Phật Học Online

Lời Phật Dạy Về Hiếu Thuận
Thích Nữ Diệu Thảo dịch

Báo hiếu là bổn phận thiêng liêng từ xưa đến nay đối với tất cả mọi người, tại gia cũng như xuất gia ở đất nước Việt Nam ta. Từ góc độ nhận thức khác nhau nên báo hiếu được hiểu bằng nhiều cách. Để thực hiện việc báo hiếu cho đúng nghĩa và đem lại lợi ích thiết thực, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lời đức Phật đã dạy trong 29 đoạn văn kinh được trích dịch dưới đây:

1

Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy các tì-kheo: “cha mẹ có ân đức rất lớn đối với con cái, đã sinh thành dưỡng dục, nuôi nấng đến khôn lớn nên người. Giả sử có người dùng vai phải cõng Cha, vai trái cõng Mẹ trải qua nghìn năm, cha mẹ có tiểu tiện trên lưng cũng không oán giận, thì người ấy cũng không báo đáp được công ơn cha mẹ. Nếu cha mẹ không tin Tam bảo thì hướng dẫn cha mẹ sinh tín tâm đối với Tam bảo để được lợi lạc; cha mẹ không biết giữ giới thì hướng dẫn cha mẹ giữ giới để được lợi lạc; cha mẹ không biết nghe Phật pháp thì hướng dẫn cha mẹ nghe Phật pháp để được lợi lạc; cha mẹ xan tham thì hướng dẫn cha mẹ bố thí và khuyến khích người khác bố thí để được lợi lạc; cha mẹ không có trí tuệ thì hướng dẫn cha mẹ mở mang trí tuệ và khuyến khích người khác cũng mở mang trí tuệ để được lợi lạc”.

(kinh Phật thuyết phụ mẫu ân nan báo)


Nỗi đau của người mẹ mất con thơ

2

Phật bảo các thiện nam, thiện nữ: “Là đệ tử Phật, tu hạnh hiếu thuận thì trong từng niệm thường nhớ nghĩ đến, cho đến cha mẹ bảy đời. Mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy vì hiếu kính nhớ nghĩ ân sinh dưỡng của cha mẹ hiện tại cho đến cha mẹ bảy đời mà thường thiết lễ Vu lan bồn, cúng dường Phật và tăng để báo đáp ân dưỡng dục thương yêu của cha mẹ. Tất cả đệ tử Phật đều phải vâng giữ pháp này”.

(kinh Phật thuyết Vu lan bồn)

3

Phận làm con phải thực hành năm điều hiếu kính đối với cha mẹ:

- Cung phụng cha mẹ không để cha mẹ thiếu thốn.

- Làm việc gì thì phải thưa với cha mẹ trước rồi mới làm.

- Phải kính thuận, không được trái nghịch việc làm chính đáng của cha mẹ.

- Cha Mẹ sai bảo, không được chống đối.

- Phải kế thừa nghề nghiệp chính đáng của cha mẹ.

(kinh Thiện Sinh trong kinh Trường a-hàm)

4

Đức Thế Tôn bảo các tì-kheo: “Dù cho hướng dẫn cha mẹ làm thiện nhưng vẫn không thể báo đáp được ân đức của cha mẹ. Lại nữa, này các tì-kheo! Có người dùng vai phải cõng Cha, vai trái cõng Mẹ suốt nghìn vạn năm, cha mẹ tiểu tiện luôn trên vai mình; và còn cung cấp áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, ngọa cụ, thuốc men, mà vẫn không thể báo đáp được ân đức cha mẹ. Tì-kheo nên biết! Ân đức cha mẹ rất là sâu nặng, đã ẵm bồng, nuôi nấng, suốt ngày bận rộn lo chăm sóc cho con. Do đó mới biết, ân đức cha mẹ thật khó đáp đền. Thế nên, này các tì-kheo! Nên cúng dường cha và mẹ và thường phải hiếu thuận, đừng lãng phí thời gian”.

(kinh Tăng nhất a-hàm)

5

Phật bảo A-nan: “Không luận xuất gia hay tại gia mà biết yêu kính, hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ, thì công đức ấy thù thắng khó lường. Vì sao? Nhớ lại thời quá khứ, Ta đã yêu kính, hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ, thậm chí quên mình để cứu nạn nguy cấp cho cha mẹ. Nhờ công đức này mà sinh lên cõi trời ta được làm Thiên đế, sinh xuống nhân gian thì làm Chuyển luân thánh vương, cho đến thành Phật, bậc tôn quí trong ba cõi”.

(kinh Hiền ngu)

6

Phật bảo: “Chẳng những hôm nay ta khen ngợi hạnh hiếu, mà từ vô lượng kiếp ta cũng thường khen ngợi như vậy”.

(kinh Tạp bảo tạng)

7

Phật bảo các tì-kheo: “Ta đời đời vâng giữ hạnh chí hiếu của chư Phật, nhờ phúc đức cao dày mà nay ta được thành Thiên Trung Thiên, độc tôn trong ba cõi”.

(kinh Lục độ tập)

8

Như Lai vì tất cả các bậc Cha Mẹ mà thường tu hạnh khổ khó làm, hay xả điều khó xả. Như Lai đã từng bố thí đầu, mắt, tủy não, quốc thành, vợ con, voi ngựa, bảy báu, xe cộ, y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc thang; siêng năng tu tập tinh tấn, trì giới, bố thí, đa văn, thiền định, trí tuệ, cho đến đầy đủ tất cả vạn hạnh, không hề ngừng nghỉ, tâm không mỏi mệt. Vì hiếu dưỡng Cha Mẹ, tri ân báo ân, cho nên Như Lai mau chóng thành tựu Vô thượng Chính đẳng Chính giác.

(kinh Đại phương tiện phật báo ân)

9

Cha mẹ của Tất-lăng-già-bà-sa bần cùng khốn khổ, nên thầy này muốn cúng dường y cho cha mẹ, nhưng lại không dám, bèn lên bạch Phật. Do nhân duyên này, Phật tập hợp các tì-kheo lại và dạy rằng: “Nếu có người dùng vai phải cõng Cha, vai trái cõng Mẹ suốt cả trăm năm, cha mẹ tiểu tiện luôn trên lưng mình; và dùng loại trân bảo quí nhất, y phục đẹp nhất, thức ăn ngon nhất ở thế gian cúng dường, mà vẫn còn không thể báo đáp thâm ân trong muôn một. Từ nay, ta cho phép các tì-kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ. Nếu ai không cúng dường thì mắc tội nặng.

(Sa-di tắc bộ hòa ê ngũ phần luật)

10

Nếu cha mẹ không có tín tâm thì hướng dẫn cha mẹ sinh chính tín; nếu cha mẹ không biết giữ giới thì hướng dẫn cha mẹ thụ trì giới cấm; nếu cha mẹ có tính keo kiệt bỏn xẻn thì hướng dẫn cha mẹ hành bố thí; nếu cha mẹ không có trí tuệ thì hướng dẫn cha mẹ mở mang trí tuệ. Bổn phận của người làm con phải hướng dẫn cha mẹ như thế, khuyến khích khiến cha mẹ được lợi ích an lạc thì mới gọi là báo ân!

(Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da)

11

Thuở xưa, vì bốn việc mà Ta xả bỏ thân mạng:

- Vì phá các phiền não của chúng sinh.

- Vì muốn làm cho chúng sinh được an lạc.

- Vì đoạn trừ tham chấp thân.

- Vì báo ân sinh dưỡng của cha mẹ.

Nếu ưu-bà-tắc nào thụ trì giới rồi mà không hay cúng dường cha mẹ, sư trưởng thì sẽ đắc tội thất ý.

(kinh Ưu-bà-tắc giới)

12

Bấy giờ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi dưới cội bồ-đề, thành Vô thượng Chính đẳng Chính giác, việc đầu tiên là Ngài kết giới bồ-tát: “Hiếu thuận cha mẹ, sư tăng, Tam bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là ngăn dứt điều ác”.

(kinh Phạm võng)

13

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

- Vì sao đức Như Lai nói ân cha mẹ là lớn, không thể không báo, lại còn nói ân sư tăng chẳng thể tính lường? Vậy ân nào là hơn hết?

Phật nói:

- Người tại gia đối với việc hiếu thuận cha mẹ, hầu hạ cung kính, báo ân sinh dưỡng là lớn nhất. Vì ân sinh thành dưỡng dục rất sâu nặng, nên nói là lớn nhất; còn đối với ân Thầy dạy đạo, mở mang kiến thức thì chỉ là lớn thứ hai.

Người xuất gia bỏ nhà sinh tử của cha mẹ, vào trong Phật pháp, thụ pháp vi diệu là nhờ ân đức của Thầy tổ. Thầy đã sinh trưởng pháp thân, sinh ra của cải công đức, nuôi mạng trí tuệ, ân đức của Thầy không có gì lớn hơn. Lúc này xét ra thì công ơn cha mẹ lại là lớn thứ hai.

(kinh Xá-lợi-phất vấn)

14

Vua nói:

- Thưa Đại sư! Nếu trong nước có chúng sinh bất hiếu, không nhớ ân sinh dưỡng của cha mẹ, bỏ bê cha mẹ, sống với vợ con; cung cấp cho vợ con đủ mọi thứ, y phục, thức ăn, vật uống, thuốc thang mà không hề đoái hoài đến cha mẹ; cha mẹ già yếu ra vào không nổi nhưng họ chẳng hề quan tâm lo lắng, gần gũi hầu hạ, dìu đỡ sớm hôm, còn đối với vợ con thì nửa bước không rời; được món ăn ngon thì không dám ăn một mình mà để dành cho vợ con; hoặc trộm lấy tài sản của cha mẹ cung cấp cho vợ con, cùng nhau uống ăn vui vẻ; lời hay của cha mẹ thì không lắng nghe, lời dở của vợ con thì tin dùng không bỏ; hoặc vì vợ con mà mắng nhiếc cha mẹ; hoặc cùng với những người trong thân tộc như Mẹ, con gái, chị gái, em gái, kẻ lớn, người nhỏ làm việc dâm dục không biết hổ thẹn, gặp những chúng sinh như vậy thì người thi hành phép vua phải liệt họ vào loại nào?

Đại Tát-giá Ni-kiền Tử đáp:

- Đại vương! Người ác như thế thuộc vào loại cướp đoạt, nên dùng hình phạt nặng nhất để trị tội họ. Vì sao? Đại vương nên biết! Ân cha mẹ rất sâu nặng, dốc lòng hiếu dưỡng mà còn không thể báo đáp được, huống gì quên bỏ, trái nghịch đạo lí! Hạng chúng sinh đó gọi là giặc cướp lớn nhất ở thế gian.

(kinh Đại Tát-giá Ni-kiền tử sở thuyết)

15

Địa thần than rằng: “Tôi hộ trì cả đại địa, tất cả vạn vật và núi Tu-di mà chẳng cảm thấy nặng nề, cũng chẳng hề chán nản. Nhưng đối với ba hạng người dưới đây thì tôi lại thấy chán chường mỏi mệt, không thể hộ trì nổi:

- Người có tâm phản nghịch mưu hại quốc vương.

- Người quên ân sinh thành dưỡng dục, bất hiếu với cha mẹ.

- Người không tin nhân quả, hủy báng Tam bảo, phá hòa hợp tăng, chướng ngại người tu thiện.

Ba hạng người này thật là mối lo lớn của tôi, ngay cả một niệm tôi cũng không muốn hộ trì”.

(kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm)

16

Cúng dường cha mẹ, hòa thượng, tôn sư và bố thí cho chúng sinh trong thế gian thì được lợi ích rất lớn. Nhờ ân đức này nên phải càng nhớ nghĩ đến việc báo ân và cúng dường nhiều hơn. Vì sao? Vì người tri ân tuy ở trong sinh tử, nhưng thiện căn vẫn không mất; người không tri ân thì thiện căn tiêu mất, từ đó dẫn đến làm các nghiệp ác. Thế nên, các đức Như Lai khen ngợi người tri ân, chê bai kẻ bội ân.

(kinh Đại phương quảng Như Lai bất tư nghị cảnh giới)

17

Đại bồ-tát ở trong vô lượng A-tăng-kì kiếp thường cung kính cha mẹ, hòa thượng, tôn sư, thượng tọa, trưởng lão; thường vì chúng sinh mà hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả. Nên, ngày nay được thân kim cang ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo.

(kinh Đại bát-niết-bàn)

18

Chẳng phải dâng món ngon, vật báu mới là báo đáp ân cha mẹ, mà hướng dẫn cha mẹ qui Phật pháp mới là đúng nghĩa báo đáp thâm ân.

(kinh Bất tư nghị quang bồ-tát sở thuyết)

19

Có bốn ân rất khó báo đáp:

- Ân mẹ

- Ân cha

- Ân Phật

- Ân pháp sư thuyết pháp.

Nếu có người nào cúng dường cho bốn vị này thì được phúc vô lượng, hiện tại được người khen ngợi, vị lai được thành Phật.

(kinh Chánh pháp niệm xứ)

20

Điều cực thiện không gì hơn có hiếu

Điều cực ác không gì hơn bất hiếu!

(kinh Phật thuyết vị sinh oán)

21

Những người thờ trời, đất, quỉ thần không bằng có hiếu với cha mẹ. cha mẹ là vị thần tôn quí hơn hết.

(kinh Tứ thập nhị chương)

22

Phật bảo A-nan: “Nếu có chúng sinh nào giết cha hại mẹ, mạ nhục lục thân, thì khi mạng chung, chó đồng há miệng hóa ra mười tám chiếc xe giống như xe vàng, có lọng báu che bên trên, tất cả ngọn lửa đều biến thành ngọc nữ. Từ xa trông thấy, tội nhân vui mừng, thầm nghĩ: ‘Ta muốn đến đó, ta muốn đến đó!’. Bấy giờ, gió lạnh thổi đến, tội nhân lạnh cóng rên la: ‘Thà ngồi trên xe có lửa cháy để được hơ ấm’. Nghĩ như thế xong, tội nhân liền mạng chung, trong thoáng chốc đã ngồi trên xe vàng, ngoái nhìn ngọc nữ thì thấy ai cũng cầm búa sắt chặt bửa thân mình; bên dưới thì lửa đang bốc cháy, như bánh xe lửa xoay tròn, chỉ trong nháy mắt, tội nhân đã rơi thẳng xuống địa ngục A-tỳ, rồi từ ngăn trên rơi xuống ngăn dưới, thân đầy chật cả ngăn. Chó đồng sủa lớn, nhai xương, nuốt tủy tội nhân. Ngục tốt la-sát cầm chỉa sắt lớn, đâm vào đầu kéo tội nhân đứng dậy, lửa cháy toàn thân, đầy khắp thành địa ngục. Lưới sắt, mưa đao nhập vào lỗ chân lông tội nhân. Lúc ấy, vua Diêm-la lớn tiếng quát: ‘Kẻ ngu si địa ngục kia! Ngươi ở nhân gian bất hiếu với cha mẹ, tà mạn vô đạo, nay phải đọa xuống địa ngục A-tỳ. Do không biết báo ân, không biết hổ thẹn, nên thụ khổ não như vậy, ngươi thấy có vui sướng không?’”.

(kinh Phật thuyết quán Phật tam-muội hải)

23

Thế gian, cha mẹ là thân yêu

Chúng sinh ngu si chẳng tôn trọng

Muốn họ dẹp bỏ tâm ngã mạn

Nên Phật xuất gia để cứu hộ.

(kinh Phật thuyết đại thừa bồ-tát tạng chánh pháp)

24

Người muốn sinh về cõi Cực Lạc thì phải tu ba phúc: một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, thương xót không giết hại chúng sinh và tu mười điều lành; hai là thụ tam qui, trì các giới, không phạm uy nghi; ba là phát tâm bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn người thực hành. Ba việc như vậy gọi là tịnh nghiệp.

(kinh Phật thuyết quán vô lượng thọ Phật)

25

Phật hỏi Di-lặc:

- Trẻ con từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc ba tuổi đã bú hết bao nhiêu sữa mẹ?

Di-lặc đáp:

- Trừ phần máu huyết đã nuôi bào thai thì đứa bé đã bú hết một trăm tám mươi đấu (lít) sữa.

(kinh Trung ấm)

26

Thế gian và xuất thế gian đều có bốn ân:

- Ân cha mẹ.

- Ân chúng sinh.

- Ân quốc vương.

- Ân Tam bảo.

Tất cả chúng sinh đều thụ bốn ân này.

Thiện nam! Trong thế gian, những ai được xem là giàu nhất; những ai được xem là nghèo nhất?

Những ai còn cha mẹ là giàu nhất; những ai mất cha mẹ là nghèo nhất. Những ai còn cha mẹ thì hạnh phúc vô biên; những ai mất cha mẹ thì bất hạnh vô cùng. Những ai còn cha mẹ thì cuộc đời xán lạn; những ai mất cha mẹ thì cuộc đời tối tăm. Thế nên, các ông cần phải siêng năng tu tập, phúc hiếu dưỡng cha mẹ và phúc cúng Phật là như nhau, không khác. Các ông phải nên báo ân cha mẹ như thế.

Nếu ta sống ở đời suốt một kiếp thì cũng không thể nói hết ân đức của cha mẹ. Nay ta chỉ nói cho ông nghe một phần nhỏ về ân đức ấy. Nếu có người vì tạo phúc đức mà thiết lập một giảng đường, dùng bảy báu thượng diệu trang nghiêm bên trong, và dùng chiên-đàn trầm hương xông lên thơm ngát, rồi dâng trăm nghìn món ăn ngon thượng hạng, y phục có đính ngọc quí và các loại chuỗi báu, giường nằm, ngọa cụ đều dùng trăm thứ báu làm thành, cùng thuốc men trị bệnh để cúng dường cho một trăm đại bà-la-môn tịnh hạnh, một trăm đại thần tiên đắc ngũ thông, một trăm thiện tri thức. Người ấy nhất tâm cúng dường như thế suốt trăm nghìn kiếp thì cũng không bằng một niệm trụ tâm hiếu thuận, dùng chút ít đồ vật dâng cúng cha mẹ, tùy theo sở thích mà cung kính hầu hạ. Công đức này so với công đức trước thì hơn trăm nghìn vạn phần, không thể so sánh.

Vật cao nhất ở thế gian không gì hơn núi lớn, ân cha mẹ còn cao hơn Tu-di; vật nặng ở thế gian không gì hơn đại địa, ân cha mẹ còn nặng hơn nhiều. Nếu có người nào phụ bỏ ân đức, không biết hiếu thuận, khiến cha mẹ sinh oán hờn, thốt ra lời ác, thì người ấy liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ hoặc súc sinh. Thứ nhanh nhất ở thế gian không gì hơn gió mạnh, tốc độ của niệm oán hờn còn nhanh hơn gió kia.

Nhờ ân đức mẹ cha sinh dưỡng

Mà nam nữ đều được an vui

Ân cha hiền cao như núi chúa

Đức mẹ hiền ví tựa biển khơi

Dù Ta sống trọn một đời

Cũng không nói hết nghĩa ân sinh thành

Nay Ta sơ lược chút phần

Như muỗi hút nước đại dương muôn trùng.

(kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán)

27

Cha mẹ sinh dưỡng, lao khổ nhọc nhằn, mười tháng cưu mang, ba năm bồng ẳm, cho ăn cho bú, nuôi nấng dạy răn, vất vả muôn phần, mong con khôn lớn, tài nghệ hơn người, còn muốn con được xuất gia, giải thoát sinh tử. Thế nên, phải nhớ ân đức cha mẹ bao la như trời cao khó báo.

(Tối thắng Phật đảnh đà-la-ni tịnh trừ nghiệp chướng chú kinh)

28

A-nan bạch Phật:

- Nếu có người bị cha mẹ, vợ con không cho đến đạo tràng, thì nên làm cách nào để hướng đến đạo tràng?

Phật bảo A-nan:

- Người này nên đến trước cha mẹ, đốt các loại hương, quì gối chắp tay nói như thế này: ‘Con nay muốn đến đạo tràng, xin thương xót cho phép con đi!’. Người ấy cũng nên dùng đủ cách phân tích cho cha mẹ hiểu, nên tùy nghi nói pháp và nên xin ba lần. Nếu cha mẹ không cho, thì người ấy nên ở tại nhà, im lặng tư duy, tụng đọc kinh này.

(kinh Đại phương đẳng đà-la-ni)

29

Có những chúng sinh tri ân muốn báo đáp ân đức, nên lúc ấy bồ-tát khuyến tấn họ tu thiện, không cần báo đáp bằng của cải vật chất ở thế gian. Cách báo ân lớn nhất là nên phụng dưỡng cha mẹ và giữ gìn giới pháp. Người nào cầu báo ân, thì bồ-tát bảo họ hành thiện, đó gọi là phương tiện báo ân khéo léo của bồ-tát.

(kinh Bồ-tát địa trì)

(Nguồn: Đặc San Suối Nguồn - Số 02 - T8/2011 Tu Viện Huệ Quang)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage