Phật Học Online

Về Bia Bà nghe chuyện khấn xin... trúng số

Một người thanh niên nghèo không có tiền cưới vợ đã đến Bia Bà cầu khấn, xin được… trúng số. Quả nhiên, anh ta trúng số được cả cây vàng, vừa có tiền cưới vợ lại vừa gây dựng được cơ nghiệp. Câu chuyện lan truyền khiến người ta tin rằng: Bia Bà thật sự linh ứng.



Sự tích Bia Bà

Bia Bà nằm trong quần thể di tích văn hóa La Khê, Hà Đông, Hà Nội. Hôm tôi đến là một ngày cuối tháng Năm âm lịch. Từ cổng vào có gần chục chiếc lán gắn biển "viết sớ thuê" và hầu như lán nào cũng có người đang thuê viết.

Bia Bà nằm bên phải sân đình La Khê, mới được xây dựng khang trang đang nghi ngút khói hương, người người sì sụp khấn vái. Mấy bà khấn thuê khấn rõ lên thành tiếng để chủ nhà còn... soát lỗi. Có người từ bên Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cũng sang cầu xin Thánh Bà phù hộ chuyện làm ăn buôn bán, xin cho con thi cử đỗ đạt, xin được làm nhà...

Ông Nguyễn Đức Thụ, thành viên Ban Quản lý di tích giải thích về Bia Bà. Theo đó, "Bà" ở đây chính là Đức Thánh Bà Trần Thị Hiền. Bà sinh năm 1511, là con gái đại thần triều Lê - Quận công Trần Trân, người trong làng. Bà được trời phú cho tư chất thông minh, lại nết na thùy mị và có nhan sắc hơn người nên được nhiều gia đình danh giá đương thời muốn đón về làm dâu. Năm 1527, đời Mạc Thái Tổ, nhà vua chọn Bà làm Phi tử cho Thái tử Mạc Đăng Doanh. Năm 1530, Thái tử lên nối ngôi, Bà được phong làm Đệ nhị cung.

Khi vào cung, Bà hết lòng phò vua giúp nước. Năm 1538, xảy ra thảm cảnh Mạc - Lê phân tranh, Bà quyết định rời nơi điện ngọc nguy nga về sống tại quê nhà. Bà mất khi 27 tuổi. Tiếc thương người vợ nết na, hiền thục nên sau khi làm lễ an táng xong, nhà vua cho người làm bia ghi lại công tích của bà.

Cũng theo ông Thụ, trước đây, Bia Bà nằm ngoài cánh đồng Vang và đã có hai lần bia bị đổ. Lần đầu vào năm 1913, lần sau là vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Sau, bia được đưa về để ở sân đình làng La Khê. Từ đó khách thập phương đến chiêm bái mỗi ngày một đông. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Ban quản lý di tích La Khê đã tiến hành dựng nhà để bia ở ngay trong khuôn viên của đình.
Đền thờ Đức Thánh Bà - nơi đặt Bia Bà.
Đền thờ Đức Thánh Bà - nơi đặt Bia Bà.

Vào ngủ là nhà gianh, tỉnh dậy là… bệ gạch

Bà Xuân năm nay 60 tuổi, là người gốc làng La Khê. Bà làm nghề cúng thuê ở Bia Bà từ mấy năm nay. Bà Xuân nhớ lại: "Hồi trước, Bia Bà nằm trên một gò đất ngoài cánh đồng, chỉ là một cái bệ đặt tấm bia và có bát hương, xung quanh cây cối rậm rạp. Mặc dù vậy, người trong vùng vẫn đến lễ lạt nên chẳng mấy khi bát hương ở đó lạnh ngắt".

Đến bây giờ, người La Khê vẫn truyền tụng nhau những câu chuyện về sự linh thiêng của Bia Bà. Theo bà Xuân thì chuyện rằng, một đêm nọ có anh bộ đội bị lạc đơn vị. Khi đi ngang qua cánh đồng Vang, anh gặp một bà cụ. Bà bảo: "Nếu con đi tiếp thì sẽ gặp cướp. Thế nên, con hãy vào trong nhà mẹ mà ngủ. Sáng mai nhớ phải đi về hướng Đông". Nhìn theo hướng chỉ tay của bà cụ, anh ta thấy đó là một ngôi nhà gianh giữa cánh đồng. Nhưng sáng hôm sau tỉnh dậy, anh giật mình khi thấy mình ngủ trên cái bệ gạch. Nhớ lời bà cụ, anh lại đi theo hướng Đông thì gặp ngay được đơn vị.

Rồi có dạo, người La Khê thấy một bà cụ tóc bạc phơ, cắp nón mê đi ăn xin. Hôm ấy, có người đàn bà đi làm đồng ngang qua khu Bia Bà, thấy bà già ăn xin nằm co ro vì đói, người này thương tình liền nhường lại suất ăn của mình. Vừa lúc ấy có cơn lốc mạnh thổi đến, trong tích tắc bà già ăn xin biến mất. "Sau, nghe đâu nhà người đàn bà kia ăn nên làm ra, giàu có lắm. Người ta tin rằng, bà già ăn xin chính là Thánh Bà hiển linh để thử lòng người", bà Xuân cho hay.

