Trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam thực hiện chủ quyền và đóng
giữ 21 đảo, gồm 9 đảo nổi và 12 đảo đá ngầm với 33 điểm đóng quân. Trên
3 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa đã có 3 ngôi Chùa được xây dựng từ những
năm trước, chính thức từ tháng 4 này đã có sư Trụ trì.
Đó là Chùa trên đảo Song Tử Tây do Đại đức Thích Thánh Thành và Thượng tọa Thích Tâm Hiện tiếp quản, trụ trì.
Chùa trên đảo Sinh Tồn do Đại đức Thích Đạo Biện, Đại đức Thích Đức Hỷ tiếp quản, trụ trì.
Chùa trên đảo Trường Sa lớn do Đại đức Thích Giác Nghĩa, Đại đức Thích Ngộ Thành tiếp quản, trụ trì.
Vậy là tháng 4 này, nhân kỷ niệm Đại lễ Phật đản lần thứ 2556, các
ngôi Chùa trên quần đảo Trường Sa sẽ đón một mùa Phật Đản thật đặc biệt.
Hình ảnh bài thơ “Nhớ Chùa” * hiện về trong tôi:
Ôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình
Sau hơn 2 ngày trên biển, tàu HQ 996 đã cập cầu cảng đảo Trường sa
lớn vào lúc 7h sáng ngày 1 tháng 4 Âm lịch. Là một Phật tử, điểm “định
vị” đầu tiên khi đặt chân lên đảo là mái chùa trên đảo Trường Sa.
A Di Đà Phật! Con chào Thầy ạ!
Khi người con Phật vừa cất lên tiếng chào, nhận ra chiếc túi mang
trên người, chiếc áo của CLB thanh niên Phật tử, Đại đức Thích Ngộ Thành
đã sớm nhận ra “người quen”.
Đại đức Thích Ngộ Thành nở một nụ cười ấm cúng! Nụ cười của Thầy, bên
mái Chùa thân thuộc đã tiếp thêm cho chúng tôi nguồn năng lượng tâm
linh kỳ diệu. Trong phút chốc những mệt mỏi trên chặng hải trình như tan
biến.
Đại đức Thích Ngộ Thành cho biết: Đại đức Thích Giác Nghĩa đang cùng
các sư tham gia đoàn cầu siêu cho các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ
bảo vệ biển đảo, các anh hùng bộ đội, ngư dân và chúng sinh tử nạn trên
biển Đông trong 2 ngày; đó là ngày 30 tháng 3 và ngày 1 tháng 4/2012 Âm
lịch. Ngày mai, tức ngày 2 tháng 4 Đại đức Thích Giác Nghĩa sẽ tới đảo
Trường Sa và cùng với Thầy ở lại trông coi, trụ trì ngôi Chùa này.
Bản thân Đại đức Thích Ngộ Thành – một vị tu sĩ trẻ, chưa đầy 30
tuổi, mới đặt chân lên chùa Đảo Trường Sa lớn chưa tới 72h đồng hồ.
Nhưng ngay khi ra đảo, việc đầu tiên mà Thầy làm là chuẩn bị trang hoàng
lại cổng Chùa chuẩn bị đón Lễ Phật đản đàu tiên trên Quần đảo Trường
Sa. Đứng ở mái Chùa giữa biển Đông, chúng tôi có cảm giác thật thanh
bình và ấm cúng.
Khi dâng hương và đỉnh lễ tại Chùa, Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật - Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân dành lời tán thánh “Tuy
mới tiếp quản Chùa được 3 ngày, song Đại đức Thích Ngộ Thành đã làm
quen với môi trường mới rất nhanh, Chùa mới được xây dựng, chưa có nhà
cho Tăng ở và sinh họat riêng, Đại đức ở tạm tại nhà khách của bộ đội,
ăn uống đơn giản chỉ có cơm và đậu phụ, Đại đức khen món đậu phụ trên
đảo rất ngon”.
Quả thật, khi tìm hiểu thực tế, với chúng tôi đó không phải là lời
của nghi lễ xã giao, khi vào thăm các hộ dân trên đảo, chúng tôi thấy
nhà nào cũng có bàn thờ Phật, trên cùng cao nhất là hình ảnh Bồ Tát Quán
Thế Âm, tiếp đến là ban thờ Bác Hồ, thờ gia tiên.
Chiều cùng ngày, trước khi ra tàu để đi sang đảo Trường Sa Đông,
chúng tôi ghé thăm nhà cô giáo Bùi Thị Nhung là cô giáo duy nhất trên
đảo Trường Sa lớn, đã thấy Đại đức qua giúp gia đình làm lễ cúng Phật và
gia tiên, nhân một năm lễ thôi nôi con nhỏ của chị.
Khi trở về đất liền, đúng ngày giải phóng quần đảo Trường Sa
(29/04/1975 - 29/04/2012), Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp Trụ trì Am Thụy Ứng –
Quảng Trị điện thoại và cho biết, khi ra đảo Song Tử Tây ở lại 2 ngày
một đêm trên Đảo và làm đại lễ cầu siêu, Thầy rất ngạc nhiên khi thấy
hình ảnh ông Nguyễn Thanh Sơn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban
NVONN khi làm lễ cầu siêu đã kiên trì ngồi hàng tiếng đồng hồ và đội lễ
trên đầu trong cái nắng chang chang như lửa đốt.
Nếu không có niềm tin tâm linh mãnh liệt, nếu không có sự am hiểu
nghi lễ Phật giáo thì không thể có được những hình ảnh chân thành và cảm
động như vậy.
Có ngẫu nhiên không? Khi cảm xúc đó của Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp tương
phùng với cảm xúc của chúng tôi, về hình ảnh một vị Chuẩn Đô đốc chuyên
về chính trị, tuyên giáo của Ngành Hải Quân tiếp xúc và xưng hô với quý
Thầy như một vị Phật tử thuần thành, chúng tôi rất cảm động, trào dâng
nước mắt.
Đó là điểm gặp gỡ của tinh thần, đúng như Thiền sư Mãn Giác đã từng viết:
"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Hình ảnh đó, để lại cho chúng tôi những ấn tượng không bao giờ quên
về tinh thần nhập thế của đạo Phật trong dòng chảy của lịch sử dân tộc,
hiển hiện trong thực tế sinh động, còn hơn vạn lần lời nói rông dài và
lê thê.
Ra với Trường Sa, chúng tôi những tưởng rằng sẽ mang hơi ấm đất liền
ra sẻ chia cùng các anh, cùng quân và dân trên Đảo. Song, chính các anh
lại tiếp cho chúng tôi niềm tin, niềm tin từ bao đời qua, hôm nay và mãi
mãi về sau, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và biển Đông là phần lãnh thổ
không thể tách rời của Tổ quốc, của đất mẹ Việt Nam.
Ra với Trường Sa, được đón một mùa Phật Đản trên đảo, được gặp các vị
Tăng trẻ của Phật giáo Việt Nam, thấy mài Chùa với lá cờ Phật giáo tung
bay, nào băng rôn, phướn cờ lồng lộng giữa biển Đông, chợt quay về đất
liền và tự hỏi:
Mùa Phật Đản này có ngôi chùa nào trên đất liền không treo cờ Phật Đản?
Có ngôi Chùa nào trên miền cao Tây Bắc, Tây Nguyên, nơi vùng quê hẻo
lánh, nơi đồng bào dân tộc thiểu sổ…vắng bóng các quý Thầy – những vị
Tăng, Ni trẻ?
Nếu chưa. Xin một lần ra đảo Trường Sa…
(*) Chú thích: Bài thơ ‘Nhớ Chùa”, tác giả Hòa thượng, Thiền sư Thích Mãn Giác
Cổng Chùa Trường Sa lớn chuẩn bị đón Phật Đản
Ban thờ Tam Bảo
Đại đức Thích Ngộ Thành đang bao sái bát hương
Chuông chùa Trường Sa
Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật Phó chỉnh ủy Quân chủng Hải Quân đang trò chuyện cùng Đại đức Thích Ngộ Thành
Phật tử Giới Minh chụp ảnh lưu niệm