Phật Học Online

Nghĩ về những lùm xùm quanh "bóng áo nâu"

Từ nhiều nhân duyên, thời gian gần đây liên tục có những vụ lùm xùm liên quan tới tu sĩ Phật giáo. Sự “được mùa” của những biểu hiện không đẹp (có thật) ở chùa, xung quanh nhân thân nhà sư là một tiếng chuông cảnh báo về việc quản lý người tu. Đồng thời, qua đây cũng cho thấy một bài học về sự “té nước theo mưa” của ngoại đạo, của những người làm truyền thông câu khách…

Song, tất cả những điều đó có làm cho niềm tin vào Phật pháp, vào người tu lung lay? “Con sâu” có làm rầu “nồi canh”?

>> Phản cảm: Nam ca sĩ "khóa môi sư thầy"

Quan ngại

Không quan ngại làm sao được khi mà liên tục, từ đầu năm đến giờ, hết chuyện nhà sư ở chùa Phước Sơn (xã Lương Hòa Lạc, H.Châu Thành, Tiền Giang) bị quay clip quan hệ đồng tính, rồi bị tống tiền; đến vụ nhà sư là một ủy viên dự khuyết của BTS THPG Đà Nẵng cũng tương tự, bị quay clip tư tình, và bị tống tiền vì hành vi bất chánh… 

quanh bong ao nau.jpg

Hình ảnh nam ca sĩ "khóa môi" sư thầy gây phản cảm dư luận vài ngày nay

Hai vụ việc “người thật việc thật” này đã được pháp luật can thiệp, xử lý đối với người thực hiện hành vi tống tiền thầy chùa của bị can; song song đó, Phật giáo địa phương của những đương sự trên cũng đã có hình thức xử lý theo nội quy Hiến chương Giáo hội đối với Tăng Ni thuộc GHPGVN. Bài học về sự dễ dãi trong tu tập, lạm dụng chốn thiền môn, tư tình để xảy ra điều tiếng như vậy có lẽ là đáng báo động, đáng để cho mỗi người tu thực tập “hồi quang phản chiếu” hầu tránh đi vào vết sai có ảnh hưởng không chỉ tự thân mình mà còn tới Tăng đoàn.

Song, sự việc của những vụ đó chưa lắng xuống thì những xì xầm quanh việc các chú tiểu phô bày hình ảnh xấu xí trên mạng, việc một chú Sa-di “hộ tống” người đẹp thi hoa hậu cùng những bức ảnh không đúng nghi của người tu lan đi chóng mặt trên cộng đồng mạng. Từ đó, thổi vào dư luận lo lắng việc quản lý các chú Tiểu ở chùa, đến việc đào tạo Tăng tài… của Phật giáo có phần chưa được căn cơ, phải nhìn lại. Bên cạnh đó, cùng với những nội tình chưa rõ ràng, bạn đọc trên mạng lại bàng hoàng về vụ “sư Thắng” cưỡng hiếp thai phụ (nhưng thực chất không phải sư, mà là do trang ngoisao.net đưa tin ẩu, không đúng sự thật, dù sau đó có “nói lại cho rõ”).

Những u cục trong chốn thiền môn tiếp tục trở thành đề tài nóng hổi được bàn tán, nhất là trên cộng đồng mạng khi có rất nhiều những hình ảnh không đẹp về những người theo thầy Thích Tâm Mẫn (Tăng thân chùa Hoằng Pháp, H.Hóc Môn, TP.HCM) trong hạnh nguyện “nhất bộ nhất bái”từ Sài Gòn ra Yên Tử (Quảng Ninh). Những câu chuyện xấu xí được thống kê xung quanh hành trình của thầy Tâm Mẫn chính là “nhà sư” tung chưởng, đoàn “hộ tống” nhà sư Tâm Mẫn đánh người vỡ đầu, và cao trào hơn là nhóm này đuổi cả HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư (theo GDVN, Dân Trí…).

Thực hư của sự vụ những người (được cho là Phật tử(!?)) có hành vi côn đồ, không giống và không hề đúng theo lời dạy của Phật, tinh thần Phật giáo và vi phạm pháp luật - tự ý đánh, gây thương tích cho người khác (nhất là từ Quảng Trị trở ra) là ai, thì ít nhiều cũng làm cho cộng đồng Phật tử lo lắng. Những trầm trồ, tiếc nuối, cùng những bàn tán xôn xao có mặt nơi những đạo tràng, nhóm Phật tử yêu mến, kính trọng hạnh nguyện của một vị thầy trẻ thời hiện đại trong suốt 4 năm lặn lội đường xa, “nhất bộ nhất bái” kiên trì. Trong đó, tựu trung lại, có thể thấy, đối với những người nghe mang máng, hoặc nhìn bề nổi của sự việc đều nghĩ rằng: Phật tử gì mà hành xử lạ kỳ!

Tờ giấy trắng và những chấm mực

Những kết luận sâu hơn, cùng những biện pháp xử lý sau khi đã điều tra sự thật trong khuôn khổ nhà chùa, phạm vi Giáo hội đến xã hội dưới bàn tay của pháp luật về những vấn đề lớn-nhỏ kể trên thì chưa có. Tuy nhiên, giả như những điều xấu xí của một cá nhân, hoặc một nhóm người mặc áo tu sĩ, Phật tử kể trên là thật và đáng tội thì ta sẽ nhìn về những điều đó bằng đôi mắt như thế nào? Sẽ quy chụp “đạo Phật thế này, thế nọ” hay sẽ gán ghép một cách đầy ác ý rằng, “mấy ông thầy tu toàn là như thế cả”, hoặc sẽ tự buồn bã về chính ngôi chùa, những vị thầy mà mình từng yêu kính rồi xa lánh?...

Hinh anh ve thay Tam Man.jpg

Trên lộ trình chinh phục non Yên Tử, xung quanh thầy Tâm Mẫn cũng có nhiều vụ scandal khó đỡ!

Tôi còn nhớ, có một lần được nghe một vị thầy giảng, thầy ấy cầm một tờ giấy trắng có dính những vết mực ở một góc rồi đưa lên. Sau đó, hỏi Phật tử thấy gì không, thì đa số đều thấy những vết mực mà không thấy tờ giấy trắng. Rồi thầy kết luận, đa số chúng ta thích xoi mói, chỉ nhìn thấy những vết nhơ, lỗi lầm của người khác, cũng như khi nhìn vào tờ giấy trắng có vài chấm mực, ta chỉ thấy những vết mực mà thôi.

Cái tinh tuyền, không bợn một tì vết, lỗi lầm nơi sự vật hay con người là một sự hoàn hảo, ai cũng hướng tới, nên hễ trên vật (hoặc người) đó có một chút nhơ thì liền bị xem như… bỏ đi. Trong khi, nếu chúng ta nhìn với cái nhìn nhân văn, tròn đầy hơn thì ta sẽ biết cải tạo những cái xấu, phát huy những cái tốt trong vật đó, người đó để không bỏ đi (phí) hoặc không biến người đó, vật đó trở thành xấu xa luôn (theo hướng bị đẩy tới đường cùng).

Ứng xử với tờ giấy trắng có vết mực hay với những con người lầm lỡ - thiết nghĩ đối với người Phật tử thì phải luôn nhớ rằng, tha thứ, cải biến, cho họ con đường quay về chính là cách thực tập “hiểu và thương”. Hiểu, nơi con người, chưa phải là Thánh, nhưng trong tâm có Phật tánh nên hoàn toàn có thể sống tử tế nếu mình biết giáo dục, bằng lòng bao dung, tha thứ để đối đãi…

Những hình ảnh không đẹp trên hành trình “nhất bộ nhất bái” của thầy Tâm Mẫn không thể và không bao giờ bị quy chụp thành bộ mặt Phật giáo. Bởi, sự khuất tất của những người đi cùng thầy và vụ việc vi phạm pháp luật - đánh người vừa qua ở Bắc Ninh thật đáng đặt dấu hỏi, họ là ai?

Hơn nữa, Phật giáo còn phản chiếu bằng những tấm gương sáng lòa khác, như cứu tế, giúp đời, đồng hành của dân tộc, cùng vạn loại chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi trên lộ trình “tự lợi, lợi tha”. Nên, dẫu, có thể đâu đó, lúc này, lúc khác có những sự thật hoặc hiểu lầm về người tu, với những hình ảnh không đẹp thì với người trí, có hiểu biết sẽ không bao giờ quy chụp đó là tập thể, là Tăng đoàn hay Phật giáo được!

Nên, xoay quanh những vết nhơ có thật trong mỗi con người là thầy tu, chú tiểu, Phật tử kể trên, nếu ta nhìn bằng tâm Phật ta sẽ biết thương, dù có lo lắng, quan ngại. Và mỗi cá thể đó, đương nhiên là một phần trên cơ thể Phật giáo nếu có thật sự băng hoại (cần phải cắt bỏ) thì con đường họ đi trong dặm trường làm người, sanh tử luân hồi này cũng cần được “lấy đức báo oán”. Dẫu hành vi của họ là vô minh, hay cố ý bởi những ý đồ được thổi phồng vì bất cứ lý do nào như hoài nghi của dư luận thì việc Giáo hội cũng như gần hơn là tự viện có liên quan kịp thời xử lý (hoặc giáo dục, hoặc trục xuất khỏi cơ thể Tăng đoàn) thì cũng là một cách biết làm sạch vết nhơ, tránh để những phần tử vô minh, lạm dụng chiếc áo thầy tu, phá hoại đoàn thể Tăng.

Y pháp bất y nhân

Ở đây, chúng tôi cũng muốn nhắc tới một cách ứng xử hay là một sự thực tập mà Phật tử (thực sự là người con Phật theo kiểu tin và hiểu, chứ không phải tin mù quáng) chính là nương theo giáo pháp, giới luật - lời dạy của Đức Phật cùng những công hạnh của Ngài và những bậc Thánh để tu tập và nhìn nhận vấn đề. Sự nóng vội, bồng bột trong cách nhìn về một hiện tượng, chẳng hạn với những biểu hiện như kể trên dễ đưa tới những đánh giá thiển cận, rằng đó là đạo Phật hay là Tăng đoàn.

Đạo Phật luôn lấy tình thương (từ bi) và sự hiểu biết (trí tuệ) làm “đôi mắt” quán chiếu tự thân và cuộc sống nên không có lý do gì chúng ta học Phật lại đi nhìn những hiện tượng ấy bằng cái nhìn quy chụp, thiếu một niềm tin sâu chắc, để cho những lý lẽ kích động từ nhiều phía (muốn công kích, hạ bệ Phật giáo) đi vào và đánh mất tín tâm, bỏ sự tu tập, hành trì vốn tốt đẹp từ trước đến giờ.

Y pháp bất y nhân - bài học không bao giờ cũ, nhất là trong thời buổi nhiễu nhương này, những giá trị đạo đức có lúc bị khuynh đảo bởi những cái bất thiện liên quan tới danh-sắc-tiền-quyền… Chúng ta sẽ thấy những người khoác áo nâu nhưng lại làm không đúng lời Phật dạy hoặc tự phong, tự xưng để nói, làm những điều na ná như Phật dạy nhưng sau đó lại là phá hoại tín tâm, tô vẽ những hình tượng xấu xí về đạo Phật.

Sự tỉnh táo để nhìn hiện tượng, những cái tức thời ấy để tránh những “con sâu” (có thể vì tu tập không đúng pháp hoặc trà trộn từ bên ngoài vào) làm rầu “nồi canh” (ở đây được hiểu là Phật giáo, với ánh sáng từ bi-trí tuệ đã đi cùng nhân loại và dân tộc trong hành trình hàng thiên niên kỷ nay).

Lưu Đình Long (Đạo Phật Ngày Nay)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage