Phật Học Online

Miễn cưỡng không hạnh phúc

1. Miễn cưỡng không có hạnh phúc! Sẻ chia điều đó với bạn, khi biết bạn đang loay hoay với vài lựa chọn, mà chẳng có điều gì khiến bạn thích thú, phù hợp. Đó là một sự “bắt buộc” của riêng bạn, dành cho chính mình chỉ bởi vì bạn không thể vượt qua được định kiến xã hội, phải sống để vừa lòng người này, người kia.

Thực ra, trong cuộc sống, thậm chí mỗi ngày trôi qua bản thân mỗi người cũng đã từng, đang miễn cưỡng sống với nhiều thứ bức bách như thế, để rồi cảm thấy nóng như ran, không có yên ổn. Đôi người, vì sự miễn cưỡng mà cố gượng để sống đúng nghĩa “qua ngày đoạn tháng”, có khi ngộ ra, muốn đổi thay cách sống ấy thì đã không-còn-đủ-thời-gian.

phat hoc.jpeg
Miễn cưỡng không hạnh phúc - Ảnh minh họa

Tôi biết, đôi khi con người rơi vào thế chọn lựa mà sản phẩm của sự lựa chọn không phải là một bên tốt, bên xấu, bên thiện, bên ác, mà là một bên xấu nhiều, bên kia xấu ít hoặc bên này ác ít hơn bên kia. Đó cũng là một sự lựa chọn đớn đau bởi thực tâm con người ta chẳng ai muốn ngặt nghèo chọn lấy một điều mà mình biết chắc là không mang tới cho mình sự bình an. Thì khi ấy, tôi nghĩ đến một điều là hãy bình an với lựa chọn bất đắc dĩ của mình để tránh gây ra một sự mất mát kép trong tình huống chẳng đặng đừng - mà rất có thể tình huống ấy ngoài khả năng giải quyết của bản thân mình, hoặc do nghiệp lực chi phối mạnh mẽ mà nguyện lực sửa sai hay sống tốt hiện tại chưa đủ để kiềm chế hoặc đổi thay.

Ghi nhận về một tình huống “lực bất tòng tâm” để thì thầm nguyện cho tự thân vững chãi hơn và nguyện cho đối tượng phải chịu nghiệp ấy nhẹ nhàng, thảnh thơi nhất có thể; đó cũng chính là sự thực tập từ bi - sự từ bi trong khuôn khổ của mình có thể và làm được.

Thực tế, ngay cả Đức Phật cũng có những lúc không thể thay đổi sự thật của nhân-quả khi nó đến thời kỳ chín muồi, đã phải biểu hiện, như tình huống vua Tỳ Lưu Ly sát hại dòng họ Thích. Dẫu đã ba phen cản ngăn nhưng rồi nghiệp đó vẫn phải xảy ra với dòng họ Thích thì Ngài im lặng, nhìn vào nhân quả quá khứ thông qua biểu hiện hiện tại để an lòng với chính sự thật ấy.

Cái lý của cuộc sống chính là ở chỗ ta tin vào nhân quả thì ta sẽ bình an trong mọi biểu hiện của cuộc sống, tất nhiên là với điều kiện - hiện tại mình đã vận hết sức lực cho một kết quả tốt hơn. Cái lý ấy cũng sẽ là kim chỉ nam cho cách mình nghĩ, nói và làm, để kiến tạo nhiều điều tốt hơn có thể thay vì thả nổi mình đi về đâu cũng mặc hoặc cho thế sự thế nào cũng không quan tâm.

Nhiệt tình với cuộc sống, mong muốn và hành động với lý tưởng sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn chính là thứ năng lượng tưới tẩm trong ta sức mạnh, và sự bình an, vững chãi sẽ có mặt thường hằng khi nhiệt tình ấy được soi rọi thêm bởi ánh sáng nhân quả, nhìn thấy mọi biểu hiện trong chiều sâu của quá khứ-hiện tại-vị lai một cách tương tức nhau.

. Vâng, miễn cưỡng thì không có hạnh phúc! Không có hạnh phúc với người được nhận và trao đi trong tâm thế ấy. Miễn cưỡng cho ai đó món quà thì dù việc trao-nhận được thực thi thì đôi bên đều mang về một cảm xúc khó chịu, không hài lòng thay vì hoan hỷ bởi sự trao-nhận đó.

Miễn cưỡng để yêu và để trao cho ai đó một sự quan tâm chỉ vì “suất diễn làm người” theo tiêu chuẩn nào đó mà bản thân không hề muốn mong thì ta cũng sẽ khó có hạnh phúc, khó mang lại hạnh phúc cho người khác.

Do vậy, đừng ép buộc con tim mình phải gật khi thực tế trong sâu thẳm tiếng lòng mình đang phân vân hoặc muốn lắc. Đừng thốt ra lời thương yêu khi ta cay đắng, chán chường, khi ta không một mảy may xúc cảm với người được nhận, thậm chí là đang thương yêu một người khác. Đó là sự lừa dối người và quan trọng là ta lừa dối chính bản thân một cách đớn hèn nhất.

Đó cũng là chia sẻ ngắn, chân thành gửi tới bạn, gửi tới một góc nhìn về nguy cơ bất hạnh sẽ đến, chắc chắn phải đến khi ta sống miễn cưỡng, sống không có thiệt thà...

. Miễn cưỡng thực sự không có hạnh phúc! Tất nhiên, ngay cả với nhận thức, lời nói, việc làm mà mình nghĩ là hay, tốt, chân-thiện-mỹ dành cho ai đó. Điều đó có nghĩa là khi một người không đủ duyên hoặc không đủ sức để sống tốt hoặc để theo đuổi điều tốt ngay lúc này mà mình cứ ép họ phải làm, phải theo thì không chừng mình sẽ khiến họ xấu thêm, khiến họ càng trở nên bất hạnh.

Ví dụ như ăn chay là tốt đấy, nhưng với một ai đó họ chưa nhận thức được điều đó hoặc họ nhận ra rồi nhưng lại chưa kiên trì thực tập mà ta cứ ép thì coi chừng sẽ khiến họ ghét việc ăn chay, đâm ra phỉ báng điều đó thì lại càng khổ. Do vậy mà có người mình không nên nói “lời hay ý đẹp” bởi nói ra chỉ làm họ thêm chán ghét, xa rời những lời hay đẹp ấy. Khi đó, mình cũng hiểu là mình không đủ sức để chuyển hóa họ trong lúc này thì hãy âm thầm mong họ sớm nhận ra hoặc sớm vững chãi để mà đi suốt trên ý niệm-việc làm lành nào đó, trên nền tảng lời Phật dạy.

Thực ra, khi ta bắt người ta miễn cưỡng làm một việc gì đó cũng là lúc ta đang miễn cưỡng với chính mình, ta chưa thể chấp nhận một sự thật khác với cái thấy của mình đang tồn tại, điều đó đồng nghĩa với việc ta cũng đang ích kỷ với chính mình. Sở dĩ nói như vậy, vì khi đó ta thấy đau tức nơi lồng ngực và không có bằng an!

. Học Phật, ta được dạy về hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu thực tập lắng nghe một cách sâu sắc ta sẽ hiểu được khó khăn của một ai đó, ta hiểu những điều kiện của ai đó trong một trường hợp cụ thể để rồi thôi mong chờ hoặc bắt ép họ phải làm một điều gì đó (dẫu tốt). Vì, mình biết chắc điều đó, ngay lúc này, họ chưa thể làm. Khi ấy ta sẽ có sự kiên nhẫn cần thiết để đợi chờ, dõi theo hoặc cổ vũ để họ sớm làm được điều tốt đẹp, ví dụ như ăn chay, đi chùa chẳng hạn.

Khi đó, ta sẽ không ngắt ngay mọi liên hệ của người kia với thói quen cũ mà mình biết là nó không tốt, bởi mình hiểu, điều gì cũng cần có quá trình. Ngay cả khi cai nghiện người ta cũng cần cắt cơn từ từ và có quá trình dài lâu thì cớ sao mình lại bắt bản thân hoặc một ai đó phải “cai” ngay những tập khí xấu xí mà mình chợt nhận ra trong một ngày nắng đẹp?

Thông thường, việc thực tập của ta dễ đi tới chỗ thất bại, dù đó là thực tập điều tốt, là bởi vì ta mong cho mọi sự mau chóng thành tựu, ta cố đi càng nhanh càng tốt. Ông bà mình nói “dục tốc bất đạt”, song ta vẫn thường quên nên vẫn thường thất bại. Trong thực tập Phật pháp cũng vậy, nếu ta mong mau chóng giác ngộ hoặc mau chóng thoát khỏi Ta-bà uế trược này để về cảnh giới an lành thì ngay khi ấy ta cũng đã kẹt lại với cái tham muốn giải thoát của mình. Giải thoát-giác ngộ thực chất không phải như vậy, đó là một sự thay đổi thói quen cũ - thứ thói quen khiến mình bị ràng buộc, dính mắc để thong dong, tự tại, bằng an với mọi điều kiện và thực tế đang diễn ra. Khi ấy, trong tương quan với bản thân và cuộc sống, mình sẽ từng bước cởi trói một cách tự nhiên những lý lẽ, nguyên tắc xưa nay đưa mình vào chỗ mất-tự-do. Tất nhiên, để đạt được điều đó thì mình phải lắng nghe sâu, bằng trái tim, bằng khối óc, trên nền tảng của hiểu biết về lời Phật dạy.

Thực chất, đó là lối sống, hành xử có ánh sáng trí-bi của Phật soi đường, có nghĩa, khi đó, con đường mình đang đi, bến bờ mình sẽ tới, đang dần đi tới chính là niềm an vui vì mình có thể nhẹ nhàng, bao dung với tất cả, kể cả lầm lỗi của mình, của người, những điều chưa tốt của tự thân và người khác. Đừng quên, nhìn nhận lầm lỗi, thứ tha và hoàn thiện chính là cánh cửa để mình bước vào khoảng trời tốt hơn, đẹp hơn... 

Chúc Thiệu

theo:GNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage