Phật Học Online

Nhạc Phật giáo cho tuổi trẻ
Cao Huy Hóa


Dù cho âm nhạc giải trí với thị hiếu dễ dãi và tầm thường, với công nghệ đồ sộ và ảnh hưởng ngoại lai, có sức hấp dẫn tuổi trẻ và đang lấn lướt thị trường, các nghệ sĩ chân chính, hơn ai hết, chắc chắn sẽ dùng tài năng và thiên chức của mình để góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, hài hòa với thiên nhiên, dung hợp với những tiến bộ của thời đại, mà vẫn gần gũi với giới trẻ. Mong sao những nghệ sĩ Phật tử tài năng của chúng ta cùng đồng cảm với nghệ sĩ G-One của Thái Lan để trước hết thấm nhuần hương Đạo bao la, từ đó sáng tác và biểu diễn nhạc cho thế hệ trẻ, với các hình thức trẻ trung, dịu dàng, hầu làm cho từ bi và trí tuệ tỏa bóng mát khắp nơi…

 

Một cảnh trong "Come Back Morality Concert" của G-One

Nhạc Phật giáo xuất hiện rất sớm ở nước ta, đặc biệt là từ các triều đại Lý, Trần, thể hiện trong nghi lễ, với những hình thức tán, tụng, và âm thanh của những pháp khí. Tuy nhiên, những ca khúc Phật giáo được các nhạc sĩ tân nhạc sáng tác thì đến những năm 40 của thế kỷ 20 mới ra đời, đầu tiên là nhạc phẩm A Di Đà của nhạc sĩ Thẩm Oánh(1). Từ hồi nhỏ, khoảng thập niên 50 của thế kỷ trước tôi đã nghe bài ca Mừng Phật đản theo điệu Đăng đàn cung: “Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng Tư…” rồi đến những bài hát sau này trở thành bất hủ như Trầm hương đốt, Phật giáo Việt Nam,… Một điểm đáng chú ý trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Điều 4, Chương I: Đạo ca của GHPGVN là bài “Phật giáo Việt Nam” của nhạc sĩ Lê Cao Phan.

Như vậy, xem như Giáo hội công nhận vai trò của nhạc Phật giáo trong sinh hoạt Phật giáo. Ca nhạc là món ăn tinh thần thiết yếu và bình thường của mọi người, nhất là tuổi trẻ. Những lễ hội Phật giáo, đặc biệt là Đại lễ Phật đản, không thể thiếu phần trình diễn văn nghệ mà nòng cốt là những bài ca Phật giáo. Sinh hoạt của tổ chức Gia đình Phật tử không thể thiếu những bài ca về đạo, vừa đáp ứng nhu cầu về nhạc, vừa bồi đắp niềm tin yêu đạo Phật. Nghe bài ca Phật giáo Việt Nam, trong lòng rộn rã niềm vui của người con Việt theo đạo Phật, nghe Trầm hương đốt trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, ai ai cũng cảm thấy đạo nhiệm mầu thiêng liêng, còn bài ca Từ Đàm quê hương tôi, sao mà sống dậy trong lòng tình yêu mái chùa và quê hương tha thiết như thế…



Ca sĩ Đức Tuấn trong chương trình "Hương sen mầu nhiệm" - Ảnh: Q.Tâm

Trải qua thời gian, ca nhạc Phật giáo ngày càng phổ biến, số bài hát phong phú hơn, số người sáng tác đông hơn. Tuy thế, số bài hát đọng lại trong tâm tư người Phật tử không nhiều, số bài hát sau này chưa thấm vào lòng người, thanh thiếu niên nói chung vẫn chưa gần gũi với nhạc Phật giáo, môi trường để trình diễn nhạc Phật giáo vẫn rất bị hạn chế… “Các bài hát hầu như chỉ được sử dụng trong những buổi lễ Phật giáo và trong những buổi sinh hoạt của Gia đình Phật tử. Với hợp âm đơn giản và những giai điệu quen thuộc như slow, slow rock, rumba, bolero, đôi khi có valse và pop…, tân nhạc Phật giáo phần lớn thường đơn điệu và không mang giá trị nghệ thuật cao. Ca từ trong những bài hát này thường đơn giản; nội dung ca ngợi Đức Phật, nói lên tinh thần Bi Trí Dũng, một vài bài nói lên những triết lý Phật giáo như vô thường, nhân quả… tình cảm nhớ thầy nhớ chùa; và không ít ca khúc trong đó mang giai điệu buồn bã, u sầu”(2).

Những năm sau này, một số nhạc sĩ đã có những tác phẩm âm nhạc công phu, tâm huyết, hy vọng mang lại một sinh khí mới cho nhạc Phật giáo, trong tình hình âm nhạc nghèo nàn về nội dung, và nhạc trẻ phát triển ào ạt về số lượng nhưng hời hợt về chất lượng, chỉ đáp ứng nhu cầu nghe nhìn tức thời của thanh thiếu niên. “Sự đóng góp của Võ Tá Hân cho Phật giáo trong lĩnh vực âm nhạc phải nói khá lớn. Với những giai điệu rất thiền vị, mang hơi hướng nhạc quê hương, ca từ trong sáng gần gũi, nhạc đạo của ông giúp người nghe có được sự tĩnh tại, và chừng mực nào đó cũng đem được Phật pháp đến với nhiều người.

“Gần đây hơn, âm nhạc Phật giáo Việt Nam có bước tiến mới trong thể loại với sự ra đời bản giao hưởng Khai giác của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Với việc biên soạn và dàn dựng công phu, Khai giác đã ít nhiều có được tiếng vang, ít ra là trong giới Phật giáo, về sự mới lạ trong ca từ, nhạc điệu và sắc thái triết học của nó. Nhưng Khai giác với tính bác học như thế, không biết ngoài việc trình diễn tại Đại lễ Phật đản Quốc tế, có còn được trình diễn thêm một lần nữa hay không?”(3).

Một bước tiến về trình diễn nhạc Phật giáo cần được tán dương là những đêm văn nghệ ca múa nhạc “Hương sen mầu nhiệm” chào mừng Đại lễ Phật đản 2010, 2011 tại Hà Nội: hoành tráng, thành kính, sâu lắng mà dịu dàng, trẻ trung, với những màn thiết kế, những ca khúc và giọng hát như là tiếng lòng thiêng liêng dâng lên Đức Từ Phụ của những nghệ sĩ tiếng tăm, hầu hết là Phật tử: Anh Quân (và con gái, quá dễ thương!), Hồng Phong, Kiều Lê, Đinh Công Đạt, Trần Mạnh Hùng, Lan Anh, Tân Nhàn, Mỹ Linh, Khánh Linh, Tùng Dương, Đức Tuấn, Tuấn Anh… với tài dàn dựng của đạo diễn trẻ Việt Tú đã làm nên ấn tượng cho những hợp xướng quy mô, hiện đại…

Một điều cần ghi nhận là không phải pháp môn tu tập Phật giáo nào cũng chấp nhận ca nhạc như là sinh hoạt tôn giáo. Trong nghi lễ của Phật giáo Nam tông, không có hình thức tán tụng, và trong sinh hoạt, không có ca nhạc. Tuy nhiên, một dịp tình cờ, tôi được biết tại Thái Lan, một nước mà đại đa số người dân theo đạo Phật và theo truyền thống Theravada, có một nhạc sĩ say mê hết mình vì nhạc Phật giáo, cống hiến hết mình cho việc phổ biến nhạc Phật giáo, đặc biệt cho thế hệ trẻ.


Đó là Dinpa G-One, người Thái Lan sinh năm 1962, là một họa sĩ, nhà thơ, nhà thiết kế mỹ thuật, nhà hoạt động âm nhạc nổi tiếng. Ông xuất thân là một họa sĩ, với rất nhiều lần triển lãm hội họa, ông lại càng nổi tiếng với tư cách là nhà soạn nhạc, người hát, người tổ chức các buổi hòa nhạc cho hàng ngàn người dự. Ông là người tâm huyết muốn trao truyền ý nghĩa đạo đức và tâm linh theo Phật giáo cho thế hệ trẻ. Ít có một nghệ sĩ lớn nói về đạo đức trong sáng như Dinpa G-One: “Có vẻ rập khuôn khi nói trẻ em là tương lai của mọi quốc gia. Nhưng điều đó là đúng.” “Xứ sở đạo đức nào cũng phải hình thành từ những công dân đạo đức (…). Trẻ em là những người phải kế tục sự nghiệp xây dựng thế giới tốt đẹp nên chúng ta phải gieo vào chúng những bài học đạo đức”, ông nói thêm “Nếu chúng ta chỉ biết nuông chiều chúng bằng những tiện nghi vật chất, chúng chắc chắn sẽ xây dựng thế giới vật chất. Vì thế, nó tùy thuộc vào chúng ta về loại thế giới nào mà ta muốn trẻ em sống trong đó. Thế giới vật chất hay tinh thần”.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên: “Làm thế nào nhạc đạo đức có thể giúp cứu vãn thế giới vô đạo đức?”, ông đáp: “Giải pháp duy nhất là bắt đầu với trẻ em từ khi chúng có thể là những người phải nhận lấy sự thách đố. Thay vì giội xa hoa lên con trẻ, cha mẹ nên nuôi dưỡng tâm hồn chúng với đạo đức và pháp, thông qua thực tập đạo đức và bài hát. Nếu được tiếp nhận thường xuyên những bài học đạo đức, trẻ em lớn lên trở thành người đạo đức”. “Tổ tiên chúng ta thường ru bé ngủ với bài ca đạo đức, đến nỗi chúng lớn lên trở thành người đạo đức”. G-One cho rằng hiện nay “những bài ca có thể làm cho trẻ cảm thấy bình yên, trầm tĩnh, trong sạch, sáng láng và tỏa trí tuệ, là hiếm có”.

G-One nhận định như thế nào về nhạc trẻ Thái Lan hiện đại? - “Nhạc ngày nay chỉ được dùng trong những mục đích thương mại. Phần lớn nhà sản xuất dùng nhạc để lôi cuốn sự thèm muốn vật chất của người tiêu dùng và kích thích mua sắm. Nội dung của nhạc mới là nhảm nhí, đề cập đến sân si và ảo tưởng. Thay vì thanh lọc tâm, nhạc đưa người nghe vào con đường sai trái và thấp kém”.

Vậy thì nhạc của G-One có những đặc điểm gì, và G-One cống hiến gì cho tuổi trẻ?

G-One quan niệm âm nhạc như là phương tiện để nâng cao và thanh lọc tâm hồn và trí tuệ, như vậy, âm nhạc gặp gỡ Phật pháp. “Những gì tôi trình diễn trên sân khấu là một loạt những bài hát pháp”, G-One nói. “Buổi hòa nhạc được tổ chức nhằm cống hiến một dạng mới của giải trí tâm linh và truyền đạt những thông điệp pháp đơn giản cho công chúng hướng về nhạc đạo đức. Tôi hy vọng những ca khúc trữ tình của tôi có thể khơi dậy giới trẻ thâm nhập pháp và áp dụng pháp trong đời sống hàng ngày”. Buổi hòa nhạc mới đây nhất của ông có tiêu đề “Kob Dek Srang Loke”, có nghĩa là làm bạn với trẻ em, lôi cuốn cử tọa đông tới 2.000 người. “Tôi rất hài lòng nhận ra nhiều người trẻ đi nghe hòa nhạc. Tôi tin chắc rằng còn có nhóm những người trẻ thích thú những bài hát với chủ đề đạo đức”.

G-One đã tổ chức 4 buổi hòa nhạc chủ đề đạo đức cho đến bây giờ. 3 buổi hòa nhạc khác là Opening Eyes Concert (Nhìn rộng mở), Global Cooling Concert (Dịu mát toàn cầu), và Come Back Morality Concert (Trở về đạo đức). “Tất cả những buổi hòa nhạc chia sẻ cùng những mục tiêu - đem pháp trở về mọi tâm hồn và khuyến khích mọi người xây dựng cộng đồng lành mạnh về đạo đức,” ông giải thích.

G-One bắt đầu soạn nhạc pháp từ năm năm nay. Trước đó, những ca khúc không có định hướng đạo Phật, nhưng khi ông thích thú đạo Phật, thì pháp đi vào nhạc của ông. “Đầu tiên, nhạc của tôi liên quan đến vấn đề môi trường. Bây giờ tôi thực sự cần nhắm đến chủ đề tâm linh như sống và chết, làm thế nào đối phó với khổ đau một cách khéo léo và trí tuệ, và làm thế nào sống cuộc đời thanh thản”.

Để sáng tác và biểu diễn nhạc pháp cho tuổi trẻ, G-One đã có quá trình thâm nhập đạo Phật vững vàng, và đã được Thiền sư Buddhadasa, mà G-One gọi là người thầy tâm linh, khích lệ. Hai nhân vật lớn cùng quan tâm đến nhạc pháp, đó là Thiền sư Buddhadasa và cựu Thủ tướng Pridi Banomyong, một nhân vật Thái Lan được UNESCO vinh danh là một trong những vĩ nhân của thế giới thế kỷ 20. G-One đã nhiều năm đọc thơ và lời nguyện của nhà sư. Những lời dạy của nhà sư gây cảm hứng cho những ca khúc của G-One. Ông đã nghiên cứu từng chủ đề của pháp một cách thấu đáo trước khi soạn nhạc. “Mọi ca khúc phải đến từ hiểu biết trong sáng về Phật pháp.” Nếu đề cập đến nhà soạn nhạc và công chúng trẻ thưởng thức nhạc, thì không thể quên nghệ sĩ biểu diễn. Cô Meesuk Jaengmeesuk, làm MC cho chương trình trên tivi Woman to Woman (Phụ nữ đến Phụ nữ), hân hoan nhận lời hát cho buổi hòa nhạc của G-One, và xem đó là vinh dự cao cả: “Đó là cơ hội lớn cho tôi được tri ân Thiền sư Buddhadasa. Tôi đã nhận được nhiều hơn những gì tôi đã cống hiến”.

Những gì tôi biết về nghệ sĩ lớn Dinpa G-One của Thái Lan là nhờ một bài phỏng vấn nghệ sĩ này đăng trên Bangkok Post online, ngày 12-3-2009, mà tôi đã trích dịch ở trên, nhan đề: “Singing dharma to the youth. Moral songs bring devotees closer to Lord Buddha” (tạm dịch: “Hát pháp cho tuổi trẻ. Những bài ca đạo đức đưa Phật tử về gần hơn với Phật”).



Nhạc sĩ Anh Quân cùng con gái Anna trong chương trình Hương sen mầu nhiệm


Ôi, lạ thay, nhạc trẻ Phật giáo với các đêm hòa nhạc của Dinpa G-One có sức cuốn hút hàng ngàn thanh thiếu niên dự, mà chủ đề là đạo đức, là pháp của Phật! Và chắc hẳn năng lực tổ chức phải tốt, công nghệ hiện đại, địa điểm rộng lớn; những yếu tố này chỉ quen thuộc với biểu diễn của những sao ca nhạc giải trí, nhịp điệu quay cuồng, âm thanh dồn dập, khán giả hò hét, dậm dật tay chân. Tôi cũng ngạc nhiên về hiện tượng âm nhạc Phật giáo này diễn ra ở một nước mà Phật giáo theo truyền thống Theravada, trong quá khứ đã không chấp nhận ca nhạc trong sinh hoạt. Những sự kiện đó chỉ có thể hiểu được khi sinh hoạt Phật giáo phải bắt nhịp với thời đại, phải hướng đến thế hệ trẻ, và may mắn thời thế đó sản sinh ra một người nhiệt huyết và tài năng đi tiên phong.

Vấn đề đặt ra ở Thái Lan, tất nhiên cũng là vấn đề của sinh hoạt Phật giáo ở nước ta. Thiền và chốn thiền môn, những hình ảnh cao cả của Phật và Bồ tát, đạo nhiệm mầu của Đức Phật, mối giao hòa của con người và vũ trụ bao la… có tạo cảm hứng nghệ thuật và tâm linh, có được giới nghệ sĩ trải nghiệm sâu xa hay không, thì đó là tùy duyên đối với từng người. Dầu cho nhạc giải trí với thị hiếu dễ dãi và tầm thường, với công nghệ đồ sộ và ảnh hưởng ngoại lai, có sức hấp dẫn tuổi trẻ và đang lấn lướt thị trường, các nghệ sĩ chân chính, hơn ai hết, chắc chắn sẽ dùng tài năng và thiên chức của mình để góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, hài hòa với thiên nhiên, dung hợp với những tiến bộ của thời đại, mà vẫn gần gũi với giới trẻ. Mong sao những nghệ sĩ Phật tử tài năng của chúng ta cùng đồng cảm với nghệ sĩ G-One của Thái Lan để trước hết thấm nhuần hương Đạo bao la, từ đó sáng tác và biểu diễn nhạc cho thế hệ trẻ, với các hình thức trẻ trung, dịu dàng, hầu làm cho từ bi và trí tuệ tỏa bóng mát khắp nơi nơi; đồng thời cũng mong sao các cơ quan giáo hội, Gia đình Phật tử, các câu lạc bộ Phật tử,… chọn lọc, phổ biến và trình diễn các bài ca Phật giáo có khả năng thu hút giới trẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ sân khấu đơn giản của hội trại cho đến những chương trình đại lễ quy mô. Và thật vô cùng lợi lạc cho người biểu diễn và người hưởng thụ khi những ca nhạc sĩ trẻ nổi tiếng, những Phật tử như Anh Quân, Mỹ Linh, Anna, Lan Anh, Khánh Linh, Tùng Dương… trình bày những ca khúc Phật giáo trước thanh niên, sinh viên, học sinh trên nhiều miền của đất nước. Xin chắp tay: “A Di Đà Phật” với các anh chị!
_____________________________ 

1. Nguyên Hiệp, http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?t=1383, ngày 22/1/2009
2. Như trích dẫn trên.
3. Như trích dẫn trên.

Theo: Giác Ngộ


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage