Người từ cõi trời Đâu Suất, thị hiện giáng trần, ban ra Thông Điệp Vô Thượng “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến”, khai sáng Đạo Từ Bi cứu khổ chúng sinh, thông lộ thanh lương cho phàm nhân lên đường Tứ Thánh.
Người đã ban Thông Điệp nhân bản hòa bình cho nhân loại: “Không
có hận thù khi nước mắt cùng mặn. Không có giai cấp khi dòng máu cùng
đỏ. Không có tranh chấp giết hại lẫn nhau khi mọi loài đều cần có sự
sống và tôn trọng sự sống”. Người đã vạch ra tiêu chí chỉ hướng vươn lên: “Cội
nguồn của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê. Căn nguyên của oán cừu
là ngã mạn, tranh đoạt, cửa quyền, hiếp đáp. Gốc rễ của bất an là thủ
thế, gườm nhau, cưỡng chiếm, đáp trả, hơn thua”. Người đã hoằng dương Đạo lý Giác ngộ, Giải thoát: “Chúng sanh vốn trầm luân trong biển khổ, lặn hụp trong căn nhà lửa Tam thế, xoay quần trong lục đạo luân hồi,
mê lầm với bóng tối thâm u, đắm say với mộng huyễn bào ảnh, chưa biết và không có ánh sáng để đi”.
Người
đi trước, dẫn đường và làm hướng đạo sư. Vàng bạc, châu báu, giàu có,
nhung lụa ư ! Ai đầy đủ hơn, sung túc hơn được sống và thừa hưởng cung
vàng điện ngọc ? Ai quyền uy hơn, cửu trụ hơn sẽ kế nghiệp Phụ Hoàng trị
vì thiên hạ, đứng trên thiên hạ với thần dân quốc thích ? Ai đẹp hơn
trên trần gian, một Công chúa Gia Du sắc nước hương trời “Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn, Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa, Hương trời đắm nguyệt say hoa, Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình”,
với hàng trăm hoa hậu tuyển chọn cho cung đình, với hàng ngàn mỹ nữ
phục vụ cúc cung, yến tiệc linh đình, sơn hào hải vị, nhạc hội tháng
năm.
Sinh
thì Người đã biết rồi, duy nhất chỉ riêng Người mới bước đi bảy bước,
mỗi bước nở ra một đóa hoa sen, bước cuối cùng đứng lại, tay đưa lên
trời, tay chỉ xuống đất, dõng dạc nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Chứ tất cả những ai chào đời đều “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì?”.
Cuộc
ngoạn du ra bốn cửa thành, nhìn thấy bốn cảnh Già, Bịnh, Chết, một đạo
sĩ, chính là tuyệt lộ. Tuyệt lộ dẫn đến tử lộ - chấm dứt mọi đắm lụy của
nhân gian, chặt đứt mọi hệ lụy của trần gian mà con người nói riêng,
chúng sinh nói chung, lặn hụp trầm luân mãi trong ba đường sáu nẻo từ vô
thỉ đến nay, và di họa đến vô chung.
Cửa
Thành phía Đông, kia là ai, sao lại nhăn nheo, lưng còm, tóc bạc, run
rẩy, mắt mờ, tai điếc, lú lẫn, lãng quên ? Đó là một con người nhưng là
người già! Ai mà gọi là thọ mới sống được như thế, nếu bằng không thì
chết từ trong bụng mẹ, chết mới ra đời, chết lúc còn nhỏ thanh thiếu
niên “Ngoài kia lắm mộ tuổi còn xanh”, chết thuở trung niên. Kiếp phù sinh dễ có mấy ai “thất thập cổ lai hy”?
Sống sót lắm mới như thế kia, rồi từ lão niên lão giả, lòm khòm, lụ
khụ, ngơ ngơ ngáo ngáo, khi quên khi nhớ, nói chẳng ra câu, mở miệng
không lời, “Lợi còn không có nói chi răng, Sống trơ trơ biết chi ăn uống”, thế giới con người chập chờn
cửa tử đọng lại mới ghi vào sách gọi là kỷ lục.
Cửa
Thành phía Tây, kia là ai, sao lại đau đớn, nhăn nhó, rên la thảm
thiết, có khi quằn quại cực hình, có khi nằm yên thở dốc? Cái mặc thì áo
quần xốc xếch, mền chăn gối nệm bùi nhùi. Cái ăn không thèm ngó dù mỹ
vị cao sang, mới hôm nào ngày ba bữa dư thừa vẫn kêu đói bụng. Uống ráng
lắm từng hớp cầm chừng. Nhà cửa cũng lắc đầu. Vàng bạc cũng bảo thôi.
Dục lạc ái ố không thèm ngó tới. Ruồi bu, muỗi đậu đuổi không xong. Nước
miếng, mũi dãi nhểu nhảo lều bều… Xin lỗi, ngay cái đại cái tiện đổ bừa
trên cái bô bên cạnh, nửa trong nửa ngoài nhơ nhớp tanh hôi. Đầu tóc bù
xù rối bời chẳng cần chải chuốt, hai mắt lờ đờ không muốn khép mở, chân
tay dở lên dở xuống không nổi, nói năng thì thào chẳng nên tiếng nên
lời. Đó là cái bịnh, mà phải bịnh chí tử, bịnh trầm kha, bịnh thứ thiệt
mới được. Đừng vội chê cười đánh giá hay bỡn cợt đãi bôi, nên nhớ ở đời
ai không bịnh, khi bịnh rồi mới biết!
Cửa Thành phía Nam,
kia là ai, sao lại cứng đờ, mắt nhắm nghiền, miệng ngậm câm, tay chân
co quắp, không cục cựa, không nhúc nhích? Một nhúm người lại khóc lóc,
kêu ca, đầu chít tang trắng, trên bàn có một di ảnh, một bát nhang, khói
hương lan tỏa, một mâm cơm với một chén có vài miếng thức ăn gắp để
sẵn, cắm đôi đũa lên đó. Rồi dâng trà lần 1, lần 2, lần 3, lại có tiếng ê
a cầu nguyện, lễ tạ nhị bái, tam bái, người này chia buồn, người nọ
phân ưu, nhìn nhau ngấn lệ? Đó là một con người đã chết! Đã có sinh thì
phải có tử, không ai ngoại lệ, không ai thoát khỏi. Hết sống nổi thì
phải chết,
và nên nhớ rằng, lằn ranh sống chết không xa, không dài, không lâu, chỉ
từng hơi thở! Tấm thân kia trả về cát bụi, con người kia chuyển hóa vô
thường. Kiếp nhân sinh ngắn ngủi và trần gian chỉ là quán trọ phù du.
Cửa
Thành phía Bắc, còn kia là ai, sao ăn mặc khác người, tư thái thong
dong, phong cách tự tại, thoát ra vẻ thanh bạch, thánh thiện, an nhiên?
Hỏi ra, người ấy không nhà không cửa, không vợ không con, không tiền
không bạc, áo quần một bộ, gia tài một túi vắt vai. Thật vỏn vẹn, đơn
sơ, thanh bần. Cái gì người ấy cũng không có mà cái có của người ấy khó
tìm trên thế gian. Được đáp, ông ta là Đạo sĩ. Đạo sĩ là gì? Ai biết
đạo, hiểu đạo, sống với đạo, trả lời rất dễ. Ai không biết đạo, mơ hồ về
đạo, nghi hoặc cho đạo, giải bày nhiều cách cũng khó thông. Thì ra, Đạo
là thế à!
Người
đã quyết chí xuất gia tầm đạo. Vào một đêm kia, Mồng 8 Tháng 2 Âm lịch,
Người âm thầm từ tạ Phụ Hoàng, từ biệt thê nhi, lìa bỏ hoàng cung, vượt
hoàng thành, khi đến dòng sông A Nô Ma, nói với hầu cận Sa Nặc, đưa đến
đây đủ rồi, hãy lui về, mang mái tóc xuân xanh, nhung bào, kiếm báu về
trao lại Phụ Thân, thưa dùm ta rằng: “Ta chỉ trở về khi tầm ra Đạo,
ngược lại, bằng không, xem như ta không có mặt trên thế gian này”. “Ngài
ra đi vì chúng sanh, Ra đi nguyền đem cho đời bao vui sướng, Ra đi giải
thoát luân hồi cho chúng sanh”.
Sáu
năm trường giữa núi rừng Hy Mã, trùng trùng tuyết phủ, tắm gội gió
sương, thời thọ thực mỗi ngày là vài hạt mè và vài cọng lá rừng, tận
dụng mọi thời gian cho khổ hạnh, tham thiền, nhập định. Quần áo duy nhất
một mảnh y vàng. Ngày thời chim hót, đêm tiếng thú vang. Ôi, hình ảnh
của đạo sĩ Tất Đạt - bộ da bọc xương cách trí, thân hình kiệt lực tiều
tụy, duy chỉ đôi mắt thâm sâu sáng quắc, duy chỉ nghị lực siêu tuyệt vô
song, biểu hiện đức tính phi thường của một bậc thiên thượng thiên hạ
duy ngã Thế Tôn, trầm tư một cái gì cao tột siêu xuất chưa liễu ngộ bản
lai diện mục ? Cơ chừng nó chập chờn đâu đó, đến rồi đi, đi rồi đến, như
con
đom đóm lập lòe chưa đủ sức phá tan bóng tối, như thanh âm nhỏ bé chưa
đủ sức làm tan vỡ hư vô, thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ, như
tiếng sóng rì rào chưa đánh động trùng dương biển lộng!
Do
đó, Người từ bỏ lối tu khổ hạnh, giai đoạn ban đầu ắt có và cần đủ khổ
luyện, đúc rèn chuẩn mực, làm kim chỉ nam định hướng hành trình, vẽ bản
đồ thiên la địa võng đạt ngộ, nhưng muốn đi tới đích, phải có sức của
thân, lực của tâm, thần của trí. Không thể có sức lực trên tấm thân tiều
tụy! Không thể có sáng suốt khi tâm trí hệ lụy cơ thể suy vi! Chao ôi,
nhờ miếng sữa biếu tặng của cô bé chăn cừu Tu Xà Đề, còn hơn thần linh y
dược, làm cho Người hồi phục khỏe khoắn lạ thường. Cảm ơn nghe thành
phần nghèo khổ bần cùng trong xã hội, nghèo vật chất nhưng không nghèo
tinh thần, nghèo miếng cơm manh áo nhưng không nghèo tấm lòng biết trân
quý tình thương sự sống. Trong cuộc đời, nhiều lúc nghèo làm được mà
giàu không làm được, nhiều khi giàu làm được mà nghèo không làm được, và
biết đâu người giàu cần phải học cái chơn chất, trong sạch, thanh cao,
thánh thiện của người nghèo!
Sau
khi thọ dụng bát sữa xong, tìm đến một chỗ kia, dưới cội cây Tất Bát La
cổ thụ, lá tròn đầy xanh mượt, cành vững chải vươn cao, dọc theo triền
núi điệp trùng, bên cạnh dòng sông Ni Liên thì thầm muôn thuở. Người
ngẫm nghĩ, có lẽ không đâu thích hợp hơn nơi này, không đâu an định hơn
vị thế nơi đây. Bèn kết cỏ làm bồ đoàn, đặt sát gốc cây, sau lưng là núi
rừng, trước mặt là dòng sông. Người tự phát đại thệ nguyện: “Nếu không tầm ra Đạo, không chứng đắc, không liễu ngộ, thì dù cho thịt có nát, xương có tan, ta cũng quyết không rời bỏ chỗ này”. Và Người buông tất cả, an tọa kiết già, sâu vào thiền định.
Ngày
một, Người vẫn ngồi yên. Ngày hai không nhúc nhích. Ngày ba không động
đậy. Cho tới tuần 1, tuần 2, tuần 3, vẫn cứ thế, bất động, không lay.
Bên ngoài, lục trần im bặt thanh âm, đối cảnh. Bên trong, lục căn trong
vắt an tịnh pha lê. Núi rừng im tiếng gió. Dòng sông lặng nước reo. Chim
không nghe tiếng hót. Thú không nghe tiếng vang. Không gian như ngưng
đọng. Thời gian như ngừng trôi. Đến một đêm cuối của tuần “thất thất”,
canh một, canh hai, canh ba, bỗng lục thông tuần tự hiển bày, chân như
hiển lộ, mặt mũi thật của con người, của nhân sinh, vũ trụ được khai ngộ
tinh tường. Cái gọi là trùng trùng vốn không diệt không sinh. Cái gọi
là bản lai vốn không còn
không mất. Cái gọi là vạn hữu càn khôn vốn không đục không trong không
tăng không giảm. Đó là Phật tánh chơn thường vi diệu hằng nhiên. Không
phải chỉ riêng Người mà ai ai cũng có, nên Người dõng dạc Thông Điệp “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Người đã chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, vô thượng chánh
đẳng bồ đề. Nơi người ngồi gọi là Bồ đề tọa, cây Bát La gọi là cây Bồ
Đề, Đạo của Người hoằng dương gọi là Đạo Giác Ngộ.
Tuyệt
trần thay, tuyệt thế thay Đạo sĩ Tất Đạt Đa! Nếu là người thường, đời
thường, với cương vị Đông cung Thái Tử, với vợ đẹp con ngoan, với cung
vàng điện ngọc, với mọi sắc màu dục lạc tột đỉnh của trần gian, không
phải Tất Đạt Đa thì kim cổ nào ai làm được ? Nếu Người cũng như bao
nhiêu vị Thái tử khác trên thế gian, tận hưởng mọi nhung lụa sang giàu,
ngất ngưởng cương vị vua chúa lộng lẫy quyền uy, rồi hoàng hậu hoàng phi
với muôn ngàn cung tần mỹ nữ, khi thời đại biến chuyển hưng phế thịnh
suy, dù có ra sao cũng phải tử vong gọi là băng hà. Và Người cũng đã
biệt tăm biệt tích như hàng bao nhiêu Thái tử khác, hay hàng vô số vua
chúa
khác, đã từ 2,600 năm trước.
Nhưng
Người thì không. Người mãi mãi là đấng Như Lai, Chánh biến tri, Minh
hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu,
Thiên nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Người mãi mãi là Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật. Người mãi mãi là Đức Từ Bi hiện hữu vô cùng cho
chúng sinh biết thương yêu, tôn trọng sự sống. Người mãi mãi là ngọn
đuốc trí tuệ sáng ngời cho chúng sanh biết nẻo mà đi. Người mãi mãi là
Hiện tại Trang nghiêm vương Phật, nối kết Qúa khứ thiên ức Phật, hoằng
truyền Vị lai thiên ức Phật mà Đức Di Lặc Từ Tôn sẽ đăng tòa Long Hoa
Pháp Hội 16 triệu năm sau.
Hình
ảnh nào đáng quý hơn, đáng tôn thờ hơn, đáng nêu gương hơn. Một bậc
Giáo Chủ cõi Ta Bà, một bậc Thầy của thiên nhơn, một đấng Cha Lành chung
bốn loại, mà cái mặc vẫn chỉ có 3 Y, cái ăn vẫn ngày ngày Khất thực,
đầu trần chân đất như bao đệ tử khác, ngủ nghỉ trên cái đơn gỗ mộc như
thất chúng đệ tử. Ôi dung dị vô biên! Ôi chơn chất vô thượng! Hình ảnh
đó sao không học mà lại “Trưởng giả học làm sang”, được một chút gì đã
cố quên chối bỏ cái nghèo khó thuở cơ hàn, xa lánh tương lân dòng họ!
Người
là bậc Thầy tuyệt thế bất nhị, ròng rã 45 năm trường hoằng khai Tam
Tạng kinh điển, ba rừng giáo lý thượng thừa, mà 26 thế kỷ qua, chưa ai
đã từng đọc hết, chưa ai đã từng xem xong, cho đến thế kỷ “văn minh” hai
mươi mốt, với hệ vi tính công nghiệp điện tử toàn cầu, vẫn mò mẫm chưa
thông.
Thế
giới văn minh nhân loại hôm nay, nào Bác học tuyệt siêu, nào Khoa học
tuyệt đỉnh, nào Y học tinh hoa, cơ sở Thiên văn, Viễn vọng, cơ quan khám
phá không gian, nhân - vật - trí - lực cùng đầu tư, cùng đổ ra. Tuy
nhiên, bịnh nan y vẫn bó tay chưa nói đến bịnh đột biến phát sinh dịch
nhiễm, phi thuyền không gian tạm viếng Mặt Trăng, dò dẫm Hỏa tinh, chưa
tới Kim tinh, nói chi qua khỏi Thái dương hệ. Rồi hiện tượng Đĩa bay,
Người ngoài không gian vẫn bí ẩn, mê hoặc. Thế giới hữu hình, siêu hình
như chuyện cổ tích, thần thoại, dù bao nhiêu nhà nghiên cứu, học giả tìm
tòi, viết lách, và nghệ thuật phim ảnh diễn dịch mơ hồ. Trong khi
Người, 26 thế kỷ trước đã nói:
“nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng”, “hằng hà sa số thế giới”.
Mỗi thời Kinh giảng của Người, không những chỉ Thập đại đệ tử, 1,250 vị
đệ tử lớn, 7 lớp đệ tử xuất gia tại gia nghe, mà còn vô số Chư Thiên
rải hoa cúng dường thính pháp, cho đến vô số Ma vương, Đại ma vương
nhiếp phục phụng hành.
Ngày
Phật Đản 2635 năm nay, dương lịch 2011, âm lịch Tân Mão niên, Phật lịch
2555 năm, vốn đã từng năm, từng năm kéo dài hơn 25 thế kỷ, với Tổ Tổ
truyền thừa, Tăng Già chấn tích trùng quang, khoảng ¼ dân số thế giới
quy ngưỡng tri hành, khắp mọi quốc gia dân tộc vượt qua biên cương ranh
giới.
Bản
thân chúng tôi đón nhận, chứ thật sự không mừng lắm dù Liên Hiệp Quốc
công nhận Ngày Khánh Đản của Đức Thế Tôn trở thành Ngày Lễ Phật Đản
Vesak Liên Hiệp Quốc vào năm 1999. Cái nhìn của chúng tôi, quá chậm. Cái
đánh giá của chúng tôi, quá yếu. Chậm, bởi Đạo Phật đã hiện hữu 2600
năm qua, sau vài Tôn giáo cổ đại, nhưng trước nhiều Tôn giáo sau này.
Yếu, bởi công nhận Ngày Lễ Quốc Tế mà sao không Nghỉ Lễ có tính quốc tế.
Và cảm thấy kỳ kỳ, những quốc gia Phật Giáo lâu đời, tín đồ Phật Giáo
đa số, không Nghỉ Lễ của Phật Giáo mà lại Nghỉ Lễ tôn giáo khác với thời
gian có mặt ít hơn, tín đồ thiểu số. Hy vọng một ngày không xa, Liên
Hiệp Quốc phải thực hiện cho bằng được mỗi tôn giáo lớn trên trái đất
này phải có Ngày Lễ Chính của họ và được Nghỉ Lễ trên toàn thế giới,
không cá biệt bất cứ tôn giáo nào, bởi mỗi tôn giáo đều chỉ hướng cho
đời, mỗi tôn giáo đều an tĩnh tâm linh. Đây, có thể là bàn đạp san bằng
hệ lụy dị biệt, cách ngăn, tỵ hiềm để con người được gần nhau hơn, nhân
loại tin yêu nhau hơn.
Vô tình năm nay chúng tôi có nhận và đọc Thông Điệp Phật Đản của Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc “…cốt
lõi của nó là vấn nạn về khổ đau của nhân loại mà chính Đức Phật đã
nhìn thấy và nhấn mạnh cách đây hơn 2,500 năm” ; “Lời khai thị của
Ngài…khơi dậy những cuộc hội đàm đa phương” ; “Rất nhiều tổ chức Phật
Giáo đang thực hành giáo pháp của Đức Phật. Tôi vô cùng cảm ơn sự ủng hộ
của họ đối với những hoạt động của Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được Những
Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” ; “…tôi hy vọng tất cả mọi người có
thể dựa vào những lời dạy có giá trị phổ quát trong Đạo Phật để hành
động trong
tình đoàn kết với những người đang đau khổ, để góp phần tạo nên một thế
giới nhiều tình thương yêu hơn, nhiều sự tỉnh giác hơn cho tất cả chúng
ta”.
Lại thêm Thông Điệp gởi đến Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc của Bà Irina Bokova, Giám đốc UNESCO. Rằng “Nhân
Đại lễ Vesak lần thứ 8, tôi muốn bày tỏ lời chúc chân thành và nồng hậu
nhất đến tất cả mọi Phật tử trên khắp thế giới” ; “…thúc đẩy sự đối
thoại giữa các nền văn hóa, tôn giáo, và giữa mọi người với nhau trở nên
quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta phải làm việc mỗi ngày để xóa đi
sự hiểu lầm, để nâng cao kiến thức và thắt chặt mối quan hệ cộng tác với
nhau” ; “Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc
(UNESCO) đã được thành lập nhằm góp phần tạo dựng nền hòa bình lâu dài,
bền vững, thông qua sự
hợp tác về giáo dục, khoa học, văn hóa, giáo tiếp và thông tin”; “Tầm
quan trọng của Hội thảo lần này (tại Đại Lễ Phật Đản) chính là ở đây”.
Cái nhìn của chúng tôi, có một sự kỳ thú qua hai Thông Điệp này.
Vâng,
họ cũng là hai con người, nhưng khác người thường, nên Lời Chúc Tụng
của họ mới gọi là Thông Điệp. Một - của người đàn ông, hay nam giới, nam
tử - giữ trọng nhiệm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. Một - của người đàn
bà, hay nữ giới, nữ lưu - nắm cương vị Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa
học, Giáo dục Liên Hiệp Quốc. Ông Ban Ki Moon người Châu Á , Bà Irina
Bokova người Châu Âu - tượng trưng cho Đông Phương – Tây Phương, cho Da
Màu – Da Trắng. Đông – Tây đã gặp nhau. Da Màu – Da Trắng đã gặp nhau.
Vâng, Đức Phật Thích Ca Giáo chủ cõi Ta Bà đã nói: “Không
có hận thù khi dòng máu cùng đỏ. Không có ngăn cách khi nước mắt cùng
mặn. Tâm bình thế giới bình. Hận thù không tiêu diệt được hận thù mà chỉ
có Từ bi mới xóa sạch được hận thù”.
Vâng,
ý nghĩa siêu tuyệt của Đạo Phật, rằng: người có Đông Tây Nam Bắc nhưng
Phật tánh không có Nam Bắc Đông Tây, màu da có trắng đen vàng đỏ nhưng
Phật tâm đồng đẳng không màu. Nhân loại nhiều chủng tộc quốc gia trên
năm châu bốn biển, nhưng lương tri hòa điệu giai tầng, tình người hòa
chung sự sống.
Vâng,
nếu các quốc gia dù liệt cường hay chậm tiến mà không chạy đua theo bạo
lực, vũ khí, hạt nhân, nguyên tử, quốc phòng, mà dùng mọi nhân - tài -
vật - lực cho con người, cho sự sống, thì hòa bình thế giới tự nhiên có
mặt, mọi bất ổn khu vực, liên quốc, đa quốc hay chiến tranh lạnh chiến
tranh nóng tự nhiên triệt tiêu. Hơn nữa, các ngân khoản phí tổn khổng lồ
bạch hóa hay úp mở ấy, thiết nghĩ sẽ đủ và dư để san lấp hố thẳm giàu –
nghèo, để hàn gắn vết tích tang thương xây dựng lại những thiên tai đã,
đang và sẽ liên tục liên hoàn xảy ra mọi nơi mọi lúc.
Cuộc đời, sự sống, hành xử, đối đãi, tin yêu, tôn trọng, Đức Phật đã ban Thông Điệp diễm tuyệt muôn đời.
Xã hội, thế giới, nhân loại, nhân sinh, đạo đức, nhân bản, Đức Phật đã ban Thông Điệp tuyệt thế muôn năm.
Không
những Ngài chỉ ban Thông Điệp của Tình Thương, Sự Sống, mà Ngài còn ban
Thông Điệp hết khổ đau, sống an lành, giải quyết được Sinh, Già, Bịnh,
Chết, dung thông Tứ Thánh Lục Phàm, mở rộng Sáu Đường Ba Cõi, và phổ
nhiếp càn khôn vũ trụ vô lượng hằng hà sa số thế giới.
Thật
vinh hạnh cho những ai làm người con Đức Phật, ân đức cao dày mới được
làm đệ tử của Đức Từ Bi, căn duyên gốc rễ nhiều đời mới tựu thành Trưởng
tử Như Lai trên hành trình giác ngộ, cứu nhân độ thế, chuyển hóa quần
sanh, nhập lưu Thánh Chúng.
Hỡi
nhân loại và hỡi chúng sanh! Thân người dễ gì có được. Phật Pháp dễ gì
sẽ gặp. Đạo Pháp dễ gì mới nghe. Phật Đạo dễ gì mới thành.
Phật
Đản quý vị đã biết rồi. Đạo Phật quý vị đã nghe rồi. Chần chừ gì nữa.
Sang giàu và nghèo hèn ư! Quyền uy và bạo lực ư! Chiến tranh và thù hận
ư! Chủng tộc và màu da ư! Địa bàn và giới tuyến ư! Gia tài và sự nghiệp
ư! Tài sắc danh thực thùy ư!
Nghĩa địa đã chật mồ. Hồn ma luôn vất vưởng. Khói lạnh đống tro tàn. Sống và Chết không có lằn ranh. Nghìn thu và Thiên cổ đợi chờ. “Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nắm cỏ khâu ranh rì”, hoặc “Một
hũ cốt xương mờ dấu tích, Bóng hình ai nhòa nhạt phôi pha, Cuộc đời tựa
giọt sương sa, Nắng tan đâu mất la đà về đâu, Mau mau tỉnh ngộ qui đầu,
Phật Đà vô thượng nhiệm mầu đẹp thay”.
Dâng lên cúng dường, ngưỡng phục hồi quy, quay đầu bỉ ngạn, chính là Thông Điệp của Sự Sống và Thông Điệp Phật Đản muôn đời.
Hướng
về Phật Đản là hướng về sự thanh cao minh triết thường hằng. Từng thời
kỳ thời đại sẽ qua đi, từng chủ thuyết chủ nghĩa sẽ xếp theo trang lịch
sử, nhưng Thông Điệp của Tình Thương của Trí Tuệ của An Lành Giải Thoát
miên viễn mọi không thời bất di bất dịch, sẽ góp phần rất lớn, sẽ là nền
tảng vững chắc, và là chỉ hướng tuyệt siêu, không những cho Thiên Niên
Kỷ 3,000 mà còn vĩnh trụ thiên thu.
Viết cho Ngày Phật Đản 2635 - Phật lịch 2555,
Âm lịch Rằm Tháng Tư năm Tân Mão,
Dương lịch 17 tháng 5 năm 2011
TNT Mặc Giang