Thiền là một pháp môn hay là một trường phái của Phật giáo, và những
người thực tập theo pháp môn này xem nó như là cốt tủy của đạo Phật. Tuy nhiên,
khi chúng ta dùng từ ‘Phật giáo’ tức là chúng ta muốn nói đến truyền thống tôn
giáo bắt nguồn từ những lời dạy của Đức Phật như là một tổng thể; khi chúng ta
dùng từ ‘Thiền’ có nghĩa là chúng ta muốn đề cập đến một trường phái hay là một
pháp môn tu tập trong truyền thống tôn giáo ấy. Nhưng chúng ta không thể nào
tách Phật giáo ra khỏi Thiền mà không làm cho Thiền mất đi tính thiền, cũng như
chúng ta không thể nào tách clo ra khỏi muối mà không làm cho muối mất đi vị
mặn. Người ta cũng thường nghĩ rằng Thiền của Phật giáo là một hiện tượng tôn
giáo đặc trưng ở Nhật Bản. Điều này thường xảy ra đối với những người phương
Tây lần đầu tiên tiếp cận với thiền thông qua những tác phẩm của D.T. Suzuki,
một học giả vĩ đại của Nhật Bản. Tuy nhiên, dù cho thiền thật sự là hoa trái
của văn minh Nhật Bản, trường phái thiền của Phật giáo không bị giới hạn trong
đất nước Nhật Bản mà nó còn được phát triển mạnh ở những nước khác nữa. Nguồn
gốc của Thiền bắt nguồn từ Ấn Độ, đi theo dòng lịch sử của nó sẽ dẫn chúng ta
đến với Trung Hoa, Hàn Quốc, và Việt Nam. Chữ Zen trong tiếng Nhật thật
ra là một từ được phát sinh từ chữ Ch’an trong tiếng Hoa, và chữ Ch’an này bắt
nguồn từ cách phát âm của chữ Dhyāna trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là sự trầm
tư hay tham thiền. Ở Việt Nam,
chúng ta dùng một chữ tương tự là chữ Thiền. Tuy rằng sự phát âm có khác nhau ở
mỗi quốc gia, nhưng phương pháp thực tập thì vẫn giống nhau: phương pháp tham
thiền và trầm tư, phương pháp giữ tâm định tĩnh và trầm lắng, phương pháp phát
huy những khả năng tiềm tàng của chính mình và sự khám phá ra rằng Phật tính là
bản chất đích thực cao quý nhất hiện hữu trong mỗi cá nhân.
Một số người có thể hỏi rằng, ai là người sáng lập ra Thiền của Phật
giáo? Khi chúng ta tìm kiếm vị sáng lập của Thiền, chúng ta phải dò tìm ngược
trở lại dòng lịch sử lâu dài, những bậc thầy của Thiền tông ở Nhật Bản trong
quá khứ, những vị thiền sư ở Trung Hoa và chư vị Tổ sư, cả đến tổ Bồ Đề Đạt Ma,
và cho đến chính Đức Phật. Người sáng lập đạo Phật và vị sáng lập ra Thiền của
Phật giáo là một, hoàn toàn không có ai khác. Khởi nguyên của đạo Phật và Thiền
là sự chứng ngộ của Đức Phật. Vì thế chúng tôi muốn giới thiệu về Thiền của
Phật giáo thông qua việc trình bày khái quát về Đức Phật, về cuộc đời của Ngài,
về tính cách và những thành tựu của Ngài. Đã có nhiều tác phẩm trình bày chi
tiết về tiểu sử cuộc đời của Đức Phật, cho nên chúng ta sẽ không đề cập đến
những vấn đề này một cách quá chi tiết như việc trình bày ý nghĩa cuộc đời của
Ngài đối với thế giới hiện tại của chúng ta.
