Học giáo lý làm người
Tuy
lớp học mới thành lập được ba tuần nhưng cả xã đã có 300 em đăng ký lên
chùa học. Đây là một dự án của Câu lạc bộ thanh niên tình nguyện liên
kết với chùa Bát Phúc, nhằm mục đích dạy văn hóa cho toàn trẻ em trong
xã…
Lúc
chúng tôi đến là khi các em học sinh và cô giáo đang say sưa học tiết
tiếng Anh, cả lớp ríu rít như bầy chim non. Anh Bùi Khánh Dũng, Chủ
nhiệm CLB thanh niên tình nguyện cho biết: "Cứ thứ 7 và chủ nhật hàng
tuần, các bạn sinh viên thuộc nhiều trường đại học lại về đây để làm "cô
giáo" dạy cho các em học sinh trong xã, từ lớp 1 đến lớp 12.
Điều
đặc biệt là các em ở đây rất hiếu học, đến rất đúng giờ và đầy đủ. Thầy
cô đến đây dạy là những người rất nhiệt tình, thiện tâm, trong đó có cả
những giảng viên của các trường đại học hay những cô giáo trên địa bàn
Hà Nội cũng tình nguyện "cõng" chữ về dạy cho các em nhỏ nơi đây".
Trao
đổi với PV, sư cô Thích Diệu Bản - người có sáng kiến tổ chức lớp học
thiện nguyện này, cho biết: "Lớp học mở ra chưa được một tháng nhưng đã
thu hút rất nhiều học sinh trong xã. Nhà chùa cùng đội sinh viên tình
nguyện phải chuẩn bị danh sách phân chia lớp theo đúng độ tuổi. Điều
đáng mừng là các em rất ngoan, đến lớp học trật tự và rất tự giác".
Các em đang chăm chú học môn tiếng Anh do cô Đào Thị Liên dạy
Được
biết, nhà chùa mở lớp dạy trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Các em đến đây được học miễn phí và học theo trình độ của mình. Ba tuần
đầu trong tháng, các em được học các môn văn hóa như: Toán, Tiếng Việt,
Tập viết, Tiếng Anh và Kỹ năng sống.
Trong
tuần cuối cùng của tháng, các em sẽ được học giáo lý nhà Phật, với tư
tưởng cơ bản là hướng thiện và cùng tụng kinh để học sự tĩnh tâm và cầu
sự bình an. Sư cô Diệu Bản cho biết, ngay cả những thầy cô giáo và các
em sinh viên đến đây dạy, trước khi đứng lớp, cũng được nhà chùa giảng
đạo, học giáo lý để nắm bắt những điều thiện, nguyên lý cơ bản nhất để
giảng dạy cho học sinh. Chẳng hạn, khi đến chùa thì nên biết thế nào là
Tam bảo, tam quy, ngũ giới… Và các thầy cô cũng rất thích thú với những
buổi học như thế này.
Nhìn
những ánh mắt hồn nhiên của các em trong lớp học, sư cô Diệu Bản cho
biết thêm, chính những buổi học như thế này sẽ tạo cho các em một ý thức
học tự giác. Lớp học mở ra nhằm mục đích sẽ bồi bổ thêm kiến thức cho
các em học sinh, mặt khác hướng các em đến những điều thiện. Vì thế, các
bậc phụ huynh rất ủng hộ.
Nhiều
nhà có 2 - 3 anh em cùng đến đây học. Thậm chí có cả học sinh "lớp 13"
cũng đăng ký theo học tiếng Anh và Toán ở đây. Ngoài một số thầy cô có
kinh nghiệm giảng dạy ở các trường đại học, THPT thì số còn lại là các
bạn sinh viên tình nguyện, vì thế vừa dạy, các em sinh viên vừa bổ sung
kiến thức sư phạm để có cách truyền đạt tốt hơn.
Mải mê cõng... chữ
Mô
hình lớp học tại chùa là một mô hình rất đáng nhân rộng, bởi một khi đã
bước chân vào chốn thanh tịnh, các em sẽ được học cách nghĩ về điều
thiện và sẽ có những hành xử rất nhân văn. Tuy chỉ dạy hai ngày cuối
tuần nhưng lớp học này đã khiến nhiều em nhỏ thích thú. Các sư cô cho
biết, các em rất ham học, vào chiều thứ 6, sau khi tan học ở trường, các
em kéo nhau vào chùa để xem thời khóa biểu của ngày học tiếp theo. Thậm
chí, ở trường có em học ca 2 (9h - 11h sáng), rất mệt nhưng vẫn đến
chùa ngồi trật tự đợi đến ca học của mình.
Có
những lúc các em đến học đông quá, nhà chùa đành phải dành nhà Tổ, nhà
Mẫu, phòng khách... lấy kệ kê kinh làm bàn học. Nhiều em nhỏ phải mang
cả bàn học mini từ ở nhà đi để lấy chỗ kê sách học. Có em học sinh, đến
nơi thì hết chỗ ngồi, ra ngoài khóc thút thít vì không được nghe giảng
bài, khiến các thầy cô giáo rất cảm động.
Bạn
Đào Thị Liên (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: "Em
rất vui khi được dạy các em học sinh nơi đây. Lớp học mở ra với mục
đích bồi bổ kiến thức văn hóa cho các em nhỏ, đồng thời cũng dạy các em
cách sống tốt hơn. Nhìn những ánh mắt háo hức của các em nhỏ, mọi mệt
mỏi dường như tan biến hết!...".
Ngoài
những bài học về văn hóa, nhà chùa còn tổ chức cho các em những trò
chơi xen kẽ để tránh sự nhàm chán. Vào ngày chủ nhật cuối tháng âm lịch,
các em được ở lại chùa cả ngày để đọc kinh, học những giáo lý cơ bản
nhà Phật và được ăn cơm chay cùng nhà chùa. Chính những việc làm này đã
từng bước hình thành nhân cách của các em, giúp các em có những suy nghĩ
và hành động đẹp để bước vào đời.
Sư
cô Thích Diệu Bản cho biết: "Nhà chùa mở lớp học với mong muốn tạo điều
kiện tốt cho các em có một sân chơi lành mạnh vào những ngày cuối
tuần, tránh xa những tệ nạn xã hội... Qua đó, hướng các em đến những
điều thiện lành và giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập, cuộc
sống. Chính những hành động nhỏ này sẽ có tác động tích cực đến xã hội.
Nếu ở đâu cũng làm được thế này, chùa nào cũng làm được điều này thì rất
tốt".
Theo Nguoiduatin.vn