Giáo Hội PGVN, bên cạnh Hội Đồng Trị sự TW nên có và
cần hình thành thêm tại Trung Ương cũng như các Ban Trị sự các tỉnh
thành các Ban Điều hành riêng cho từng hệ phái để Giáo hội nắm sát được
tình hình cùng những theo dõi sâu sắc được những chỉ đạo của Giáo hội và
Trưởng các hệ phái có tiếng nói được mọi thành viên trong hệ phái tôn
trọng
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Riêng tại Việt Nam chúng ta, một đất nước chấp nhận đa tôn giáo
đang tồn tại và phát triển và chỉ riêng đối với Phật giáo cũng có rất
nhiều hệ phái được thiết lập ra bởi các vị chơn tu từ cuối thế kỷ 18 đầu
thế kỷ 19 .
2. Thời mở cửa và việc hội nhập vào WTO, ngày càng có nhiều vị sư du
học tại Ấn Độ, Miến Điện hay Thái Lan nếu không nhầm chắc chắn bản thân
các vị đó vẫn thấy mình lạc lõng trong lòng hệ phái PGNT rồi thời gian
sau các vị sư vẫn là những cánh chim bay về tổ ấm .
3. Một hình ảnh thực tế cho thấy phật tử theo các hệ phái này rất
đông trong khi hệ phái Phật giáo Nguyên Thuỷ thì phật tử đến chùa lác
đác, có đông chăng chỉ là vào những dịp lễ dâng y hay bát hội chứ ngày
thường thì không nhiều, nên không khí sinh hoạt tôn giáo chưa viên mãn
lắm .
Vậy vấn đề là ở đâu và lý giải vấn đề này như thế nào?, biện pháp khả
thi cần làm là gì? và vai trò sắp tới của việc Phật giáo Nguyên Thuỷ
phải như thế nào để khẳng định vai trò hệ phái của mình trong thời mạt
pháp này?
II. BỐI CẢNH VĂN HÓA XÃ HỘI & TỤC LỆ
Việt Nam là một đất nước đã chịu ảnh hưởng của Bắc thuộc hơn 1000 năm
và 100 năm dưới thời đô hộ của thực dân Pháp .
1. Sự nô lệ về văn hóa với những mặt tính cực và tiêu cực của nó là
một hệ quả tất yếu trên đời sống tinh thần của dân tộc ta và hình thành
những nếp suy nghĩ khó sửa đổi. Vì vậy tín ngưỡng hay tôn giáo của dân
tộc ta ít nhiều bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa phong kiến bảo thủ
phương Bắc, trọng hình thức, về lễ bái, về thủ tục, về cách phục sức
cũng như về chủ nghĩa tôn sùng cá nhân v..v.. từng ấy yếu tố thấm sâu
vào tư tưởng của người dân cộng thêm với những khó khăn vất vả truân
chuyên trong cuộc sống đời thường nên con người rất dễ tin vào sự che
chở của một đấng toàn năng tối hậu, vào thần linh, vào chư tiên do hư
cấu từ các truyền thuyết văn hóa phương Bắc.
Từ đó xuất hiện sự tôn sùng đạo dưới dạng mê tín và sự trả ơn thần
thánh bằng vật phẩm, bằng tài chánh tương đương với tài lộc mà bản thân
nhận được có từ sự van vái trong khói hương đến cay cả mắt và được trời
Phật ban thưởng. Những tục lệ đốt vàng mã cho người chết tiêu xài vẫn
còn tồn tại, những lư hương nghi ngút khói nhang trầm um tùm trong các
chùa, đền thờ, những câu chú đã ít nhiều làm an lòng người phật tử nhất
tâm cầu nguyện Phật trời cho mình và cho người quá vãng. Phật giáo vô
hình chung bị biến cải thành một tôn giáo nhiều mê tín hơn là một nếp
sống như lời Đức Từ phụ đã dạy.
2. Các chùa chiền ở 2 miền Nam Bắc thì tùy vào sự hội tụ với các trào
lưu tư tưởng như: đạo Khổng, đạo Lão và với phong cách của vị trụ trì
thì sinh hoạt rất đa dạng. Có chùa có những sinh hoạt tôn giáo tốt còn
đa số thì chú ý vào công tác xã hội, hay cúng tế, cúng sao giải hạn, đến
việc tạo cảnh chùa mới, đến hành hương v..v.. chứ việc phổ biến giáo lý
đến thế hệ trẻ thì chưa đặt nặng hay nếu có quan tâm chăng thì tùy theo
dân trí nên chỉ dạy phật tử sơ cơ thế nào là luật nhân quả, đạo hiếu
thảo, thiện nghiệp và ác nghiệp v..v.. chứ không đi sâu vào Tứ Diệu Đế
hay Bát Chánh Đạo.
3. Phật tử thuộc giới trẻ chưa nghiêm túc nghiên cứu học hỏi hay chưa
nghe kiến giải về Tam Tạng kinh điển và chưa thấm nhuần lời Phật dạy
ngỡ ngàng trước một rừng giáo pháp khổng lồ. Một vấn đề đặt ra là không
ai định hướng được cách đọc và học đạo cho họ. Thanh niên phật tử mà chỉ
hiểu về cuộc đời của Đức Phật giống như đọc một câu chuyện cổ tích, và
những lời thuyết giáo về cuộc sống, về kiếp người như thế nào thì phật
tử chưa hiểu tường tận nhưng lại sẵn sàng đọc thuộc các bài chú.v..v ..
Vấn đề là phải hiểu sự hiện diện của Đức Phật ở cõi trần này. Ngài là
ai? Sau khi nhập niết bàn ngài đã để lại những gì? và quan niệm của
chúng ta ra sao về những lời thuyết giáo của ngài?. Bổn phận ta phải làm
gì với những lời khuyên dạy của người ? Trách nhiệm là thuộc về ai?
III. PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ VÀ TRÀO LƯU QUỐC TẾ
1. Không ra nước ngoài thì không thấy được Phật giáo thế giới so với
ta quả thật có nhiều điều khác biệt cần đề cập và có nhiều giá trị tham
khảo lớn cho PGVN nói chung. Sinh hoạt tôn giáo tại Thái Lan, Lào, Miến
Điện, Tích Lan là sinh hoạt duy nhất của Phật giáo Nguyên Thuỷ, tựu
trung thì Phật giáo Nguyên Thuỷ hầu như có mặt khắp nơi cùng với các
trường thiền quốc tế tại Mỹ, Úc, Anh dạy các khóa thiền Vipassanà 10
ngày, thế còn tại Việt Nam thì sao?
Mỗi chùa dạy một kiểu thiền, ở những nơi dạy đó thì thiền lại có một
danh xưng rất riêng bằng tên Việt Nam. Thiền có nhiều tên gọi khác nhau
khiến đôi lúc phật tử hoang mang và phải chăng đây là những nét riêng để
lôi kéo tín đồ cho tông phái mình???
2. Phật giáo Nguyên Thuỷ tại Việt Nam đã có lịch sử hình thành chưa
đầy 100 năm trở lại đây đã đủ lớn mạnh để đem chánh pháp đến với dân
chúng chưa? hay bản thân trong lòng Phật giáo Nguyên Thuỷ còn có những
vấn đề khúc mắc cần giải quyết như xây dựng chùa, an cư cho tăng chúng
những khóa thiền tuy có mở thường xuyên nhưng vẫn chỉ ở một số chùa
chính và các phật tử thiền sinh đã hiểu nhiều về thực hành thiền hay
chính danh xưng của nó chưa?
3. Sự phát triển của phong trào thực hành Thiền Minh sát tuệ
(Vipassana bhavanà) đang được đa số phật tử Việt Nam biết đến và tập tu
để giải thoát mình ra khỏi cái cuốn hút của thế giới vật chất văn minh
đến chóng mặt hiện nay. Vậy trách nhiệm mang đến lợi lạc này cho quần
chúng thuộc về hệ phái nào? hay thuộc Phật giáo Việt Nam nói chung?
4. Sách vở do các thiền sư nổi tiếng trên thế giới thuộc Phật giáo
Nguyên Thuỷ viết được dịch ra tiếng Việt rất phong phú để phục vụ con
người, nhưng người phật tử vẫn mong mỏi học những gì nơi vị sư Phật giáo
Nguyên Thuỷ Việt Nam?
Những vấn đề mang tính xã hội hiển bày khiến cho mọi người trong
chúng ta nhận thấy vai trò phát huy Phật giáo Nguyên Thuỷ tại Việt Nam
là một bức xúc đáng quan tâm trước cái nhìn của Phật giáo Nguyên Thuỷ
quốc tế.
IV. VAI TRÒ PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY (NAM TÔNG)
Riêng tại Thành phồ Hồ Chí Minh thì Phật giáo Nguyên Thuỷ có mặt từ
rất sớm khoảng 1930 - 1935 từ Tổ đình Bừu Quang rồi lan ra khắp các quận
với con số khiêm nhường về số lượng chư tăng và chùa thuộc hệ phái
Theravada. Mỗi chùa có một sinh hoạt đặc thù riêng bên cạnh những nét
chung trong những ngày lễ theo Phật giáo Nguyên Thuỷ. Tựu trung vẫn cho
chúng ta thấy được những thuận lợi và khó khăn sau đây.
A. Thuận Lợi:
1. Phật giáo Nguyên Thuỷ được quốc tế công nhận là một trong hai tông
phái chính của Phật giáo thế giới.
2. Nhiều sách do các thiền sư nổi tiếng trên thế giới thuộc Phật giáo
Nguyên Thuỷ viết đều đang được các sư Phật giáo Nguyên Thuỷ và các dịch
giả nổi tiếng trong và ngoài nước dịch sang tiếng Việt và đã được phật
tử hoan hỷ đón nhận. Tam Tạng Kinh điển của Đức Phật đã đến với quảng
đại quần chúng nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức và những ai
muốn nghiên cứu về Đạo Phật.
3. Các ngày lễ như lễ Dâng Y Kathina, lễ Vu Lan; lễ Vesak và những
đêm hạnh đầu đà dần dà trở thành những thói quen trong sinh hoạt tôn
giáo của phật tử hệ phái Phật giáo Nguyên Thuỷ.
4. Các khóa tu 10 ngày về Thiền minh sát được tổ chức đều đặn tại một
số chùa nguyên thủy như Phước Sơn, Bửu Quang, Bửu Long. Nguyên thủy, Xá
Lợi Phật Đài v..v.. được đông đảo phật tử tham dự.
5. Phật tử theo Phật giáo Nguyên Thuỷ ngày càng quen thuộc với lời
kinh bằng tiếng Pali, thứ ngôn ngữ mà Đức Phật đã dùng để thuyết giáo
trong 45 năm hoằng pháp lợi sanh tại Ấn Độ.
6. Phật tử dần dần nhận ra là đến với Phật giáo Nguyên Thuỷ là được
nhiều lợi lạc thiết thực cho chính bản thân mình thông qua pháp hành
thiền tuệ chứ không đơn thuần là đến để lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, gõ
mõ hay cúng dường tịnh tài hoặc tịnh vật cho các thầy, các sư.
B. Khó Khăn
1. Hệ phái Phật giáo Nguyên Thuỷ sinh sau đẻ muộn tại Việt Nam, một
đất nước đa tôn giáo.
2. Sinh hoạt của Phật giáo Nguyên Thuỷ mang đậm tính chất tĩnh lặng,
chú trọng đến nhân cách của phật tử hơn là đến số lượng.
3. Phật giáo Nguyên Thuỷ chưa có một trường Phật học nguyên thủy
riêng cho các tăng sĩ Phật giáo Nguyên Thuỷ người Kinh.
4. Quan điểm cố hữu của đa số phật tử là thấy hoặc không thích các
nhà sư Phật giáo Nguyên Thuỷ ăn mặn mà không ăn chay. Mặc dù họ vẫn biết
về luật tam tịnh nhục.
5. Phật giáo Nguyên Thuỷ luôn dè dặt trong việc hội nhập với đời
trong bối cảnh mà vật chất chi phối rất mạnh đời sống tu sĩ Phật giáo
nói chung.
6. Phong trào giúp đời hay hưởng ứng chính sách nhà nước đối với
người nghèo ít nhiều còn khiêm nhường.
7. Vẫn còn đa số phật tử chưa hiểu tường tận giáo pháp của Đức Thế
Tôn trên nền tảng Tam tạng kinh điển mà còn chịu ảnh hưởng nặng bởi
những bài kinh và câu chú.
8. Giáo hội PGVN là đại diện chung cho các hệ phái dường như chưa có
những Ban Điều Hành đại diện cho từng hệ phái để điều hành và giải quyết
các vấn đề riêng trong từng hệ phái.
V. PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Kỷ nguyên khoa học kỹ thuật là nhằm nâng cao đời sống vật chất cho
con người và hậu quả là chủ nghĩa tiêu thụ buộc con người tự nguyện làm
nô lệ cho chúng đồng thời cũng làm con người xa rời đời sống tâm linh.
Vấn đề nếu chúng ta coi đó là phương tiện thì hãy lợi dụng KHKT để phục
vụ việc phổ biến giáo pháp tuy nhiên cần phải hiểu rằng Phật giáo đang
trong thời đại kỹ thuật số thì sẽ nẩy sinh những vấn đề liên quan tới
giới mà Đức Phật đề ra.
1. Giới luật không cho tăng sĩ nhận tiền, nhưng thực tế nhìn chung
cho thấy giới này chưa được tôn trọng trong cộng đồng tăng lữ và còn là
một trong những phương cách làm giàu trong việc xây dựng cho mình một
gia sản, đất đai và với việc giữ thẻ ATM, và việc sở hữu các máy móc
trang thiết bị cá nhân cell phone; digital camera MP3; MP4; Ipod v..v..
thì có nên đuợc coi là phạm giới không?
2. Sự buông bỏ tài sản là lời dạy của Đức Phật nhưng thực tế cho
chúng ta thấy khác hẳn cùng với lý luận cho rằng vì tu phước nên mình
được hưởng phước chứ không cần tu tuệ trái ngược với bức hoành phi treo
trong chùa “DUY TUỆ THỊ NGHIỆP”.
Do vậy việc chấn hưng Phật giáo Nguyên Thuỷ phải được nhìn nhận từ
nhiều góc độ khác nhau để thấy ra được nét chung là phát triển Phật giáo
Nguyên Thuỷ trên tinh thần vì lợi ích tâm linh của cộng đồng xã hội,
tiếp bước các hạnh nguyên khai sáng của các bậc thầy tổ Phật giáo Nguyên
Thuỷ đi trước.
Theo thiển ý của người viết xin mạo muội đóng góp những ý kiến thô
thiển sau:
1. Không coi trọng hay có những định kiến cá nhân về tu học và học vị
trong việc phát triển Phật giáo Nguyên Thuỷ theo cách riêng mà cần nhìn
nhận nét chung rằng Phật giáo Nguyên Thuỷ là hệ phái được quốc tế công
nhận và hãy vì tiền đồ của Phật giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam.
2. Cần có chiến lược đào tạo thế hệ tăng tài cho du học nước ngoài
hay thành lập một trường Phật học Nguyên Thủy giống như Học viện Phật
giáo Nam Tông KHMER dành cho việc bồi dưỡng kiến thức cho chư tăng hệ
phái Nam Tông người Kinh .
3. Đối với các tăng sĩ được tài trợ cho đi du học tại Miến , tại Ấn,
hay tại Thái với những học vị cao. Xin các vị đừng quay lưng lại với
Phật giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam mà cần quan tâm đến việc phát triển nó,
chứ không phó mặc cho riêng một vị tăng nhất định nào và nên coi đây
cũng là một trong những trách nhiệm của bản thân mình. Hãy đem tinh hoa
Phật giáo Nguyên Thuỷ thế giới về bổ sung xây dựng cho nền đạo giáo nước
nhà truyền bá rao giảng giáo pháp miệt mài. Hãy tự tin bản thân trong
việc thuyết giáo đừng thờ ơ cho đó là việc của các vị đi trước mình
không dám xen vào. Hãy thuyết để cứu độ chúng sanh khi cần.
4. Các sư tôn kính những sư cao hạ có uy tín thì quý sư cao hạ cũng
cần nhìn nhận vấn đề thuyết giảng ngày nay với sự trợ giúp của KHKT khác
xưa nhiều lắm. Đó là kết quả của sự tiếp biến văn hóa giữa Đông Tây.
Xin hãy đừng để quan điểm bảo thủ chế ngự mình hãy tạo môi trường cho
tăng tài trẻ tiến bộ trong việc hoằng dương giáo pháp và các sư trẻ tài
năng xin cũng đừng vì học vị mình đang có mà xem thường những vị cao hạ
từng là tàng cây cổ thụ che chở cho đời mình, dù không có học vị nhưng
đầy kinh nghiệm tu hành tinh tấn trong việc rao giảng giáo pháp.
5. Sư trẻ nên nghiên cứu sách và giới luật do các vị tiền bối tại
Việt Nam về Phật giáo Nguyên Thuỷ viết và đồng thời đem những tinh hoa
của Phật giáo Nguyên Thuỷ thế giới hòa trộn vào cho thêm phong phú. Hãy
tự chứng minh sự hiểu biết và chỗ đứng của mình để trở thành vai trò hạt
nhân trong phát triển và củng cố Phật giáo Nguyên Thuỷ, và Phật giáo
Nguyên Thuỷ nên đặt lại vấn đề cần bồi dưỡng khả năng ngoại ngữ cho chư
tăng nhất là tiếng Anh dùng trong giao lưu văn hóa với Phật giáo Nguyên
Thuỷ quốc tế.
6. Cần phối hợp giữa xưa và nay về phương diện hoằng pháp sẽ tạo cho
Phật giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam một nội lực thâm sâu, một phong cách mới
dưới sự giúp đỡ cũa KHKT tôi tin rằng những bài thuyết giảng sẽ rất chất
lượng. Hãy biến những buổi thuyết giảng cổ điển mà qúy sư trẻ tài năng
nên giúp quý sư thuyết giảng bằng cách minh họa lời giảng trên máy chiếu
soạn theo chương trình Microsoft Powerpoint như vậy thật ấn tượng và đi
vào lòng người nghe hơn là thuyết giảng suông mà không có trợ huấn cụ
(Preaching Aids) mà trong giáo dục người ta gọi đó là dạy chay rao giảng
suông và lời nói gió bay nên không tác dụng. Phật tử vừa nghe vừa ngủ
gục sau đó tranh nhau nhận đĩa CD pháp thí thật nhiều nhưng có đảm bảo
rằng họ có nghe không? Chất lượng của những bài thuyết pháp cần được
củng cố trong lòng người nghe ngay tại chỗ.
7. Củng cố chương trình sinh hoạt trong các đêm hạnh đầu đà, và các
lớp chia sẻ giáo pháp. Các đêm hạnh đầu đà là thời gian rất qúy báu mà
chỉ Phật giáo Nguyên Thuỷ mới có thì chúng ta nên xây dựng riêng cho
những đêm này một chương trình rao giảng giáo pháp có định hướng chuyên
đề một cách bài bản trong một năm do trụ trì chỉ đạo kết hợp với ý nghĩa
tôn giáo của từng giai đoạn, bên cạnh những giái đáp thắc mắc về đạo
pháp hay trò chơi đố vui Phật pháp chứ không nên tự do muốn nói hay muốn
rao giảng không định hướng trước vì người phật tử muốn thông qua đêm
này để hưởng được những lợi lạc cho đời sống tâm linh, đồng thời cần có
những hiểu biết thấu đáo về giáo pháp theo trình tự chứ không đến chung
vui suông uống, ăn rồi ngồi mê mệt tới sáng sau đó ra về, do vậy hiệu
suất của những đêm hạnh đầu đà này theo tôi chưa cao nên không thu hút
nhiều phật tử mới. Nên biến nó thành một đêm hội của phật tử. Ngoài
những đêm hạnh đầu đà nên tổ chức thêm các lớp chia sẻ về giáo pháp hàng
tuần tại chùa tạo diễn đàn cho phật tử trí thức phát biểu các Sư là cố
vấn chỉ đạo trong các buổi đó bằng cách phân công qúy sư trẻ trong chùa.
Theo đúng phương pháp giáo dục mới trên thế giới vì có như thế mới kích
động lòng mong muốn học hỏi giáo pháp trong người phật tử .
8. Chú trọng đều đặn nhiều tới Thiền về mặt học, hiểu rồi mới hành
nhằm giúp cộng đồng xã hội ngày nay, giảm thiểu số bệnh nhân đột qụy,
giúp họ tự giải thoát cho mình khỏi tác động của xã hội văn minh vật
chất đang quay cuồng này và củng cố đời sống đạo đức của chính bản thân
họ.
9. Giáo Hội PGVN, bên cạnh Hội Đồng Trị sự TW nên có và cần hình
thành thêm tại Trung Ương cũng như các Ban Trị sự các tỉnh thành các Ban
Điều hành riêng cho từng hệ phái để Giáo hội nắm sát được tình hình
cùng những theo dõi sâu sắc được những chỉ đạo của Giáo hội và Trưởng
các hệ phái có tiếng nói được mọi thành viên trong hệ phái tôn trọng chứ
GH không nên điều hành chung chung khiến không thể giải quyết các vấn
đề riêng hay những sai sót đặc thù trong từng hệ phái (hiện tượng cha
chung không ai khóc phổ biến).
Hơn nữa bên cạnh trường Trung và Cao cấp Phật Học thì GHPGVN nên quan
tâm đến việc thành lập học viện Phật giáo Nguyên Thuỷ dành cho chư tăng
Việt Nam được đào tạo bài bản không pha trộn với giáo lý khác.
10. Việc phục vụ cho ấn tống kinh sách và đĩa CD về giáo pháp được
hoan nghênh và qúy Sư nên cần giáo dục về ý thức thọ nhận pháp thí này
thì phật tử cần phải thực hiện như thế nào?.
11. Về việc dịch kinh xin được lạm bàn như sau: Hiện nay trên thị
trường kinh sách Phật giáo Nguyên Thuỷ chúng ta thấy rất nhiều đầu sách
của các vị thiền sư nổi tiếng ở nước ngoài được các vị cao tăng và một
số nhà học giả uyên bác tại Việt Nam dịch sang tiếng Việt, nhưng một câu
hỏi được đặt ra là “Đâu là những tác phẩm hay của thiền sư Việt Nam
được dịch ra tiếng nước ngoài để thế giới biết đến tăng tài của Việt
Nam?”.
Chúng ta không thiếu tăng tài, học vấn uyên thâm nhưng trộm nghĩ tại
sao chưa có ai cho dịch những tác phẩm của họ ra tiếng nước ngoài để mọi
người biết. Tôi đã đọc những tác phẩm hay của Ngài Hộ Pháp, Ngài Viên
Minh, Ngài Bửu Chánh hay của sư Thiện Minh v..v…cả một kho tàng văn học
Phật giáo không thể nào được lãng quên trong thời kỳ hội nhập này.
12. Tu sĩ Phật giáo Nguyên Thuỷ cần tiếp thu và vận dụng KHKT vào tu
tập và hoằng dương chánh pháp một cách năng động chứ không nên hưởng thụ
thành quả KHKT phục vụ nhu cầu cá nhân chỉ có tu học riêng cho bản
thân.
13. Tổ chức giao lưu phật tử giữa các chùa Nam tông và các phật tử
các chùa Bắc tông nhằm tạo sự gắn bó. Những đứa con có cùng cha chung,
không tỵ hiềm, không gò ép, không phê phán mà nhiệt thành cởi mở, đưa
thơ ca văn nghệ vào các buổi thuyết pháp và giao lưu. Các chùa cần biết
hình thành và phát huy vai trò gia đình phật Tử dưới dạng dã ngoại tại
khuôn viên chùa do phân công các sư trẻ hướng dẫn.
14. Công bố trên Website chương trình sinh hoạt của từng chùa để phật
tử biết mà tham gia. Dùng Internet làm công cụ rao truyền chánh pháp,
tạo diễn đàn Phật giáo Nguyên Thuỷ ngỏ để phật tử đóng góp ý kiến chân
thành với quý sư về những vấn đề mà người ta không dám nói trước mặt dựa
trên tinh thần dân chủ mà từ xa xưa Đức Phật đã áp dụng và không phân
biệt giai cấp xã hội.
15. Thực hiện quan điểm trung đạo “Trong tĩnh có động và trong động
có tĩnh” nên Phật giáo Nguyên Thuỷ vừa tu vừa thực hiện tâm bồ tát vừa
độ tha trong xã hội ngày nay, hơn là chờ chứng đắc rồi mới độ đời. Theo
lời Phật dạy là đạo của Như Lai mang lại lợi ích cho số đông. Nên phát
huy các hoạt động xã hội sẵn có.
16. Phật tử Phật giáo Nguyên Thuỷ phải đoàn kết và là hạt nhân chia
sẻ giáo pháp đến quần chúng lao động giúp họ xua tan nỗi khổ đau của
cuộc sống hơn là thương hại họ bằng những vật phẩm ban tặng, vì khổ đau
sẽ chỉ được giải quyết tận gốc trong tâm linh sâu thẳm của mỗi người .
VI. KẾT LUẬN
Từ những quan tâm của bản thân khi được duyên lành tiếp cận với Phật
giáo Nguyên Thuỷ, được tiếp cận nhiều vị cao tăng phẩm hạnh tôn quý và
những thông tin được thu thập được qua mạng và qua bạn bè tại nước ngoài
nên đệ tử phát tâm trong sạch và thành khẩn khi viết bài này. Tâm
nguyện của đệ tử rất ủng hộ giáo pháp Phật giáo Nguyên Thuỷ, kính trọng
chư tăng và đang nhìn rõ một số những sự việc trong lòng Phật giáo
Nguyên Thuỷ và mong muốn Phật giáo Nguyên Thuỷ có những chuyển mình
trong việc phát huy vai trò của mình bên cạnh những hệ phái khác của
PGVN.
Đệ tử thành tâm sám hối cùng chư tăng nếu có điều chi sai phạm xin
rộng lòng từ tha thứ cho đệ tử còn non nớt trong tư tưởng. Phật giáo
Nguyên Thuỷ cần phải chuyển mình trong thiên niên kỷ mới của hội nhập để
sánh vai với Phật giáo thế giới và trong tinh thần của Đại lễ Vesak
2008 cúi xin chư tăng và những bậc Tôn đức hãy vì tiền đồ của Phật giáo
cùng tiếp tay nhau trong việc nghiêm trì Phật pháp & dân tộc, dựng
xây một nếp sống đạo đức cho mọi người trong xã hội, góp phần xây dựng
một xã hội lành mạnh đặt cơ sở trên sự chuyển đổi nội tâm và nếp suy
nghĩ của từng thành viên trong xã hội chúng ta.
Xin dẫn lời trong kinh pháp cú và lời răn của Phật thay cho đoạn kết:
“Khi cần không nỗ lực .
Tuy trẻ mạnh nhưng lười .
Chí nhu nhược biếng nhác .
Với trí tuệ thụ động.
Sao tìm được chánh đạo.
(KPC câu 280 Phẩm đạo)
“Không khinh điều mình được.
Không ganh người khác được.
Tỳ kheo ganh tỵ người.
Không sao chứng thiền định.
(KPC câu 365. Phẩm Tỳ kheo)
“Trước hết tự đặt mình.
Vào những gì thích đáng.
Sau mới giáo hóa người.
Người trí khỏi bị nhiễm.
(KPC câu 158. Phẩm tự ngã)
“Dễ thay thấy lỗi người.
Lỗi mình thấy mới khó.
Lỗi người ta phanh tìm.
Như sàng trấu trong gạo.
Còn lỗi mình che đậy.
Như kẻ gian dấu bài. (KPC câu 252. Phẩm cấu uế)
Và 5 trong 14 điều răn của Đức Phật là
1. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình.
2. Đáng thương nhất của đời người là tự ti.
3. Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã .
4. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng .
5. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.
Chúng ta sẽ suy nghĩ và làm gì trước bối cảnh mới này? Câu trả lời là
do chính chúng ta những con người có tâm huyết với Phật giáo Nguyên
Thuỷ./
Theo: Tập văn Phật giáo Nguyên thủy