Chữ Phật không phải là một tên riêng mà là một danh hiệu, có nghĩa là một
đấng Giác ngộ hay một bậc Tỉnh thức. Người được gọi là Phật không phải bẩm sinh
đã là giác ngộ, mà cũng giống như chúng ta thôi, không giác ngộ, danh hiệu Phật
chỉ là sau này, sau khi Ngài đạt được giác ngộ, và Ngài được gọi là Phật Thích
Ca Mâu Ni, đấng Giác Ngộ của dòng họ Thích Ca. Ngài được đặt tên là Tất Đạt Đa
Cồ Đàm, và vốn là một hoàng tử, con của một vị vua ở miền Đông bắc Ấn Độ. Mặc
dầu chính hoàng tử là người được chọn để làm người thừa kế vương vị, nhưng lúc
trưởng thành vị thái tử trẻ này đã cảm thấy không hài lòng với cuộc sống vương
giả của mình. Bởi vì thái tử đã thấy được rằng tất cả chúng sanh đều phải bị
khổ đau - khổ đau vì sanh, lão, bệnh và tử - và đã ra đi theo tiếng gọi của tâm
từ bi, thái tử mong muốn có thể cứu khổ cho muôn loài chúng sanh. Trong những
lúc suy tư, thái tử đã nghĩ: “Nếu mình tiếp tục sống trong hoàng cung, làm một
vị thái tử và trở thành một vị vua trong tương lai, mình có thể có được hạnh
phúc trong một chừng mực nào đó cho chính mình và cho những người xung quanh.
Nhưng làm sao mình có thể giúp tất cả chúng sanh tìm được hạnh phúc? Làm sao
mình có thể cứu tất cả chúng sanh ra khỏi khổ đau? Phải có một phương pháp nào
đó, và chính mình phải đi tìm nó”. Vì suy nghĩ như thế nên thái tử đã từ giã
hoàng cung, đi lang thang đến những nơi xa xôi, bên ngoài biên cương của vương
quốc mình và rồi đi sâu vào trong các khu rừng để tìm con đường thoát ra khỏi
khổ đau, không chỉ cho chính thái tử mà còn cho tất cả chúng sanh.
Con đường mà thái tử đã chọn quả là không dễ đi chút nào. Nó đòi hỏi phải
có một sự dũng cảm phi thường và kiên định để có thể từ bỏ quyền thừa kế ngai
vàng, từ bỏ tất cả mọi thứ để đi lang thang trong rừng, mặc những mảnh vải thô
xấu, cũ kỹ, ăn thức ăn do sự bố thí của tín thí và thường xuyên tu tập thiền
định. Có thể là không quá khó khăn đối với chúng ta để từ bỏ một ít tiện nghi
để tu thiền, cho đến cả việc từ bỏ gia đình để trở thành những một vị Tăng hay
Ni. Nhưng đối với những người có địa vị cao, như là một vị vua, một hoàng tử
hay một tổng thống, hoặc là một thống đốc, để từ bỏ mọi thứ nhằm đi tìm hạnh
phúc và an vui cho kẻ khác quả là một việc làm không dễ dàng chút nào. Có lẽ
đấy là một việc làm khó khăn nhất trong cuộc đời. Nhưng đó là những gì vị hoàng
tử trẻ tuổi Tất Đạt Đa đã làm. Thái tử đã bỏ lại sau lưng người vợ đẹp, đứa con
yêu, bỏ lại sự giàu sang trong cung vàng điện ngọc, từ bỏ tất cả quyền lực đầy
hứa hẹn và cả sự vinh quang mà thái tử sẽ có được để tham thiền ở những nơi
thanh vắng xa hẳn sự viếng thăm của người đời. Ở đây chúng ta có thể đặt câu
hỏi: Tại sao thái tử làm điều đó? Câu trả lời là tại vì lòng từ bi vô lượng của
thái tử. Điều khiến cho thái tử chấp nhận sự hy sinh ấy hết lần này đến lần
khác chính là tâm từ bi vô lượng, sự thương cảm sâu sắc của thái tử đối với
những khổ đau của người khác và sự quyết tâm của thái tử để tìm cho ra con
đường thoát khỏi khổ đau mà tất cả mọi loài đều phải nếm trải. Điều cao quý hơn
hết là chính bởi lòng từ vô biên của Ngài và đằng sau những sự hy sinh và những
thành tựu của thái tử là lòng từ vô lượng ấy cho nên chúng ta kính mến và cảm
phục thái tử.
Sau khi từ giã hoàng cung, thái tử đã tìm đến những bậc thầy yoga nổi
tiếng thời bấy giờ để thọ giáo và đã thực tập theo những cách thức thiền định
dưới sự hướng dẫn của họ với một sự cố gắng phi thường. Thái tử đã đạt được
nhiều trạng thái tâm linh siêu việt, những trạng thái tâm thức vượt lên trên
những giới hạn của sự hiểu biết tầm thường của con người. Tuy thế, thái tử nhận
thấy rằng chúng chưa phải là thứ tuyệt đối; dù chúng được xưng tụng và ngưỡng
vọng, nhưng chúng vẫn chưa phải là cái đích cao quý nhất, sự giác ngộ và
niết-bàn. Vì thế, thái tử đã chuyển qua tu tập một phương pháp khác: phương
pháp khổ hạnh và tự hành hạ xác thân mình. Suốt 6 năm trường, thái tử đã nhịn
đói và hành hạ xác thân, nhưng các phương thức này đã không đem đến sự an bình
mà đưa thái tử đến cận kề với cái chết.
Thế rồi, một hôm thái tử đã tự nghĩ rằng: “Suốt 6 năm qua mình đã thực
hành thiền định và khổ hạnh ép xác, tìm kiếm chân lý bên ngoài bản thân mình.
Nhưng mình đã thất bại, đã không đạt được mục đích. Có lẽ là mục đích ấy, hiện
thực ấy, Niết-bàn, nó không nằm ở bên ngoài mà là ở bên trong tâm thức của
mình”. Suy nghĩ như vậy nên thái tử đã từ bỏ việc tìm kiếm Niết-bàn như là một
thứ gì đó có thể đạt được từ bên ngoài và quay trở về với nội tâm của mình, tìm
kiếm chân lý trong chính bản thân. Thái tử đã từ giã những vị thầy yoga, từ giã
những người bạn tu khổ hạnh, ra đi một mình, ngồi dưới một gốc cây và bắt đầu
thực hành thiền định theo một phương thức mới, “không tìm kiếm chân lý từ bên
ngoài mà là từ bên trong”. Thái tử đã thể hiện sự quyết tâm dõng mãnh qua lời
nguyện: “Nếu tôi không thành công với phương pháp tu tập này, tôi sẽ không đứng
dậy khỏi chỗ này”. Thái tử đã thực tập phương pháp hướng nội này suốt 49 ngày,
cho đến một hôm hoát nhiên chứng ngộ và trở thành một bậc Giác ngộ, thành Phật.
Bằng cách hướng sự quán chiếu quay vào bên trong, thái tử đã khám phá ra được
bản chất đích thực của bản thân, Phật tính, và trở thành một vị Phật. Sự kiện
này đánh dấu khởi nguyên của Thiền trong Phật giáo.
Điểm khác biệt trong sự thực hành của Đức Phật lúc Ngài đạt được giác ngộ
chính là sự quán chiếu nội tâm. Đây là phương pháp Thiền trong Phật giáo và
điều này cũng chứng tỏ sự khác nhau giữa Thiền của Phật giáo với những tôn giáo
khác, cũng như với những phương pháp tu tập tâm linh khác. Hầu hết những tôn
giáo khác cho rằng có một Đấng siêu nhiên ở trên nhân loại và bảo người ta cầu
nguyện và tôn thờ Đấng siêu nhiên ấy, điều này ngụ ý rằng chân lý được tìm thấy
từ bên ngoài. Phương pháp của Thiền thì khác nhiều, bởi Thiền cho rằng chân lý
chỉ có thể tìm thấy từ bên trong nội tâm của mỗi người chứ không phải từ bên
ngoài. Chân lý chỉ có thể tìm thấy từ trong bản chất của chính chúng ta chứ
không phải từ một nơi nào khác. Mọi loài hữu tình đều có Phật tính ở bên trong
bản thân họ, hạt giống của sự giác ngộ. Trở thành một vị Phật tức là khám phá
Phật tính này, nó luôn hiện hữu trong mỗi chúng sanh, và nó mãi mãi tỏa sáng.
