Phật Học Online

Từ tết ông Táo sang chuyện giữ lửa
Huỳnh Văn

Táo quân, tức Vua Táo, được dân gian gọi nôm na là Ông Táo, vẫn là chủ thể trong một ngày Tết của người Việt.


Quả thật, suốt một năm Âm lịch, chúng ta có nhiều ngày Tết: nào là Tết Nguyên đán kéo dài 3 ngày kể từ ngày đầu năm mới, nào là Tết Đoan Ngọ nhằm ngày mồng Năm tháng Năm, nào là Tết Trung Thu dành cho thiếu nhi rơi vào ngày rằm tháng Tám… và còn có một ngày Tết nữa là Tết Táo quân, tục gọi là Tết Ông Táo nhằm ngày 23 tháng Chạp.

Ông Táo thường trú, hoặc nói theo kiểu xưa, là ngự, trên trang Táo của mỗi nhà.

Theo truyền thuyết, ông về trời mỗi năm một lần vào đêm 23 tháng Chạp. Khuya đêm đó, theo tục lệ, nhà nhà đều tổ chức Tết Táo quân, với đèn nến, cơm canh, hoa quả, vàng mả để cúng kính, tiễn đưa ông Táo về trời.

Chuyện dân gian kể thật khôi hài, rằng ông Táo mặc áo mà không mặc quần, cưỡi cá chép rẽ mây đi lên trời. Cho nên trong bộ vàng mã để cúng không thể thiếu ba bộ áo và con cá chép. Tại sao lại ba bộ áo? Lại cũng theo tương truyền, gia đình nhà Táo có tới ba vợ chồng, mà lại một bà hai ông, trái ngược với thế gian, khiến người ta không hiểu nổi!

Ông Táo đi lên trời để làm việc gì?

Cũng cứ theo truyền thuyết, ông Táo về trời để dự họp Thiên Đình, báo cáo việc lành dữ của thế gian sau một năm cho nhà trời nghe. Dưới trần gian, nhà nào làm nhiều việc thiện thì được trời khen và ban phúc cho, nhà nào phạm điều ác thì bị trời quở và giáng họa. Việc họp này kéo dài đúng một tuần, từ 23 đến 30 tháng chạp, cho nên hẳn là quan trọng lắm.

Theo tục lệ dân gian thì việc cúng ông Táo không chỉ mỗi năm một lần vào ngày Tết Táo quân 23 tháng Chạp mà thôi. Gần nhất là vào ngày cuối năm, 30 tháng Chạp, khi cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu, mọi gia đình cũng lại cúng rước ông Táo trở về nhà; ngoài ra, nhân các ngày giỗ kỵ gia tiên, những ngày sóc ngày vọng hàng tháng, nhiều gia đình cũng thắp hương trước trang thờ Ông Táo…

Chẳng biết có ai nghĩ rằng việc cúng kính đó là một hình thức chủ nhà hối lộ cho ông Táo, vị Thần giám sát công việc của nhà mình, hay không?

Kể ra thì ngoài việc giám sát, ông Táo còn giúp việc giữ lửa nữa. Tại sao lửa phải được giữ ở trong nhà?

Ai cũng biết lửa cần cho cuộc sống của chúng ta. Hồi nguyên thủy, tìm ra lửa là một phát kiến vĩ đại của con người, để nhờ đó con người từ ăn sống, uống sống chuyển sang ăn chín, uống chín…

Nhưng đã có lửa rồi mà với hoàn cảnh hồi xưa, việc giữ cho luôn luôn có lửa cũng không phải là chuyện dễ; chớ đâu như bây giờ, người ta đánh cái que diêm, bật cái quẹt ga hay lò ga là có được ngọn lửa.

Bởi khó như thế, cho nên khi đã có lửa rồi thì phải lo mà giữ, mà duy trì cho lửa không tắt. Bà nội trợ làm bếp xong, vùi cái than hồng hay ủ lớp trấu hồng dưới lớp tro bếp để dành lửa cho bữa nấu ăn sau.

Nhà có lửa là nhà ấm cúng, bếp có lửa là bếp ở nhà có của để ăn; trái lại nhà ai lạnh bếp là nhà thiếu đói. Những người tốt bụng vẫn cầu mong điều tốt lành cho nhau, cho nên lòng họ sướng vui, mắt họ thấy vẻ nên thơ, vẻ đẹp nơi sợi khói lam chiều tỏa lên từ những mái tranh.

Thuở lên chín lên mười của tôi, mỗi khi cha mẹ đi vắng nhà, đi làm đồng, tôi vẫn ở nhà giữ nhà, trông đàn em nhỏ. Đến giờ nấu cơm, vo gạo xong, bắc nồi cơm lên bếp, tôi bới lớp tro ủ lửa để nhen bếp.

Hôm nào tro lạnh, lửa không còn, thế là tôi phải bế thằng em nhỏ nhất, chạy sang hàng xóm nhà bác Tần để xin lửa. Tôi đặt cái than hồng vào lòng cái gói rơm giống như một cái tổ chim, cầm nó trên tay ù té chạy về nhà để thổi bùng lên thành một bếp lửa.

Lửa ban đầu có giá trị thực dụng, cho ta bếp lửa để nấu ăn, ngọn đèn dầu lạc đêm đêm chong sáng trong ngôi nhà, chậu lửa hồng nổ tí tách sưởi ấm ta ngày đông tháng giá…

Nhưng về sau, lửa còn có thêm một ý nghĩa tâm linh. Ngày nay, ta có lắm kiểu thùng quẹt để cho ta ngọn lửa khi cần, vậy mà ta vẫn “giữ lửa” như giữ một báu vật linh thiêng.

Ta có ngôi nhà mới, hôm đưa cả gia đình về ngôi nhà mới ở, ta chong ngọn đèn dầu hôi trên trang Táo đủ ba ngày ba đêm, vợ ta ủ một lò than hồng (cũng phải đủ ba ngày ba đêm) đặt nơi nhà bếp, cạnh cái lò ga hễ bật lên một cái là có ngọn lửa màu xanh cháy rực.

Ta làm cho có lửa, cố công giữ lửa, nhưng ngọn lửa có được duy trì hay không, việc đó ta còn cần đến oai thần và sự phù hộ của ông Táo, vua Bếp, của “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân định quốc, hộ trạch đại thiên tôn” (địa vị của ông Táo, được nhắc trong lời khấn của chủ nhà mỗi khi cúng ông Táo).

Chao ôi, người ta sợ mất ngọn lửa hồng trong bếp, nhưng cớ sao chẳng mấy ai sợ mình mất ngọn lửa trong trái tim? Vì mất lửa trong trái tim, cho nên trái tim ta lạnh giá, ta sống lạnh lùng, vô cảm với người chung quanh, với cộng đồng xã hội; ta đành lòng làm một công chức chây lười, ngại khó, giỏi gian dối và ưa uốn lưỡi nịnh hót rất đáng trách.

Vì mất lửa nhiệt tình cho nên người có chức có quyền mới sinh ra thói quan lieu, bệnh thành tích, mất dân chủ, gây bao điều mất lòng dân, chọn cho mình cuộc sống vinh thân phì gia bằng tiền của tham nhũng.

Một cái Tết Nguyên đán nữa sắp đến rồi, và chúng ta cũng sẽ có một cái Tết Ông Táo đến trước đó đúng một tuần. Nói Tết là nói đến nghỉ ngơi và ăn chơi theo nghĩa “ăn Tết”. Nhưng đó là cảnh Tết của những người có cuộc sống phong lưu trở lên.

Còn đối với những người nghèo khổ, bất hạnh, nạn nhân thiên tai lũ lụt miền Trung kia thì sao? – Họ sẽ cầu cho có “đỏ lửa ba ngày Tết”. Nhưng lời cầu đó có “thiêng” hay không, có trở thành hiện thực hay không thì không phải tùy thuộc ở Ông Táo, ở Táo phủ thần quân định quốc hộ trạch nữa, mà ở tấm lòng của tất cả chúng ta, của “Người trong một nước phải thương nhau cùng” mà dành sự cứu giúp thơm thảo cho họ.

Và cũng mong sao từ mùa xuân này, những “công bộc” của dân, ai cũng có lửa nhiệt tình để lo cho dân, cho nước; khiến cô hàng xóm lỡ duyên, lỡ phận của tôi không còn than câu: “Đời em đã tắt lửa lòng từ lâu” trước những chàng trai có cảm tình với nàng.

Đánh máy: Nguyễn Thanh Phong

Theo: Văn hóa Phật giáo tết Tân Mão


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage