1.Tôi hỏi: Anh ăn chay vì sức
khỏe hay vì thi công chùa Bái Đính? Anh cười hiền: “Tôi chỉ là một phật
tử nhưng cũng ngộ ra nhiều. Tôi ăn chay vì thấy thứ đồ ăn ấy hoàn toàn
thay thế được thực phẩm thông thường và hợp với mình”.
Dưới tòa Tam Thế của chùa Bái Đính có hẳn một nhà ăn
chay to uỳnh, rộng thoáng, có thể phục vụ cùng lúc hàng trăm người. Đồ
ăn bày theo dạng buffet. Cạnh đó bày bán hàng thủ công mỹ nghệ của Ninh
Bình: tranh thêu Văn Lâm, tràng hạt đá, vòng đá Ninh Vân…
Nhân viên khách sạn Hoa Lư lắm lúc thấy tôi sốt ruột
đợi anh, bảo: “Anh cứ ăn trước, sếp em không dùng những thứ này. Tối nào
anh ấy cũng qua đây ăn cơm chay rồi mới về nhà”. Có lúc hơn 21 giờ tài
xế mới đỗ xịch chiếc Lexus (hồi trước các đại gia ở Ninh Bình đều đi
Prado, sau đó lại đồng loạt chuyển sang Lexus), trả anh xuống sảnh khách
sạn. Lúc đó anh mới được ăn tối.
Nhưng 8 giờ sáng hôm sau, Trường đã dậy, lượn một vòng
từ khách sạn, cà phê Hoa Lư, sang khu văn phòng. Khu văn phòng vốn là
trụ sở của Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Ninh Bình. Khu nhà sau
núi Dục Thúy là trụ sở của Sở Du lịch Ninh Bình.
Khách sạn Hoa Lư trước kia do Sở Du lịch khai thác.
Nay, cả ba công trình trên đều đã được tỉnh giao cho doanh nghiệp Xuân
Trường. Tất cả đều có đường nét hơn sau khi Xuân Trường nhận về tút tát
lại. Khách sạn Hoa Lư to nhất tỉnh trước đây tôi chứng kiến rất hiếm
khách tây chịu qua đêm, nay thì nườm nượp.
Hồ nước quanh núi Dục Thúy cũng được Xuân Trường xây
kè, cải tạo, trông thơ mộng hẳn lên. Núi Non Nước (Dục Thúy Sơn) -
thắng cảnh đã đi vào thơ Nguyễn Trãi - bỗng trở thành một điểm đến mới
cho du khách ngay giữa thành phố.
2. Có quần thể hang động Tràng An và
chùa Bái Đính, bản đồ du lịch của Ninh Bình bỗng thay đổi hẳn. Từ chỗ
chỉ có Tam Cốc - Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, rừng quốc gia Cúc
Phương, Vân Long- kênh Gà, nay Bái Đính và Tràng An lại đứng đầu bảng về
lượt người tham quan dù chưa hoàn thành. Từ chỗ không có khách lưu
trú, nay lượng khách nghỉ đêm tại khách sạn tăng lên đáng kể, vì riêng
thăm thú Tràng An và Bái Đính đã mất trọn một ngày.
Niềm vui lớn nhất của Trường đại gia là hàng ngàn người
dân Gia Viễn quê anh có việc làm, thu nhập ổn định khi quần thể hang
động Tràng An và khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính đi vào hoạt động.
Chèo đò, chạy xe ôm, bán hàng, chụp ảnh. Những thứ việc đó ở Bái Đính và
Tràng An thu nhập gấp 10 lần trồng lúa.
Trường ít nói, và không bao giờ chịu để báo chí chụp
ảnh, trừ lúc chẳng thể đặng đừng. Phần lớn tôi phải chụp lén, chụp vội,
khi anh và các nhà sư đưa Ngọc xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam được
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đón tại sân bay, khi anh đứng lẫn
trong các bậc tăng ni làm lễ cầu an tại Bái Đính, hoặc khi anh buộc
phải lên sân khấu nhận kỷ lục VN cho nghi lễ cung nghinh Ngọc xá lợi
lớn nhất VN, ngôi chùa nhiều xá lợi Phật nhất VN.
Đợt đón Ngọc xá lợi, Trường đích thân sang Ấn Độ. Ở Nội
Bài, anh đã sắp xếp thuê 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincoln để chở
xá lợi và cao tăng về Ninh Bình. Ai cũng biết, Ngọc xá lợi làm tăng
tính thiêng và tăng thanh danh cho ngôi chùa.
Nhưng ít ai biết, bất cứ việc nào có lợi cho di sản và
du lịch ở Ninh Bình, Trường đều sẵn sàng làm. Hội thảo về cố đô Hoa Lư,
lễ hội, hội nghị xúc tiến, anh âm thầm đứng sau tài trợ.
|
Chuông khổng lồ ở Bái Đính. |
3.Trường rất quyết liệt trong công
việc, kể cả bạn bè anh cũng không thỏa hiệp. Doanh nghiệp bạn xin tham
gia thi công một đoạn trong cả con đường mà Xuân Trường trúng thầu. Gần
Tết, doanh nghiệp này có nguy cơ không hoàn thành đúng cam kết. Trường
gọi điện, nói thẳng: Anh không làm xong được thì ra khỏi chỗ đó ngay.
Tết hay lễ cũng thế thôi.
Quyết liệt với công việc, với lời hứa. Nhưng chất của
Trường là thuần hậu, dường như anh không bao giờ muốn chạm đến cái
ngưỡng cuối cùng trong xử thế. Thân ai, cũng không thân quá. Muốn ép ai,
cũng không ép người ta đến đường cùng (dù anh đúng). Có dạo, tôi tìm
hiểu về loạt dự án xi măng bao quanh thành phố du lịch.
Thành phố Ninh Bình, theo quy hoạch vùng đồng bằng Bắc
bộ đã phê duyệt, đến năm 2020 sẽ mang tên Hoa Lư và trở thành một trung
tâm du lịch của đồng bằng sông Hồng. Thế mà đua nhau mọc lên nhan nhản
nhà máy xi măng gần Tam Cốc, gần làng thêu Văn Lâm, gần hang động
Tràng An. Lạ thật.
Trường gật đầu: Tỉnh và một số lãnh đạo cấp cao cũng
đang bức xúc việc này. Nhưng em viết kheo khéo thôi nhé. Kẻo động vào
người thân của anh Hùng (Đinh Văn Hùng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh
Bình, sau đó bị kỷ luật thôi chức). Anh Hùng cũng đang khó xử. Mình
đúng, nhưng gây buồn cho người quen biết, mà lại là lãnh đạo cao nhất
tỉnh, thì mình cũng khổ tâm.
|
Ba pho tuợng đồng ở tòa Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn. |
4.Nhà Trường nằm trên đường Xuân
Thành. Nhà kiêm luôn trụ sở doanh nghiệp. Người dân quanh đó cười bảo:
“Anh Trường thì chẳng biết có bao nhiêu nhà”. Hai người con của Trường
được cho đi học ở Anh quốc từ nhỏ. Trong nhà còn lại anh và vợ cùng cô
giúp việc. Mỗi năm Trường sang Anh thăm con dăm ba lần.
Anh Dung- Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình bình luận: Ở
đâu không biết, chứ ở Ninh Bình tôi thấy hai đại gia Xuân Trường và
Xuân Thành đều chú ý chuyện học hành của con cái. Anh Thành (doanh
nghiệp xây dựng Xuân Thành) học với tôi, 7 đứa con của anh ấy đều học
đến nơi đến chốn, có công việc độc lập không nhờ tiền và tiếng của bố.
Xuân Thành tài trợ xây nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành
phố Ninh Bình, còn Xuân Trường đảm nhận thi công chùa Bái Đính ở Gia
Viễn. Xuân Thành đã vươn ra một số tỉnh thành, còn Xuân Trường vẫn tập
trung chủ yếu ở mảng xây dựng trong tỉnh.
Cùng với chùa Bái Đính, hang động Tràng An, Xuân Trường
đã trúng thầu và đang thi công nhiều công trình khác. Ninh Bình đã phê
duyệt dự án quảng trường Đinh Tiên Hoàng rộng 60ha, và doanh nghiệp
trúng thầu không ai khác chính là Xuân Trường.
Có lần tôi bảo: Anh làm nhiều quá nên phân tán máy móc,
nhân lực. Đường 10 làm mãi không xong, nắng thì bụi, mưa thì lầy,
người dân huyện Yên Khánh và Kim Sơn khổ lắm.
Trường không giận, chỉ trầm ngâm: Bái Đính là công việc
lớn nhất trong đời tôi, phải tập trung thôi. Đường 10 đúng là ậm ạch
về tốc độ, nhưng chủ yếu do vài ba hộ dân không chịu di dời. Trong năm
nay sẽ hoàn thiện nâng cấp mở rộng đường 10.
5.Đêm. Khách ở Bái Đính đã vãn. Gió
lộng thổi trên những hồ nước rừng cây Gia Sinh - Gia Viễn. Tôi nhìn lên
những tượng Phật uy nghi, những đầu đao cong vút của tòa Tam Thế, Pháp
Chủ, Quan Thế Âm Bồ Tát giữa nền trời đen thẫm, hai hàng la hán 500 vị
500 vẻ mặt con người.
Có thể đi qua hai hàng la hán ấy hàng ngàn lần, nhưng
không phải ai cũng trải nghiệm được đủ sắc thái của con người trong cuộc
đời mênh mông mà hữu hạn. Có lẽ, để có một cái tâm an tĩnh khi đi
chùa, chính là lúc này.
Tôi gọi cho Trường. Anh đang nằm viện, điều trị bệnh về
đường hô hấp. Nhiều lần anh ốm, nhưng có khách quan trọng đến, anh
vùng dậy chạy đi ngay, thậm chí cuối ngày còn tiễn khách về Hà Nội.
Chợt nghĩ, với con người hối hả tất bật không có mấy thời gian cho
riêng mình ấy, vào bệnh viện lần này có khi lại là quãng nghỉ đúng
nghĩa!
Theo: Tiền Phong Online