Gặp những
điều thị phi, cho nó là điều bình thường và có như vậy mình mới hết cảm giác bị
xúc phạm, cảm giác đó đã bị mình đè bẹp, bóp nghẹt thở nó luôn.
Tu là từ những thị phi, ta vượt thoát phiền não - Ảnh minh họa của Bảo Toàn
Mình còn nhớ
như in lời thầy dạy: “Con hãy coi mình như một cái giẻ lau bàn đó, hãy coi mình
như cọng rơm rác ở ngoài cống đó con. Đừng bao giờ con cho mình là cao sang,
cho dù người ta có đối xử với con như thế nào thì con vẫn mãi mãi giữ vững một
cái tâm kiên cường, một cái tâm tràn đầy nhựa sống yêu thương con nhé!”. Và nhờ
vậy mà mình vượt qua, bỏ qua, hoan hỷ cả những điều khó hoan hỷ như chuyện thị
phi, nói sau lưng, hay oan ức (không phải là không có ở chốn thiền môn).
Con không
có đủ duyên được làm đệ tử xuất gia của thầy nhưng con may mắn hơn rất nhiều
người là được thầy chỉ dạy, khuyên bảo chỉ dẫn lối đi cho con trên bước đường
tu tập.
Bữa hôm qua
đi cùng thầy, lại được ở bên thầy với những tình cảm mộc mạc đó. Thầy chỉ dạy
con phương pháp giải trừ phiền não, là mình đừng có chấp, đừng có nghe người ta
nói rồi nổi nóng, sanh tâm buồn giận, trách hờn... Mình trộm nghĩ, nếu ai cũng
như thầy thì có lẽ không ai trên thế gian này biết thế nào là thị phi, thế nào
là những chướng ngại trong đường tu thầy nhỉ? Cuộc đời đâu có cho không chúng
ta một thứ gì mà chúng ta phải đổi lại nó với những thứ xứng đáng hơn, cũng
chưa ai tự nhiên ban tặng cho ta vật quý nào đó mà ta không phải đổi lại bằng
một vật quý khác và con đã nhận ra được những điều này khi con bình tâm suy
nghĩ lại thầy ơi!
Con sẽ lắng
nghe, quan sát mọi điều xung quanh con, con hứa con sẽ bao dung với trí tuệ còn
non kém của mình, bằng sự tu tập của con, thưa thầy.
Có lẽ con sẽ
nói: “Cảm ơn người đã đem đến cho tôi những thị phi và tôi nguyện sẽ đón nhận điều
đó như đón nhận những món quà của cuộc sống…”. Làm được vậy chắc cuộc sống sẽ
thi vị hơn rất nhiều.
Con hiểu được
hạnh phúc không tự nhiên đến bên mình và đau khổ cũng không phải đem cho người
khác và hạnh phúc không thể đóng gói gửi cho mọi người. Khổ đau cũng không thể
gạt hết sang người khác. Nó đến từ cuộc sống, từ thiên nhiên, từ những gì tưởng
như vô tình và nhất là từ những thọ cảm nơi tâm mình. Hạnh phúc đến, nhưng nó
thường không đến theo cách mà chúng ta sắp đặt. Đó là điều tự nhiên, hay nói đúng
hơn, nó đến khi tâm mình rỗng rang, không lo lắng, muộn sầu, không để cho những
thị phi tác động.
Mình thường sướng rơn khi ai đó khen và bực bội khi ai đó
chê, vì thế mình cứ chạy như bị ma đuổi bởi cứ luôn nghe ngóng, phòng vệ. Tâm
bình thường là đạo, thầy dạy thế mà mình quên hay mình nhớ như một cách thuộc
lòng, không ứng dụng… Nên khổ!
Nghĩ thế, để nhắc mình, rằng: “Hãy đủ tinh tế để sống một
cuộc sống an lành nhất mà chúng ta có thể, không chạy theo chi lời khen, tiếng
chê nơi cửa miệng cuộc đời”.
Thích Như Đức (GNO)