Trong một bài trước tôi đã trình bày cái hiểu của mình về chữ
"KHÔNG" trong câu "Sắc tức thị không" trong kinh Phật. Xin
được tóm tắt như sau:
Đức Phật thuyết pháp trong 49 năm, kinh để lại ngàn bộ cũng không ngoài mục
đích chỉ cho người ta thấu hiểu về cái "Lý chơn không". Từ cái
"KHÔNG" mà sinh ra không biết bao nhiêu là cái "CÓ" rồi
những cái "CÓ" đó lại làm cho người ta mù mờ về cái "KHÔNG".
Chính vì lẽ đó mà con người ta càng ngày càng xa ĐẠO!
ĐẠO trong trời đất vốn là một "Thể tánh chơn không" nhưng ĐẠO sinh
ra muôn loài và mặc dù sinh ra muôn loài nhưng đối với ĐẠO tất cả đều là
KHÔNG!! Vì sao?
Vì ĐẠO là chơn không, mà đã là chơn không thì làm sao sinh ra cái
"CÓ"?
Tuy biết rằng ĐẠO thì không lời nhưng nếu không mượn lời để nói về ĐẠO thì
trong thế gian này làm gì có Đạo và người thế gian sẽ mãi mãi ngụp lặn trong
biển khổ mênh mông!
Tôi nghĩ, nếu ĐẠO mà biết nói có lẽ sẽ nói như vầy:
-" Ta là "KHÔNG" thì làm sao ta sinh ra cái
"CÓ"? có là do các ngươi mà có.
"Các ngươi muốn tìm ta ư? Hãy tìm cho ra "THẬT
TƯỚNG" của những cái "CÓ" đó thì " sẽ thấy ta."
Chưa hết, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cũng trao truyền cho đời một chữ
"KHÔNG"!
Muốn tu, muốn đạt được Đạo thì phải hiểu ý nghĩa của chữ "KHÔNG"
của Phật Tổ.
Muốn diệt khổ ách ưu phiền của trần gian thì phải thấu hiểu cách "ứng
dụng" cái lý chơn không của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát qua bộ Bát Nhã Tâm
kinh.
Căn cứ vào các kinh sách mà tôi đã đọc thì Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
(tinh yếu) chỉ gồm trong 262 chữ, vì chỉ là một bài kinh ngắn nên tôi xin ghi
lại đây nguyên văn bản dịch của Thầy Tuệ Sĩ như sau:
"Khi Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành Bát Nhã Ba La Mật sâu xa, soi thấy
rằng, có năm uẩn; "và thấy năm uẩn đó không có tự tánh trong chúng.
"Này Xá Lợi Phất, sắc ở đây là không, không là sắc; sắc không khác
không, không không "khác sắc; Sắc tức thị là không, không tức thị là sắc.
Thọ, tưởng hành và thức cũng vậy.
"Này Xá Lợi Phất, hết thảy các pháp ở đây được biểu thị là không: Chúng
không sinh, "không diệt; không cấu nhiểm, không không cấu nhiểm; không
tăng không giảm.
"Vì vậy này Xá Lợi Phất, trong không không có sắc, không có thọ, tưởng,
hành, thức; không "có mắt, tai, mũi, lưởi, thân, ý; không có sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn "giới, cho đến không có ý thức giới;
không có minh, không có vô minh, không có minh diệt, "không có vô minh
diệt, cho đến không có tuổi già và sự chết; không có sự diệt tận của tuổi
"già và sự chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí, không có đắc
và không cóchứng; "bởi vì không có đắc.
"Trong tâm của Bồ Tát an trụ trên Bát Nhã Ba La Mật không có những
chướng ngại; và bởi "vì "không có chướng ngại trong tâm đó, nên không
sợ hãi, và vượt ngoài những tà kiến điên "đảo đạt đến Niết Bàn. Hết thảy
chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, do y trên Bát "Nhã Ba La Mật
mà chứng đắc giác ngộ viên mãn tối thượng.
"Vì vậy, nên biết Bát Nhã Ba La Mật là đại thần chú, là chú của đại
minh huệ là thần chú "cao tuyệt, thần chú vô giá, có thể trừ diệt hết mọi
khổ đau; đó là chân lý vì không sai lầm; "đây là thần chú được công bố
trong kinh Bát Nhã Ba La Mật: gate, gate, paragate, "parasamgate, bodhi,
svahà!". (Này Bodhi, đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên
"kia svahà! )"
Thế nhưng khi chúng ta đi chùa đọc kinh, trong mọi thời khóa đều thường có
đọc câu:
"Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ
uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách".
Mà tôi nghĩ rằng ý nghĩa của câu này là ý rốt ráo của bài kinh 262 chữ nêu
trên (nếu không kể câu thần chú "gate, gate"......)
Theo đó thì tất cả mọi sự vui, buồn, sướng, khổ trên thế gian này sở dĩ mà
có, có vui, có buồn, có sướng, có khổ, có sinh, có tử... ngay cả vạn hữu (kể cả
con người) mà có cũng do Ngũ Uẩn! Một khi đã thấy biết Ngũ Uẩn là không thì
những vui buồn sướng khổ đó sẽ không còn...
Thật vậy, do có nhận thức (hay là Thức) cho nên khi mình nhìn một hình tướng
mình biết đó là một con người hay con vật, cũng do nhận thức cho nên khi mình
nghe một âm thanh mình biết đó là tiếng trống hay tiếng kèn. Cũng vậy, vì có
nhận thức cho nên khi mình tưởng tới một hình bóng mình biết cái hình bóng mà
mình đang tưởng tới đó là một Ông Phật hay là một ảnh tượng nào khác. Nói một
cách rõ ràng hơn: Do có nhận thức mà mình phân biệt được thế giới chung quanh
và nhận biết rõ ràng về những ý niệm như vui buồn sướng khổ hay thiện ác.....
Như vậy nếu không có nhận thức thì sẽ không có con người, không có âm thanh
cũng không có ông Phật! Tức là nếu không có nhận thức thì sẽ không có tất cả mà
nhận thức (hay Thức) lại là sản phẩm của cái Tâm con người. Có phải chăng chính
vì vậy nên Phật nói "Vạn pháp do tâm"? Cái Tâm con người sinh ra
"Thức" bằng một phương trình bất di bất dịch là Ngũ Uẩn: Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức??.
Có thể nói cách khác, khi một "hình tướng" (Sắc) xuất hiện trước
mắt, do "nhận thức" mà ta biết được hình tướng đó là gì.
Khoảng thời gian từ khi "hình tướng" (Sắc) đó xuất hiện cho tới
khi một "nhận thức" (Thức) phát sanh thì nhanh không thể tưởng tượng
được. Nhưng dù nhanh thế nào đi nữa thì cái Tâm con người cũng phải trải qua
năm giai đoạn hoạt động mới có một "nhận thức" (Thức) phát sanh. Năm
giai đoạn đó gọi là Ngũ Uẩn:
Giai đoạn I: Hình tướng xuất hiện (Sắc)
Giai đoạn II: Cái Tâm nhận (Thọ), tại thời điểm này cái Tâm nhận nhưng chưa
có một nhận thức nào phát sanh.
Giai đoạn III: Suy tưởng (Tưởng)
Giai đoạn IV: Nhận định (Hành)
Giai đoạn V : Nhận thức phát sinh (Thức), bây giờ mới biết hình tướng đó là
gì.
THÍ Dụ: Một "con trâu" xuất hiện trước mắt ta nhưng ngay giây phút
đầu tiên đó ta không biết đó là con gì cho đến khi cái Tâm khởi ra một
"thức" và cho biết đó là một "con trâu" tức là do
"nhận thức" mà ta có một khái niệm: Đó là một con trâu.
(Mà sở dĩ nhận thức (Thức) đó có được cũng là do kết quả của một sự suy
nghĩ, tức là trong tâm đã trải qua một chuổi hoạt động qua năm giai đoạn như đã
nói trên.)
Trường hợp của con người cũng vậy, cho nên nói "con người' có là do Ngũ
Uẩn. Vậy thì khi thấy trong kinh nói "thân ngũ uẩn" tức là ta phải
hiểu rằng vì có Ngũ Uẩn nên mới có cái "thân" này. Nếu Ngũ Uẩn là
"KHÔNG" thì lấy cái chi mà sanh ra nhận thức (Thức) để phân biệt cái
thân này với muôn loài ? Chớ theo thiển ý, không phải con người do năm uẩn
"kết hợp" lại mà thành.
Nhà Bác học muốn chế ra một hợp chất mới thì phải có những đơn chất cấu
thành và phải theo một "tiến trình" nhứt định, anh thợ nề muốn trộn
hồ thì phải có xi măng, có cát, có vôi, có nước và cũng phải theo một trình tự
nhứt định thì mới có hồ để xử dụng......
Cái Tâm con người ta đã "tạo" ra muôn loài vạn vật (nói chung là
"Vạn Pháp") bằng một "tiến trình" bất di bất dịch là Ngũ
Uẩn ?
Bởi vậy, nếu tôi hiểu không sai thì qua Bát Nhã Tâm Kinh, Phật muốn nói rằng
nếu cái Tâm mà xa lìa được Ngũ Uẩn, thấy được Ngũ Uẩn là không có, không thật,
tức là không có một "tiến trình" nào để cho cái Tâm theo, thì vạn sự,
vạn vật đều không "hiện hữu"! Hay nói khác đi, khi thấy biết Ngũ Uẩn
là "không" rồi thì sẽ không có sinh, không có lão, không có bịnh,
không có chết, dĩ nhiên vui buồn sướng khổ cũng không có, vì đã không có sinh
thì cái gì buồn, cái gì khổ? Hay nói xa hơn, Chư vị Phật mà có, có
"Ông" Phật này, có "Ông" Phật kia cũng do Ngũ Uẩn!
Sau đây tôi xin được trình bày rõ thêm cái hiểu của mình về "Ngũ
Uẩn" như sau:
Trong chúng ta ai cũng biết Ngũ Uẩn là: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức.
Sắc là sắc tướng mà "sắc tướng" thì không thật, không có tự tánh
nên không tồn tại, hay nói khác đi, sắc tướng sở dĩ mà có là do duyên hợp, hết
duyên rồi thì cũng hoàn không. Tôi nhớ, tôi có đọc được một bài thuyết pháp của
Thầy Nhất Hạnh, theo đó Thầy phân tách vạn vật theo lý duyên sanh mà đại ý là
vạn vật vốn là không nhưng vì duyên hợp nên tạm có. Như một cái nhà, trước khi
cái nhà được xây cất lên dĩ nhiên là cái nhà không có nhưng vì duyên hợp bởi
cây, gổ, thợ rừng, thợ mộc, thợ nề...v....v... cho nên cái nhà mới thành hình,
mới có. Nghĩa là cái nhà không tự nó có hay nói khác đi, nó không có "tự
tánh" nên nói nó là không. Rồi sau đó tôi có đọc được một quyển sách nói
về chữ không căn cứ theo "luật vô thường", theo đó vạn vật trong trời
đất đều luôn luôn thay đổi, có đó rồi mất đó mà không có một vật nào tồn tại
vĩnh viễn nên nói vạn vật là không. Như vậy, một bên thì cho rằng vạn vật là
không vì không có "tự tánh", còn một bên thì cho là không vì sẽ không
"tồn tại". Khi đọc được những bài giảng đó, thú thật, tôi hiểu thì
hiểu vậy nhưng tôi cũng có thắc mắc và tự hỏi rằng:
- Vâng, bây giờ nghe vậy, hiểu vậy, tôi hiểu rằng mọi vật trên đời sở dĩ có
là do chữ duyên, không phải tự nó có hay nói khác đi, như trong sách đã nói là
nó không có tự tánh nên nói nó là không. Kể cả thân xác tôi đây, tôi cũng đồng
ý rằng tuy là có nhưng không thực, rồi một ngày nào đó nó sẽ tiêu đi, hoại đi.
Thế nhưng có một điều là khi đã biết vậy rồi tôi phải làm sao nữa để
được.....chứng ngộ? Để được thoát khỏi luân hồi? Đó là nỗi ước mơ duy nhứt của
những người đã phát tâm tu Phật.
Tôi tự đặt câu hỏi như vậy rồi tôi lại bí! Không tự trả lời được! Mặc dù tôi
cũng hiểu rằng phải nghĩ tưởng như vậy để thấy thân xác này là không, là tạm,
thì mới bớt đi cái việc chạy đôn chạy đáo để lo cho cái thân tạm bợ này nhưng
tiếp theo đó tôi phải làm gì nữa để được giải thoát? Để thoát ra ngoài vòng
luân hồi? Đó mới là vấn đề chính yếu. Bởi vì mục đích tối hậu của tu Phật là để
giải thoát: Giải thóat khỏi khổ đau trong hiện tại và giải thóat khỏi vòng luân
hồi trong mai hậu.
Những câu hỏi đó, tôi nghĩ rằng tôi không thể nào tự tìm cho mình được những
giải đáp thích đáng nhưng không ngờ trên bước đường tìm hiểu về giáo lý của Đức
Phật, khi đọc qua Bát Nhã Tâm Kinh tôi mới chợt nhận ra rằng tôi đã đặt ra
những câu hỏi đó quá sớm! Bởi vì sau khi đã thấy được, hiểu được như vậy, tức
là hiểu được rằng "hiện tướng" của vạn vật chỉ là tạm, mà "thật
tướng" của vạn vật mới là trường tồn miên viễn.
"Cái trường tồn miên viễn" đó là cái khối chân không, cái rỗng
được tàng chứa ở bên trong mọi vật thể mà trong nhà Phật gọi là "Phật
tánh"?? và sau khi đã nhận diện được cái "thật tướng" đó rồi thì
còn phải đem cái hiểu, cái thấy đó áp dụng vào công việc tu tập thì mới mong
tìm được con đường đi đến chứng ngộ. (Ở đây tôi mới chỉ dám nói là tìm được con
đường mà thôi chớ chưa dám nói đến việc chứng ngộ).
Áp dụng bằng cách nào?
Tôi nghĩ rằng không có cách nào khác hơn là cách của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát,
đó cũng là cách mà tất cả chư Phật đều phải dùng, đều phải trải qua để đi đến
quả vị toàn giác. Phương cách đó đã được gói ghém trong bộ "Tâm kinh Bát
Nhã" mà ý rốt ráo của toàn bộ kinh đã được cô đọng trong câu:
"Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ
uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. "
Tôi xin được lập lại, Ngũ Uẩn là: Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức.
Chữ "Sắc", ta nên hiểu là tượng trưng cho "một trần" của
"lục trần". Nghĩa là chữ "Sắc" ở đây có thể là một khối vật
chất, cũng có thể là một âm thanh (thanh sắc hay thanh trần), một mùi (hương
sắc hay hương trần), một vị, hoặc cũng có thể là một cảm xúc hay một khái
niệm...v...v..
Tới đây thì ta đã thấy rằng "lục trần" là căn nguyên của "lục
thức", nếu không có "lục trần" thì làm gì có "lục
thức"?
Tức là khi đã quán tưởng được "lục trần" là "KHÔNG" rồi
thì dù "lục căn" có tiếp xúc với "lục trần" thì "lục
căn" vẫn yên tịnh mà "lục căn" yên tịnh thì sẽ không có một
"THC" nào được khơi dậy trong Tâm. Mà vì "lục thức" lại là
những thành tố của "vô minh" và nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì
chừng nào "vô minh" bị diệt tận thì mới mong đạt được Đạo. Còn
"lục căn", đã đành rằng ta cũng phải biết là khi ta đã quán tưởng
"sắc thân" này là không rồi thì "lục căn" cũng là không
nhưng nếu giả sử bây giờ ta quán tưởng cái tai mình là không hay là quán tưởng
cái mũi, cái mắt mình là không thì khó khăn hơn là quán tưởng một vật gì đó là
không! (đó là thực tế!)
Trong Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử có một đoạn nói về sự liên quan giữa
"lục trần" và "lục căn" mà tôi nghĩ rằng ý nghĩa của đoạn
văn này đã diễn giải đầy đủ sự liên hệ giữa Ngũ Uẩn và cái Tâm của con người:
"....tai, mắt, mũi, miệng là những cơ quan của con người để giao tiếp
với ngoại giới như hình tướng, màu sắc, âm thanh, mùi vị, còn "ý" là
để nhận biết về những khái niệm, tư tưởng rung động vì những khái niệm vui buồn
giận ghét.....
Muốn thấy được cái ĐẠO thì phải bịt mắt lại trước sự lôi cuốn hấp dẫn của
màu sắc, bịt tai lại để không nghe những lời ngọt dịu hay chê bay...v..v.., kềm
chặc cái ý laị không cho buông lung chạy theo những rung động của các khái niệm
về vui buồn, thương ghét.
Tức là tận lực dùng ý chí gạt ra ngoài (vượt lên trên) những khái niệm về
ngoại giới (màu sắc, âm thanh, mùi vị....) và loại bỏ (vượt ra ngoài) những
khái niệm về nội tại (vui buồn giận ghét) mà hãy xoay ngược ngũ quan (nhìn)*
vào bên trong, nghe từ bên trong.....thì mới thấy được, "hiểu" được.
Bởi vì màu sắc, âm thanh, mùi vị, ý niệm được "sanh" ra rồi có lúc
phải bị hủy diệt để thay bằng âm thanh, màu sắc khác nhưng "cái" đã
sanh ra màu sắc âm thanh kể cả ý niệm thì không thay đổi và cũng đều từ một gốc
mà ra, tức là từ chỗ không mà ra, tạm gọi là không vì nếu thực sự là không thì
đã có rồi, vì sao? Vì có có nên mới có không hay nói khác đi có do không mà ra
và không vì có mà có, tức là có và không nương nhau mà tồn tại, hiện hữu, nếu
một trong hai cái đó (khái niệm) mất đi thì cái kia không còn"
* (Tôi xin mạng phép đóng ngoặc chữ "nhìn" vì tôi nghĩ rằng chữ
"nhìn" ở đây có nghĩa là hướng cái tâm tưởng vào bên trong chớ không
phải "nhìn" với nghĩa đen.)
Từ đó ta thấy rằng hiện tướng và màu sắc của vạn vật thì thay đổi, lúc còn
lúc mất nhưng cái "tánh thấy" (seeing nature) thì không mất (hằng
có). Âm thanh cũng vậy, âm thanh vang lên làm rung động cái "tánh
nghe" rồi mất, rồi âm thanh khác tiếp theo vang lên rồi cũng mất, nhưng
cái "tánh nghe" (hearing nature) thì không mất (hằng có).
Có thể lấy một cái máy thu thanh (Radio receiver) làm thí dụ được không?:
Một cái máy thu thanh được vặn lên, hễ có âm thanh phát ra thì nó nhận, nhưng
nếu không có âm thanh nào được phát ra thì cái sự nhận, cái khả năng nhận của
nó có mất đi không? Không mất. Cả sáu cơ quan của con người nhãn, nhĩ, tĩ,
thiệt, thân và ý đều như vậy.
"Tánh nghe" không mất, "tánh thấy" không mất nên nói
"nó" cùng một thể với cái Tâm, cùng một thể với Hư vô mà người ta gọi
"nó" là "Phật tánh" hay Tánh. Hay nói khác đi, cái Tánh là
ứng dụng của cái Tâm vào các cơ quan của con người để tiếp xúc với ngoại giới.
Chưa hết, ta hãy nghe Lục Tổ Huệ Năng nói về tác động của trần cảnh (lục trần)
vào cái Tánh: (Đại ý)
"Mỗi người có một cái Tánh (cũng là Tâm, là "Phật tánh")
trống trải, vắng lặng nhưng khi "lục căn" tiếp xúc với "lục
trần" thì Tánh đã biến thành Thức (nhận thức). Thức đó theo sáu "cửa
mà tuôn ra ngoài, tuy tuôn ra ngoài mà vẫn còn chứa đầy trong cái Tánh do đó mà
"cái Tánh bị vẫn đục, không còn trống vắng nữa, cũng ví như rót nước vô
bình, nước tràn "ra ngoài nhưng nếu đã tràn được ra ngoài thì cái bình đã
đầy (vì có đầy nên mới tràn) tức "là cái bình bây giờ không còn là bình
rỗng nữa mà là bình đầy nước."
Qua những lời dạy quý báu trên, ta đã thấy rằng Ngũ Uẩn có mối liên quan
sống chết với "lục trần" và "lục căn". Vì sao?
Vì khi đã biết lục trần (Sắc) là không rồi thì không nhận (Thọ), không suy
tưởng tới những cái tương tự khác (Tưởng), không suy nghĩ, không nhận định,
không đánh giá (Hành) thì sẽ không có một nhận thức (Thức) nào được khơi dậy
trong Tâm. Chính vì lẽ đó mà tôi muốn nói ngay rằng Ngũ Uẩn
(Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức) là một "Tiến trình hoạt động của nội tại"
Hoặc cũng có thể nói cách khác: Đó là một "Tiến trình sinh ra
thức" và cái tiến trình đó được tiến hành bên trong cái Tâm của mỗi người.
Thí dụ:
"Nhãn căn" tiếp xúc với "nhãn trần":
Mảnh giấy trên bàn là Sắc,
Mắt vừa thấy mảnh giấy là Thọ,
Nghĩ tưởng tới những mảnh giấy khác tương tự là Tưởng,
So sánh, phân biệt, định giá là Hành,
Sau đó một nhận thức (Thức) về mảnh giấy đó sẽ được khơi dậy trong Tâm để
cho ta biết mảnh giấy đó là một mảnh giấy trắng (?), một mảnh giấy báo(?) hay
là một tờ giấy bạc? (Ở đây ta hãy thí dụ rằng tờ giấy đó là tờ giấy bạc 10
đồng.)
Khi một tờ giấy (Sắc) được nhìn thấy (Thọ) trên bàn thì trong "tâm tưởng"
tôi liền tưởng tượng ra không biết bao nhiêu là những mảnh giấy tương tự khác
(Tưởng) mà tôi đã thấy trước đây (mà hình ảnh chúng còn lưu lại trong Tâm tôi)
và so sánh (Hành) những tờ giấy đó với tờ giấy đang nằm trên bàn trước mặt tôi
và nhận thấy rằng (nhận Thức) tờ giấy này không phải là tờ giấy báo, không phải
là cái biên nhận, không phải là tờ giấy trắng...v...v... mà là một tờ giấy bạc.
Vì trong Tâm tôi có chứa rất nhiều hình ảnh của nhiều thứ giấy và trong số đó
có hình ảnh của những tờ giấy bạc nên tôi mới phân biệt được và xác định được
đó là tờ giấy bạc chớ còn nếu trước đây tôi chưa từng thấy qua những tờ giấy
bạc thì tôi sẽ không biết đó là tờ giấy bạc. Sự xác định tờ giấy đó là tờ giấy
bạc được coi là một nhận thức về tờ giấy (Thức) tức là Thức đầu tiên được sinh
ra từ khi mắt tôi va chạm với mảnh giấy trên bàn.
Khi đã biết đó là "tờ giấy bạc" thì "tờ giấy bạc" lại
trở thành một "Sắc" đối với Ý căn, là đối tượng mà Ý căn vừa nhận
được (Thọ), rồi tôi lại tưởng tượng (Tưởng) tới nhiều tờ giấy bạc mà tôi đã
thấy biết từ trước (mà hình ảnh còn lưu lại trong Tâm tôi) nào là hình ảnh của
những tờ giấy bạc 5 đồng, những tờ giấy bạc 10 đồng, những tờ giấy bạc
20....v...v... Sau khi so sánh tất cả những hình ảnh đó và hình ảnh tờ giấy bạc
trước mắt (Hành) tôi xác định được đó là tờ giấy bạc 10 đồng, tức là tôi đã có
một nhận thức (Thức thứ hai): Đó là nhận thức về "giá trị" của tờ
giấy bạc.
Chưa hết, khi biết "giá trị" của tờ giấy bạc (10 đồng) thì cái
"giá trị" đó lại trở thành một đối tượng khác (Sắc) cũng của Ý căn, Ý
căn vừa nhận biết cái giá trị đó (Thọ) thì lập tức tôi lại tưởng tượng (Tưởng)
đến nhiều món hàng mà tôi có thể mua được với giá 10 đồng.
So sánh (Hành) những món hàng đó với nhau thì tôi nhận thấy rằng (Thức thứ
ba) với 10 đồng mà tôi mua được một cái áo sơ mi thì là phải chăng nhứt!
Rồi thì hình ảnh những cái áo sơ mi lại kéo tới trong Tâm tôi, hình ảnh
những cái sơ mi lại trở thành một Sắc đối với Ý căn rồi tôi lại tưởng tượng so
sánh tất cả những cái sơ mi mà tôi đã thấy qua: Nên dài tay hay ngắn tay (Thức
thứ tư), màu xanh hay màu vàng (Thức thứ năm)....
Khi chọn được màu rồi thì nghĩ tưởng tới các loại hàng, loại hàng nào đẹp
(Thức thứ sáu), đã chọn được hàng đẹp rồi thì lại tưởng tượng so sánh coi hàng
nào bền (Thức thứ bảy)! Cũng chưa hết, tới đây rồi lại nghĩ tới những thứ khác
như: Nếu mua cái áo này thì nên cái cà vạt ra sao cho hợp...... vân...... vân
và vân..... vân..... và rồi Thức thứ tám, Thức thứ chín....... Thức thứ một
trăm, Thức thứ một ngàn, hai ngàn..... mà hễ có một thức sanh ra thì cái Tâm
liền lưu giữ lại!.....
Cứ thế mà dây chuyền năm khâu này vừa chấm dứt thì lập tức một dây chuyền
năm khâu khác lại tiếp diễn theo ngay sau đó cho đến bất tận..... để cho ra
không biết cơ mang nào là Thức và như Lục Tổ Huệ Năng nói: "Thức đó theo
sáu cửa mà tuôn ra ngoài, tuy là tuôn ra ngoài mà vẫn còn chứa đầy trong cái
Tánh...." tức là cái Tâm đã thâu liễm và tàng trử những sản phẩm của chính
"nó".(Đó là chưa nói đến những tác hại cụ thể của những thức đó,
những thức đó chính là căn nguyên của "tam độc": Si-Tham-Sân! Tôi xin
hoán chuyển thứ tự của ba chữ này theo ý mình vì tôi nghĩ có si mê rồi thì mới
có cầu mong thủ đắc, không thủ đắc được nên mới nổi giận???)
Tới đây tôi xin được đưa ra một sự so sánh cho dễ hiểu:
Ta hãy tưởng tượng cái Tâm hoạt động theo năm "khâu" để sanh ra
Thức cũng giống như một "nhà máy làm kem" sản xuất kem qua năm khâu:
Khâu I: Lường sửa;
Khâu II: Pha đường ;
Khâu III: Làm lạnh ;
Khâu IV: Vô hộp ;
Khâu V: Dán nhãn và thành phẩm.
Thế nhưng có một điều khác biệt là sản phẩm của "nhà máy kem" thì
quanh năm suốt tháng chỉ sản xuất ra kem. Còn "nhà máy làm Thức"
(Tâm) thì sản phẩm làm ra luôn luôn thay đổi, tuy gọi chung là Thức nhưng những
Thức được tạo ra mỗi lần mỗi khác! Đặc biệt hơn nữa ở "nhà máy làm
Thức" mỗi sản phẩm được làm ra (Thức) lại trở thành "nguyên
liệu" cho lần sản xuất tiếp theo!
Xin trở lại thí dụ trên ta sẽ thấy: Chỉ có một tờ giấy bạc trên bàn mà trong
Tâm phát sinh ra không biết bao nhiêu là Thức, khi một Thức đã được sanh ra thì
lại trở thành một Sắc rồi từ Sắc này sinh ra một Thức mới, rồi Thức mới lại trở
thành một Sắc khác rồi lại sinh ra một Thức khác nữa......
Nếu sự suy nghĩ của tôi mà đúng, nghĩa là Ngũ Uẩn chỉ là một "Tiến
trình hoạt động của nội tại" gồm năm khâu: Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức thì
chúng ta sẽ thấy ngay rằng muốn diệt trừ Ngũ Uẩn, muốn làm gián đoạn cái tiến
trình đó để ngăn chận không cho một Thức nào được khơi dậy trong Tâm thì thật
là đơn giản (nhưng thực hành được hay không lại là một vấn đề khác!) bằng cách
chỉ cần triệt tiêu "một" trong năm khâu đó?
Như đã nói ở trên, muốn tìm được con đường đi đến chứng ngộ thì phải làm sao
diệt trừ cho được Ngũ Uẩn, vì có diệt được Ngũ Uẩn thì những cái Thức mới không
phát sinh mà một khi không có một Thức nào phát sinh trong Tâm thì cái Tâm mới
được rỗng rang, mà cái Tâm rỗng rang vắng lặng là điều kiện tối hậu để đạt được
chứng ngộ! Nghĩa là muốn đi đến chứng ngộ thì phải diệt trừ Ngũ Uẩn (biết Ngũ
Uẩn là không thật) chỉ ngắn gọn có vậy!
Việc diệt trừ Ngũ Uẩn là việc phải làm không riêng gì cho chúng ta mà tất cả
chư Phật đều đã phải làm, bởi vậy có sách mới nói Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa là
"mẹ" của chư Phật?
Thế nhưng một vấn nạn lại được đưa ra, đó là làm cách nào để gián đoạn được
cái tiến trình đó? Trong năm khâu thì khâu nào dễ cho chúng ta triệt tiêu nhứt?
Chúng ta hãy thử phân tách và cứu xét từng khâu một:
KHÂU I: "SẮC"
Chữ Sắc này cũng là chữ Sắc trong câu "sắc tức thị không" mà chúng
ta đã tìm hiểu khá nhiều, nhưng ở đây là chỗ cho ta ứng dụng sự hiểu biết đó và
sự ứng dụng này cũng là lời giải đáp cho câu hỏi đã nêu trên. (Đó là câu: Đã
hiểu, đã biết, đã đồng ý "Sắc là không" rồi phải làm sao nữa để được
giải thoát? Hay ít ra là vượt qua được những khổ ải của trần lao?).
Vì chữ Sắc cũng là tên gọi chung cho "lục trần" tức là chỉ chung
cho sáu đối tượng của sáu cơ quan: Nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân và ý. Thế cho nên
chúng ta sẽ có sáu trường hợp xảy ra:
1- Khi Sắc là đối tượng của "nhãn căn" thì Sắc có nghĩa là sắc
tướng, tức là bất cứ vật gì có
hình tướng hay màu sắc mà mắt nhìn thấy được.
2- Khi Sắc là đối tượng của "nhĩ căn" thì Sắc có nghĩa là bất cứ
một âm thanh nào mà tai nghe được.
3- Khi Sắc là đối tượng của "tĩ căn" thì Sắc có nghĩa là bất cứ
một mùi hương gì mà mũi ngửi được.
4- Khi Sắc là đối tượng của "thiệt căn" thì Sắc có nghĩa là bất cứ
một vị nào mà lưỡi nếm được.
5- Khi Sắc là đối tượng của "thân căn" thì Sắc có nghĩa là tất cả
những cảm giác mà thân nhận được khi va chạm.
6- Khi Sắc là đối tượng của "ý căn" thì Sắc có nghĩa là tất cả
những khái niệm.
Mặc dù chúng ta là những người tu Phật hay đang học giáo lý của Phật dĩ
nhiên ai trong chúng ta cũng biết ít nhiều về "Sắc tức thị không".
Nghĩa là đối với nhãn căn (mắt) thì mọi vật thể có hình tướng hoặc màu sắc hiển
hiện ra trước mắt chúng ta, chúng ta đều biết đó là giả tạm, có đó rồi mất đó,
không có một vật nào tồn tại đối với thời gian. Duy chỉ có cái phần rỗng được
tàng chứa bên trong các vật thể đó thì mới là bất sinh bất diệt.
Thế nhưng... trong thực tế, đối với con mắt phàm phu của chúng ta, một hòn
đá to nằm bên vệ đường trước mắt mà bảo chúng ta coi là "không" thì
thật là... phi lý (!) chỉ trừ khi nào bị tật nguyền không thấy đường thì không
nói làm chi!! Tuy nhiên, việc đó lại không phi lý chút nào nếu ta đã tự xác
định với chính mình rằng:
Cái hình tướng và màu sắc bên ngoài là giả tạm, chỉ có "cái bên
trong" (của hòn đá đó) mới là trường cữu rồi ta dùng "cặp mắt bên
trong" của chúng ta, cặp mắt của "cái trường cữu trong ta" (Tâm)
để mà nhìn. Tức là ta hãy lấy cái.... rỗng trong ta để giao tiếp với cái rỗng
của hòn đá mà hãy bỏ qua hình ảnh sần sùi xấu xí của nó đi, vì cái hình ảnh sần
sùi xấu xí của nó là đối tượng của "cặp mắt thịt" của "cái ta
phàm phu". Nghĩa là đối với các vật thể có hình tướng, có màu sắc thì ta
hãy nên lấy "mắt" của Tâm mà nhìn, hãy để cho cái Tâm của ta giao
tiếp với cái Tâm của vật (phần bên trong của vật) thì khi đó ta mới thấy được
rằng tuy mọi vật thể có hình tướng màu sắc thật nhưng thực chất lại là không.
Chớ còn trước một đối vật mà lại dùng "ý" để phân định vật đó là
"không" thì lại vô tình lọt vào cái "tiến trình sinh ra
thức" phát khởi từ Ý căn!!
Vì như vậy tức là mình gở được gút này rồi lại vô tình thắt cái gút khác và
có phải chăng cái khái niệm về "chấp không" là ở đây?
Theo tôi nghĩ, đó là cách duy nhứt để chúng ta có thể triệt tiêu được khâu
thứ I là "Sắc".
Cả đến âm thanh, mùi vị, cảm giác xúc chạm hay khái niệm cũng vậy, tức là hãy
lấy cái "không" để giao tiếp với cái "không" thì mới
"thấy" là không, chớ không thể nào dùng cái "có" để giao
tiếp với cái "có" mà lại nói là "không"!! Vì đứng ở vị trí
của một người phàm mắt thịt (đứng về mặt vật chất mà nói) thì phải công nhận là
"có" con mắt và "có" hòn đá, đó là chuyện đương nhiên. Có
"phá chấp" được hay không chính là chỗ này vậy?
Bây giờ ta hãy lật lại trang sách cũ để xem các Thiền Sư nói thế nào về vấn
đề này, sau đây là lời tự thuật của một Thiền sư:
"Trước khi tu học thì thấy núi sông là núi sông,
"Sau khi được chỉ dạy thì thấy núi sông không phải là
núi sông,
"Khi đã tỏ ngộ rồi thì núi sông là núi sông."
Ta thử tìm cho ra cái ẩn ý chứa đựng bên trong của ba câu nói này:
Câu thứ nhứt: "Trước khi tu học thì thấy núi sông là núi sông":
Đây là lời phát biểu của một người bình thường trước một đối cảnh, người ta chỉ
chú ý tới hình thái và bóng sắc bên ngoài, tức là hiện tướng của đối cảnh, đối
vật.
Câu thứ hai: "Sau khi được chỉ dạy thì thấy núi sông không phải là núi
sông": Đây là lời nói của một người mới tu học, mới có một khái niệm về
chữ không cho nên khi đứng trước một đối cảnh đã vội vàng đem sự hiểu biết của
mình để phân định đối cảnh đó và cho nó là không. (chấp không)
Câu thứ ba: "Sau khi đã tỏ ngộ rồi thì núi sông là núi sông": Lời
nói của một người đã đạt được Đạo đã biết lấy cái Tâm của mình để giao tiếp cái
Tâm của vạn hữu, tức là lấy cái không để giao tiếp cái không, còn bóng sắc bên
ngoài thì mặc kệ, cho dù đó là..... núi sông hay biển cả! (phá chấp) (Chớ không
dùng con mắt phàm để nhìn đối cảnh và dùng Ý để phân định rồi mới xác định đối
cảnh đó là không).
KHÂU II: "THọ"
Thọ là tiếp, là nhận.
Con người được sanh ra với đôi mắt để thấy, tai để nghe, mũi để ngữi, lưỡi
để nếm còn ý là để phán xét. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý hoạt động với tự
động tính. Nghĩa là ở một người bình thường, không tật nguyền thì mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân và ý lúc nào cũng sẵn sàng tiếp nhận đối tượng tương ứng. Với
cặp mắt đang mở và một vật xuất hiện trước mắt mà bảo là không nhận, không thấy
(Thọ) thì không thể được, tai cũng vậy, một âm thanh vang lên bên tai thì không
thể nào cái tai chối bỏ được âm thanh đó mà nói rằng tôi không nghe. Mùi, vị và
những cảm giác cũng vậy.
Nếu hiểu như vậy thì ta sẽ bó tay, không có cách nào triệt tiêu nổi Khâu II
này sao? Theo tôi nghĩ là phải có nhưng có lẽ sẽ rắc rối và.... khó khăn hơn
"khâu I"!!
Để cho dễ hiểu, trước hết tôi xin đưa ra một vài thí dụ rồi tôi sẽ phân tách
sau:
Tôi nhớ lại thời gian khi tôi còn là một "tù cải tạo", có một lần
cả đội của tôi được điều động đi đào ao. Đội của tôi có khoảng 40 người được
chia làm ba dây chuyền, mỗi dây chuyền có trên dưới mười người. Anh đứng ở đầu
dây chuyền xắn đất thành từng tản to rồi chuyền tay nhau đưa những tản đất đó
lên bờ ao. Cứ người này nhận tản đất từ tay người phía trước rồi chuyền lại cho
người đứng sau, rồi người đứng sau lại chuyền cho người đứng sau nữa...v...v...
Khi tôi đang đứng chuyền đất dưới ao thì có một anh bạn quen (ở đội khác) kêu
tôi mà dặn rằng chiều nay, sau khi lao động về thì đến gặp anh ấy để anh ấy cho
một viên thuốc cảm. Tôi nhìn lên, cười rồi gật đầu và nói mấy lời cám ơn trước.
Thế nhưng buổi chiều về tắm rửa, cơm nước xong thì anh bạn nằm gần bên rủ tôi
đánh cờ cho nên tôi quên mất cái việc đi lấy thuốc mà anh bạn hứa cho. Đến
chừng anh bạn đem viên thuốc lại đưa cho tôi và trách: "Bịnh mà không lo
đi lấy thuốc mà cứ ở đó mải mê chơi cờ!". Tôi đành phải xin lỗi vì
tôi..... quên!
Rồi tôi lại nhớ.... khi tôi vượt biên qua Úc, tôi may mắn tìm được một chỗ
làm sau ba tháng nằm dài người ở một trung tâm tiếp cư. Tuần lễ đầu tiên thật
vất vả vì tôi chưa quen việc nhưng nỗi vất vả và sự mệt nhọc đã tan biến đi khi
tôi nhận được một "bì thư" trong đó có chứa một tuần lương đầu tiên
của tôi. Trên đường từ hãng về tôi cứ mãi nghĩ ngợi về cái bao thơ dầy cộm nằm
trong túi! Nghĩ tới cái bao thơ, rồi nghĩ tới những chi phí như tiền nhà, tiền
chợ, tiền mua sắm cho con rồi tiền gởi về Việt Nam...v...v... Mãi cho tới giờ
này, đã gần mười năm sau mà tôi còn nhớ như in là lúc đó tôi đã nghĩ gì và tính
toán ra sao!!
Đọc xong hai thí dụ trên, tôi nghĩ rằng có lẽ quý vị cũng đã hiểu là tôi
muốn đưa ra hai trường hợp "nhận" (Thọ):
Trường hợp thứ nhứt, tay tôi nhận những tản đất từ tay của một anh bạn đứng
trước rồi chuyền cho anh bạn đứng sau mà tôi không hề có một ý niệm nào về sự
nhận và giao đó, hơn nữa, tâm lý chung của những người tù là.... làm cho có
làm, làm lấy lệ mà không có một sự chú tâm đặc biệt nào vào công việc như là
mình làm một công việc gì đó cho chính mình. Tức là làm với cái Tâm trống rỗng!
Cho nên đến lúc hết giờ ngưng việc thì ít có ai nhớ tới công việc mình đã làm,
có chăng cũng chỉ nhớ đại khái là mình có đi đào ao, vậy thôi.
Rồi đến chuyện anh bạn dặn tôi buổi chiều về gặp anh để lấy thuốc cũng vậy,
ngay lúc đó tai tôi có nghe những lời anh dặn thật nhưng tai tôi nhận, miệng
tôi trả lời trong lúc cái Tâm.... đi vắng cho nên tôi đã quên mất!
Đến trường hợp, thứ hai thì lại hoàn toàn khác biệt. Tôi nhận cái bì thư
tiền lương với tất cả Tâm và Ý, cả đến việc tôi đã tính toán sẽ làm gì với số
tiền đó tôi cũng đem hết Tâm và Ý mà tính toán (!) cho nên hình ảnh cái bì thơ
đó và lúc đó tôi tính toán những gì cho đến giờ này tôi vẫn còn nhớ như in!
Trước khi nói lên cái ý chính ở phần này tôi xin được đi xa hơn một chút để
đưa ra một vài thực tế mà có lẽ mọi người đều biết, đó là.......
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe một lời than:
"Tại sao hạnh phúc thì qua mau mà buồn đau thì dai dẳn?"
Theo tôi nghĩ, sở dĩ như vậy là vì khi người ta tiếp nhận một nguồn vui, một
nguồn hạnh phúc thì người ta "mở" hết tâm can ra mà nhận lấy trong sự
thoái mái nhẹ nhàng của toàn thân, do vậy nên cái gọi là "hạnh phúc"
đó không cô đọng lại mà bàng bạc theo "sự buông thả"của thân và tâm
cho nên đã tan loãng ra rất nhanh. Trái lại khi người ta tiếp nhận một chuyện
buồn, chuyện khổ thì mức độ "chú tâm" của người ta vào chuyện buồn,
chuyện khổ đó quá cao (so với mức độ chú tâm khi người ta nhận được nguồn hạnh
phúc) cho nên cái buồn đó đã bị người ta vô tình làm cho "cô đọng"
lại và hằn sâu vào tâm khảm mà vết hằn sâu thì khó phai là điều chắc chắn.
Đó là chưa kể có nhiều trường hợp người ta đã tự mâu thuẫn với chính,mình để
tự mình gây đau khổ cho mình rồi cố tình giữ chặc lấy sự đau khổ đó mà chẳng
chịu buông: Chẳng hạn như có người hàng ngày tới chùa đọc kinh, kinh Bát Nhã họ
thuộc như cháo, họ mong cầu chư vị Phật độ cho họ khỏi cảnh phiền não của trần
lao! Thế nhưng khi về nhà gặp dịp có đám cưới, đám tiệc vui vẻ họ chụp hình lưu
niệm thì không nói làm chi...
Nhưng khi trong nhà hay trong bà con thân thuộc có đám tang họ cũng lấy máy
hình ra chụp để nói là... lưu niệm, hay... kỷ niệm, có khi chụp cả người đã
khuất đang nằm trong áo quan!! Để chi? Để rồi năm ba tháng sau, cả năm sau hay
hàng chục năm sau họ lại đem những hình ảnh đó ra xem lại (!) để mà... buồn
thêm lần nữa (!).
Xem lại những hình ảnh đó thì buồn, thương, nhớ, tiếc là chắc chớ làm sao
vui được? Chẳng những thế mà sau này có con cháu hay họ hàng tới thăm họ cũng
lấy hình đó ra cho xem làm cho những người đó cũng buồn theo!
Như vậy tức là chẳng những chính họ muốn giữ rịt lấy cái buồn mà họ còn phân
phát cái buồn đó cho người khác!! Thật là mâu thuẫn, thật là trái khoái! Vì một
mặt thì cầu xin Phật cứu khổ(!) mặt khác lại cố tình giữ lấy cái khổ mà không
chịu buông!
Bây giờ xin trở lại vấn đề chính, đó là làm cách nào để triệt tiêu được khâu
II(Thọ):
Qua các thí dụ trên, chúng ta thấy rằng sự tiếp nhận ngoại giới của con
người (Thọ) có hai bậc:
-Bậc đầu tiên là lục căn tiếp nhận lục trần với tự động tính.
Tức là chúng ta không thể điều khiển được: Một âm thanh vang lên bên ai thì
đương nhiên tai nhận, một vật hiện ra trước cặp mắt đang mở thì không thể nào
không thấy được, mũi, lưỡi, thân và ý cũng ậy.
-Bậc thứ hai là Tâm tiếp nhận lục
trần qua trung gian của Ý căn và ngũ quan.
Tôi xin thử đưa ra hình vẽ này để phân tách cái tiến trình năm khâu: Sắc -
Thọ - Tưởng - Hành - Thức.
Lục trần là: Sắc - Thanh - Hương - Vị - Xúc - Pháp
Lục căn là: Nhãn - Nhĩ - Tĩ - Thiệt - Thân - Ý
Theo chỗ tôi nghĩ:
1. - Tiếp nhận "lục trần" thì cái Ý tiếp nhận (qua ngũ quan) nhưng
"lục thức" tuôn ra thì tuôn ra từ cái Tánh (Tâm), Tánh lại lấy Ý căn
làm trung gian để phát ra ngoài qua năm cửa.
2. - Căn thứ sáu là "Ý căn" phải là căn làm trung gian giữa cái
Tâm và ngũ quan. Nếu ngũ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) tiếp xúc với ngoại
giới mà không có Ý căn can dự vào thì Tâm không tiếp nhận lục trần, vì Tâm và
lục trần có cùng một "bản thể" là Chân không nên không có "cái
nhận" và "cái được nhận" hay nói rõ hơn: Hai khâu Tưởng và Hành
do Tâm và Ý cùng tiến hành để cho kết quả là Thức.
Ý với Tâm tuy hai mà một, nếu Tâm theo Ý thì Tâm trở thành cái kho chứa Thức
(hàm
tàng thức): Đó là cái Tâm phàm phu ; Còn nếu Ý theo Tâm thì đó là cái Tâm
Phật.
3. - Ý với Tâm tuy hai mà một, không có giới hạn về không gian cho nên được
tượng trưng bằng hai vòng tròn hở (hở là để chỉ một sự dung thông).
Sau khi Tâm đã nhận rồi thì một nhận thức sẽ được đưa ra, mà như Lục Tổ Huệ
Năng đã nói, nếu đã có một thức dấy lên thì "..... tánh đã biến thành thức
(nhận thức), thức đó theo sáu cửa mà tuôn ra ngoài, tuy tuôn ra ngoài nhưng vẫn
còn chứa đầy trong cái tánh...." mà Tánh cũng chính là Tâm chớ không khác.
Một vật vừa thoáng qua trước mắt, mắt vừa nhìn thấy thì cái Ý và cái Tâm
cũng ghi nhận và cho ra một nhận thức về vật đó (thí dụ đó là một cái xe). Nếu
vật đó xuất hiện trước mắt, mắt nhận mà cái Ý của mình không hướng tới vật đó
(và Tâm không có cái gì làm trung gian, Tâm không bị lôi uốn vào) cho nên khi
vật đó biến mất (cái xe chạy qua khỏi tầm mắt), hình 䮨 vật đó (cái xe) cũng mất
luôn mà không lưu lại một dấu vết nào trong ta. (Cũng giống như trường hợp tai
tôi nhận lời dặn của anh bạn nhưng vì không chú ý, không để Tâm nên tôi đã
quên.)
Vậy muốn giữ cho cái Tâm luôn luôn trống rỗng, tôi nghĩ không cách nào hơn
là giữ cái Ý của mình lại, không nghĩ, không tưởng tới những gì mà lục căn nhận
được. Nghĩa là thay vì hướng sự chú ý của mình vào những ngoại vật, ngoại cảnh
thì hãy hướng sự chú ý của mình về cái "bổn tánh" của mình,
"nó" là một khối Chân không.
Nói một cách nôm na thì nếu có một cái xe đẹp xuất hiện trước mắt thì mặc kệ
cho "cái mắt" tiếp nhận "cái xe" đừng để cho cái Ý của mình
can dự vào mà hãy hướng sự chú ý vào cái "bổn tánh" của mình tức là
cái "khối rỗng" bên trong mình! Bởi vì một khi cái Ý can dự vào thì
vì Ý là trung gian sẽ chuyển hình ảnh đó vào Tâm, chừng đó Tâm muốn chối bỏ
cũng là khó...(?) Có thể hiểu rằng những tiện nghi vật chất, những lời êm vị
ngọt không làm mình chú ý thì lòng tham sẽ không nổi lên, không tạo nghiệp...
(?) Có phải "niệm niệm thấy tánh" mà Lục Tổ Huệ Năng nhắc nhở là ở
đây?
Nếu làm được vậy thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của mình sẽ giống như
mặt gương soi: Vật còn thì trong gương còn bóng của vật mà vật mất thì mặt
gương trở lại trong.
(Một chuyện bên Tàu: Có một người hỏi: "Phật là ai? " Người kia
đáp: "đó là cái thùng nước lủng đáy." Có phải câu trả lời này ngụ ý
về một cách nhận (Thọ), tức là nhận mà không lưu giữ?)
KHÂU III : "TƯỞNG"
KHÂU IV: "HÀNH"
KHÂU V : "THỨC"
(Vì nói là ba khâu nhưng thật ra giữa Tưởng, Hành và Thức có sự liên quan
gắn bó với nhau (đã có Tưởng thì có Hành đã có Hành thì chắc chắn sẽ có một
Thức sinh ra nên tôi xin phân giải cùng lúc cho dễ nhận thấy.)
Một buổi chiều, ngồi trên bờ đê nhìn xuống đám mạ non xanh mượt đang phơi
mình dưới ánh tà dương. Một vài cơn gió nhẹ thoảng qua, những đợt sóng mạ lấp
lánh nối tiếp nhau chạy dài đến cuối đê. Thật thơ mộng làm sao! Cái lấp lánh
của lá mạ non trong ánh trời chiều thật là nhẹ nhàng tươi mát chớ không chói
lọi một cách hổn hào như sóng nước đêm trăng, không dồn dập như sóng biển khơi,
không đa dạng như sóng nước trên sông vỗ mạn thuyền, cũng không gợn lăng tăng
như sóng nước ao Thu..... Trong cái im mát, nhẹ nhàng của cảnh chiều quê, lòng
tôi chợt nhen nhúm một ước mơ, ước mơ về một cảnh thanh bình trường cữu......
để con người được sống theo lẽ tự nhiên của Trời-đất, ở đó không hận thù, không
chia rẽ.......
Sau một ngày cố gắng trong chán chường, tôi hoàn tất "chỉ tiêu lao
động" trước giờ nghĩ độ mươi mười lăm phút. Tôi thả cho con trâu đến bìa
rừng gậm cỏ, tôi ngồi trên bờ đê để nghĩ mệt trước khi vác cày và dẫn trâu về
trại. Nhìn những đường cày ngoằn ngoèo của một thợ cày bất đắc dĩ, tôi thấy
chán cho nên tôi đã hướng mắt nhìn qua đám mạ non bên cạnh và trên đây là tôi
ghi lại vài cảm nghĩ của tôi trong giây phút đó.
Đọc tới đây có lẽ quý vị cũng đã thấy rằng chỉ trong giây lát mà tôi đã nghĩ
tưởng không biết bao nhiêu thứ! Mà tôi nghĩ, trên cõi đời này ai ai cũng đều
như vậy chớ không riêng gì tôi!!
Đầu óc con người ta có sức tưởng tượng phong phú như vậy đó!
Chỉ có đám mạ non trước mắt mà tôi đã liên tưởng tới không biết bao nhiêu là
hình ảnh: Nhìn những lá mạ non xanh mướt phản chiếu ánh trời chiều tôi lại nghĩ
(Tưởng) đến ánh trăng phản chiếu trên sóng nước rồi so sánh hai vẻ đẹp với nhau
(Hành) và cho rằng vẻ đẹp của sóng mạ thì đẹp hơn và thơ mộng hơn (Thức, nhận
thức về cái đẹp này so với cái đẹp khác).
Chưa hết, tôi lại còn liên tưởng (Tưởng) tới những đợt sóng của biển khơi,
những đợt sóng nước trên sông, sóng nước trên mặt ao trong mùa Thu.
Phải là mặt nước ao trong mùa Thu kia, chớ không phải là mặt nước ao trong
mùa Hè, mùa Xuân hay mùa Đông, tức là trong trí tôi đã có Tưởng tới hình ảnh
mặt nước ao trong các mùa khác nhau để so sánh (Hành) và thấy rằng (Thức) chỉ
có vẻ đẹp của sóng nước trên mặt ao trong mùa Thu với gió Thu nhè nhẹ là đẹp
hơn cả.
Nhưng vẻ đẹp này so với vẻ đẹp của sóng mạ (Hành) thì vẻ đẹp của sóng mạ dịu
dàng thơ mộng hơn (Thức)... Rồi chỉ vì cái cảnh êm đềm thơ mộng đó tôi lại liên
tưởng (Tưởng) tới một cuộc sống thanh bình! Tức là trong tôi đã có sự so sánh
(Hành) cuộc sống của người dân trong cảnh chiến tranh, chết chóc, tù đày, tàn
phá.... với cuộc sống trong cảnh thanh bình và nhận thấy rằng cuộc sống trong
cảnh thanh bình mới đem lại hạnh phúc cho con người (Thức)...v...v.....
Đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi mà trong tâm tưởng tôi đã hoạt
động không biết bao nhiêu lần theo cái tiến trình năm khâu: Sắc - Thọ - Tưởng -
Hành - Thức để cho ra không biết bao nhiêu là nhận thức (Thức). Mà hễ có một
Thức nào được sanh ra thì cái Tâm liền cất giữ lại. Chẳng hạng như trước đây
tôi đã có lần nhìn thấy sóng biển dồn dập ra sao, tôi đã có dịp nhìn mặt nước
ao Thu với gió Thu nhè nhẹ, sóng gợn lăng tăng thế nào thì những nhận thức
(khái niệm) về những thứ sóng đó vẫn còn trong tôi cho nên tôi mới mang ra so
sánh với sóng mạ đang hiện ra trước mắt.
Nếu trước đây tôi không có những "kinh nghiệm" (khái niệm, nhận
thức) về sóng biển, sóng ao thì bây giờ tôi lấy gì để mà so sánh? Rồi bây giờ
nhìn sóng mạ, tôi đã có một nhận thức về sóng mạ trong Tâm cho nên sau này nếu
có gặp một thứ sóng khác như sóng cát sa mạc chẳng hạng thì tôi lại lôi tất cả
nào sóng biển, sóng ao và cả sóng mạ ra để mà so sánh (Hành).....!! (Giữa thức
cũ và thức mới.)
Những kinh nghiệm (về khái niệm), những nhận thức về các thứ sóng, những
nhận thức về một cảnh thanh bình, những nhận thức về chiến tranh về đau khổ,
những nhận Thức về lành về dữ, về thiện về ác....v... v.... đều được tích lũy
trong Tâm của tôi. Những nhận Thức (nói chung) được tồn trử trong Tâm chính là
Vô Minh đó!!!
Trên đây chỉ là một thí dụ đơn giản, còn suốt một đời người thì có biết bao
nhiêu lần nghĩ tưởng, biết bao nhiêu thứ nhận thức (khái niệm) về buồn vui hạnh
phúc, khổ đau..... về xã hội, về tình người...... về kinh nghiệm
sống....v...v.... đã dồn chứa trong Tâm? Càng nghĩ tưởng nhiều thì cái Tâm càng
nặng triền phược! Vậy bây giờ muốn tái tạo cái Tâm thì phải làm sao......?
Phật nói: "Quá khứ thì đã qua còn tương lai thì chưa tới........ "
Nếu nhìn đám mạ, tôi chỉ biết đám mạ mà không nghĩ tưởng về những hình ảnh
tương tự khác (tôi đã gặp trong quá khứ) và không sinh lòng ước mơ về một cuộc
sống thanh bình (ưóc mơ về tương lai) thì tôi đâu có đau khổ vì nỗi ước mơ đó
chưa thành sự thực! Nếu trong Tâm tôi không sẵn chứa những nhận thức (khái
niệm) về một cuộc sống tự do thì tôi lấy gì để so sánh (Hành) mà biết (nhận
thức) rằng tù đày là đau khổ.........?
Tôi mua được một cái nhà, nếu tôi chỉ biết cái nhà của tôi mà tôi không nghĩ
tưởng đến những ngôi nhà khác (tôi đã gặp trong quá khứ) nguy nga tráng lệ hơn
thì tôi đâu có đau khổ vì nỗi ước mơ (về tương lai) nhà cao cửa rộng của tôi
không bao giờ thực hiện được......!? Hay là gần gũi hơn, nếu tôi biết bằng lòng
với cảnh hiện tại, ngày hai bửa với canh rau dưa cà mà không nghĩ tưởng đến
những món cao lương mỹ vị thì tôi đâu có buồn lòng vì thấy mình còn thua sút
người khác!? Để rồi kể từ đó nếu không kềm được cái Ý, để mặc cho nó bày vẽ
lung tung nào là tìm thêm việc làm thứ hai, làm thêm giờ phụ trội để có thêm
tiền để dành mua nhà đẹp, ăn ngon..... chỉ khổ cho cái thân vất vả rồi lại
than: Đời tôi sao khổ đau nhiều hơn sung sướng!!!
Qua sự phân tách về "một" kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng quý
vị cũng như tôi đã hiểu được lờ mờ về một phương cách triệt tiêu khâu thứ ba
của cái tiến trình năm khâu Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức nói trên: Trước một đối
tượng thì ta chỉ nên biết đối tượng đó mà thôi mà không buông thả cho cái ý tìm
về quá khứ cũng không hướng về tương lai thì mới mong đạt được sự an tịnh cho
Bổn Tâm.
Như vậy trong ba khâu sau cùng này, chỉ có khâu thứ ba (Tưởng) thì khả dĩ có
cách triệt tiêu còn Hành và Thức thì tôi nghĩ là vô phương (?) vì đã có Tưởng
thì có Hành mà có Hành thì chắc chắn một Thức sẽ dấy lên.... (Ba khâu này đi
liền nhau). Mà như trên đã nói, Thức là thành tố của vô minh và là một thứ cáu
bẩn làm mờ đục cái Tâm ("Phật tánh"). Muốn tái tạo cái Tâm thì phải
diệt vô minh, muốn diệt vô minh thì phải ngăn chận không cho một Thức nào được
khơi dậy trong Tâm. Phật nói Ngũ Uẩn là không nhưng mình lại cho là có (!) và
vì đã lỡ cho là có rồi nên phải tìm cách triệt tiêu nó, triệt tiêu bằng cách
kềm chặc cái "Ý" lại đừng để cái dây chuyền năm khâu đó khởi động.
Để kết luận ở đây, tôi xin thưa rằng: Vì muốn cứu độ chúng sanh vượt qua bờ
bên kia của biển khổ mênh mông nên Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã trao truyền lại
Bát Nhã Tâm Kinh. Điều quan trọng là thực hành cho được theo lời kinh dạy chớ
không phải học thuộc kinh và đọc kinh cho nhiều thì khỏi khổ!!
Trong kinh Bát Nhã Phật nói:
"...... trong không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành
thức.... không có minh, không có vô minh, không có minh diệt, không có vô minh
diệt....."
Nhưng tôi trộm nghĩ, mình là một phàm phu, chưa có được một trực giác sắc
bén để nắm được cái "lý" trong lời Phật dạy nên đành phải tìm hiểu
dài giòng.
Hơn nữa, nếu đã nhận được cái "yếu lý" của lời kinh thì đâu còn gì
để mà nói! Phật nói Ngũ Uẩn là không, nếu ngay từ đầu, do trực giác mà mình đã
thấy, đã biết "nó" là không rồi thì đâu cần phải dài giòng tìm hiểu
nó là cái gì? Tại sao nó là không? Diệt nó bằng cách nào? Làm vậy chẳng là trái
khoái lắm sao!! ?
Đã sinh ra làm người, không biết thì không tin, không tin thì sẽ có nghi mà
đã có nghi thì có tìm hiểu là chuyện thường tình..... Rồi trong vấn đề tìm hiểu
có người hiểu đúng, có người hiểu không đúng lại cũng là chuyện thường xảy ra!
Biết vậy cho nên tôi đã cố gắng giải bày cái hiểu của mình chỉ với một ước ao
duy nhứt là mong được sự chỉ giáo từ các bậc cao đạo. Kính mong lắm vậy. Còn
nếu cái hiểu của tôi mà đúng và đem lại một chút nào lợi lạc cho mọi người thì
đó là tâm nguyện của tôi và cũng là nhờ hồng ân của Chư Phật và Chư Tổ.
Tha thiết mong chờ sự góp ý của các Tôn Trưởng và Đạo Hữu xa gần. Xin đa tạ.