy sinh suy nghĩ tiêu cực mà sợ hãi, lo âu đến độ phải dùng thuốc an thần hoặc thậm chí cả ma tuý. Rõ ràng “chánh niệm” sao mà khó vậy!

 

Giải phẫu trí nhớ

Ta nên biết, cơ sở vật chất của hoạt động trí não, tức suy nghĩ và tư tưởng, chính là bộ óc của chúng ta. Trí nhớ là một hoạt động thần kinh, là khả năng gìn giữ những kinh nghiệm sống đã qua, để rồi tái hiện trong ý thức khi cần thiết. Trí nhớ là quá trình phức tạp gồm ba giai đoạn: nhận biết, lưu trữ, tái hiện. Sự phát triển của khoa học não bộ đã chứng minh các quá trình hoạt động thần kinh, đặc biệt ký ức tuỳ thuộc vào cấu trúc và số lượng tế bào thần kinh, tuỳ thuộc vào hoạt động của các chất sinh học gọi là chất dẫn truyền thần kinh.

Não bộ hình thành trí nhớ thông qua thể hiện các chức năng: tiếp nhận thông tin từ bên ngoài (ánh sáng, nhiệt độ, lời phê bình của người khác…) hoặc từ bên trong (cảm giác của các nội tạng, áp suất máu, sự tự dày vò bản thân…); xử lý thông tin qua quá trình phân tích, tổng hợp, đánh giá; quyết định hành động bằng cách lập chương trình, kiểm tra và điều hoà hành động đáp ứng. Nếu sự đáp ứng là khả năng lưu giữ thông tin từ môi trường bên ngoài tác động vào cơ thể hoặc những phản ứng xảy ra trong cơ thể và khi cần sẽ tái hiện, đó chính là trí nhớ. Để tiếp nhận, xử lý các thông tin và đáp ứng, não bộ nhờ đến hoạt động của hàng trăm tỉ tế bào thần kinh. Tế bào thần kinh là đơn vị chức năng của não bộ có nhiệm vụ kích thích, phát và dẫn truyền các xung động thần kinh (thực chất đây là thông tin được mã hoá thành điện thế). Các xung động lan truyền giữa các tế bào thần kinh thông qua chất dẫn truyền. Người ta đã xác định có khoảng 40 chất dẫn truyền thông tin trong não bộ, góp phần tạo ra và lưu trữ trí nhớ (được cho là ở vùng amygdala và hippocampus trên não). Một số chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng kích thích như acetylcholin, adrenalin, noradrenalin, glutamat… đặc biệt acetylcholin được xem là chất tham gia chủ yếu vào hoạt động trí nhớ.

Làm chủ trí nhớ

Đến đây xin trở lại vấn đề tại sao chúng ta quá khó để “chánh niệm”? Tại sao ta cứ nhớ lại những việc xưa cũ gây phiền não?

Người ta phân trí nhớ ra làm hai loại: trí nhớ dương tính và trí nhớ âm tính. Trí nhớ dương tính có thể lập lại tư duy cũ một cách dễ dàng. Thí dụ như ký ức về đau đớn hay ký ức về sân si, phiền muộn rất dễ là trí nhớ dương tính. Còn ký ức âm tính là loại mà não bộ bỏ qua không lưu giữ các thông tin được xem là không quan trọng, không ảnh hưởng đến cái “tôi” là chủ của não bộ đó. Nếu trí não biết vận dụng, chuyển hoá những thông tin không cần thiết, những tư duy hại mình hại người thành trí nhớ âm tính thì quá tốt. Chánh niệm chính là thực hiện những việc đó, xem có vẻ đơn giản nhưng cực kỳ khó khăn do bất cứ chất sinh học nào cũng có đời sống của nó. Chất dẫn truyền thần kinh sống cuộc đời ngắn ngủi, do bên cạnh nó có chất phân huỷ gọi là enzym (như acetylcholin bị phân huỷ bởi enzym acetylcholin esterase). Kế tiếp, sự tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh tuỳ vào điều kiện số lượng, có thể rất nhỏ nhưng cũng có thể cực lớn. Các phân tử dẫn truyền thần kinh vừa chết đi sẽ được thay thế bằng gấp nhiều lần số phân tử mới để kéo dài trí nhớ dương tính. Hơn nữa, hệ thần kinh có thể làm mạnh thêm ký ức bằng cách tổng hợp thêm các thụ thể là nơi gắn chất dẫn truyền thần kinh.

 

Cái “tôi” luôn thôi thúc não bộ lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi từ trong ý thức và vô thức, luôn tìm đến sự an toàn bằng hành vi vô minh, lầm lạc, đầy ảo tưởng là tạo ra trí nhớ dương tính không cần thiết.

Tại sao trí não cứ luôn tạo trí nhớ dương tính không cần thiết và không thể chuyển hoá những suy tưởng tiêu cực thành trí nhớ âm tính để không lưu trữ lâu dài? Con người đã trải qua tiến hoá hàng vạn năm để có bộ óc phát triển như ngày nay. Bên cạnh tâm thức phát triển vẫn còn tồn tại bản năng sinh tồn của người vượn lúc nào cũng tìm cách duy trì và bảo vệ cái “tôi” hoang dã. Cái “tôi” luôn thôi thúc não bộ lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi từ trong ý thức và vô thức, luôn tìm đến sự an toàn bằng hành vi vô minh, lầm lạc, đầy ảo tưởng là tạo ra trí nhớ dương tính không cần thiết. Chánh niệm khó chính là vậy.

Trong dược học, người ta đã tìm ra các thuốc giúp trấn áp trí nhớ dương tính. Như các thuốc an thần giải lo (anxiolytics) hay các thuốc có nguồn gốc ma tuý giúp người ta tạm thời quên đi những gì làm cho lo nghĩ, khổ sở. Khổ nỗi, hết tác dụng thuốc thì tình trạng khốn khó lại tiếp diễn và tai hại hơn, dùng các thuốc này lâu sẽ bị nô lệ vào thuốc (nghiện). Bên cạnh dùng thuốc như dùng dao hai lưỡi, vẫn còn có cách mà con người áp dụng từ xưa để đạt được chánh niệm: thiền định. Kỹ thuật chẩn đoán MRI tiên tiến đã chứng minh thiền định giúp con người chế ngự sự đau đớn hoặc có trạng thái an nhiên tự tại với hình ảnh thay đổi rõ ràng những vùng trên não bộ.

Chánh niệm khó chỉ vì con người không biết “Đối cảnh vô tâm mạo vấn thiền” (vô tâm trước cảnh, biết khi nào thiền – Trần Nhân Tông) đó thôi. Trong cuộc sống dễ gây phiền não, xung đột nội tâm, hãy thử thiền định để làm chủ trí nhớ dương tính của não bộ.

Theo: SGTT


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage