Nằm
nép mình dưới chân Tung Sơn, thành phố Đăng Phong là cửa ngõ để vào
Thiếu Lâm tự. Nhờ vào ánh hào quang huyền thoại “Thiên hạ công phu xuất
Thiếu Lâm”, Đăng Phong trở thành cái nôi đào tạo kungfu của cả Trung
Quốc lẫn thế giới. Khắp thành phố nhỏ bé này, trường dạy kungfu mọc lên
chi chít, từ những ngôi trường bề thế trên đại lộ hay những lò võ tí hon
nơi hẻm cụt. Không chỉ dạy võ cho người Trung Quốc, Đăng Phong còn thu
hút võ sinh từ nhiều quốc gia khác nhau đến đây “tầm sư học đạo”.
Chùa Thiếu Lâm được thành lập năm 495,
dưới thời Bắc Ngụy. Tới thời Đường, để ghi ơn 13 vị võ tăng Thiếu Lâm tự
đã giúp mình trong cuộc chiến với Vương Thế Sung, vua Lý Thế Dân ban
sắc lệnh cho phép chùa tụ tập cùng lúc trên 500 người để tập võ (thời
đó, tụ tập đông người tập luyện võ thuật có thể bị xem là tạo phản).
Chùa cũng còn lưu giữ một tấm bia đá do Lý Thế Dân ban tặng, trên bia có
khắc lịch sử hình thành và các sự kiện chính của chùa kể từ thời Bắc
Ngụy đến nay.
Thiếu Lâm tự
Hai vị vua nổi tiếng của nhà Thanh là
Khang Hy và Càn Long cũng lưu dấu tại chùa. Ngay trước chùa có tấm bảng
“Thiếu Lâm tự” do Khang Hy ngự bút, bên trong chùa là bia đá khắc một
bài thơ ngẫu hứng của vua Càn Long sau một đêm ngủ tại chùa.
Hiện nay, chùa Thiếu Lâm mở cửa một phần
cho du khách vào tham quan với nhiều công trình kiến trúc đáng chú ý
như Thiên Vương điện, Thiên Phật điện, Tàng Kinh các, Lập Tuyết đình…
Đối với du khách Việt, đặc biệt là những độc giả mê tiểu thuyết võ hiệp
của Kim Dung thì Tàng Kinh các là cái tên quen thuộc và hấp dẫn nhất.
Đây từng là nơi lưu giữ các bộ kinh sách quý cả về Phật pháp lẫn võ
thuật của Thiếu Lâm tự.
Một công trình hấp dẫn khác là Lập Tuyết
đình – phòng của Đạt Ma sư tổ, người được xem là vị tổ của Thiền tông
Trung Hoa. Theo truyền thuyết, sau khi bái kiến Lương Vũ Đế, Đạt Ma sư
tổ đạp lên cọng lau vượt Trường Giang để đến chùa Thiếu Lâm (cước đạp lô
diệp quá giang). Sau đó, ngài quay mặt vào tường ngồi thiền chín năm
(cửu niên diện bích), sáng chế ra các phương pháp tập luyện võ công,
giúp các sư tăng trong chùa thêm sức khỏe để chống lại khí hậu khắc
nghiệt trên núi.
Tượng võ tăng Thiếu Lâm trong sân chùa
Trong khuôn viên chùa trồng nhiều cây
ngân hạnh. Loại cây đặc biệt này thường phải trồng thành một cặp (hai
gốc sát nhau) thì mới ra hoa và kết quả. Trong sân chùa có một gốc ngân
hạnh lẻ loi đã 1.500 tuổi, bằng đúng tuổi đời của chùa Thiếu Lâm. Chi
chít trên những gốc ngân hạnh khắp chùa là những dấu ngón tay của các võ
tăng luyện công từ đời này qua đời khác. Trên thân ngân hạnh, trên nền
Thiên Phật điện cũng có những vết lõm sâu - dấu chân của những võ tăng
luyện pháp để lại.
Ngoài những giờ luyện tập chính thức,
các vị sư Thiếu Lâm còn tập võ ngay cả trong những sinh hoạt thường ngày
như: gánh nước, quét sân, chặt củi, nấu cơm… Giữa sân chùa là một chiếc
chảo đồng lớn, nặng khoảng 650 kg, được đúc vào đời Vạn Lịch nhà Minh.
Ngày xưa, các vị sư chịu trách nhiệm nấu nướng của chùa dùng dây treo
chiếc chảo này lên trần nhà để vừa… xào rau vừa luyện võ.
Sau khi tham quan một vòng khuôn viên
chùa, du khách có thể xem biểu diễn kungfu Thiếu Lâm hoặc đến viếng khu
vực tháp Lâm. Tháp Lâm là khu mộ tháp dành cho 243 vị sư có công với
chùa, nằm trên một ngọn đồi cao 280m với diện tích hơn hai vạn m2.
Một màn biểu diễn kungfu ở chùa Thiếu Lâm
Hàng trăm mộ tháp độc đáo - ở khu tháp Lâm
Chiều buông, tôi rời Thiếu Lâm tự, khi núi non xung quanh đã mờ trong sương lạnh, lòng vẫn mơ một tiếng chuông chùa...
Theo eva