Mặc dù khẳng định "Thánh Bà chỉ giúp người chứ chẳng ai hại bao giờ" song bà Xuân vẫn không thể tin được lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế. Chuyện là, ngày Bia Bà còn ở ngoài cánh đồng, số người đến lễ lạt ngày một đông khiến cho tình hình an ninh rất phức tạp. Người ta đã nghĩ đến việc phá bia. "Thế nhưng, chẳng hiểu sao, hôm đội phá bia đến thì rắn mào từ đâu chui ra nhiều vô kể. Họ sợ quá nên không dám vào phá bia nữa. Sau này, chính cái ông ra quyết định phá bia bị mất chức, ốm thập tử nhất sinh".

Những câu chuyện mà bà Xuân kể lại chẳng biết có bao nhiêu phần trăm sự thực trong đó song rõ ràng nó càng khiến cho người ta tin rằng, Bia Bà thật sự linh thiêng. Người ta đổ xô về cầu khấn, mong sự linh ứng sẽ đến với mình.
Cổng vào khu di tích La Khê.
Cổng vào khu di tích La Khê.

Xin… trúng số

Bà Triển có lẽ là người làm nghề cúng thuê lâu năm nhất trong đội cúng thuê ở Bia Bà. Bấm đốt ngón tay, bà nhẩm tính "vậy là đã được 17 năm rồi". Đã có hàng nghìn lượt người, ở khắp trong Nam ngoài Bắc đến nhờ bà làm lễ khấn hộ. "Người ta xin nhiều thứ lắm. Nào là xin bình an, may mắn, cầu tài cầu lộc, thăng quan tiến chức, thi cử đỗ đạt, mua nhà rồi lại bán được nhà, trúng hợp đồng làm ăn... Chủ yếu vẫn là cầu xin trong việc làm ăn. Cũng có rất nhiều người trong số đó quay lại làm lễ tạ khi được Thánh Bà linh ứng", bà xác nhận.

Tôi hỏi bà Triển về tích của cái sự "chủ yếu vẫn là cầu xin trong việc làm ăn", bà lắc đầu. Đem câu chuyện hỏi ông Nguyễn Đức Thụ, thành viên Ban Quản lý di tích, ông kể: "Dịp xây đền thờ Thánh Bà, trong đó đặt tấm Bia Bà đã có rất nhiều người về phát tâm công đức. Phần lớn trong số họ là những người đã ăn nên làm ra, chủ các doanh nghiệp, cửa hàng buôn bán... Họ cho rằng đã được ăn lộc của Thánh Bà nên mới có được như ngày hôm nay. Vậy nên, hàng năm họ vẫn quay trở lại để công đức, coi như một sự báo đáp ơn huệ của Thánh Bà".

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Thụ thuật lại một câu chuyện mà ông được chính người trong cuộc kể. Tuy nhiên, vì lý do tế nhị nên ông Thụ không nêu tên cụ thể. Chỉ biết rằng, đó là chủ một doanh nghiệp rượu, bia lớn ở Hà Nội. "Cách đây chừng hơn 30 năm, ông ấy còn nghèo lắm, đến nỗi có người yêu rồi mà không dám cưới vì không có tiền. Nghe tiếng Bia Bà từ lâu, ông liền rủ người yêu sang cầu khấn, xin được... trúng xổ số. Thật tình cờ, về Hà Nội, ông ấy được một cháu bé mời mua giùm hơn chục tờ vé số vào cuối buổi. Chẳng dám tin vào sự màu nhiệm của lời khấn ở Bia Bà, ông cũng chẳng thiết xem kết quả. Mấy hôm sau, nghĩ thế nào ông ta mới giở đống vé số ra xem thì không ngờ trúng thật, được hơn một cây vàng, vừa có tiền cưới vợ, vừa có tiền làm ăn. Sau đó, năm nào ông cũng về công đức ở Bia Bà", ông Thụ cho hay.

"Có thể câu chuyện kia chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, song cứ một đồn mười như thế khiến cho Bia Bà trở nên linh thiêng, được giới làm ăn tìm đến nhiều hơn", ông Thụ phỏng đoán.
Người ta tin rằng, Bia Bà thật sự linh ứng, nhất là trong chuyện làm ăn.
Người ta tin rằng, Bia Bà thật sự linh ứng, nhất là trong chuyện làm ăn.
Khu di tích văn hóa La Khê gồm đình La Khê, chùa Diên Khánh, đền Đức Thánh Bà (nơi đặt Bia Bà), chùa Ngòi. Hiện, trong đền thờ Đức Thánh có đặt tấm bia đá, ghi rõ "Ôi! Đức tính điềm tĩnh thận trọng thư thái nhàn nhã của bà phi đã giúp bà cần kiệm thu xếp ổn thỏa mọi việc trong nhà cho dù những người được tán thán trong Kinh Thi, Kinh Dịch cũng không hơn thế được. Đáng lẽ bà phải được hưởng phúc khánh nhiều vô cùng, song không hiểu sao sớm đã quy tiên, thật đáng thương thay. Bà phi có nhiều đức hạnh cao đẹp như vậy, sao chẳng đem khắc vào bia đá để lưu truyền bất hủ ư?".

Thanh Thủy (Theo Bee)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage