Phật Học Online

Con Người Thanh Tịnh – Hoàn Cảnh Cũng Thanh Tịnh

Một khi thân tâm ta thanh tịnh, hoàn cảnh sẽ tuỳ thuộc thanh tịnh. Hoàn cảnh không nhất định tốt, xấu, nhơ, sạch tuỳ hành động tư tưởng con người mà chuyển theo. Một nhóm người văn minh trí thức dù ở thôn dã hoang vắng, nhưng một thời gian cảnh ấy sẽ trở thành tốt đẹp, thị tứ. Trái lại, một bọn người rừng chẳng hạn, cho ở giữa đô thành hoa lệ, một thời gian đô thành ấy sẽ biến ra cảnh nhớp nhúa xâu xa, nếu họ không được cải thiện… Bởi thế, đạo Phật muốn cái thiện xã hội, cải thiện quốc gia trước tiên phải cải thiện con người. Muốn cải thiện con người,đầu tiên phải cải thiện tư tưởng. Như vậy tư tưởng, ngôn ngữ và hành động con người thanh tịnh thì chính cõi Ta-bà này đã thành tịnh độ rồi, hay thế giới này chính là thế giới Cực Lạc vậy. Ta muốn sanh về Tịnh độ, thì chính ta phải thanh tịnh trước đã. Kinh có câu: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương.” Nghĩa là: “Thân miệng ý hằng trong sạch, sẽ đồng như chư Phật sanh về cõi Phật.” Thế mà, có một số người ước mơ sanh về cõi Cực Lạc mà miệng vân nói ác, tâm vẫn tham, giận… thật là trái lẽ. Tu bằng cách đó chỉ làm trò đùa cho thiên hạ mà thôi. Người Phật tử chân chánh không mơ ước gì hơn, ước mơ con người mình được thanh tịnh, không tranh đấu nào bằng tranh đấu với phiền não ở nội tâm. Thắng được phiền não, toàn thân đều thanh tịnh, thế là vạn vật tuỳ tâm, sống một cuộc đời tự do tự tại.


8568_12419156716y4p.jpg

Từ trên đến đây, đã thấy đức thanh tịnh là căn bản của người tu Phật, chẳng những căn bản của người tu, mà đức thanh tịnh cũng là cội nguồn của một xã hội văn minh; văn minh đúng với thật nghĩa của nó. Cho nên, bất luận trong đạo, ngoài đời nếu ai muốn cải thiện đời mình, cải thiện xã hội đều phải tu tập đức thanh tịnh cả… Nhưng gần nhất và cầu yếu nhất là Phật tử, đã biết đi chùa, lễ Phật nghe kinh mà không áp dụng triết để đức thanh tịnh vào đời sống của mình, Thật là phản bội với tên Phật tử.

Đức Tinh Tấn

“Tinh” là chuyên, là thuần. “Tấn” là tiến tới. “Tinh tấn” là chuyên cần tiến tới theo một chiều hướng tốt đẹp, lợi ích, sáng suốt và an vui. Người Phật tử tu đức tinh tấn là tiến mạnh, tiến mãi trên con đường từ bi xa thẳm, dưới ánh sáng mặt trời giác ngộ. Đức tinh tấn là một sức mạnh cả quyết, quả cảm, quét sạch, dẹp tan mọi trở ngại, mọi khó khăn để tiến tới mục đính tự lợi, lợi tha viên mãn. Nếu thiếu đức tinh tấn, con người sẽ là cánh bèo bấp bênh ngoài biển cả, là chiếc là rơi lảo đảo theo chiều gió đưa!

Đức Tinh Tấn Cần Thiết
Cho Mọi Người

Em là một học sinh, buổi tối nọ gặp một bài khó, em ngồi đọc năm bảy lượt mà không vô đầu. Thối chí, em vươn vài vài cái, rồi ngáp! Thế là con ma lười biếng sáp nhập vào người em. Khi ấy nếu em không biết dùng ngọn roi thần “tinh tấn” đánh đuổi nó ra, em xếp tập lại, đi xổ mùng xuống rồi đánh ngon một giấc đến sáng. Thế là ngày mai, em bị thầy giáo quở phạt, chúng bạn chế nhạo. Một lần em đầu hàng ma “lười biếng”, nhiều lần cũng thế, tức là đời em sẽ đi đến chỗ hư!


Em là một Phật tử, hôm nay ngày chủ nhật, đúng 7h em phải đi họp tại chùa, nhưng em nhớ những giờ lễ Phật phải quì, đứng trang nghiêm, giờ học giáo lý buồn buồn, em nghe hơi chán. Bỗng thằng Hỉ nhà bên cạnh lại rủ em đi xem chiếu bóng. Nó bảo: Sáng nay có xuất đặc biệt vào lúc 8 giờ, cuốn phim mới, hay, cười nôn ruột… Nếu không biết áp dụng đức tinh tấn vào lúc này em sẽ theo bạn đi xem chiếu bóng. Đó là em đã bị con quỉ “phóng túng” nhập xác và làm chủ em. Chủ nhật này em trốn, chủ nhật sau em lấy cớ nghỉ luôn… như vậy đời em dần dần sẽ xa lần ánh sáng đạo đức, mà bước gần về bóng tối trụy lạc.!

Ngoài ra, bác nông phu không tinh tấn là bỏ bê việc đồng ánh. Anh công nhân không tinh tấn sẽ bị chủ đuổi có ngày. Một kỹ nghệ gia thiếu tinh tấn thì sự nghiệp không thành v.v…và v.v…

Kẻ Thù Của Tinh Tấn Là Ma
“Lười Biếng” Và Quỉ “Phóng Túng”

Con ma “lười biếng” nhập vào ai, người ấy tốt trở thành xấu, hay hoá ra dở, hiền lành trở lên hung dữ, sáng suốt biến thành ngu mê… Ngược lại, tinh tấn đến với ai, kẻ ấy hư hoá nên, xấu trở thành tốt… Nên tinh tấn và lười biếng chống nhau như tối sáng, như trắng với đen. Có tinh tấn là không lười biếng, ngược lại cũng thế. Do đó, nên khi nào con ma lười biếng muốn nhập vào ta, ta phải cấp bách lấy roi thần tinh tấn mà trừ nó. Vừa thấy ngọn roi tinh tấn, bọn ma lười biếng đã chạy bay hồn.


Con quỉ “phóng túng” lại càng nguy hiểm hơn. Chúng lôi người xuống hố trụy lạc, thúc đẩy người chạy trong rừng ngũ dục và sau cùng chúng dìm người trong bể trầm luân kiếp kiếp đời đời. Ngược lại, “tinh tấn” là cái móc kéo người lên khỏi hố trụy lạc, là kim chỉ nam hướng người trở về con đường sáng suốt, khỏ lạc trong rừng ngũ dục, là chiếc thuyền với người khỏi bể trầm luân và đưa lên bờ giải thoát. Vì thế, chúng đố kỵ nhau, không bao giờ chúng gặp. Nếu ai rước thần “Tinh tấn” đến, thì “phóng túng” lánh xa, ngược lại cũng thế.

TẠI SAO PHẢI TINH TẤN?

- Chiếc thuyền người của chúng ta muốn về đỗ bến người và vượt lên bến Hiền, Thánh. Nhưng nó đang bị dòng nước lười biếng cuốn mạnh, ngọn gió phóng túng thổi đùa bấp bênh, sắp trôi về bể vô nhân phẩm. Nếu chúng ta không chuyên cần, không nỗ lực chèo chống nó về hướng đã định, thì nó sẽ chơi vơi phiêu bạt không bến đỗ, không chỗ nương, rồi một ngày kia đinh lay, ván mục, nó phải chìm lịm dưới đáy bể hư hèn. Ôi còn đau đớn nào hơn, một kiếp người không định hướng! Vì thế, chúng ta phải tinh tấn và tinh tấn mãi mãi! Mỗi khi nhìn xuống con sông Cửu Long, thấy hình ảnh người chèo thuyền ngược dòng, trái gió, chúng ta nhớ đến đức tinh tấn, nguyện tiến mãi không ngừng.

TINH TẤN LÀ MỘT NGHỊ LỰC

Trên đường thiện đâu phải toàn hoa và bướm mà rất nhiều hầm hố, chông gai; nếu người không quyết tâm dũng tiến rất rễ ngã lòng lùi bước. Em đã sống trong gia đình một hoặc vài năm, em đã thấy những trở ngại khó khăn trong việc hành đạo. Nhưng nếu em là một Phật tử chân chánh, em luôn thực hành theo hạnh tinh tấn, thì những cái trở ngại ấy, em thấy không đáng kể. Đức thích-ca ngót mười năm tìm đạo mà chưa toại nguyện, một hôm đến dưới cội bồ-đề, Ngài chỉ cội cây mà quả quyết rằng: “Ngồi dưới cội cây này nếu tìm không được đạo, thì dù xương ta tan, thịt ta nát, ta nguyện không rời khỏi chỗ ngồi này!” Do sức cả quyết ấy, hay đo đức tinh tấn đó, sau bốn mươi tám ngày, Ngài chứng thành đạo quả. Mỗi khi bị con ma lười biếng cám dỗ, con quỉ phóng túng rủ ren, các em nên theo gương đức Thích-ca mà quả quyết rằng: “Trên đường đạo, đường thiện dù tan thân mất mạng, ta không hề lùi bước!” Các em cương quyết được như vậy, bọn ma lười, quỉ phóng túng phải kiếp đảm le lưỡi chạy dài. Hằng ngày tập được đức tính tấn mãnh liệt ấy, các em sẽ thấy giữa đời không có việc gì khó. Các em cương quyết được như vậy, bọn ma lười, quỉ phóng túng phải khiếp đảm le lưỡi chạy dài. Hằng ngày tập được đức tinh tấn mãnh liệt ấy, các em sẽ thấy giữa đời không có việc gì khó. Các em “muốn là được, quyết là thành”. Đời các em sẽ có nghị lực phi thường, không có nhút nhát, hồi hộp, nghi ngờ như khi xưa nữa.

Kết Quả Của Tinh Tấn

Phàm cái gì hễ có đi là phải có đến. Mà tinh tấn là tiến tới theo chiều hướng tốt đẹp, lợi ích và an lạc, nên kết quả của nó cũng toàn tốt đẹp và an lạc. Em học trò tinh tấn sẽ thành tài đạt đức. Người làm thợ tinh tấn sẽ trở thành một tay kỹ xảo. Phật hằng tinh tấn sẽ được đức hạnh đầy đủ, phước tuệ viện thành. Tóm lại, tất cả sự thành công trên đường tu thân sửa mình, trong việc thiện đều do tinh tấn quyết định. Bao nhiêu vị Hiền Thánh, bao nhiêu bậc giác ngộ đều do lò tinh tấn đúc nên.

Tóm lại, từ trên đến đây, các Phật tử đã thấy tinh tấn là then chốt của đạo làm người, của đạo từ bi. Tinh tấn là một sức mạnh, là sự định đoạt đời người trên đường vinh quang, trong bầu không khí ngát hương thanh tịnh.

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage