Phật Học Online

Sám hối nhận lỗi xin lỗi đúng nghĩa nhà Phật

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiều 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào nói: "Ban Chấp hành Trung ương xin... thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân, và sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục" những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua.

Nhận định về sự kiện này, một số cựu chiến binh ở Hà Nội nói với báo Tiền Phong rằng "việc Ban Chấp hành Trung ương thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng toàn dân về sự yếu kém của mình chứng tỏ Đảng đã thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm của mình."

Nhận lỗi/ xin lỗi/ hối lỗi trong nhà Phật gọi là sám hối.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, sám hối là ăn năn hối cải. Những tội lỗi đã làm, chúng ta hổ thẹn, ăn năn không dám tái phạm. Những tội lỗi đang làm và sẽ làm, chúng ta hứa sửa đổi không làm.

Không phạm tội cũ, không tạo lỗi mới là chủ yếu của pháp sám hối.

Sám hối gọi đủ là phát lồ sám hối. Phát lồ là vạch trần những tội lỗi mình đã làm phơi bày trước bậc đức hạnh để thành tâm sám hối, đồng thời cam kết dứt khoát không tái phạm nữa.

Sám hối đúng nghĩa

Cũng theo Hòa thượng Thanh Từ, trong cuộc sống này, ai cũng mắc lỗi lầm ít nhiều. Cho nên, đừng đòi hỏi mình hay mọi người không có tội lỗi.

Tuy nhiên, phần đông người có tội lỗi đều tìm mọi cách khéo léo che giấu đắp điếm cho người khác đừng thấy lỗi mình.

Người biết sám hối là biết tu, biết hướng thiện. Ngược lại, người có lỗi mà không biết sám hối, dù có mang hình thức nào đi chăng nữa cũng chưa phải là người tu, người có trí tuệ.

Động cơ chính yếu trong việc sám hối/ nhận lỗi/ xin lỗi là tâm cảm thấy hổ thẹn và mong cầu tiến.

Vì hổ thẹn mà lòng không thể chứa chấp tội lỗi mãi, nên cần thành tâm sám hối để được an ổn, thanh thản. Với tinh thần cầu tiến, cam kết dứt khoát không phạm những lỗi lầm đã qua bằng cách sám hối, để vui vẻ tiến lên con đường đạo đức.

Cho nên, khi lỡ phạm tội lỗi, mình cũng như mọi người phải biết hổ thẹn ăn năn thành tâm sám hối, nguyện chừa cải hẳn sau này.

Sám hối không phải bị ai bắt buộc, chỉ do tâm hổ thẹn thúc đẩy với lòng chí thành tha thiết, lời lẽ trình bày chân thành rành rõ thiết yếu, phát nguyện chừa cải một cách mạnh dạn, sẽ giúp chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.

Nếu người phạm tội một lòng thành khẩn thiết tha sám hối, sau khi sám hối tuyệt đối không tái phạm và quyết sửa đổi thì tội lỗi ấy sẽ từ từ giảm dần cho đến hết.

Sám hối/ nhận lỗi/ xin lỗi/ hối lỗi đúng nghĩa là sửa chữa những điều dở, những khuyết điểm, những tội lỗi mà mình đã gây ra, quyết làm những việc tốt đẹp, mang lại lợi ích cho mình, cho người và cho xã hội.

Không như vậy thì chỉ là nhận lỗi, xin lỗi, hối lỗi, sám hối mang tính hình thức, chiếu lệ cho có, bị mọi người xem thường và không thể hết tội được.

Nhân Anh


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage