Sách
gồm nhiều câu chuyện nhân quả được sưu tập và trích ra từ kinh điển,
được trình bày sinh động và lôi cuốn.
Sách
không chỉ thích hợp cho những người yêu thích truyện cổ mà còn là tư
liệu giáo dục vô cùng quý giá dành cho thế hệ thanh thiếu niên, vì thông
qua những câu chuyện thú vị này sẽ xác lập cho các em một nề tảng phân
biệt vững chắc giữa thiện và ác, giữa điều tốt và cái xấu.
Nhân
quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của
tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng
không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lí, mà luôn
tuân theo định luật nhân quả.
Định luật này không do một đấng
thần linh nào, xã hội nào đặt ra cả, mà là luật tự nhiên, âm thầm, lặng
lẽ, nhưng luôn đúng đắn, chính xác, hiệu quả vô cùng.
Do đó,
không phải một cách ngẫu nhiên mà đức Từ phụ Thích-ca Mâu-ni lại dạy về
luật nhân quả trong hầu hết các kinh điển, và mỗi lời dạy của Ngài đều
hàm chứa vô số ý nghĩa, song cũng không ngoài mục làm cho tất cả chúng
sinh đều nhận ra được mối quan hệ giữa nhân duyên đời trước và quả báo
đời sau của mình. Bởi một khi đã nhận hiểu được mối quan hệ đó, thì dù
chúng ta làm việc gì, nói lời gì, cũng đều sẽ phải nghĩ đến kết quả tốt
hay xấu mà nó mang lại. Như vậy sẽ tuyệt đối không có sự làm liều, nói
ẩu, để rồi phải chịu hậu quả đau khổ trong hiện tại và tương lai.
Điều
này các bạn sẽ lần lượt thấy rõ qua những câu chuyện trong tập sách nhỏ
này. Ví dụ như qua câu chuyện mở đầu Tì-kheo ni Kim Sắc, hoặc quả báo
kinh người của những Cá voi lớn, Quỉ đói lõa thể, Quỉ đói hình cục thịt
tròn... Những câu chuyện này là tiếng đại hồng chung giữa đêm thanh
vắng, cảnh tỉnh lữ khách trên đường đời để họ biết quay về nẻo chính,
nương tựa Phật-đà, tu tập ba nghiệp thanh tịnh.
Mặt khác, những
câu chuyện về nhân quả do chính kim khẩu đức Như Lai nói ra đã phá tan
đi những tư tưởng sai lệch về nhân quả Phật giáo, trả lời thấu triệt cho
những câu hỏi, những vướng mắc đã, đang và sẽ xuất hiện trong tâm thức
của vô số những chúng sinh còn đang mê muội.
Chúng ta thường nghe
nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao có những người tốt, làm lành mà bị
bệnh khổ hành hạ, nghèo khổ, làm quần quật nhưng cơm không đủ ăn, áo
không đủ ấm, gian truân suốt đời... Trong khi đó nhiều người xấu ác mà
mỗi ngày đều được ăn sơn hào hải vị, hưởng thọ dục lạc đầy đủ, sự nghiệp
ngày càng phát triển, tiền vô như nước, thân thể khỏe mạnh... Hình như
luật nhân quả báo ứng không đến với những người này!” Do có những tư
tưởng sai lệch, mâu thuẫn như vậy, cho nên họ sinh ra nghi ngờ, không có
niềm tin, đôi khi lại hủy báng luật nhân quả.
Thật may mắn,
những câu chuyện này sẽ thay chúng ta giải thích hết sức tỉ mỉ và rõ
ràng; sẽ cho chúng ta thấy rằng tiến trình nhân quả có khi nhanh, khi
chậm, chứ không phải lúc nào cũng đồng thời, tức khắc. Có những nhân dẫn
đến quả ngay (hiện báo), song cũng có những nhân từ đời này, đến đời
sau mới hình thành quả (sinh báo), hoặc có những nhân đã tạo thành nhưng
phải qua nhiều đời sau mới nhận lãnh quả (hậu báo). Nhưng cho dù quả
báo đến sớm hay đến muộn, chúng ta đều không thể trốn tránh được. Người
xưa nói: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.”
(Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau là đến sớm hay đến
muộn mà thôi.)
Trong kinh Niết-bàn cũng có dạy: “Thiện ác chi
báo như ảnh tùy hình; tam thế nhân quả tuần hoàn bất thất.” (Quả báo
lành, dữ như bóng theo hình, nhân quả trong ba đời xoay vần không mất).
Đã
biết nhân quả theo nhau như bóng với hình, nên kể từ đây chúng ta hãy
phát tâm dũng mãnh làm mới lại mình, sám hối, ăn năn những sai lầm đã
phạm trước kia. Bên cạnh đó, hãy tận dụng mọi cơ hội có thể để tích đức
tu thiện, làm mọi việc lành và hồi hướng công đức về đạo Bồ-đề, về con
đường giải thoát. Được như vậy thì hiện nay được an vui, hạnh phúc, mà
tương lai còn được giải thoát khỏi sáu nẻo luân hồi.
TB (Sưu tầm)