Nó cũng giống như mặt trăng hay mặt trời. Mặt trăng và mặt trời luôn luôn chiếu
sáng và đem ánh sáng đến cho trái đất, nhưng khi chúng bị những đám mây che
phủ, chúng ta không thể thấy ánh trăng hay ánh mặt trời nữa. Mục đích là loại
bỏ những đám mây đó, bởi vì một khi những đám mây bay đi khỏi thì chúng ta có
thể thấy ánh sáng trở lại. Cũng tương tự như thế, trong chúng ta luôn luôn có
Phật tính, nhưng khi những ham muốn và những chấp trước của chúng ta che phủ
lấy nó, nó không xuất hiện. Tại vì tâm của chúng ta luôn luôn bị chiếm cứ bởi
những tư tưởng khó điều phục - những ý nghĩ về sự lo âu, về hạnh phúc, ghen
ghét, hờn giận, về bạn và thù - cho nên chúng ta không thể khám phá ra được
Phật tính ở bên trong. Tuy nhiên, khi chúng ta khám phá ra được nó thì
nó cũng không có gì mới cả. Khi điều này diễn ra, sẽ không có gì khác giữa
chúng ta với Đức Phật. Đức Phật không phải là một vị thần hay là một đấng siêu
nhiên nào đó. Cũng giống như chúng ta, Ngài vốn là một con người. Sự khác nhau
giữa Đức Phật và một người bình thường đơn giản là Đức Phật đã nhận diện được
Phật tính của mình còn chúng sanh thì vẫn còn mê mờ về nó. Tuy nhiên, dù cho
chúng ta tỉnh giác hay mê mờ, Phật tính vẫn luôn hiện hữu một cách bình đẳng
trong tất cả chúng sanh. Vì thế, dù cho chúng sanh bị vô minh che phủ dày đặc
nhất cũng vẫn có khả năng thành Phật.
Bởi vì tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ nên họ có thể được xem
như là những vị Phật tương lai, và trong bản chất sâu kín nhất, họ vốn đã là
những vị Phật. Vì thế, khi chúng ta chào nhau ở trong các chùa hay các thiền
viện, chúng ta không bắt tay mà là chắp hai bàn tay lại với nhau để thể hiện
lòng tôn kính đối với nhau. Tại sao chúng ta làm điều này? Chúng ta làm thế bởi
vì những người mà chúng ta gặp là những vị Phật tương lai. Về phương diện tâm
linh, đằng sau những khác biệt bên ngoài như là về màu da, chủng tộc, giới
tính, quốc gia, mọi người đều bình đẳng, mọi người đều có Phật tính. Khi Bồ tát
Tất Đạt Đa đạt được sự giác ngộ, Ngài đã nhận ra rằng Phật tính luôn hiện hữu
một cách bình đẳng trong tất cả các loài hữu tình. Vì thế, suốt cuộc đời Ngài
luôn chỉ dạy rằng tất cả chúng sanh, về cơ bản, đều như nhau và nên đối xử với
nhau một cách bình đẳng, không phân biệt. Ngài đã phản đối lại hệ thống đẳng
cấp vốn phổ biến rộng khắp trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, một hệ thống đã
phân chia con người thành những nhóm cố định dựa trên nền tảng của những phân
biệt do chính con người tạo ra. Ngài đã dạy rằng: “Cũng như nước của những con
sông lớn, khi nó đổ vào đại dương bao la, nó không còn mang tên riêng của nó
nữa mà được gọi với một cái tên là đại dương, cho nên những người thuộc bốn
giai cấp - những người thuộc tăng lớp quý tộc (Sát-đế-lợi), những người
Bà-la-môn, những vị thương gia, những người bị áp bức (Thủ-đà-la) - khi gia
nhập tăng đoàn, họ từ bỏ dòng tộc vốn có của họ và chỉ được xem là những Phật
tử”. Phản đối hệ thống đẳng cấp áp bức này, Đức Phật đã khẳng định sự bình đẳng
của con người - sự bình đẳng giữa người với người và sự bình đẳng giữa người
với Phật.
