Sự sống lúc nào
cũng chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình mà thôi. Tha thứ
không có nghĩa là bỏ qua hết những gì ta đã làm, hoặc tưởng tượng rằng một
ngày nào đó những nỗi đau trong ký ức rồi sẽ giản dị biến mất. Nó chỉ có nghĩa
là ta ý thức được màn lưới chằng chịt nối liền của nhân duyên, của những điều
kiện đã tạo nên hành động của mình. Và nhờ sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương
mình và người khác hơn
Nhà
thơ Rumi viết, “Một cái nhìn sâu thẳm vào nội tâm sẽ làm phát khởi lên một nỗi
đau lớn, nhưng nỗi đau ấy sẽ giúp ta bước ra được phía sau tấm màn che”. Mỗi
khi chúng ta nhớ lại những việc nào mình đã làm mà gây khổ cho kẻ khác, ngay
trong giây phút ấy, ta sẽ kinh nghiệm một nỗi đau. Và nỗi đau đó có thể trở
thành một phương tiện giúp ta chuyển hóa. Khi ta có thể “bước ra được phía sau
tấm màn che” của vọng tưởng, ta sẽ không còn cho mình là “xấu xa” nữa, và ta
biết cởi mở đối với tự tánh khổ đau của mọi kinh nghiệm.
Mỗi
khi tưởng nhớ lại những lần mình đã làm khổ kẻ khác, chắc chắn sẽ gây cho ta
nhiiều khổ tâm. Tôi đã từng ngồi thiền chung với một người chồng đánh đập vợ
mình tàn nhẫn mỗi khi nổi giận, với một người đàn ông chờ án tử hình vì đã vi
phạm tội sát nhân trong một lần ăn cướp, hơn hai mươi năm về trước. Và tôi
cũng đã từng ngồi với những ký ức buồn đau của chính mình về những nỗi khổ tôi
đã gây cho người khác. Không cần biết việc lớn hay nhỏ, hễ khi ta làm cho
người khác khổ là ta cũng sẽ chịu một sự đớn đau.
Có
thể ta nghĩ rằng, mỗi khi ta nhớ lại những lỗi lầm của mình rồi tự hành hạ và
dày vò, thì đó cũng là một hình thức chuộc tội. Nhưng thật ra, chính tâm từ mới
là một sự hối tội chân chính. Khi ta bị một mặc cảm tội lỗi chiếm ngự, nó sẽ
làm cái tôi của mình trở nên vô cùng giới hạn và nhỏ bé, “Đây mới là con
người của tôi, một người đã có những hành động xấu xa này…”. Và một khi cái tôi
đã bị giới hạn, ta sẽ càng cảm thấy bị tự trừng phạt bởi những sự khổ đau, xa
cách, cô đơn và vô vọng của mình. Ta cho là mình xứng đáng bị như vậy. Và khi
nghe đức Phật dạy, mỗi chúng sinh đều muốn sống hạnh phúc và đều có khả năng
sống hạnh phúc, ta lại càng cảm thấy cô độc hơn.
Nhiều
năm trước đây, trong một giờ ngồi thiền của một khóa tu, tôi thấy mình nhìn
lại một quãng đời khó khăn trong cuộc sống của mình. Nhớ lại những việc làm
xưa chẳng làm tôi vui sướng gì. Nhưng khi hiểu rằng hành động của tôi chỉ là
một phần của những biến cố nối liền, liên tiếp theo nhau, tôi có thể nhìn lại
mình với một ánh mắt hiểu biết hơn và tha thứ hơn. Tôi có thể thấy rõ rằng khi
một việc này khởi lên, nó sẽ làm nền tảng cho một việc kế tiếp phát sinh theo.
Kinh
Phật có dùng một ví dụ để diễn tả tính cách nối liền, nhân quả của những sự
kiện xảy ra với nhau. Khi nước trong đại dương theo thủy triiều dâng lên cao,
nước trong các con sông cũng sẽ dâng lên theo; khi nước sông dâng lên, nước
trong các hồ lớn, kinh rạch cũng sẽ dâng lên. Khi nước trong đại dương theo
thủy triều hạ xuống thấp, nước trong trăm con sông cũng sẽ hạ thấp, và nước
trong hồ, kinh, rạch cũng thế. Sức hút của mặt trăng tác dụng lên khối lượng
nước trên quả đất, trừ những trường hợp rất hiếm, khiến chúng chuyển động rất
tương hợp với nhau. Khi một cái này phát khởi lên, sẽ khiến một cái kia có liên
hệ với nó phát khởi lên theo. Bất cứ một sự kiện nào có mặt chắc chắn cũng sẽ
bị điều kiện bởi một cái khác. Cũng thế, tất cả moji yếu tố có liên hệ đến sự
hiện hữu của ta – thân này, tâm này, thế giới bên trong, thế giới chung quanh
ta – đều có một kết cấu rất mật thiết với nhau.
Trong
khóa tu, tôi thấy được những sự kiện của đời mình, giống như sông và biển,
chúng xảy ra theo một thứ tự rõ rệt. Tôi thấy mình đã cố gắng làm hết sức mình
trong hoàn cảnh đang có mặt. Trong tình trạng ấy, với những điều kiện ấy, có
lẽ tôi đã không thể nào làm gì khác hơn thế được. Vì một thái độ khác sẽ đòi
hỏi một sự hiểu biết khác dựa trên những sự kiện và kinh nghiệm khác.
Chúng
ta không thể nào hốt lại nước đã đổ và chúng ta cũng không thể nào trốn tránh
được hậu quả về hành động của mình. Nhưng thay vì tự oán trách hoặc là cứ ôm
một mặc cảm hổ thẹn mãi, ta có thể thay đổi nó bằng cách tưới tẩm hạt giống xấu
ấy bằng chánh niệm và tâm từ. Đó chính là nền tảng của sự tu tập.
Theo
luật nhân quả,, thì cái tác ý đứng sau hành động mới là yếu tố chánh quyết định
cho sự tốt, xấu của hạt giống ta gieo trồng trong mỗi giây phút. Một hạt giống,
khi đủ điều kiện, đủ nhân duyên, nó sẽ nở hoa kết trái. Nhưng luật nhân quả
không bao giờ vận chuyển một cách máy móc và cứng nhắc hết. Vì nếu thế thì
chắc ta sẽ không bao giờ có thể làm gì để hay đổi được cuộc đời mình hết. Sẽ
không có cách nào để ta chuyển hóa được khổ đau, cũng như sự tu tập sẽ chẳng
đem lại cho ta một lợi ích gì.
Như
thiên nhiên đã cho phép rất nhiều điều kiện khác nhau đóng góp vào sự chín
mùi của một hạt giống, cũng thế, hạt giống chủ ý của ta không bao giờ hiện hữu
cô lập. Quả trái của một hành động không phải chỉ tùy thuộc vào hạt giống của
nó mà thôi, mà còn lệ thuộc vào tất cả những đặc điểm của miếng đất trong đó nó
được gieo trồng. Vì chúng ta luôn thay đổi để ảnh hưởng sự sống của mình, nên
miếng đất mà hạt giống ấy đang cắm rễ cũng sẽ biến đổi luôn. Và cũng vì thế,
mục tiêu giải thoát và cơ hội chấm dứt khổ đau của ta là chuyện có thể thực
hiện được.
Giả
sử chúng ta đã lỡ có một hành động bất thiện hoặc gây hại cho ai, nhưng nếu
biết trở lại sống trong chánh niệm và từ bi, ta sẽ có thể ảnh hưởng chuyển hóa
được thửa vườn mà hạt giống xấu ấy được gieo trồng, và rồi tất cả sẽ được thay
đổi. Đó cũng chính là một sự chuyển hóa mà ta có thể bắt đầu ngay trong giờ
phút này.
Chúng
ta hãy bắt đầu bằng cách dùng chánh niệm và tâm từ nhìn sâu vào những khổ đau
ta đã gây cho kẻ khác, cũng như nỗi đau của chính mình. Chúng ta hãy nhìn sâu
vào những mặc cảm tội lỗi, những hổ thẹn, sợ hãi bằng một tâm hiểu biết và bao
dung. Chúng ta thấy được sự khác biệt giữa việc cho rằng, “Tôi là một người
xấu xa” với lại “Tôi đã làm một việc xấu và tôi rất hối tiếc về hành động đó”.
Khi ta có thể kinh nghiệm được dòng sông cảm xúc của mình với sự tĩnh lặng,
sáng tỏ và thương yêu – không phán xét và hẹp hòi – tâm ta sẽ trở thành một
tấm gương trong vắt, phản chiếu được hết những gì đang có mặt. Trong tiến trình
ấy, tấm gương tâm của ta cũng sẽ phản chiếu luôn được cả tự tánh của chính nó:
tỏa chiếu, thanh tịnh và ngời sáng. Như đức Phật dạy, “Chân tâm của ta bao
giờ cũng trong sáng”.
Chúng
ta sẽ tìm lại được cái khả năng tỉnh thức, biết yêu thương và bắt đầu lại của
mình. Mặc dầu trong quá khứ có thể ta đã có những hành động bất thiện, nhưng ta
vẫn biết rằng sự trong sáng, tĩnh lặng mới chính là bản chất thật sự của mình,
chứ không phải là những tâm tham sân thường xúi dục ta đi gây hại cho kẻ khác.
Thật ra, ta không cần phải làm gì mới có thể xứng đáng có được bản chất thanh
tịnh ấy – vì nó là bản tánh tự nhiên của ta. Dẫu trong quá khứ ta có thể sống
mà không hề biết đến nó, nhưng chân tánh ấy vẫn không bao giờ bị mất đi hay
lu mờ một chút nào hết. Chúng ta có thể xem thường nó, chà đạp nó, nhưng bản
tính thanh tịnh ấy không bao giờ thay đổi và vẫn chờ đợi ta một ngày khám phá
lại.
Khi
khổ đau giúp ta bước ra được “phía sau tấm màn che” của một ảo tưởng về sự chia
cách, ta sẽ tiếp tục được sự sống trọn vẹn, trong đó có chính ta. Sự sống lúc
nào cũng chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình mà thôi. Tha thứ
không có nghĩa là bỏ qua hết những gì ta đã làm, hoặc tưởng tượng rằng một
ngày nào đó những nỗi đau trong ký ức rồi sẽ giản dị biến mất. Nó chỉ có nghĩa
là ta ý thức được màn lưới chằng chịt nối liền của nhân duyên, của những điều
kiện đã tạo nên hành động của mình. Và nhờ sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương
mình và người khác hơn./.
Nguyễn
Duy Nhiên chuyển dịch
Sharon Salzberg
(Theo
VHPG số 64)