Mỗi ngày tất cả chúng ta đều làm việc rất tích cực. Một số người thì kiếm
tiền, số khác thì tìm cầu danh vọng, và một số khác nữa thì tìm kiếm quyền lực,
sự khoái lạc và xa hoa. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta quần quật suốt ngày với
những công việc nặng nhọc, chúng ta hiếm khi làm một công việc nào đó cho bản
thân mình. Chỉ những lúc hiếm hoi chúng ta mới hướng sự quan tâm đến ngoại cảnh
của chúng ta, trở về với sự tư duy hướng nội dựa trên ánh sáng của sự tỉnh
thức. Chúng ta không nhìn phía trên, không nhìn phía dưới, chúng ta không nhìn
phía Đông hay phía Tây, không nhìn phía Bắc hay Nam; chúng ta nhìn vào bên trong tự
thân mình, bởi bên trong bản thân này có một trọng tâm mà từ đó toàn bộ vũ trụ
này quay xung quanh nó. Đây chính là phương pháp của Thiền đã được Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni giảng dạy lần đầu tiên cách đây hơn 2.500 năm.
Tuy nhiên, phương pháp phân tích nội tâm, quán xét tự thân, khám phá bản
thân trong Thiền của Phật giáo không hề có ngụ ý là chúng ta phải từ bỏ hết các
mối quan hệ với những người thân quen của mình. Thực hành Thiền không có nghĩa
là trở nên cô lập trong một cái lồng hay một cái vỏ bọc mà là trở nên cởi mở và
không bị ràng buộc trong các mối quan hệ của chúng ta với những người xung
quanh. Việc tìm kiếm sự giải thoát, giác ngộ thường giống như là sự phát triển
tương ứng về một hình thức mới trong mối liên hệ với người khác, một hình thức
được tưới tẩm bởi lòng bi mẫn, tình thương yêu và cảm thông đối với tất cả
những gì đang hiện hữu. Và việc thành tựu đạo quả giải thoát thường giống như
là kết quả của sự đơm hoa kết trái đồng thời của thái độ mới này. Cho nên chúng
ta thấy trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi chứng ngộ, Ngài
đã phát nguyện cứu khổ cho muôn loài chúng sanh, và sau khi chứng ngộ, Ngài đã
không giữ thành quả giác ngộ ấy cho riêng mình, mà trong suốt 49 năm, Ngài đã
đi khắp các ngả đường của xứ Ấn Độ để truyền giáo, thành lập Tăng đoàn, và đã
làm việc rất tích cực để giảng dạy và chuyển hóa chúng sanh.
Tình thương yêu và lòng bi mẫn là hai thứ vô cùng quan trọng đối với con
người, dù cho chúng ta có nỗ lực hết mình để hướng đến sự tự cung tự cấp, vẫn
tồn tại một sự thật rằng mọi người đều cần đến người khác. Không có ai là một
hòn đảo cả. Một hòn đảo có thể tồn tại đơn lẻ ở giữa biển, nhưng một con người
không thể sống đơn độc. Chúng ta cần đến nhau, và chúng ta phải xem nhau như là
những người bạn và những người trợ giúp, những người mà chúng ta có thể tìm đến
để hỗ trợ lẫn nhau. Theo như thuyết tái sanh, thì thuyết này đã ngầm nói đến
tất cả mọi người thật sự là những người anh em của nhau, theo nghĩa đen, tức
những thành viên trong cùng một gia đình, bởi vì trong vòng luân hồi tái sinh
trùng trùng điệp điệp, không có người nam hay người nữ nào mà chưa từng một vài
lần trong quá khứ đã là cha chúng ta, là mẹ của chúng ta, hay là anh, là chị
của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải thực tập thương yêu lẫn nhau, kính trọng
nhau, bảo vệ lẫn nhau và đem đến cho người khác những gì chúng ta muốn có cho
bản thân mình. Thực tập Thiền của Phật giáo tức là rèn luyện bản thân để loại
trừ ghen ghét, sân hận, ích kỷ, và phát triển tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh.
Chúng ta có thân thể vật lý và có cuộc sống của riêng mình, nhưng chúng ta vẫn
có thể sống hòa hợp với nhau và giúp đỡ lẫn nhau với tất cả khả năng. Nếu chúng
ta không hạnh phúc khi tiếp xúc với ai đó thì họ cũng sẽ cảm thấy không hạnh
phúc, nhưng nếu chúng ta hạnh phúc thì họ cũng sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc đó với
chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta có sự liên hệ mật thiết với nhau, không thể nào
chia tách được. Bất cứ điều gì chúng ta làm đều ảnh hưởng đến người khác và
chúng cũng ảnh hưởng ngược trở lại nơi chính chúng ta. Thương yêu thì khơi dậy
thương yêu, thù hận thì khơi dậy hận thù. Vì thế, Đức Phật dạy rằng: “Hận thù
không thể nào xóa hết được hận thù, chỉ có tình thương yêu mới có thể xóa bỏ
được hận thù”. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể nào dùng hận thù để xóa
bỏ hận thù, mà phải dùng tình thương yêu. Chúng ta không thể dùng chiến tranh
để chấm dứt chiến tranh, mà chúng ta phải dùng tình thương yêu và tôn trọng lẫn
nhau. Bởi vì chỉ có tình thương yêu, tình thương yêu thầm lặng và nhẫn nại, mới
có thể mở được những cánh cửa đưa đến hòa bình.
Chính vì tinh thần từ bi không biên giới mà đạo Phật đã truyền đi một
cách yên bình từ quê hương Ấn Độ, nơi đạo Phật được sinh ra, đến những vùng
miền khác nhau trên khắp thế giới. Trong Phật giáo có hai trường phái truyền
thống, đó là trường phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda hay Hīnayāna) và
trường phái Phật giáo Phát triển (Mahāyāna). Phật giáo Nguyên thủy phát triển
mạnh ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện, và Sri Lanka - những quốc gia thuộc
vùng Đông Nam Á. Còn Phật giáo Phát triển thì được thực tập ở Tây Tạng, Trung
Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ và Việt Nam.
Trong hiện tại, Phật giáo đã truyền từ châu Á sang châu Âu, bao gồm cả
Hoa Kỳ, nơi hiện có nhiều người đang nghiên cứu và thực tập những lời dạy của
Đức Phật. Trường phái Phật giáo có sức hấp dẫn nhất đối với người phương Tây
chính là Thiền của Phật giáo, thuộc truyền thống Phật giáo Phát triển. Tại sao
lại là Thiền mà không phải một pháp môn nào khác? Lý do chính là vì người
phương Tây đã nhận thấy được giá trị thực tiễn lớn lao của Thiền, sự đóng góp
vĩ đại của phương pháp hành thiền đối với đời sống hàng ngày của họ. Người
phương Tây luôn luôn bận rộn, luôn năng động, toàn bộ sự chú ý của họ được tập
trung vào nhiệm vụ chinh phục và làm chủ thế giới bên ngoài. Thiền tập giúp cởi
trói tâm của họ khỏi sự chiếm cứ quá mức bởi những thứ bên ngoài và giúp họ tận
hưởng niềm an vui và yên tĩnh thật sự đến từ bên trong bản thân họ. Một lý do
khác làm cho Thiền thu hút người phương Tây có lẽ là ở sự thách thức mà Thiền
tạo ra đối với trí thông minh của họ, một sự thách thức mời gọi sự khám phá
thêm và sự thực tập thật sự. Người phương Tây nặng về lý trí, và thiền biểu
hiện một triết lý đủ sâu sắc và phù hợp với những đòi hỏi của trí năng của họ.
Về bản chất thì con người có xu hướng lười biếng. Hầu hết mọi người đều thích
đi đến nhà thờ để cầu nguyện những Đấng siêu nhiên cứu họ giúp hơn là tự mình
cứu lấy mình. Trong thiền không chấp nhận sự trốn tránh trách nhiệm theo kiểu
đó, nó đòi hỏi hành giả phải suy nghĩ. Chúng ta hỏi: “Tôi là ai? Ý nghĩa của
cuộc sống là gì? Mục đích của cuộc sống là gì? Bản ngã đích thực của tôi là
gì?”. Thiền không cung cấp cho chúng ta những câu trả lời đã soạn sẵn cho các
câu hỏi này. Nhưng nó chỉ cho chúng ta phương pháp để từ đó chúng ta có thể trả
lời những câu hỏi ấy cho chính chúng ta, phương pháp tham thiền.
Cho đến nay, nhiều người ở phương Tây đã hiểu nhầm về ý nghĩa của sự thực
hành thiền. Có lẽ khi một trong số những người bạn của chúng tôi thấy chúng tôi
ngồi tham thiền, họ sẽ hỏi chúng tôi tại sao chúng tôi lại lãng phí thời gian
như thế. Đối với họ, tham thiền là vô nghĩa. Nhưng đối với chúng tôi, những
người thực hành tham thiền, nó là một phần cốt yếu và đầy ý nghĩa trong cuộc
sống. Suốt từ sáng đến tối, mỗi ngày trong tuần, mỗi tuần trong tháng, mỗi
tháng trong năm, chúng ta làm kinh doanh hay nghề nghiệp của mình. Để tạo sự
cân bằng cho cuộc sống, chúng ta cần ngồi một cách yên tịnh, cần biết chấp nhận
và chịu đựng hơn là tìm cách để kiềm chế, học cách nhìn vào bên trong thay vì
nhìn ra bên ngoài. Khi chúng ta làm việc suốt ngày, chúng ta thường không phải
làm việc vì một mục đích bên trong mà là cho một thứ gì đó bên ngoài chúng ta.
Chúng ta làm việc vì chúng ta muốn có tiền, chúng ta cần tiền vì chúng ta muốn
có một cuộc sống tốt hơn và tiện nghi hơn. Nhưng khi chúng ta ngồi tham thiền,
việc này không phải là vì bất cứ mọi mục đích bên ngoài nào, mà là để chứng
nghiệm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống - để khám phá tự ngã của mình. Chân
ngã là gì? Mục đích của cuộc sống là gì? Những câu hỏi này đòi hỏi trí tuệ
thông minh. Vì thế, hầu hết những người đến với Thiền của Phật giáo là những
người thông minh, điều này không có nghĩa là họ có bằng cấp cao mà là họ có khả
năng và sẵn lòng làm một loại hình công việc thuộc lý trí và tâm linh mà Thiền
yêu cầu đối với những hành giả thực hành theo phương pháp của nó. Bởi vì phương
pháp của Thiền không phải là phương pháp của sự cầu nguyện, thờ phụng mà là
phương pháp tham thiền. Điều này có nghĩa là có những việc mà chính chúng ta
phải thực tập, không ai có thể làm việc ấy thay cho chúng ta được.
Tại sao chúng ta phải tham thiền? Theo đạo Phật, tâm của chúng ta vận
hành giống như một con khỉ, không lúc nào yên nghỉ và luôn chạy nhảy; cho nên
nó được gọi là “vọng tâm”. Thông qua tham thiền, chúng ta giữ cho cái tâm vọng
động ấy được yên, giữ cho nó được bình thản, trầm lặng và trong sáng. Khi tâm
chúng ta được an tịnh, chúng ta sẽ nhận thấy rằng Đức Phật vốn tồn tại bên
trong chúng ta, tất cả vũ trụ cũng nằm bên trong chúng ta và rằng bản chất đích
thực của chúng ta cùng với Phật tính là một. Cho nên nhiệm vụ quan trọng nhất
là giữ cho tâm của chúng ta được yên tịnh, một nhiệm vụ dễ dàng để hiểu nhưng
thực hiện nó thì không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, thực hành là điều quan
trọng hơn hết, bản thân của sự hiểu biết thì không là gì cả, sự áp dụng mới
đáng giá hơn. Phương pháp của Thiền là một phương pháp khoa học: Chúng ta học
tập thông qua sự thực hành, thông qua sự trải nghiệm của bản thân.
Điều quan trọng nhất trong việc tham thiền là giữ cho tâm luôn luôn ở
trong tình trạng được kiểm soát, như thế thì nó có thể trở về trạng thái trầm
lắng và yên tịnh vốn có của nó. Để điều hòa tâm, phương pháp đầu tiên và hiệu
quả nhất chính là ý thức về hơi thở. Chỉ đếm hơi thở, không có gì nữa cả. n
(Trích dịch từ sách “Zen philosophy, Zen
practice” của HT. Thích Thiên Ân, Dharma Publishing and College of Oriental
studies xuất bản, America, 1975)
(Nguyệt San Giác Ngộ)